Miến Điện có tiềm năng lớn về dầu khí, gỗ rừng, quặng khoáng sản và du lịch
Miến Điện, quốc gia Đông Nam Á, đang trong quá trình hội nhập quốc tế, sau hàng chục năm dưới chế độ độc tài RFI/Anthony Terrade
Những thay đổi trong lĩnh vực chính trị và dân chủ hóa tại Miến Điện đã mở ra một triển vọng to lớn đối với việc phát triển kinh tế đất nước này.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, tiến trình hội nhập kinh tế đòi hỏi Miến Điện phải tiến hành hàng loạt cải cách trên quy mô lớn, phức tạp và phải nhờ đến sự hỗ trợ của nước ngoài.
Từ ngày 13 đến 16 tháng Hai vừa qua, một cuộc hội thảo về phát triển đã được tổ chức ở thủ đô Naypyidaw với sự tham dự của nhiều nhà nghiên cứu, giới chuyên gia nước ngoài và Miến Điện. Họ đã chứng kiến và cảm nhận được bầu không khí hứng khởi và tin tưởng vào tương lai phát triển của xứ sở này. Miến Điện có tiềm năng lớn về dầu khí, gỗ rừng, quặng khoáng sản và du lịch. Cách nay vài thập niên, quốc gia này còn xuất khẩu gạo. Theo giải Nobel kinh tế Joseph Stiglitz, được AFP trích dẫn, « trên nhiều khía cạnh, Miến Điện ở vị trí thuận lợi để tạo ra các cơ hội đầu tư to lớn. Việc có quá ít đầu tư trong quá khứ, có nghĩa là tiềm năng còn rất lớn ». Thế nhưng, giới chuyên gia nhấn mạnh đến những khó khăn, về chính trị và kỹ thuật, đối với chế độ mới tại Miến Điện trong việc tiến hành những thay đổi, sau nửa thế kỷ dưới sự lãnh đạo của giới tướng lãnh quân sự độc tài. Sử gia Miến Điện Thant Myint U nhận xét : « Các thay đổi chính trị diễn ra tốt đẹp (…) nhưng vấn đề kinh tế vẫn còn mờ mịt ». Theo ông, chính phủ Miến Điện cố gắng tiến hành nhiều cải cách trên quy mô lớn, nhưng vấn đề là các công việc này được tiến hành ra sao và có giúp củng cố tiến trình cải cách chính trị hay không. Công ty Anh Quốc Maplecroft, chuyên phân tích các rủi ro nhận định là đối với các nhà đầu tư ngoại quốc, Miến Điện có « hệ thống pháp luật tồi tệ nhất » thế giới. Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos, hồi tháng Giêng vừa qua, đại diện chính quyền Miến Điện thông báo sẽ miễn thuế 8 năm cho giới đầu tư. Nhưng, Miến Điện cũng sẽ phải « chuyên nghiệp hóa » bộ máy hành chính, hiện vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề của kiểu quản lý quân sự và bị đánh giá là « không đủ năng lực », trong khi đó, hệ thống tòa án vẫn lệ thuộc vào quyền lực chính trị.
Luật đầu tư đang trong quá trình soạn thảo, hệ thống ngân hàng vẫn chưa được khôi phục sau cuộc khủng hoảng năm 2003.
Nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi cơ chế tỷ giá bất hợp lý : Giá ở chợ đen cao hơn một trăm lần tỷ giá chính thức.
Sau chuyến đi Miến Điện vừa qua, các chuyên gia của Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho rằng cải cách chế độ tỷ giá là một ưu tiên của nước này. Kinh tế gia Stiglitz chia sẻ nhận định và nhấn mạnh, Miến Điện không chỉ phải thống nhất tỷ giá mà còn phải hạ thấp xuống để tạo sức cạnh tranh cho nền kinh tế. Cùng với việc phương Tây từng bước bãi bỏ cấm vận, ngày càng có nhiều nhà đầu tư đến Miến Điện tìm kiếm cơ hội. Theo chuyên gia kinh tế Aung Tun Thet, Miến Điện phải bảo đảm đó là những nhà đầu tư có trách nhiệm, họ không đến đây trong một thời gian rất ngắn, kiếm lãi rồi ra đi. Các nhà phân tích đều cho rằng trong tiến trình hội nhập kinh tế này, Miến Điện nên học hỏi kinh nghiệm một số nước láng giềng.
Trung Quốc và Ấn Độ đã biết phát triển hạ tầng cơ sở ; cách nay 25 năm nay, Việt Nam bắt đầu tiến trình quá độ, chuyển sang nền kinh tế thị trường hay học tập Singapore là một trong những nước có hệ thống ngân hàng tốt nhất thế giới …
|