Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 25-02-2012

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 25-02-2012 PDF Print E-mail
Tác Giả: Minh Anh   
Thứ Bảy, 25 Tháng 2 Năm 2012 17:09

Ông Putin tự phong là đấng cứu tinh của nước Nga

Một cuộc biểu tình ủng hộ ông Putin 18/02/2012 (REUTERS)

 

Còn 10 ngày nữa là đến kỳ bỏ phiếu bầu tổng thống tại Nga. Báo Le Monde đặc biệt nhận thấy rằng chủ đề chính tranh cử lần này được ứng cử viên Vladimir Putin, đương kim Thủ tướng Nga đưa ra lại là « chiến tranh ».

Bài báo cho rằng ông « Putin đang tự phong mình là vị cứu tinh của một nước Nga đang bị bao vây ».

 Le Monde nhắc lại rằng ngày 23/02 vừa qua là ngày lễ của « người bảo vệ Tổ quốc ».

 Mười ngày trước ngày bầu cử, từ ngữ « chiến tranh » dường như là chủ đề trọng tâm trong chiến dịch tranh cử. Thậm chí, đài truyền hình nhà nước còn cho phát lại những đoạn phim nhắc lại vụ tấn công của Đức quốc xã vào tháng 06 năm 1941.
 
Chỉ có điều mỗi ứng viên sẽ chọn cho mình một sự kiện lịch sử khác nhau để gây sự chú ý của cử tri.

Ông Guennadi Ziouganov, ứng viên đảng Cộng sản Nga thì chọn cuộc chiến Koursk năm 1943.

Trong khi đó, ứng viên đảng nước Nga thống nhất, đương kim Thủ tướng Nga hiện nay, lại chọn chiến thắng của Borodino trước đội quân của hoàng đế Pháp Napoléon năm 1812.
 
Le Monde cho biết, trước 100 ngàn người tham dự mít-tinh được cho chở bằng xe buýt, bằng tàu hay máy bay, ông Putin lấy lại hình ảnh « một tòa thành đang bị vây hãm » nhằm thuyết phục công chúng rằng ông ta là vị cứu tinh duy nhất, dám đối mặt với một vụ tấn công sắp xảy đến.

Việc Putin hô hào rằng « Chúng ta chính là những người bảo vệ Tổ quốc », khiến cho báo Le Monde phải tự hỏi « Nước Nga đang có chiến tranh ? », nhưng « chống lại ai vậy ? » để rồi tờ báo cũng không biết « kẻ thù » là ai nữa.
 
Một kẻ thù vô hình đang đe dọa nước Nga. Putin nói : « Chúng ta không để cho bất cứ kẻ nào can dự vào chuyện nội bộ của chúng ta ».

 Putin còn trích dẫn bài thơ Borodino của tác giả Mikhail Lermontov. Bởi lẽ năm nay đánh dấu sự kiện 200 năm chiến thắng Borodino của Nga chống lại quân Napoléon.

Thậm chí, trong chiến dịch tranh cử, để lập luận cho việc tái trang bị vũ khí đất nước, Putin đã nhắc lại vụ Đức quốc xã xâm lược ngày 22/06/1941.
 
Theo nhận xét của Le Monde, đối tượng cử tri mà ông Putin muốn nhắm đến chính là những người bảo thủ ở các vùng nông thôn, do tại các thành phố lớn, ông đang bị các tầng lớp trung lưu và trí thức phản đối mạnh mẽ.

Le Monde cho rằng ông Putin đang chơi trò sợ hãi và chứng cuồng ám, khi cho rằng đất nước đang bị kẻ thù vây hãm. Kẻ thù đó chính là phe đối lập, vốn được phương Tây nuôi dưỡng để gây bất ổn trong nước.

Đa phần công chúng đến dự mit-tinh tại sân vận động Loujniki là công nhân đến từ vùng Siberi, vùng núi Ural, và vùng viễn Đông. Le Monde cho rằng, nội dung bài diễn văn quá quen thuộc, bởi vì ông ta đang sử dụng một hình mẫu lý tưởng từ thời Xô-viết : sự cao cả, tường thành bị vây hãm, đội quân thứ năm.
 
Cuối cùng, Le Monde trích nhận định của một nhà xã hội học Nga, cho rằng việc ông Putin sử dụng tầng lớp công nhân để chống lại tầng lớp trung lưu ở thành thị là một ván cờ nguy hiểm, ngay cả cho chính quyền đương nhiệm. Và một đương nhiên nữa là, một khi « Sa hoàng Putin » tái đắc cử, mọi cuộc biểu tình của phe đối lập sẽ bị cấm trong các thành phố lớn.
 
Mỹ và Bắc Triều Tiên nối lại đàm phán ở Bắc Kinh
 
Liên quan đến các cuộc thương thuyết đang diễn ra giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên, bắt đầu từ hôm thứ năm 23/02 vừa qua nhằm bàn việc nối lại đàm phán đa phương về chương trình hạt nhân Bắc Triều Tiên, báo Le Monde nhận định rằng qua các cuộc thảo luận lần này, có dấu hiệu cho thấy thái độ chấp nhận của Bắc Triều Tiên, sau khi ông Kim Jong-il qua đời.
 
Theo Philippe Pons, tác giả bài nhận định, các buổi bàn thảo đầu tiên có dấu hiệu khả quan.

 Ông Glyn Davies, phái viên của Mỹ đánh giá là có « tính xây dựng », còn phía Bắc Triều Tiên, ông Kim Kye-gwan thì cho rằng nội dung « khá phong phú ». Tuy nhiên ông Glyn Davies cũng cho rằng tiến trình đàm phán sẽ còn rất dài.
 
Le Monde nhắc lại rằng các cuộc thương thuyết lần này là phần tiếp nối của các đợt thảo luận hồi năm 2011, xung quanh việc « ngưng chương trình làm giàu chất uranium, đổi lại Mỹ sẽ trợ giúp lương thực », vốn bị đình trệ lại do tang lễ của cố lãnh đạo Kim Jong-il.
 
Tác giả cho rằng, đợt thương thuyết trực tiếp lần này là bước mở đầu cho việc nối lại đàm phán sáu bên (gồm Trung Quốc, hai miền Nam – Bắc Triều Tiên, Mỹ, Nhật và Nga), bị ngưng lại từ năm 2009. Cho rằng Hoa Kỳ có thái độ « thù nghịch », Bắc Triều Tiên đã tự ý rút ra khỏi vòng đàm phán và cho tiến hành vụ thử hạt nhân thứ hai.
 
Theo các chuyên gia Mỹ, thì Bắc Triều Tiên sở hữu hai cơ sỏ hạt nhân. Một chuyên sản xuất chất plutonium (chất phóng xạ cho phép các vụ thử hạt nhân ) và một cơ sở làm giàu chất uranium. Tuy nhiên, một vị giáo sư tại đại học Stanford, Hoa Kỳ đánh giá rằng chương trình làm giàu chất uranium Bắc Triều Tiên còn tiến xa hơn chương trình của Iran.
 
Ngoài việc yêu cầu ngưng chương trình làm giàu chất uranium dưới sự giám sát của quốc tế, phía Mỹ còn đề nghị phải cải thiện các mối quan hệ liên Triều, vốn bị xuống cấp trầm trọng kể từ khi ông Lee Myung-Bak lên cầm quyền. Điển hình là vụ đánh đắm tàu chiến Hàn Quốc và vụ pháo kích lên đảo Yongpyong làm thiệt mạng tổng cộng 50 người.
 
Tuy nhiên, theo quan sát của tác giả, dù tuyên bố sẵn sàng nối lại đàm phán sáu bên, nhưng Bắc Triều Tiên chưa bao giờ chứng tỏ thiện chí từ bỏ chương trình hạt nhân. Ngược lại, Bắc Triều Tiên luôn tuyên truyền là sẽ đưa đất nước lên ngang hàng với các « cường quốc hạt nhân ».

Thế nhưng, các chuyên gia về Bắc Triều Tiên tại Séoul nghĩ rằng, do đang tìm cách củng cố vị thế của người kế vị trẻ tuổi, chính quyền Bình Nhưỡng có thể tỏ ra mềm dẻo hơn một chút trong đàm phán để đạt được sự trợ giúp của Mỹ, nhằm giảm thiểu bớt nỗi khổ nhọc của người dân.
 
Bắc Kinh buộc phải tiếp nhận người tỵ nạn Bắc Triều Tiên
 
Cũng liên quan đến tình hình thời sự tại Đông Á, Libération chú ý đến vấn đề người tỵ nạn Bắc Triều Tiên tại Trung Quốc. Theo bài báo, « Bắc Kinh buộc phải tiếp nhận người tỵ nạn ».
 
Số phận của hơn 30 người tỵ nạn Bắc Triều Tiên giờ đây nằm trong tay của chính quyền Trung Quốc. Hôm qua, thứ sáu 23/02/2012, Cao ủy tỵ nạn Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi Bắc Kinh không nên cưỡng bức hồi hương số người người tỵ nạn này.

Tuy nhiên, theo Libération, không có gì chứng tỏ chính quyền Bắc Kinh, vốn dĩ không ưa thích hành động do áp lực, lại nghe theo lời đề nghị của Liên Hiệp Quốc.
 
Trước đó, đã có 9 người tỵ nạn bị trao trả lại cho phía Bắc Triều Tiên, bất chấp lời kêu gọi của các tổ chức phi chính phủ quốc tế (ONG), các nhà đấu tranh và các nghị sĩ Hàn Quốc.

Bắc Kinh đã xem những người này là di dân kinh tế, cho rằng « họ đã xâm nhập lãnh thổ bất hợp pháp, nên không được xếp vào diện tỵ nạn chính trị ». Theo Bắc Kinh, điều này hoàn toàn phù hợp với Hiệp ước mà Trung Quốc đã ký với Liên Hiệp Quốc liên quan đến quy chế tỵ nạn vào năm 1982.
 
Theo Libération, vấn đề ở đây không chỉ là một cuộc tranh luận pháp lý đơn giản. Bởi vì, một khi số người này được trả về nước, sau khi bị thẩm vấn nhiều giờ, số người này có nguy cơ sẽ bị kết án tù lao động khổ sai hay bị chuyển đến một trong 6 trại tù chính trị.

Tệ hơn nữa, chính quyền còn sáng chế ra một tội danh « tội đồng lõa », cho phép kết án cả gia tộc của người tỵ nạn. Thế nhưng, tờ NK nhật báo của Hàn Quốc lại e sợ rằng có lẽ chính quyền Bình Nhưỡng đã cho hành quyết một số người trong số những người bị bắt.
 
Liberation nhận định, kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 12 năm rồi, nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un tỏ ra cứng rắn đối với những người đào thoát.

Cuối cùng, Libération đưa ra con số thống kê cho biết mỗi năm Trung Quốc trao trả cho Bắc Triều Tiên từ 4000 đến 5000 người. Đồng thời, ước tính trung bình mỗi năm cũng có khoảng 3000 người Bắc Triều Tiên chạy thoát qua được Hàn Quốc.
 
Điện thoại thông minh thế hệ mới tại hội chợ Barcelona
 
Trong lĩnh vực kinh tế, Le Figaro số ra hôm nay, sẽ mang đến cho những ai yêu thích điện thoại thông minh một thông tin hấp dẫn.

Hội chợ triển lãm điện thoại di động (Mobile World Congress) sắp đến tại Barcelona (Tây Ban Nha) lần này sẽ trình làng nhiều mẫu điện thoại thông minh mới với kích thước lớn hơn, nhưng với nhiều chức năng được cải thiện tốt hơn.
 
Le Figaro nhận xét điểm hẹn lần này không thể nào bỏ qua được. Nó cho thấy rõ xu hướng sử dụng điện thoại thông minh trong năm nay.

 Điểm đáng chú ý nhất là sự gia tăng cỡ màn hình của chiếc điện thoại, hầu như đều lớn hơn 10cm, gần như là một tiêu chuẩn. Dĩ nhiên, là theo Le Figaro, với kích cỡ này, nó không mấy tiện để nhét trong túi quần jean. Tuy nhiên, những chiến điện thoại đời mới này lại có thể đáp ứng được hầu như mọi nhu cầu mới nhất là về hình ảnh và quay phim.
 
Theo Le Figaro, theo từng nhu cầu thị hiếu mà người tham dự hội chợ sẽ thấy rõ mục tiêu phát triển của từng thương hiệu. Ví dụ, HTC hay Sony chú trọng đến chất lượng hình ảnh, qua việc nâng cao chất lượng vật kính, hệ thống bình ổn bộ phận quang học và độ phân giải của màn hình.
 
Bên cạnh đó, các thương hiệu điện thoại thông minh cũng quan tâm đến các chức năng chia sẻ hình ảnh trên các mạng xã hội như Facebook hay Twitter. Nhờ vào kích cỡ màn hình lớn, các chiếc smartphone này sẽ biến thành những màn hình di động. Hệ quả là chất lượng âm thanh cũng phải được cải tiến. Người sử dụng có thể không cần đến các thiết bị hỗ trợ như tai nghe hay các thiết bị tiếp nhận khác nhờ vào chất lượng tuyệt vời của loa.
 
Ngoài ra, để thu hút lượng khách hàng trẻ, các nhà sản xuất còn trưng bày nhiều kiểu điện thoại với giá cả phù hợp với túi tiền, mẫu mã và màu sắc đa dạng phong phú. Một ứng dụng khác cũng được các nhà sản xuất chú ý đó là chức năng « ví tiền điện tử ». Người sử dụng smartphone như là một thẻ ngân hàng, hay thẻ đi tàu xe hay thẻ khách hàng v.v…
 
Như vậy, với con số « hơn 6 tỷ người sử dụng điện thoại di động trên toàn cầu », đây cũng chính là hàng tít lớn trên trang nhất phụ san kinh tế của Le Figaro, hội chợ smartphone tại Barcelona lần này cho thấy một thị trường smartphone đầy hứa hẹn cho các nhà sản xuất.

 Các chuyên gia ước đoán thị trường điện thoại smartphone năm nay sẽ bùng nổ với những chiếc điện thoại với mức giá chưa tới 100 đô-la. Như vậy, sẽ ít nhất có khoảng 500 triệu chiếc sẽ được tung ra trên thị trường trong năm nay.