Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 22-02-2012

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 22-02-2012 PDF Print E-mail
Tác Giả: Minh Anh   
Thứ Tư, 22 Tháng 2 Năm 2012 12:16

Miến Điện phải bảo đảm chiến dịch tranh cử của đối lập


Lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi trong một chuyến đi vận động tranh cử tại Pyapon, Irrawady, hôm 17/02/2012.
REUTERS/Soe Zeya Tun

 

Bầu cử tự do đầu tiên tại Miến Điện là đề tài thời sự quốc tế được báo Le Monde số ra hôm nay quan tâm.

Trong bài viết « Vận động tranh cử, chính quyền Miến Điện buộc phải bảo đảm cho phe đối lập », tờ báo cho biết để chứng tỏ thiện chí mở cửa chính trị, chính quyền Miến Điện phải bảo đảm sự minh bạch trong tiến trình bầu cử.

 Hôm thứ hai 20/02 vừa qua, phe đối lập tại Miến Điện đã tố cáo chính quyền vẫn cho áp dụng nhiều lệnh cấm trong khi cuộc vận động tranh cử đang diễn ra cho bầu cử bổ sung vào tháng Tư sắp đến.

Phát ngôn viên của bà Aung San Suu Kyi, lãnh tụ đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD), đảng đối lập chính tại Miến Điện đã cáo buộc chính phủ « thọc gậy bánh xe », cản trở các ứng viên tổ chức tiến hành tranh cử.
 
Phe đối lập đã đưa ra hai ví dụ điển hình minh chứng rằng chính quyền mới vẫn áp dụng các biện pháp từ thời chế độ quân sự.

Đầu tháng Hai vừa qua, bà Aung San Suu Kyi buộc phải hủy bỏ một buổi mit-tinh tại Mandalay vì chính quyền địa phương đã viện dẫn lý do là nơi mà bà dự kiến đến nói chuyện quá chật hẹp.

 Ví dụ thứ hai, chính quyền bang Kachin, nơi vẫn đang diễn ra các cuộc xung đột đẫm máu giữa quân đội và quân du kích, đã từ chối không cho phe đối lập sử dụng sân đá bóng để vận động tranh cử.
 
Trước những lời cáo buộc, chính quyền của tổng thống Thein Sein đã có những phản ứng ngay tức thì, minh họa một lần nữa thực tâm cải cách chính trị của chính phủ, khi tuyên bố rằng chính phủ « đã dỡ bỏ mọi lệnh cấm đề ra » và cho phép ứng cử viên Aung San Suu Kyi của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân được tự do vận động tranh cử. Một động thái mà Le Monde cho rằng vẫn còn khá thận trọng so với thực tế .
 
Theo giải thích của báo Le Monde, chính quyền lần này phản ứng nhanh chóng là vì hiện nay nhiều phái đoàn nước ngoài đang có mặt tại Miến Điện và bước đầu đang hé lộ cho thấy triển vọng của việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt. Vì vậy, chính quyền Naypyidaw muốn né tránh mọi sự đi trệch hướng.
 
Le Monde cho biết, cách thức mà chế độ mới phải đảm bảo sự minh bạch tiến trình bầu cử, qua việc bà Aung San Suu Kyi sẽ được giữ một ghế trong Nghị viện, thậm chí là bộ trưởng trong thành phần nội các, sẽ được cộng đồng quốc tế quan sát kỹ, cho dù đây chỉ là bầu cử bổ sung.

Mặt khác, Miến Điện cũng dự định cho phép sự hiện diện của các quan sát viên đến từ các nước lân cận, theo như thông báo của tổng thư ký Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) hôm thứ ba 21/02 vừa qua.
 
Le Monde nhận định rằng những lệnh cấm do đảng NLD cáo buộc cũng không chứng tỏ được rằng đấy là một chiến lược do chính phủ đề ra nhằm làm suy yếu phe đối lập. Theo lời giải thích của một tổ chức phi chính phủ tại Miến Điện, các quyết định do chính quyền địa phương đưa ra chưa hẳn là đến từ chính quyền trung ương.
 
Tuy nhiên, theo Le Monde, điều cần phải hiểu là trong một hệ thống chính trị vẫn còn đen tối, thì không có gì có thể bảo đảm những ý đồ thật sự của một hệ thống chính quyền mà đa phần được hình thành từ các cựu tướng lãnh.

 Một số nhà phân tích vẫn khẳng định rằng có sự đấu tranh « ngầm » giữa những người theo xu hướng « cứng rắn » và những người theo xu hướng « cải cách » ở hậu trường.

 Cũng theo các nhà phân tích, lối thoát cho trận chiến này vẫn còn chưa tỏ, nhưng trước mắt, nó có thể cản trở tổng thống Thein Sein, một người rất thực tế, sử dụng hết khả năng của mình để có thể thúc đẩy con tàu cải cách.
 
Việc sắp tới đây chính quyền Miến Điện sẽ cho xét xử nhà sư Gambira, một nhân vật tiêu biểu cho phong trào cách mạng « áo cà sa » năm 2007, về tội « chiếm chùa » bất hợp pháp đã nuôi dưỡng thêm những mối nghi ngờ.
 
Những người tỵ nạn Bắc Triều Tiên không mong đợi tại Bắc Kinh
 
Nhìn sang Đông Á, nhật báo thiên hữu Le Figaro lại quan tâm đến số phận những người tỵ nạn Bắc Triều Tiên đang bị chính quyền Bắc Kinh bắt giữ.

Trong bài viết đề tựa « Những người tỵ nạn Bắc Triều Tiên không được mong đợi tại Bắc Kinh », Le Figaro cho biết là số phận của khoảng 30 người Bắc Triều Tiên chạy trốn khỏi đất nước, giờ đây như chỉ treo mành.
 
Theo Le Figaro, mạng sống của khoảng 30 người Bắc Triều Tiên phụ thuộc hoàn toàn vào chính quyền Bắc Kinh. Những người này đã bị chính quyền Thẩm Dương, thuộc tỉnh Liêu Ninh Trung Quốc bắt giữ hôm 12/02 vừa qua.

Đây là đợt truy bắt những người nhập cư trái phép Bắc Triều Tiên lớn nhất kể từ khi Kim Jong-un lên nắm quyền. Ông này đã ban hành một cuộc chiến không thương tiếc chống lại làn sóng tỵ nạn, với sự hợp tác chặt chẽ của Bắc Kinh.

Le Figaro trích lời nhận định của người thân của một trong số các nạn nhân thì « nếu chính quyền Bắc Kinh trao trả số người xin tỵ nạn này về nước, thì chắc chắn là họ sẽ bị chế độ hành quyết để làm gương ».

Lần này, chính quyền Hàn Quốc, với sự hậu thuẫn ngầm của Mỹ, đã lên tiếng mạnh mẽ, chính thức đề nghị Trung Quốc phớt lờ thỏa thuận buộc hồi hương những người nhập cư trái phép dưới danh nghĩa « nhân đạo ». Lần đầu tiên, chính quyền Seoul tuyên bố sẵn sàng đưa vấn đề này ra trước Liên Hiệp Quốc.
 
Lời đề nghị này đã khiến cho Bắc Kinh lúng túng, vì chính sách hồi hương cũng đã bị tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) và tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) chỉ trích kịch liệt. Ngay cả chính quyền Obama cũng thường xuyên lên tiếng cảnh báo.
 
Theo Le Figaro, kể từ sau cái chết của Kim Jong-il, Bắc Kinh tăng cường truy lùng những người nhập cư trái phép, qua việc tăng số trạm kiểm soát và huy động thêm công an để hỗ trợ cho lính biên phòng.

Về phía Bắc Triều Tiên, các vụ truy sát còn diễn ra đẫm máu và tàn nhẫn hơn. Theo các tổ chức nhân quyền tại Hàn Quốc thì « trong 100 ngày tang lễ của Kim Jong-il, chính quyền ban lệnh mọi kẻ đào ngũ và gia đình sẽ bị hành quyết cho đến ba đời ».

Về số phận của hơn 30 sinh mạng đang bị giam giữ, chính quyền Trung Quốc hiện không cho biết một chút thông tin nào. Một nghị sĩ Hàn Quốc cho rằng « chỉ có áp lực quốc tế mới có thể làm chùn bước Trung Quốc mà thôi ».

Hướng đến các thương thuyết giữa Iran và phương Tây
 
Từ nhiều tháng nay, nhiều tin đồn cho rằng sắp xảy ra cuộc chiến giữa Israel và Iran, khiến cho cộng đồng quốc tế không khỏi lo ngại.

Một hy vọng lại lóe lên cho nền hòa bình thế giới khi mà gần đây cả hai bên, phương Tây và Iran, lại chấp nhận ngồi lại vào bàn đàm phán về vấn đề hạt nhân. Đề tài này được báo Le Monde phản ánh qua bài viết đề tựa « Hướng đến các đàm phám giữa Iran và phương Tây ».
 
Sau nhiều tháng căng thẳng trong khu vực eo biển Ormuz và nhiều tin đồn về khả năng Israel sẽ tấn công vào các địa điểm hạt nhân của Iran, dường như các nhà ngoại giao đang cố gắng kềm chế tình hình. phương Tây cuối cùng cũng đã chấp nhận lời đề nghị của Iran nối lại đàm phán đưa ra hôm 14/02 vừa qua.

Theo lời giải thích của một quan chức châu Âu, « mọi người muốn xoa dịu tình thế, nhất là Israel ».
 
Tuy nhiên, vấn đề chính yếu có vẻ khá tế nhị cho các nhà ngoại giao phương Tây khi xử lý hồ sơ hạt nhân Iran : « Có thể nhượng bộ Iran đến điểm nào để có thể duy trì đường dây đàm phán ? »
 
Về câu hỏi này, Le Monde cho biết có hai lập trường rõ nét ngay trong lòng nội bộ các nước phương Tây. Mỹ và Đức có xu hướng mềm dẻo hơn, trong khi đó Pháp và Anh lại có thái độ cứng rắn hơn, cảnh báo về các cuộc thương thuyết thiếu cơ sở, cho phép Iran có thể kéo dài thời gian để tiếp tục các dự án hạt nhân, nếu như các đòi hỏi nghiêm khắc không được đề ra.
 
Theo nguồn tin từ các nhà ngoại giao, đàm phám sẽ diễn ra vào đầu tháng Tư sắp đến.

Một sự trùng hợp đáng chú ý : theo các luồng thông tin rò rỉ, thì Israel dự định sẽ bắt đầu tấn công Iran vào mùa xuân này.
 
Như vậy, việc Iran và phương Tây nối lại đàm phán sẽ đẩy lùi một cách đáng kể nguy cơ bùng nổ chiến tranh với Israel, ít nhất trong giai đoạn này, điều hoàn toàn có lợi cho Iran, vì nước này cần kéo dài thêm thời gian. Bởi vì, cho dù kết quả đàm phán như thế nào, Israel sẽ khó có thể mà đưa ra một lý do chính đáng nào để dội bom Iran.
 
Le Monde cho rằng đây cũng là mối bận tâm hàng đầu của chính quyền Obama : làm thế nào « kìm hãm cơn giận của Israel » càng lâu càng tốt, nhằm mục đích để cho các lệnh trừng phạt mới có hiệu quả.

Điều này không những tránh nguy cơ xung đột quân sự tại Trung Đông với những hậu quả khôn lường, mà nó còn tránh được tình trạng tăng giá dầu hỏa đột biến, được cho là có thể gây tổn hại cho việc tái tranh cử của ông Obama.
 
Như vậy, đàm phán vào đầu tháng Tư tới, nếu diễn ,sẽ quy tụ 6 nước Mỹ, Nga, Pháp, Anh, Đức Trung Quốc và phía Iran.

Tuy nhiên, Le Monde cũng lưu ý đến phản ứng của phía Nga, cho biết nước này vẫn tiếp tục bảo vệ ý tưởng về một thỏa thuận rộng với Iran, bao gồm cả việc loại bỏ từng bước các lệnh trừng phạt. Như vậy, cho đến giờ phút này, Nga vẫn là chủ bài chính để cho Teheran có thể dựa dẫm.
 
Về việc Iran đề nghị nối lại đàm phán, Le Monde nhận định rằng không có gì đáng ngạc nhiên. Bởi lẽ, trong quá khứ, Iran cũng đã từng làm như vậy nhằm tìm cách giảm bớt áp lực đến từ cộng đồng quốc tế.

 Về phần mình, Ngoại trưởng Pháp Alain Juppé tỏ ra thận trọng hơn khi đánh giá rằng lời đề nghị của Iran có nhiều điểm mơ hồ.
 
Trong bức thư Iran gởi cho bà Catherine Ashton, đại diện ngoại giao cấp cao của châu Âu cho biết Teheran sẵn sàng mở lại đàm phán ngay như có thể, ông Alain Juppé cho rằng Iran vẫn không từ bỏ việc yêu cầu dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và việc làm giàu chất uranium – đây chính hai điều kiện tiên quyết đã khiến cho vòng đàm phán hồi tháng Giêng năm rồi gặp thất bại.
 
Cameroun có nghĩa trang mới của voi
 
Liên quan đến vấn đề môi trường sinh thái, Le Monde gióng lên hồi chuông báo động về nạn săn ngà voi trộm tại Trung Phi.

Với bài viết « Cameroun, nghĩa trang mới của voi ». Le Monde cho biết chỉ trong vòng có một tháng hơn 200 con voi đã bị giết chỉ để lấy ngà.
 
Với một tấm hình gây sốc, cho thấy xác các chú voi nằm la liệt trên mặt đất, khuôn mặt bị mất đi một nửa, và đây đó vương vãi những chiếc chân voi, Le Monde trích dẫn con số thống kê tạm thời của các nhà quan sát tại chỗ cho biết, từ trung tuần tháng giêng cho đến trung tuần tháng Hai, khoảng 200 con voi đã bị sát hại tại vùng Bouba N’Djida, Bắc Cameroun.
 
Theo bà Céline Sissler-Bienvenu, giám đốc Quỹ bảo vệ động vật hoang dã quốc tế thì chính những kẻ săn lậu người Sudan là tác giả của những vụ tàn sát động vật.

 Bà cho biết, « ngà voi sẽ được xuất khẩu sang Trung Quốc và nhiều nước khác tại châu Á. Tiền thu được tài trợ cho việc mua vũ khí nhằm phục vụ cho cuộc xung đột trong khu vực ».
 
Hiện tại, không ai biết số lượng voi còn sống chính xác là bao nhiêu. Liên hiệp bảo tồn thiên nhiên quốc tế thẩm định con số này dao động trong khoảng 1000 và 5000 con vào năm 2007.
 
Le Monde cho biết, vấn đề ở chỗ là những kẻ săn trộm này được sự hỗ trợ của dân làng. Do voi thường xuất hiện phá hoại mùa màng, nên người dân không cảm thấy khó chịu về các hoạt động săn trộm. Ngược lại, những tên săn trộm còn để lại toàn bộ phần thịt cho dân làng.
 
Chính quyền Cameroun cũng có chính sách bồi thường thiệt hại do voi gây ra cho nông dân, nhưng trên thực tế số tiền trên bị biển thủ trước khi đến được tay của người dân. Le Monde mô tả, mỗi một lần những kẻ săn trộm đi qua, những cánh đồng cỏ xa-van giống như một lò mổ sát sinh ngoài trời với những gì còn lại của những cái xác đã bị mổ xẻ từng khúc.
 
Điều đáng báo động là những kẻ săn trộm không bao giờ bị pháp luật trừng phạt. Theo nhiều tổ chức chống buôn lậu thú hoang dã quốc tế thì « nạn săn trộm là một vấn đề xuyên biên giới.

Cần phải chấm dứt nghĩ rằng ta sẽ xử lý việc này bằng cách truy lùng những tay buôn nhỏ. Tội ác có tổ chức không nằm trong bụi rậm, mà nằm ngay trong lòng các thành phố ».

Cũng theo các tổ chức này, chính việc thiếu một chính sách về việc bảo tồn và chống nạn buôn lậu, cũng như nạn đói nghèo đã khiến cho nạn săn trộm có thể tồn tại.