Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 27-02-2012

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 27-02-2012 PDF Print E-mail
Tác Giả: Trọng Thành   
Thứ Hai, 27 Tháng 2 Năm 2012 14:35

Qatar : những tham vọng thái quá của một tiểu quốc

  
Quốc vương Qatar Hamad bin Khalifa al-Thani trước phiên khai mạc hội nghị Quốc tế về Jerusalem tại Doha (Qatar), 26/02/2012.
REUTERS/Mohammed Dabbous

 

Le Monde hôm nay đặc biệt chú ý đến trường hợp Qatar, vương quốc Hồi giáo nhỏ bé bên bờ vịnh Persique, qua hồ sơ mang tên : « Qatar mua lại thế giới », với nhận định : đầu tư ra khắp thế giới, tiểu vương quốc này tìm cách khẳng định vị trí của mình trong thế giới Ả Rập ; nhưng thái độ can thiệp quá mức của quốc gia này cùng một lúc gây nên những thích thú và lo ngại.

Bài « Qatar : những tham vọng thái quá của một tiểu quốc », trong Phụ trương Địa - Chính trị của Le Monde, mở đầu với cảnh Quốc vương Qatar hội kiến với thị trưởng Paris ngày 23/06/2009, trực thăng bay lượn trên bầu trời Paris, cảnh sát trực chiến trong tình trạng căng thẳng để bảo vệ an ninh cho các khách mời Qatar.

Chủ đề của cuộc hội đàm là các đầu tư của Qatar vào Paris, vào thời điểm tiểu quốc này đã có chân trong các tập đoàn lớn của châu Âu như Porsch, Suez hay ngân hàng Baclays.

Với diện tích 11.500 km², 1,7 triệu dân, trong đó 85% là dân nhập cư, đất nước nhỏ bé này, theo nhận định của Le Monde có uy lực của « một con voi ma mút » về phương diện ngoại giao và kinh tế.

Dựa vào một nền công nghiệp chế biến dầu khí thuộc vào loại tiên tiến nhất thế giới, Qatar tiến hành một chính sách can thiệp trên rất nhiều lĩnh vực.

Trong thời gian gần đây, không chỉ giành được quyền tổ chức Giải vô địch Bóng đá Thế giới 2022 và mua lại câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng của Pháp PSG, Qatar còn đầu tư vào nhiều mỏ vàng ở Hy Lạp (trị giá 1 tỷ đô la), mua lại 5% ngân hàng Santander (Brazil), một cơ sở tài chính lớn nhất ở Nam Mỹ, góp 1 tỷ đô la vào một quỹ đầu tư ở Indonesia, …

Cùng lúc với các đầu tư tài chính khắp nơi, Qatar cũng đi đầu trong việc ủng hộ các phong trào dân chủ trong thế giới Ả Rập, với việc gửi các máy bay Mirage và các lực lượng đặc biệt chiến đấu bên cạnh quân nổi dậy Libya và tuyên bố chống lại bạo chúa Damas, Bachar al-Assad.

Để hiểu được các động lực thúc đẩy tiểu quốc này trong cuộc chiến khẳng định vị thế của mình.

Le Monde đưa độc giả trở lại thời kỳ quốc vương Hamad Ben Khalifa Al-Thani mới lên nắm quyền năm 1995, sau khi lật đổ chính cha mình đang công du ở nước ngoài lúc đó. Một trong những quyết định quan trọng đầu tiên của quốc vương mới là thành lập mạng truyền hình vệ tinh Al-Jazira vào năm 1996. Cơ sở truyền thông mới này là phương tiện gây ảnh hưởng của nền ngoại giao Qatar.

Năm 2003, Qatar mở thêm cánh cửa về phương Tây, với việc cho phép Hoa Kỳ lập căn cứ không quân lớn nhất của mình tại tiểu quốc, để sử dụng trong các hoạt động quân sự tại Irak và Afghanistan.

Qatar cũng là nước tiếp nhận các thành viên đối lập thuộc xu thế Hồi giáo cực đoan, chống lại nhiều chế độ đương quyền trong khu vực Ả Rập. Ngay cả tiếng nói của Oussama Ben Laden - kẻ thù số một của Hoa Kỳ - cũng được phát đi từ đài Al-Jazira.

Le Monde nhận định, thái độ liên minh với đủ loại đối tác này của Qatar có mục đích giữ thế cân bằng giữa Iran với Ả Rập Xê Út, và đặc biệt là bảo đảm lưu thông không gián đoạn qua eo biển Ormuz, nơi Qatar xuất khẩu khí đốt ra ngoài.

Tầm ảnh hưởng của Qatar có thế đã dừng lại ở đó, nhưng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008 đã mang lại một cơ hội mới cho tiểu quốc này.

Giai đoạn thăng tiến mới nhất của êkíp nắm quyền Qatar gắn với các sự biến trong Mùa Xuân Ả Rập 2011.

Theo bình luận của Le Monde, nhà độc tài Hamad của Qatar không yêu thích gì nền dân chủ, nhưng tham vọng muốn đứng về bên nắm lẽ phải của Lịch sử, đặc biệt là sự bất lực của các nước Ả Rập, đã khuyến khích tiểu quốc này « nhảy lên đoàn tàu cách mạng ».

Ảnh hưởng của Qatar còn kéo dài được bao lâu ?

Câu hỏi đặt ra là ảnh hưởng của nền ngoại giao business của Qatar còn kéo dài được bao lâu ?

Theo Le Monde, một ngày sắp tới sẽ có lúc « chiếc tên lửa Qatar », được khát vọng của một cá nhân và các ngẫu nhiên của lịch sử đẩy lên tới đỉnh cao, sẽ phải quay trở lại mặt đất.

Hiện tại thái độ can thiệp quá mức của tiểu quốc này đã gây ra nhiều phản đối. Tháng Giêng vừa qua, hàng nghìn người Tunisia đã lên án Qatar đồng lõa với Hoa Kỳ trong việc ủng hộ lực lượng Huynh đệ Hồi giáo Ai Cập.

Trước đó vài ngày, tiểu vương Qatar đã bị người đồng nhiệm Mauritania tức giận đuổi đi, sau khi đề nghị chính quyền Mauritania làm việc với đối lập theo xu thế Hồi giáo cực đoan.

Sắp tới Qatar sẽ phải tổ chức kỳ bầu cử Quốc hội vào năm 2013, trong đó xu thế Hồi giáo siêu bảo thủ Salafiste có thể sẽ không chấp nhận điều hành đất nước cùng với phe cánh của các cổ động viên bóng đá nhiệt thành.

Bên cạnh đó, không thể loại trừ nguy cơ đảo chính. Nhà chính trị học Fatiha Dazi Héni kết luận : « Gia đình quốc vương Al-Thani khó lòng tránh khỏi hậu quả của một cú boomerang - gậy ông đập lưng ông ».

Lần đầu tiên cử tri Iran bầu cử Quốc hội, sau cuộc đàn áp 2009

Cũng liên quan đến vùng Trung Cận Đông, cuộc bầu cử 290 ghế trong Majlis (tức Quốc hội Iran) ngày 02/03 tới được Le Monde chú ý. Trong khi đối lập kêu gọi tẩy chay cuộc bầu cử này, thì ngay trong nội bộ giới cầm quyền cũng có sự chia rẽ.

Lần đầu tiên, kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo 1979, tổng thống Iran sẽ phải ra giải trình trước Quốc hội mới, đặc biệt về những yếu kém về mặt chính sách kinh tế. Tổng thống Iran thậm chí có thể bị phế truất, nếu bị đa số nghị sĩ bỏ phiếu chống, trước khi kết thúc nhiệm kỳ vào đầu năm 2013.

Cuộc bầu cử Quốc hội Iran diễn ra trong bối cảnh căng thẳng dâng cao với cộng đồng quốc tế trong hồ sơ hạt nhân và khả năng chiến tranh bùng nổ với Israel và Mỹ. Nếu như về chủ đề hạt nhân, hầu hết các nhóm phái chính trị Iran, kể cả đối lập, đều chủ trương bảo vệ quyền của Teheran làm giàu uranium vì mục tiêu dân sự, thì trong tương quan chiến lược quân sự với Phương Tây, các phe của tổng thống Mahmoud Ahmadinejad và giáo chủ Ali Khameni đều ủng hộ một thỏa thuận với Phương Tây nhằm giảm bớt căng thẳng.

Chỉ có một nhóm quân sự cực đoan trong chính quyền là kiên quyết duy trì tình trạng căng thẳng, đặc biệt với việc ủng hộ chính quyền al-Assad ở Syria.

Chế độ hiện hành tại Iran lo ngại trước sự phẫn nộ của dân chúng đối với các khó khăn kinh tế, trong bối cảnh Phương Tây gia tăng trừng phạt kinh tế. Teheran lo sợ sự phản kháng của dân chúng còn hơn cả đối lập.

Các vụ bắt bớ trong giới công đoàn đầu năm nay, mà tổ chức nhân quyền HRW lên tiếng tố cáo, là một bằng chứng. Trong khi đó, sự nở rộ của các mạng lưới buôn lậu, trong bối cảnh cấm vận, có khả năng làm lay chuyển toàn bộ hệ thống quyền lực của nước Cộng hòa Hồi giáo.

Càng gần đến ngày bầu cử 04/03, đối lập Nga càng gia tăng sức ép

Như chúng tôi đã đưa tin, cuộc biểu tình chống Putin ngày hôm qua 26/02/2012 tại thủ đô nước Nga đã huy động khoảng 30.000 người tham gia, với khẩu hiệu chính thức :

« Không để Putin vào điện Kremlin ». Trong bối cảnh, nhiều người cho rằng phong trào đối lập đang hụt hơi, thì cuộc biểu tình lớn hôm qua tại Matxcơva cho thấy, càng gần đến ngày bầu cử tổng thống, đối lập càng gia tăng sức ép.

Theo Le Figaro, những người biểu tình đã nối nhau suốt 16 cây số trong vòng 1 tiếng rưỡi đồng hồ, chỉ với những chiếc rubăng trắng, dấu hiệu đoàn kết của đối lập, mà không cần biểu ngữ, khẩu hiệu.

Một trong những người tổ chức cuộc biểu tình không chính thức này, nhà báo Serguei Parkhomenko, cho biết : Phương thức hành động này mang tính cách mạng, vì không tập trung vào người lãnh đạo nào, chính nhờ vậy mà phong trào không thể nào bị nhấn chìm.

Đêm trước cuộc biểu tình, trên trạng mạng « Nhà báo công dân », có lời kêu gọi những người biểu tình tuân thủ trật tự giao thông, tránh mọi xung đột với cảnh sát. Trên thực tế, cuộc biểu tình đã diễn ra suôn sẻ.

Mặc dù, theo kết quả các điều tra dư luận, ông Putin sẽ chiến thắng ngay trong vòng đầu, nhiều người trong cuộc khẳng định, sẽ có nhiều biến động lớn từ đây cho đến khi ông Putin chính thức đăng quang.

Ngày 08/03, lãnh đạo Mặt trận Cánh tả Serguei Odaltsov cho biết sẽ có biểu tình với 500.000 người tham gia.

Nạn săn voi ở Camerun

Theo Libération, kể từ đầu năm đến nay, hàng trăm con voi đã bị giết tại khu bảo tồn thiên nhiên Bouba Ndjida, miền bắc Camerun, giáp biên giới với Cộng hòa Tchad.

Được biết, trước làn sóng diệt voi khủng khiếp năm nay, khu bảo tồn có khoảng từ 600 đến 800 con. Dù con số voi bị giết còn cần phải được kiểm định, nhưng trong thời điểm hiện tại, những kẻ săn voi vẫn tiếp tục hoành hành trong khu bảo tồn rộng 220.000 hecta này. Vào giữa tháng 2, sáu binh sĩ người Tchad đã bị những kẻ săn voi hạ sát bằng súng.

Những kẻ săn voi lợi dụng các khu vực không được kiểm soát của khu bảo tồn bắt đầu tổ chức các cuộc xâm nhập từ mùa khô, tức các tháng 10-11.

Trang bị quân phục, nói tiếng Ả Rập, di chuyển bằng ngựa, đôi khi thành từng nhóm tới 50 người, những kẻ săn voi không lưỡng lự dùng súng để bắn trả lực lượng bảo vệ. Những ngà voi thu được họ chuyển về bằng lạc đà sang Tchad, trước khi được chuyển đi nước khác, chủ yếu là sang Trung Quốc.

Theo Libération, để tránh nạn săn voi trở nên nghiêm trọng hơn, cộng đồng quốc tế phải cương quyết bác bỏ việc dỡ bỏ lệnh cấm buôn bán ngà voi, được ấn định từ năm 1989.

Hiện tại, ở Châu Phi còn có khoảng 500.000 voi, so với 5 triệu con vào những năm 1930. Theo tổ chức NGO Trafic, 23 tấn ngà voi buôn lậu đã bị tịch thu vào năm 2011. Còn theo một nhà hoạt động môi trường khác, cách duy nhất để chấm dứt các cuộc thảm sát voi là dập tắt nhu cầu về ngà voi, đặc biệt tại Châu Á.

Trang nhất các báo Pháp

Le Figaro lưu ý đến sự việc ngôi nhà của ông trùm Al-Qai Ben Laden bị chính quyền Pakistan phá hủy, vì lo ngại sẽ trở thành địa điểm thu hút khách du lịch.

Về kinh tế thế giới, Les Echos ghi nhận : « Xe hơi : thành công vang dội của hãng Volkswagen ». Với 15,4 tỷ euro lãi năm 2011, công ty ô tô Đức đã ghi được kỷ lục trong lịch sử ngành xe hơi thế giới.

Cuộc bầu cử tổng thống Pháp là tiêu điểm của hầu hết các nhật báo Pháp. Le Figaro chạy tựa « Sarkozy – Hollande : cuộc đối đầu trực tiếp », với nhận định, tổng thống Pháp chủ trương đối mặt trực tiếp với ứng cử viên đảng Xã hội, để thoát ra ngoài chương trình tranh cử chống Sarkozy của đảng Xã hội.

Libération thì nhấn mạnh đến « Các vùng ngoại ô hoàn toàn bị quên lãng », là chủ đề mà hai ứng cử viên tổng thống chính đều không coi là trọng tâm của cuộc tranh cử.

Tờ La Croix dẫn lời của ứng cử viên cánh trung François Bayrou, qua tựa đề « Đề xuất ‘‘một hiệp ước dân chủ’’ của F. Bayrou », với sáng kiến tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc đạo đức hóa đời sống công, nếu ông trúng cử, trong khi đó tờ l’Humanité dẫn lời thủ lĩnh công đoàn Bernard Thibault nói với những người làm công :

« Hãy sử dụng tất cả các phương tiện mà bạn có trong tay ! ». Tuyên bố này được đưa ra trước Ngày hành động Châu Âu chống lại chính sách kinh tế khắc khổ 29/02/2012.