Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báp Pháp Quốc Ngày 28-02-2012

Điểm Báp Pháp Quốc Ngày 28-02-2012 PDF Print E-mail
Tác Giả: Thụy My   
Thứ Ba, 28 Tháng 2 Năm 2012 12:43

Các nước vùng Vịnh tăng phúc lợi xã hội để tránh « Mùa xuân Ả Rập » 

 
Một cửa hàng trong thương xá Al Hayatt ở Ryad, Ả Rập Xê Út. Ảnh chụp ngày 15/02/2012.
REUTERS/Fahad Shadeed

 

Các quốc gia vùng Vịnh gia tăng phúc lợi xã hội để tránh « Mùa xuân Ả Rập », đó là tựa đề một bài viết trên nhật báo Le Monde.

Tờ báo cho biết, một năm sau khi phong trào « Mùa xuân Ả Rập » bắt đầu nổi dậy, các nước vùng Vịnh vẫn tỏ ra cảnh giác.

 Không còn có việc vung tay quá trán những món tiền khổng lồ, có nguy cơ làm cho dân chúng nổi giận.

Abu Dhabi nay ngần ngại trước việc mua về câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng Manchester City.

Dubai cũng do dự chưa muốn lao vào xây dựng những hòn đảo nhân tạo, còn Qatar thì chùn tay trước dự định đầu tư vào nhãn hiệu xe hơi sang trọng Porsche.

Tất cả những quốc gia trên đây đều nỗ lực giảm bớt tình trạng bất bình đẳng, trong khi mắt dán chặt vào giá dầu thô trên thị trường, vì chi tiêu công bùng nổ.
 
Tại Ả Rập Xê Út, đất nước quan trọng trong khu vực với 27 triệu dân và sản lượng dầu kỷ lục, chính quyền đã hành động ngay từ đầu năm 2011, vì tình hình là khẩn cấp.

Khoảng cách giữa người giàu và người nghèo rất rõ tại vương quốc này, và thiểu số người theo hệ phái Hồi giáo Shia vẫn là nguồn gây xung đột quan trọng.

Ryad đã bổ sung thêm 130 tỉ đô la nữa cho giáo dục, y tế và các vấn đề xã hội, trong khi ngân sách ban đầu là 155 tỉ đô la.
 
Tăng lương 100%, cấp thực phẩm miễn phí cả năm …
 
Ả Rập Xê Út quyết định cho xây thêm nửa triệu nhà ở xã hội và cho tăng lương, tuyển thêm 60.000 công chức cho Bộ Nội vụ.

Còn ngân sách cho năm 2012 thì đạt mức kỷ lục, trong đó giáo dục và y tế luôn được ưu tiên. Chính phủ trợ cấp cho những người thất nghiệp - tỉ lệ chính thức là 10%, nhưng đối với thanh niên thì lên đến từ 30 đến 40%, còn các công ty ngoại quốc buộc phải áp dụng quota tuyển dụng lao động trong nước.
 
Nếu Oman thành công trong việc tái lập yên bình với việc tăng lương và tuyển dụng thêm công chức, thì ở Bahrein lại khác.

 Một nhà kinh tế của Bank of America Merrill Lynch nhận định : « Cho dù đã tăng lương 30%, sự căng thẳng vẫn âm ỉ sau các cuộc nổi dậy đã bị dập tắt nhờ sự hỗ trợ của Ả Rập Xê Út. Không biết rồi sẽ ra sao ».
 
Tại các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (EAU), Qatar và Koweit, thì chủ yếu là các biện pháp dự phòng.

Đây là những nước nhỏ có dân số ít, hiện chưa có vấn đề gì, nhưng các hoàng gia tại đây vẫn tỏ ra quan tâm đến chất lượng cuộc sống của các thần dân hơn.
 
Một nhà kinh tế của ngân hàng Société Générale cho biết : « Tại các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, lương công chức các ngành tư pháp, y tế và giáo dục năm ngoái đã tăng từ 35% đến 100%, còn lương hưu của quân nhân vừa được tăng 70%.

Ngoài ra một kế hoạch ba năm trị giá 1,6 tỉ đô la vừa được đưa ra để giảm bớt bất bình đẳng xã hội nhất là ở miền bắc ».

 Còn tại Dubai, nơi có dân số đa dạng nhất trong bảy tiểu quốc này, một quỹ 2,7 tỉ đô la đã được thành lập để giúp những người thu nhập thấp.
 
Ở Koweit, năm ngoái các công dân nhận được món tiền thưởng 3.600 đô la/người, và được cấp thực phẩm miễn phí trong suốt một năm.

 Tại Qatar, lương công chức được tăng 60%, và quân nhân được ưu ái đặc biệt với lương bổng tăng đến 120%. Nếu Qatar không đợi đến « Mùa xuân Ả Rập » để phát triển cơ sở hạ tầng và khí đốt, thì nay lại đưa ra một kế hoạch 100 tỉ đô la đầu tư vào mọi lãnh vực nhất là giáo dục, với tham vọng trở thành trung tâm đại học của khu vực.
 
Le Monde đặt câu hỏi, liệu các quốc gia vùng Vịnh có khả năng gia tăng chi ngân sách nhiều đến thế hay không ?

Tờ báo cho rằng đối với các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Qatar và Koweit thì không thành vấn đề nhờ có nguồn dầu hỏa dồi dào và ít dân.

Nhưng ngược lại, Ả Rập Xê Út có khó khăn hơn, nhất là lại đang tài trợ cho nhiều nước Ả Rập như Ai Cập và Jordanie. Đó là lý do khiến mới đây Bộ trưởng Dầu hỏa nước này tỏ ý mong muốn giá dầu thô được giữ ở mức 100 đô la/thùng.
 
Nhưng kinh tế thế giới đang trì trệ, nhu cầu của Mỹ và châu Âu đang giảm đi, thậm chí Trung Quốc và Ấn Độ sắp tới cũng có thể giảm. Le Monde dẫn lời một chuyên gia về các nước Ả Rập cho rằng hiện thời Ryad có thể chịu đựng được, nhưng trong trung hạn thì khó trụ được dài lâu.
 
Thông tin về vụ mưu sát Putin nhằm mục đích chính trị ?
 
Liên quan đến vụ mưu sát ông Putin, thông tín viên nhật báo Le Figaro tại Matxcơva nhận định, trong thời điểm chỉ còn mấy ngày nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Nga, việc loan báo phá vỡ âm mưu ám sát Putin do người Tchetchnia tiến hành khiến người ta phải đặt ra nghi vấn.
 
Bài báo cho biết, phóng sự dài 4 phút được phát trên đài truyền hình nhà nước Piervyi Kanal của Nga rất giàu hình ảnh nhưng không có ngày tháng cụ thể, do FSU tức cơ quan an ninh Ukraina quay.

Nghi phạm người Tchetchnia, Adam Osmaev xuất hiện với khuôn mặt đầy những vết cắt, đôi bàn tay bị thương tích, và lời khai cũng không rõ ràng.
 
Phát ngôn viên của ông Putin xác nhận thông tin, nhưng không cho biết thêm chi tiết.

Cơ quan an ninh Ukraina khẳng định đây là âm mưu nhắm vào Putin, còn an ninh liên bang Nga FSB thì hoàn toàn im lặng.

 Theo nhà báo Irina Borogan, đồng tác giả cuốn sách « Những người thừa kế của KGB » thì đây là lần đầu tiên một thông tin như thế được đưa lên một đài truyền hình chuyên tuyên truyền cho nhà nước.

Trong khi bình thường thì phải thông qua các kênh thông tin chính thức của FSB hoặc FSO, cơ quan bảo vệ các yếu nhân Nga.

Như vậy, ở đây có một quyết định chính trị nhằm khai thác sự kiện này trong thời điểm tranh cử.
 
Le Figaro cho biết thêm, từ năm 2000 đến nay cơ quan tình báo Nga cho biết đã phát hiện bảy vụ mưu toan ám sát ông Putin, nhưng không có vụ nào được đưa ra xét xử công khai cả.
 
Xe hơi Hồng Kỳ của Mao Trạch Đông được tái sinh
 
Nhìn sang Trung Quốc, nhại lại một câu nói được cho là của Napoléon đệ nhất « Quand la Chine s'éveillera, le monde tremblera  - tạm dịch :

''Khi Trung Hoa tỉnh giấc, thế giới sẽ rung chuyển », phụ trang kinh tế của Le Figaro có bài viết mang tựa :« Tại Trung Quốc, khi chiếc xe hơi của ông Mao tỉnh giấc, thế giới của Audi rung chuyển ».

 Tờ báo cho biết, hiệu xe sang trọng của Đức sẽ phải cạnh tranh với một nhãn hiệu vừa hồi sinh: xe Hồng Kỳ thời Mao Trạch Đông trước đây.
 
Bóng ma của người cầm lái vĩ đại sắp tới sẽ quay lại trên các đường phố Bắc Kinh.

 Chính quyền Trung Quốc vừa làm sống dậy chiếc xe loại limousine mang tên Hồng Kỳ được sản xuất lần đầu tiên năm 1958 dành riêng cho Mao chủ tịch. Bắc Kinh đã quyết định cho sản xuất 30.000 chiếc xe Hồng Kỳ C131 ngay từ năm tới, và đây sẽ là xe công vụ dành cho các bộ trưởng, nhằm chứng tỏ sự độc lập và sức mạnh của ngành công nghiệp xe hơi Trung Quốc.
 
Việc hiệu xe Hồng Kỳ « tái xuất giang hồ » sẽ thúc đẩy nhiều viên chức cao cấp từ bỏ chiếc Audi công vụ, để chứng tỏ sự trung thành với chế độ và để không bị ảnh hưởng tới đường công danh.

Cuộc « cách mạng văn hóa » này sẽ khiến nhà sản xuất xe Audi của Đức, hiện đang chiếm 30% thị trường xe công vụ tại Trung Quốc, được ước tính khoảng 16 tỉ đô la.
 
"The Artist" mang lại vinh quang cho điện ảnh Pháp
 
Thắng lợi vang dội của bộ phim Pháp The Artist với năm giải Oscar giành được, đã khiến các nhật báo phát hành tại Paris hôm nay dành nhiều trang báo để đề cập đến sự kiện này.
 
Le Monde đưa tựa trên trang nhất « Pháp ca khúc khải hoàn tại Hollywood » với tấm ảnh diễn viên Jean Dujardin giơ cao tượng vàng Oscar.

 Nhật báo cánh hữu Le Figaro dành hẳn bốn trang báo và bài xã luận, tờ báo chạy tựa « The Artist, các lý do làm nên thắng lợi tại Hollywood ».

Libération chơi chữ « The Artist, cocoricoscars », ngụ ý gà trống Pháp gáy vang trong giải Oscar.

Cũng đưa tấm ảnh Jean Dujardin đang vui mừng với bức tượng Oscar lên trang đầu, nhật báo công giáo La Croix chạy tựa « Hoan hô Artist ».

 Tờ báo cộng sản L’Humanité quan tâm đến « Các vòng nguyệt quế dành cho Jean Dujardin ».

 Nhật báo kinh tế Les Echos thì chú ý đến khía cạnh « Các giải Oscar mở ra cho The Artist một cuộc sống thứ hai huy hoàng hơn ».

Bài xã luận của Le Figaro mang tựa đề « Nước Pháp của Dujardin » cho rằng người diễn viên vừa đoạt giải nam tài tử xuất sắc nhất, cũng là biểu tượng cho sức sống vừa tìm lại được của điện ảnh Pháp.
 
Trong năm ngoái, các bộ phim « made in France » đã thu hút đến 215 triệu lượt người xem, đây là một con số chưa từng thấy kể từ năm 1967 cho đến nay.

Một số người cho rằng sở dĩ The Artist được người Mỹ trao giải là nhờ đã vinh danh cho chính nền điện ảnh Mỹ, và do là phim câm …

Nhưng theo Le Figaro, nhận định như thế là đánh giá thấp hoạt động lobby của nhà phân phối Mỹ, vốn đã biết khai thác các ưu điểm của Jean Dujardin : sáng tạo, chân thật và giản đơn, cái duyên tự nhiên của anh đã thu hút được khán giả Hoa Kỳ.
 
Thông tín viên của nhật báo La Croix tại California đã thử phân tích chiến thuật đã đưa đến thành công cho bộ phim này, cho rằng nhà sản xuất Harvey Weinstein đã thành công trước thử thách.
 
Đầy kinh nghiệm với lịch sử 260 lần đề cử và 86 giải Oscar cho các bộ phim được lăng-xê từ trước đến nay, ông Weinstein khi mua lại quyền khai thác phim The Artist tại Cannes hồi tháng Năm, đã có ý định đưa bộ phim đi xa, rất xa.

Kinh nghiệm « chinh chiến » của ông đã giúp một bộ phim Gô-loa gần như là một vật thể lạ ngoài hành tinh đến với cơn mưa giải Oscar danh giá.
 
Các nhân vật chính trong ê-kíp đã cam kết luôn sẵn sàng trong giai đoạn quảng bá bộ phim, cho đến tận hôm trao giải.

 Ban đầu chỉ được chiếu tại 4 rạp, cuối cùng bộ phim được trình chiếu tại cả ngàn rạp trên toàn nước Mỹ.

 Báo chí Mỹ dành cảm tình cho các diễn viên dễ mến như Jean Dujardin, và nhất là diễn viên bốn chân là chú chó Uggie - một con chó bị chủ ruồng bỏ, rốt cuộc được một người dạy thú đem về nuôi rồi trở thành diễn viên - một mô-típ được người Mỹ yêu thích.
 
Còn các điểm mạnh khác theo Le Figaro, tuy bộ phim rất « Tây » nhưng lại được diễn đạt bằng một ngôn ngữ toàn cầu, đó là ngôn ngữ của im lặng.

Ngay cả cái tựa của bộ phim cũng là bằng tiếng Anh - The Artist thay vì L’Artiste, một câu chuyện kể về thời vàng son của Hollywood, được quay ngay tại một phim trường lịch sử là Red, với các nghệ sĩ và kỹ thuật viên Mỹ.
 
Các tựa chính khác của báo Pháp

Về chính trị nước Pháp, tờ báo cánh hữu Le Figaro lý giải « Việc Tổng thống Sarkozy tuyên bố tái tranh cử đã thay đổi những gì ».

Theo tờ báo, thì sự kiện này đã làm tăng tỉ lệ được lòng dân của ông Sarkozy lên, và phân định rõ lưỡng cực tả hữu.

Nhật báo cộng sản L’Humanité nhận định « Nông dân buộc phải bầu cho cánh hữu » theo như truyền thống, thế nhưng ở trang trong tờ báo cho là « Việc bầu phiếu của giới nông dân cắm rễ ở cánh hữu, nhưng đang gieo mầm bên cánh tả ».

Nhật báo thiên tả Libération đặt vấn đề « Sau vụ DSK, cần minh bạch đến đâu ? ».

 Tờ báo giới thiệu cuốn sách « Tình dục, dối trá và truyền thông » mà tác giả là phóng viên Jean Quatremer của Libération, đã khơi lại cuộc tranh luận về cuộc sống riêng tư của các chính khách.

 Về kinh tế xã hội, nhật báo công giáo La Croix băn khoăn « Có nên chấm dứt chính sách tuần làm việc 35 giờ ? ». Còn tờ báo kinh tế Les Echos quan tâm đến « Giá dầu lại tăng, làm cho cả hành tinh lo ngại ».