Dân cư tại chỗ đang rất lo lắng, vì con sông là nguồn sống chủ yếu của họ
Chài lưới trên sông Brahmaputra. Reuters
Dòng sông lớn Brahmaputra ở miền đông bắc Ấn Độ bắt nguồn từ Tây Tạng, bỗng dưng bị cạn nước không rõ lý do.
New Delhi nghi ngờ là Bắc Kinh có trách nhiệm trước hiện tượng trên.
Hôm nay 02/03/2012 Trung Quốc đã lên tiếng cho rằng đập thủy điện được xây dựng tại nước này không ảnh hưởng gì đến lưu lượng của sông Brahmaputra.
Dòng sông Brahmaputra bắt nguồn từ dãy núi Himalaya ở gần thủ phủ Lhassa của Tây Tạng, dài 2.900 km từ miền đông nam Tây Tạng đến Trung Quốc, Ân Độ và Bangladesh. Tại mỗi nước, con sông này được gọi theo một tên khác nhau. Ở Tây Tạng, được gọi là sông Yarlung Tsango, khi chảy vào bang Himachal Pradesh của Ấn Độ thì tên sông trở thành Siang, còn khi đến Bangladesh thì được gọi là sông Jamuna. Dân biểu Tako Dabi của bang Himachal Pradesh hôm qua đã cho AFP biết, lưu lượng của dòng sông hiện nay chỉ còn 40% so với trước đây. Ông nói : « Thật là sốc khi phát hiện ra sông Siang đang bị cạn nước, có thể nhìn rõ các vùng cát tại phần lớn lòng sông, gần thành phố Pasighat. Chúng tôi nghi ngờ Trung Quốc là nguyên nhân khiến dòng sông bỗng dưng bị cạn nước như thế. Có thể là họ đã xoay chuyển dòng chảy của con sông, hoặc là đã chặn mất dòng chảy ở nơi nào đó trên thượng nguồn ».
Theo dân biểu này, thì dân cư tại chỗ đang rất lo lắng, vì con sông là nguồn sống chủ yếu của họ. Vấn đề này đã được nêu ra nhân chuyến viếng thăm Ấn Độ của Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì. Hôm qua hai Ngoại trưởng Ấn Độ và Trung Quốc đã gặp gỡ trước khi bước vào hội nghị thượng đỉnh các quốc gia mới trỗi dậy thuộc nhóm BRICS, để nêu ra các vấn đề liên quan đến quan hệ giữa đôi bên vốn không mấy suông sẻ. Riêng về vấn đề sông ngòi, New Delhi luôn lo ngại việc Bắc Kinh làm xoay chuyển dòng chảy của các con sông bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng chảy sang Ấn Độ, hay là việc xây dựng các đập thủy điện làm giảm thiểu lưu lượng của các con sông này. Hôm qua, ông Dương Khiết Trì đã trấn an Ngoại trưởng Ấn Độ S.M.Krishna là, « Các tấm ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy không có hoạt động trữ nước nào từ phía chính quyền Trung Quốc ».
Còn hôm nay, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố, đập thủy điện Tàng Mộc được xây dựng vào năm 2010 tại khúc sông Brahmaputra chảy qua Tây Tạng, không làm ảnh hưởng đến lưu lượng của dòng sông này tại Ấn Độ. Ông Hồng Lỗi nói rằng : « Nhằm đáp ứng cho nhu cầu của Khu tự trị Tây Tạng, Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng đập thủy điện Tàng Mộc vào năm 2010, tại đoạn giữa của sông Yarlung Tsangbo (tên Tây Tạng của sông Brahmaputra). Đập này công suất không lớn, và không trữ thêm nhiều nước, nên không làm ảnh hưởng đến lưu lượng của dòng sông ở vùng hạ lưu cũng như đến môi trường. Dự án này của chúng tôi không gây tác động đến các vùng nằm ở hạ lưu, kể cả Ấn Độ ». Cũng theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, thì nhìn chung, Trung Quốc rất ít sử dụng đến con sông. Ông Hồng Lỗi nói thêm, Trung Quốc đã thông tin cho Ấn Độ về việc xây dựng đập thủy điện Tàng Mộc, và phía Ấn đã tỏ ra thông cảm. Dòng sông Brahmaputra đã tạo nên vùng châu thổ thuộc loại phì nhiêu nhất cho vùng Bengale phía Ấn Độ và tại Bangladesh, và là một trong những khu vực có mật độ dân cư đông nhất hành tinh.
Vùng sinh thái của dòng sông trên lãnh thổ Ấn Độ cũng là nơi được loài voi chọn làm nơi sinh sống nhiều nhất, và đặc biệt có nhiều tê giác một sừng nhất thế giới.
|