Home Tin Tức Thời Sự Tây Tạng đón năm mới trong bối cảnh bị đàn áp dữ dội

Tây Tạng đón năm mới trong bối cảnh bị đàn áp dữ dội PDF Print E-mail
Tác Giả: Thanh Phương   
Thứ Tư, 22 Tháng 2 Năm 2012 11:37

Các vụ tự thiêu phản ánh nỗi tuyệt vọng của người Tây Tạng

 

Những gương mặt đầy ưu tư của các nhà sư Tây Tạng chùa Lang Mộc Tự Hương trong tỉnh Tứ Xuyên trong lễ đón năm mới.
REUTERS/Carlos Barria

 

Hôm nay (22/02/2012), đối với với người Tây Tạng là ngày đầu năm mới. Bình thường đó phải là ngày vui chơi lễ hội ở các vùng Tây Tạng của Trung Quốc, nhưng năm nay nhiều người đã quyết định không ăn Tết, trong bối cảnh chính quyền Bắc Kinh gia tăng đàn áp và nhiều vụ tự thiêu phản đối liên tiếp xảy ra.

Chính phủ Tây Tạng lưu vong ở Ấn Độ đã chính thức kêu gọi người Tây Tạng ở Trung Quốc không ăn mừng Losar, năm mới của Tây Tạng, bắt đầu từ hôm nay. Đây là một trong những ngày lễ quan trọng nhất của người Tây Tạng.

Theo lời phát ngôn viên tổ chức đấu tranh cho Tây Tạng ICT ( International Campaign for Tibet ), Kate Saunders, trả lời AFP hôm qua, bình thường, người dân Tây Tạng đang chuẩn bị lễ hội, họp mặt gia đình, ăn uống vui vẻ. Nhưng năm nay, nhiều người Tây Tạng quyết định thay vì ăn Tết, họ sẽ tưởng niệm những người đã chết, nhất là những người tự thiêu.

Ít nhất 22 người Tây Tạng, đa số là tu sĩ Phật giáo, đã tự thiêu hoặc toan tự thiêu trong vòng chưa tới một năm tại các vùng Tây Tạng của Trung Quốc.

Các vụ tự thiêu này là hiện tượng tương đối mới, phản ánh nỗi tuyệt vọng của người Tây Tạng trước sự đàn áp ngày càng khốc liệt của chính quyền trung ương.

Gần đây nhất, Chủ nhật vừa qua, một nhà sư trẻ 18 tuổi đã tự biến mình thành đuốc sống tại tỉnh Tứ Xuyên, theo tin từ ICT và Free Tibet, một tổ chức khác đấu tranh cho Tây Tạng. Bất chấp một lực lượng an ninh dày đặc, hàng trăm người dân Tây Tạng tập hợp lại để tưởng niệm nhà sư trẻ đã hiến thân mình cho đại nghĩa.

Theo các tổ chức người Tây Tạng lưu vong, tuy không thông báo công khai, nhưng trên thực tế chính quyền đã thi hành thiết quân luật ở Tứ Xuyên và tại các vùng khác có đông người Tây Tạng sinh sống.

Các tu viện bị canh gác chặt chẽ hơn, mọi liên lạc bằng điện thoại và Internet đều bị hạn chế. Mặt khác, trong những tuần qua, chính quyền Bắc Kinh đã ngăn không cho báo chí nước ngoài đến các vùng Tây Tạng của Trung Quốc.

Đặc biệt, gọng kềm ngày càng siết chặt vùng tự trị Tây Tạng. Tổ chức Human Rights Watch vừa tố cáo là gần đây, lực lượng an ninh Trung Quốc đã bắt giam nhiều người Tây Tạng trở về từ Ấn Độ, nơi họ đã nghe Đức Đạt Lai Lạt Ma thuyết giảng.

Theo nhận định của ông Robbie Barnett, chuyên gia về Tây Tạng thuộc Đại học Columbia, Hoa Kỳ, từ nhiều thập niên qua, chưa bao giờ có những vụ bắt giữ hàng loạt vì lý do chính trị như vậy. Những người bị bắt chỉ là dân thường, không làm điều gì bị cấm theo luật pháp Trung Quốc.

Theo những thông tin từ một nguồn tin Tây Tạng lưu vong, chưa được kiểm chứng từ những nguồn khác, khoảng 7000 người Tây Tạng từ Ấn Độ trở về đã bị đưa đi cải tạo ít nhất là ba tháng. Nguồn tin nói trên còn khẳng định là chỉ riêng ở thủ phủ Lhassa đã có thêm 130 trạm gác để kiểm tra khách bộ hành và xe cộ.