Khi giáo chủ Iran đối đầu với tổng thống |
Tác Giả: Triệu Phong/Người Việt |
Thứ Sáu, 02 Tháng 3 Năm 2012 21:50 |
“Ahmadinejad và Khamenei đang thèm máu của nhau''
Khi những lời công kích lẫn tán dương thốt ra từ cửa miệng của một diễn giả có bộ râu bạc trắng, vang vọng như lời rao giảng của nghi lễ, trong khi hằng ngàn người Iran tập trung tại trường Ðại Học Tehran hôm 3 Tháng Hai, để dự buổi lễ cầu kinh ngày Thứ Sáu, đánh dấu 33 năm kỷ niệm ngày cách mạng Hồi Giáo của đất nước, Lãnh Tụ Tối Cao Ayatullah Ali Khamenei, người từng chủ tọa buổi lễ như vậy trong suốt 23 năm qua, mạnh lời xỉ vả Israel lẫn Hoa Kỳ, đồng thời tán dương chương trình nguyên tử của đất nước. Những gì ông nói đều được đám đông thính giả ngồi bên dưới tán thưởng nhiệt liệt. Tổng Thống Mahmoud Ahmadinejad đang có một cuộc đối đầu với Giáo Chủ Ayatullah Ali Khamenei. (Hình: Aamir Qureshi/AFP/Getty Images)
Bài diễn thuyết của ông đột nhiên xoay sang cuộc bầu cử nghị viện sắp diễn ra vào ngày 2 Tháng Ba (hôm nay). Ông cảnh cáo: “Các cán bộ đừng mù quáng nghe theo âm mưu lừa phỉnh của kẻ thù. Ứng cử viên nào không được dồn phiếu nên cẩn thận đừng để bị lừa phỉnh như những người thua phiếu (trong cuộc bầu cử tổng thống hồi năm 2009). Tất cả ứng cử viên lẫn những người ủng hộ, đều có trách nhiệm phải bảo đảm an ninh khi trực diện với âm mưu thâm độc của kẻ địch.” Ðây không phải là lời đe dọa nhắm thẳng vào phong trào Xanh của phe chống đối, vốn đã bị cho ra rìa, lãnh tụ của họ bị quản thúc tại gia và hằng trăm người ủng hộ phong trào bị giam giữ. Ðể ngăn sự lập lại những cuộc phản kháng tương tự sau cuộc bỏ phiếu năm 2009, Giáo Chủ Khamenei chĩa mũi dùi thẳng vào người từng một thời là đứa con cưng chính trị của mình, Tổng Thống Mahmoud Ahmadinejad, người đang ngồi trên dãy ghế đầu, dành riêng cho các tay cỡ bự, mặt không lộ một chút cảm xúc. Trong bối cảnh Hoa Kỳ và đồng minh đang gia tăng áp lực đòi hỏi Iran phải ngưng chương trình nguyên tử, cuộc bầu cử diễn ra ở Cộng Hòa Hồi Giáo này đang cho thấy một cuộc xung đột chính trị nội bộ, có tác động đến đường lối Tehran phải theo, để đối phó với các kẻ thù ở nước ngoài. Một mặt, ông Khamenei đang lo củng cố quyền lực một cách thô bạo, mặt khác, Tổng Thống Ahmadinejad, người bao năm vẫn kiên định lập trường chống Tây phương, không muốn hòa hoãn với Hoa Kỳ tí nào. Sự gấp rút đối với tham vọng nguyên tử của Iran gia tăng vào hôm 22 Tháng Hai, khi các phái đoàn thanh tra của Cơ Quan Nguyên Tử Năng Quốc Tế (IAEA) bỏ ngang cuộc kiểm tra, sau khi chính quyền Iran không cho phép họ vào quan sát một căn cứ quân sự, cũng như từ chối không nói rõ vai trò của quân đội trong chương trình nguyên tử đến đâu. Ít người đánh cuộc vào Tổng Thống Ahmadinejad. Ông Karim Sadjadpour, thuộc tổ chức Carnegie Endowment for International Peace, nói: “Iran đã trở thành một hệ thống độc đảng, đảng của ông Khamenei. Ðể dễ được tiến cử vào Quốc Hội, không việc làm nào tốt hơn là lo lấy lòng lãnh tụ tối cao.” Nhưng một khu vực quan trọng trong cơ cấu quyền lực của Tehran đang tỏ dấu hiệu cho thấy có sự bất kham, đó là Vệ Binh Cách Mạng, lực lượng quân sự thống lĩnh cả đất nước Iran, với 120,000 binh sĩ, cũng là cơ quan đang nắm kiểm soát cả một nguồn kinh doanh rộng lớn. Dù lực lượng này không thống nhất một khối, nhưng đã từng được sự ủng hộ của Giáo Chủ Khamenei từ khi ông lên nắm chức lãnh tụ tối cao vào năm 1989. Tuy nhiên, giờ đây, một số tư lệnh Vệ Binh Quốc Gia, đứng trước cảnh quốc tế đang ban ra những biện pháp cấm vận mới, đang gia tăng chỉ trích chính sách “bên miệng hố chiến tranh” của ông Khamenei. Nếu Tổng Thống Ahmadinejad và đồng minh của mình giành được đa số trong 290 ghế nghị viện, một lần nữa, ông sẽ tìm cách xén bớt quyền hành của Giáo Chủ Khamenei, có lẽ ngay cả tạo chính sách cấp tiến, như nói chuyện với Hoa Kỳ, hoặc minh bạch hơn trong cuộc thương thảo về chương trình nguyên tử. Không phải Tổng Thống Ahmadinejad thương mến gì Washington, mà ông chỉ đánh cuộc rằng hầu hết cử tri Iran đều muốn thấy có một sự cải tiến về các quan hệ ngoại giao. Năm 2002, lần thăm dò cuối cùng về chủ đề Iran, thống kê cho thấy 74% người trả lời thăm dò nói họ muốn có quan hệ ngoại giao bình thường. Từ đó, không ai làm lại cuộc thăm dò khác vì người chịu trách nhiệm thực hiện cuộc thăm dò đã bị vào tù. Dù sao thì đó cũng là dấu hiệu cho thấy người dân Iran khao khát làm mới lại quan hệ ngoại giao. Tổng Thống Ahmadinejad nhắc nhở rằng Iran sẵn sàng đối thoại với Hoa Kỳ, gần như trong mỗi cuộc phỏng vấn khi ông trên đường tới New York để dự phiên họp của Liên Hiệp Quốc. Tuy vậy, chính trị gia thận trọng này vẫn không tỏ vẻ nhân nhượng chút nào về chương trình nguyên tử của Iran, một dấu hiệu cho thấy sự nồng ấm của ông đối với Mỹ là để nhắm vào cử tri quốc nội, vốn cũng rất tự hào về chương trình nghiên cứu nguyên tử. Giáo Chủ Khamenei từ lâu vẫn ngăn chận không để Tổng Thống Ahmadinejad vươn ra với Tây phương, e rằng việc này sẽ mang lại cho ông này lợi thế chính trị to lớn ở trong nước. Nếu phe trung thành với ông Khamenei giành được nhiều phiếu hơn trong cuộc bỏ phiếu, điều mà các quan sát viên đều tin tưởng, họ sẽ tiến hành việc bãi chức ông Ahmadinejad trước khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào năm tới. Mohsen Sazegara, thành viên thành lập Vệ Binh Cách Mạng, người đang ủng hộ phong trào Xanh, nhận định: “Ahmadinejad và Khamenei đang thèm máu của nhau. Vòng thân cận của ông Khamenei đang chờ dịp để tấn công ông Ahmadinejad. Ðây là một cuộc đối đầu đáng gờm.” Sự việc xảy ra như thế nào? Dù ông Khamenei ủng hộ mạnh mẽ ông Ahmadinejad sau cuộc bầu cử tổng thống đầy tranh cãi vào năm 2009, khiến Iran bị tê liệt vì những cuộc chống đối, không lâu sau đó, mỗi người đi mỗi ngả. Ông Ahmadinejad táo bạo tìm cách thu hẹp bớt quyền hành của giới tăng lữ, một hành động được xem là đáng nguyền rủa đối với lãnh tụ tối cao. Tổng thống bắt đầu tự vạch chính sách kinh tế lẫn bang giao quốc tế, không cần hỏi ý kiến của giáo chủ. Chuyện xảy ra không lâu trước khi ông Ahmadinejad bắt đầu thanh lọc các tay chân trung thành với ông Khamenei khỏi nội các. Cuộc đụng độ trở thành công khai vào Mùa Xuân vừa qua, khi Tổng Thống Ahmadinejad tìm cách cho Bộ Trưởng Tình Báo Heydar Moslehi nghỉ việc, ông này vốn là một đồng minh thân cận của ông Khamenei. Ông Moslehi liền được Giáo Chủ Khamenei cho phục hồi chức vụ, và Tổng Thống Ahmadinejad tỏ sự bất đồng bằng cách tránh mặt các cuộc họp nội các trong hơn một tuần lễ. Thế rồi sự kiện trở nên kỳ quặc. Số là vào Mùa Xuân vừa qua, phe trung thành với ông Khamenei tố cáo nhiều đồng minh của Tổng Thống Ahmadinejad, trong đó có Tham Mưu Trưởng Quân Ðội Esfandiar Rahim Mashaei, đã dùng phép ma thuật và cầu thần linh, những sinh vật huyền bí hiện hữu ở một thế giới khác. Nhiều người trong nhóm này bị báo chí bảo thủ gán cho tội có “khuynh hướng đi lệch hướng” và bị bắt. Riêng ông Mashaei đang đối diện với án tù vì bị tố có liên hệ đến vụ biển thủ lên đến $2.6 tỉ, được xem là lớn nhất trong lịch sử của Iran. Áp lực chấm dứt. Vào đầu Tháng Hai, Nghị Viện Majlis của Iran đòi Tổng Thống Ahmadinejad đến trình diện vào giữa Tháng Ba, để trả lời về việc không tuân theo lãnh tụ tối cao và về việc quản lý tồi tệ nền kinh tế của cả nước. Ðây là lần đầu tiên một tổng thống đang tại chức bị gọi đến nghị viện để nghe chất vấn. Buổi điều trần để đàn hặc tổng thống có thể được bắt đầu trước khi tân nghị viện mở phiên nhóm đầu tiên vào Mùa Hè này. Trong khi đó, các đồng minh của Tổng Thống Ahmadinejad cũng vẫn tiếp tục bị bố ráp. Tháng rồi, cố vấn báo chí hàng đầu của tổng thống, ông Ali Akbar Javanfekr, bị kết án một năm tù giam vì tội phỉ báng Giáo Chủ Khamenei trong một trang mạng. Ông Javanfekr đang chống án thì vào giữa Tháng Hai lại bị lãnh một bản án sáu tháng tù vì tội danh viết bài báo chỉ trích luật bắt buộc phụ nữ phải mang đồ che kín đầu. Bộ máy kiểm duyệt chính phủ cũng chận không cho truy cập vào một số trang mạng ủng hộ ông Ahmadinejad, một số công khai chế nhạo ông Khamenei. Trước tình cảnh tàn khốc như thế, tay chân của Tổng Thống Ahmadinejad khó lòng mà vận động cho cuộc bầu cử nghị viện. Thật vậy, Hội Ðồng Giám Hộ, một bộ phận của chính phủ có nhiệm vụ xem xét chặt chẽ từng ứng cử viên, đã bác đơn ứng cử của một số người ra tranh cử. Nhiều người ủng hộ Tổng Thống Ahmadinejad quay sang cải danh thành các liên danh khác, ra tranh cử với tính cách độc lập. Ông Mehdi Khalaji, một thành viên cao cấp của Viện Nghiên Cứu Sách Lược Vùng Cận Ðông ở Washington, nhận định: “Bộ Tình Báo cùng các cơ quan an ninh khác rất nhạy cảm về ‘các xu thế đi lệch hướng’. Những người ủng hộ ông Ahmadinejad khó lòng công khai ra ứng cử, ngoại trừ phải dùng một cách luồn lách nào đó.” Ðồng minh của Tổng Thống Ahmadinejad chỉ có thể công khai ứng cử ở các thành phố nhỏ cùng các vùng thôn quê, nơi tổng thống vẫn giữ được nhiều cảm tình. Ngoài ra, ông Ahmadinejad cũng dùng chiến thuật chính trị để củng cố sự hậu thuẫn chính trị, đó là cho tiền. Hồi Tháng Mười Hai, 2010, chính phủ của ông Ahmadinejad phát động một chương trình rộng rãi nhằm cắt bớt phụ cấp vào xăng dầu, thực phẩm, cùng các nhu yếu phẩm khác. Sau đó, chính phủ dùng số tiền tiết kiệm được này để trả về cho người dân Iran, khoảng $20 mỗi đầu người mỗi tháng, tuy không là bao đối với thành thị nhưng đáng kể đối với vùng nông thôn nghèo khó. Ông Fereydoun Khavand, một chuyên gia về Iran, đang dạy kinh tế tại Ðại Học Ren Descartes ở Paris, nhận xét: “Một số vùng nghèo nhất trong xã hội Iran trở nên hoàn toàn sống nhờ vào những phụ cấp này. Người dân ở đây tự cảm thấy mình mang ơn mắc nợ với ông Ahmadinejad, khiến họ có thể bỏ phiếu cho ông trong cuộc bầu cử.” Về phần mình, Giáo Chủ Khamenei có thể trông cậy vào sự trung thành của người dân Iran sùng đạo, những người xem ông như là lãnh tụ của thế giới Hồi Giáo. Trong số những người ủng hộ cốt cán của ông có hàng ngàn người trẻ trong tổ chức Basij, tổ chức dân quân hành động như tay chân của lãnh tụ tối cao. Dân quân Basij từng đóng một vai trò quan trọng trong cuộc đàn áp những người chống đối thuộc phong trào Xanh hồi năm 2009, và chắc chắn sẽ được dùng đến nếu có rối ren trở lại trong cuộc bầu cử kỳ này. Thù ghét Mỹ là cột trụ nền tảng của cuộc cách mạng Hồi Giáo dưới con mắt nhóm cực kỳ bảo thủ này. Ông Khamenei thừa biết, mọi sự tiếp cận với Washington của ông đều làm mất sự ủng hộ của họ dành cho ông. Dù sao, Iran cũng đang ở trong cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, mà cả hai ông Ahmadinejad lẫn Khamenei đều không có khả năng nhắc nhở đến. Giá trị đồng riel mất còn phân nửa so với đồng đô la Mỹ trong tháng qua, giá thịt tăng gần gấp ba lên đến gần $30/kg, và giá trà tăng gấp đôi. Trong mấy tuần qua, các công ty Iran trễ hạn trong việc thanh toán tiền mua hàng ngàn tấn gạo lẫn ngũ cốc. Trong cơn tuyệt vọng, chính quyền Iran đề nghị trao đổi hàng hóa với một số công ty, đặc biệt ở Ấn Ðộ, nơi dầu và vàng sẽ được đổi lấy thực phẩm, để né tránh lệnh cấm vận. Mọi sự rồi ra sẽ còn tồi tệ thêm, khi Liên Âu bắt đầu thi hành lệnh cấm mua dầu của Iran, có hiệu lực từ Tháng Bảy sắp đến. Ðể trả thù, Tehran tuyên bố sẽ ngưng bán dầu cho Anh và Pháp. Tuy nhiên, hai nước này vốn chỉ mua dầu của Iran ở mức tối thiểu. Lệnh cấm vận không những thế cũng ảnh hưởng đến cả Vệ Binh Cách Mạng, lực lượng quân sự làm chủ nhiều ngành kinh doanh, từ sản xuất xe hơi đến đồ điện tử lẫn khai thác mỏ thiếc. Hồi Tháng Giêng, ông Hossein Alai, cựu chỉ huy cao cấp của hải quân Vệ Binh Cách Mạng, trong một đề mục chưa hề thấy viết trước đây và được đăng trong nhật báo Etelaat, ghi nhận sự tương đồng về tình hình Iran hiện nay với những ngày trước khi chế độ Shah bị sụp đổ. Ông Sazegar, một cựu chỉ huy của Vệ Binh Cách Mạng, nói: “Có những phe phái trong nội bộ của Vệ Binh Cách Mạng đang hết sức bất mãn về sự cấm vận kinh tế. Ông Khamenei hiểu được mối hiểm nguy này. Con dao lần này đã cắm phập đến tận xương tủy, và thật sự là một mối đe dọa đối với nền Cộng Hòa Hồi Giáo.” Dù đấu đá bên trong, chế độ vẫn duy trì một mặt trận thống nhất chống lại sự đe dọa gây chiến của Thủ Tướng Benjamin Netanyahu của Israel và điệp khúc của Tòa Bạch Ốc là “mọi chọn lựa đều nằm trên bàn thương thuyết”. Chiến thắng trong ngày 2 Tháng Ba chỉ làm sâu đậm thêm sự đề kháng của áp lực từ bên ngoài, nếu không muốn nói phe bảo thủ của ông Khamenei càng to mồm thêm mà thôi. Nếu khiêu khích được một cuộc tấn công, lãnh tụ tối cao sẽ được hưởng lợi khi lôi kéo được cả nước tập hợp quanh ông vì tinh thần ái quốc. Ông Marwan Muasher, cựu bộ trưởng ngoại giao của Jordan, nhận xét: “Một cuộc tấn công vào Iran chỉ làm cho chế độ đang giẫy chết sống lại.” |