Hiệp Ước Mậu Dịch Xuyên Thái Bình Dương: Việt Nam có lợi nhiều nhất |
Tác Giả: Người Việt |
Thứ Bảy, 25 Tháng 2 Năm 2012 17:31 |
Tỉ lệ thất nghiệp những tháng gần đây ở Hoa Kỳ tuy giảm xuống nhưng còn rất cao HÀ NỘI (NV) - Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất trong số các nước thảo luận thành lập Liên Minh Tự Do Mậu Dịch Xuyên Thái Bình Dương khi tăng xâm nhập được thị trường Hoa Kỳ đối với nhiều thứ hàng hóa, như hàng dệt may.
Demetrios Marantis, phụ tá đại diện thương mại Hoa Kỳ, phát biểu như vậy trong cuộc họp báo ở Hà Nội hôm Thứ Sáu. Hiện Hoa Kỳ và Việt Nam đang thảo luận các điều kiện để Việt Nam gia nhập Hiệp Ðịnh Ðối Tác Chiến Lược Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương (Trans Pacific Strategic Economic Partnership gọi tắt là TPP). Vòng đàm phán thứ 11 sẽ được họp ở Melbourne, Úc, từ ngày 1 đến 19 tháng 3, 2012. Theo ông Marantis, giới đầu tư ngoại quốc sẽ đổ xô tới Việt nam khi thấy có nhiều cơ hội tốt đẹp hơn khi Việt Nam trở thành thành viên của TPP. “Sự thử thách cho các chuyên viên đàm phán là có thể nhận ra những gì có lợi cho cả hai nước.” Marantis nói. “Chúng tôi nhìn thấy những khó khăn trong lãnh vực (thương thuyết hạn ngạch) hàng dệt may vốn là hàng xuất cảng quan trọng của Việt Nam, trong khi đối với Hoa Kỳ, đây là lãnh vực nhạy cảm.” Kỹ nghệ dệt may Hoa Kỳ áp lực rất mạnh đối với chính phủ để hạn chế hàng dệt may từ Việt Nam để bảo vệ kỹ nghệ nội địa. Dù vậy, hàng dệt may của Việt Nam xuất cảng sang Hoa Kỳ hiện nay đứng hàng thứ hai chỉ sau có Trung Quốc. Ðầu tư ngoại quốc trực tiếp vào Việt Nam hai tháng đầu năm 2012 chỉ đạt được $1.23 tỉ USD, giảm mất 54.5% so với cùng thời gian này của năm ngoái. Chính phủ Obama đang thương thuyết với 9 nước trên thế giới với hy vọng thành hình được TPP trong năm nay. Khi mới khởi sự thương thuyết năm 2010, Hoa Kỳ chỉ dự trù có 4 nước là Brunei, Singapore, Chili và New Zealand. Sau hội nghị APEC ở Honolulu năm 2011, Hoa Kỳ mời thêm 5 nước nữa là Malaysia, Việt Nam, Úc, Peru và Nhật Bản. Mậu dịch hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ năm 2011 là $21.8 tỉ USD, theo thống kê của Bộ Thương Mại Hoa Kỳ. Theo một số nhà bình luận hiệp định TPP còn được coi như một hàng rào ngăn cản sự bành trướng của Trung Quốc. Hiệp định TPP có mục đích hạ giảm hầu hết các loại thuế quan xuống bằng 0% trong giai đoạn 10 năm. Bản hiệp định này còn dự trù góp phần giải quyết các vấn đề như vai trò của các doanh nghiệp nhà nước trong thương mại, chính sách của các chính phủ, quản lý chuỗi cung cấp hàng hóa giữa các nước... Trong khi Âu Châu đang bối rối với cuộc khủng hoảng nợ công, chính phủ Obama nhìn thấy khu vực Á Châu Thái Bình Dương là vùng có thể giúp Hoa Kỳ gia tăng xuất cảng và gia tăng việc làm. Tỉ lệ thất nghiệp những tháng gần đây ở Hoa Kỳ tuy giảm xuống nhưng còn rất cao. Một viên chức Tòa Bạch Ốc, Mike Froman, tin rằng Hoa Kỳ sẽ có những cơ hội tốt hơn để xuất cảng máy bay, trang bị kỹ nghệ, y tế, nông nghiệp và các ngành khác. Một số nhà phân tích thời sự tin rằng nếu gia nhập TPP, Việt Nam và các nước ASEAN khác sẽ có lợi thế hơn, đỡ bị Trung Quốc khống chế. (TN)
|