Họ tố cáo những nguy hại của dự án này đối với sức khỏe người dân và môi trường
Người Malysia biểu tình ngày 26/02/2012 chống nhà máy đất hiếm tại Kuantan, cách thủ đô Kuala Lumpur 250 cây số. REUTERS/Bazuki Muhammad
Hôm nay, 26/02/2012, hơn 5.000 người, đa số mặc quần áo mầu xanh, đã tuần hành ở thành phố duyên hải Kuantan, thuộc bang Pahang, miền đông Malaysia, để phản đối nhà máy xử lý đất hiếm.
Họ tố cáo những nguy hại của dự án này đối với sức khỏe người dân và môi trường. Tại đây, tập đoàn khai thác quặng mỏ Úc Lynas gần như kết thúc việc xây dựng nhà máy xử lý đất hiếm, với nguồn nguyên liệu được nhập từ Úc.
Những người biểu tình giương cao biểu ngữ : « Hãy chấm dứt ô nhiễm, chấm dứt tham nhũng, hãy ngăn chặn nhà máy Lynas hoạt động ». Theo AFP, Lynas sẽ là một trong những nhà máy hiếm hoi trên thế giới xử lý quặng đất hiếm, nguyên liệu cần thiết cho việc chế tạo các sản phẩm công nghệ cao, từ tên lửa cho đến điện thoại di động, xe hơi điện … Đầu tháng Hai này, cơ quan quản lý sản xuất năng lượng nguyên tử Malaysia đã cấp giấy phép tạm thời cho nhà máy được hoạt động trong thời hạn hai năm, với các điều kiện rất chặt chẽ về an toàn. Tuy nhiên, một trong những người tổ chức cuộc biểu tình ngày hôm nay cho biết : « Nhà máy rất nguy hiểm vì cơ sở này sản xuất ra một khối lượng lớn chất thải phóng xạ ». Lãnh đạo phe đối lập, cựu phó thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim, cũng tham gia cuộc biểu tình. Một trong những cộng sự của ông cho rằng nhà máy cần phải di chuyển đến một khu vực sa mạc. Cảnh sát Malaysia được triển khai ở nhiều nơi, nhưng không ngăn cản cuộc tụ tập này. Nhiều cuộc biểu tình phản đối có quy mô nhỏ hơn, đã diễn ra ở một số khu vực khác, kể cả ở thủ đô Kuala Lumpur. Trong khi đó, tin tặc đã tấn công trang web của nhà máy Lynas và treo khẩu hiệu : « Hãy chấm dứt hoạt động của Lynas, hãy cứu đất nước Malaysia ». Về phần mình, tập đoàn Úc trấn an rằng nhà máy sẽ hoạt động và tuân thủ các quy định chặt chẽ về an toàn, các chất thải có cường độ phóng xạ thấp, không nguy hiểm đối với sức khỏe con người. Theo một số thẩm định, cho đến nay, Trung Quốc chiếm tới 97% sản lượng đất hiếm toàn thế giới, trong lúc nước này chỉ có khoảng 1/3 trữ lượng toàn cầu. Việc khai thác và xử lý đất hiếm tại Trung Quốc gây ra nhiều thiệt hại đối với môi trường và cư dân. Nhằm phá thế độc quyền của Trung Quốc, từ hơn một năm nay, một số quốc gia tìm cách đa dạng hóa nguồn cung ứng nguyên liệu này.
|