Home Tin Tức Thời Sự Trung Quốc: Ngân sách quốc phòng năm 2012 tăng mạnh

Trung Quốc: Ngân sách quốc phòng năm 2012 tăng mạnh PDF Print E-mail
Tác Giả: Đức Tâm   
Chúa Nhật, 04 Tháng 3 Năm 2012 17:51

Từ nay đến 2015, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi và có thể lên tới 180 tỷ euro

 

Các đại biểu Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tới quảng trường Thiên An Môn, ngày 04/03/2012, chuẩn bị dự kỳ họp thường niên của Quốc hội
REUTERS

 

Ngày hôm nay, 04/03/2012, Trung Quốc thông báo, ngân sách quốc phòng trong năm 2012 sẽ tăng mạnh. Điều này có thể lại gây lo ngại cho các nước láng giềng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, vào lúc Hoa Kỳ tìm cách tăng cường sự hiện diện quân sự tại đây.

Theo phát ngôn viên Quốc hội Trung Quốc, ông Lý Triệu Tinh, trong năm nay, ngân sách quốc phòng của nước này sẽ tăng 11,2%, lên tới 670,27 tỷ nhân dân tệ, tương đương 80,6 tỷ euro. Quan chức này nhấn mạnh, Trung Quốc là nước có bờ biển dài, nhưng chi phí quốc phòng lại tương đối thấp so với quốc gia quan trọng khác.

Như vậy, tỷ lệ tăng chi phí quân sự của Trung Quốc cao hơn cả mức tăng trưởng 9,2% của tổng sản phẩm nội địa trong năm 2011.

 Theo giới quan sát, điều này cho thấy Bắc Kinh nỗ lực đẩy mạnh chi phí quốc phòng để thu hẹp khoảng cách về mặt quân sự so với Mỹ và Nga.

Vẫn theo phát ngôn viên Quốc hội Trung Quốc, « chi phí quân sự của Trung Quốc năm 2011 chỉ bằng 1,28% tổng sản phẩm quốc nội, trong khi đó, con số này của Hoa Kỳ, Anh Quốc và các nước khác vượt quá 2% » và « chính phủ Trung Quốc tiếp tục tuân thủ nguyên tắc phối hợp phát triển quốc phòng với phát triển kinh tế ».

Giới chuyên gia quân sự thẩm định là ngân sách quốc phòng chính thức của Trung Quốc được công bố thấp hơn chi phí thực tế.

 Ông Lâm Hòa Lập (Willy Lam), thuộc đại học Trung Hoa, ở Hồng Kông, cho rằng « ngân sách thực sự cao khoảng gấp hai lần ».

Theo số liệu chính thức, ngân sách quốc phòng Trung Quốc đã tăng 12,7% năm 2011 và 7,5% năm 2010, nhưng trong hai thập niên qua, tỷ lệ này thường xuyên vượt quá 10% mỗi năm.

Tạp chí chuyên về Quốc phòng Jane’s Defense, được báo Le Monde trích dẫn, có cùng thẩm định: Từ nay đến 2015, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi và có thể lên tới 180 tỷ euro.

Việc Trung Quốc tăng chi phí quân sự có thể lại khuấy động căng thẳng trong vùng tây Thái Bình Dương, nơi mà Bắc Kinh ngày càng tỏ rõ tham vọng với thái độ quyết đoán khẳng định chủ quyền của mình tại những khu vực đang có tranh chấp, đặc biệt là với Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa, với Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia, Đài Loan ở quần đảo Trường Sa.

Ông Đinh Thụ Phạm (Arthur Ding), chuyên gia Viện Quan hệ Quốc tế, đại học Chính trị Đài Bắc bình luận với AFP là « Trung Quốc phải giải thích và cố gắng thuyết phục các nước trong vùng về những lý do cần phải phát triển bộ máy quân sự như vậy ». Bởi vì « các nước trong vùng có thể nêu lý do này để cố gắng củng cố quan hệ với Mỹ ».
Trong bối cảnh cắt giảm ngân sách quốc phòng, Hoa Kỳ chuyển hướng chú ý sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nơi mà sức mạnh của quân đội Trung Quốc ngày càng gia tăng.

Tháng 11 năm ngoái, tổng thống Mỹ thông báo là Hoa Kỳ sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự tại Úc. Đồng thời, Washington cũng dự kiến đưa tàu chiến đến thả neo tại Singapore và nâng quân số tại Philippines, Thái Lan.

 Đối với Bắc Kinh, đây là dấu hiệu của « tâm lý thời chiến tranh lạnh ». Để biện minh cho việc tăng chi phí quốc phòng, Trung Quốc nói là công nghệ quân sự của họ chậm so với Mỹ từ 20 đến 30 năm và việc hiện đại hóa bộ máy quân sự chỉ nhằm mục đích thuần túy « quốc phòng ». Thế nhưng, lập luận này ngày càng không ổn khi mà Trung Quốc tìm mọi cách phát triển các phương tiện mở rộng tầm hoạt động quân sự, như kế hoạch chế tạo máy bay tiêm kích ném bom tàng hình J-20, dự án đóng nhiều hàng không mẫu hạm, chế tạo tên lửa đạn đạo tầm xa có thể tấn công tàu chiến.

Báo Le Monde nhận định, mục tiêu trước mặt của Trung Quốc là bảo vệ vùng biển bao quanh, từ Hoàng Hải cho đến Biển Đông.

 Giao thông hàng hải trong các vùng biển này có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc bảo đảm nguồn cung ứng nguyên nhiên liệu cho Trung Quốc. Còn mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc là nhắm vào Hoa Kỳ, cho dù Bắc Kinh không hề có ý định cạnh tranh sức mạnh quân sự với Washington.

 Nỗi ám ảnh của Trung Quốc là phải đuổi Hoa Kỳ ra khỏi vùng tây Thái Bình Dương mà Bắc Kinh coi là vùng ảnh hưởng của mình.