Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc ngày 21-02 2012

Điểm Báo Pháp Quốc ngày 21-02 2012 PDF Print E-mail
Tác Giả: Anh Vũ   
Thứ Ba, 21 Tháng 2 Năm 2012 14:20

Miến Điện : Du lịch chuyển mình cùng những thay đổi chính trị

 

Chùa Shwedagon ở Rangun
Reuters

Sau hơn nửa thế kỷ nằm dưới thể chế độc tài bị cô lập với thế giới, những chuyển biến chính trị tại thời gian gần đây đang tạo điều kiện để Miến Điện đang là điểm đến hấp dẫn của du khách ngoại quốc.

Nhật báo La Croix hôm nay có bài mang tựa đề « Sự trở lại đông đảo của du khách ngoại quốc », cho thấy những thay đổi chính trị ở Miến Điện đã có tác động tích cực thấy ngay trong lĩnh vực du lịch.

 Theo con số chính thức của chính quyền, số lượng du khách ngoại quốc đến Miến Điện trong vòng 2 năm trở lại đây đã tăng hơn 30%.

Ngược lại thời gian một chút, kể từ khi vụ tập đoàn quân sự cầm quyền đàn áp đẫm máu cuộc nổi dậy của các nhà sư năm 2007, rồi tiếp đó năm 2008, cơn bão Nargis tàn phá cả vùng châu thổ sông Irrawady, du khách ngoại quốc đến Miến Điện thưa dần, mặc dù đất nước này không thiếu các danh lam thắng cảnh nổi tiếng độc đáo.

Trước đó, năm 1995 nhà đối lập nổi tiếng Aung San Suu Kyi còn kêu gọi các hãng du lịch tẩy chay đất nước của mình nhằm ngăn chặn nguồn thu cho tập đoàn quân sự cầm quyền khiến cho ngành du lịch nước này càng èo uột.

La Croix nhận thấy, những dấu hiệu mở cửa Miến Điện như việc trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi năm 2010, hứa hẹn bầu cử dân chủ trong cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung vào đầu tháng Tư này đã kích thích du khách ngoại quốc chọn đến thăm Miến Điện.

Dù giá tour du lịch đến Miến Điện này vẫn còn đắt do những khó khăn về giao thông hàng không và việc tổ chức du lịch, nhưng các hãng dịch vụ ở nước ngoài ghi nhận số lượng khách hàng đăng ký đi Miến Điện có chiều hướng tăng.

Một du khách ngoại quốc đang thăm ngôi chùa ở Rangoon cho phóng viên của La Croix biết họ muốn đến đất nước, mà người ta đang nói là mở cửa này, xem điều gì đang diễn ra.

Chính sự có mặt ngày càng đông của các du khách ngoại quốc càng tạo điều kiện để đất nước mở cửa với bên ngoài, cải thiện đời sống hàng ngày của người dân Miến Điện.

Các nhà làm du lịch ở Miến Điện cho biết giờ đây chính quyền chỉ có thể thu được được khoảng từ 4 đến 5% thu nhập từ hoạt động du lịch ở Miến Điện.

Thu nhập chủ yếu trong khu vực tư nhân. Các nhà tổ chức tour du lịch đến Miến Điện hiện nay đều cố gắng giảm giá bằng cách chọn các dịch vụ tư nhân, tránh các cơ sở của chính phủ. Ngoài ra người ta cũng có thể đi du lịch riêng lẻ, tự chọn nhà hàng, nơi ở của người dân địa phương.

Theo nhận xét của phóng viên La Croix thì vẫn còn nhiều khó khăn trong ngành du lịch Miến Điện như thiếu cơ sở hạ tầng, việc tổ chức không ổn định, giá cả còn cao, giao thông hàng không còn chưa đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hành khách …

Trong sự phát triển du lịch không phải không có mặt trái. Tác giả bài viết đã nhận thấy như ở Bangan, nơi tập trung nhiều đền chùa thắng cảnh nổi tiếng ở Miến Điện, rất đông người dân đã bỏ nghề nông để chạy theo làm du lịch.

Đất đai thì đang dần được bán cho người Trung Quốc. Chính quyền vội vã tôn tạo lại những đền đài không tôn trọng các tiêu chuẩn khảo cổ.

Tác giả nêu một thí dụ, để du khách có thể ngắm nhìn toàn bộ thắng cảnh, người ta đã cho dựng lên một khách sạn sang trọng cao ngất đã được dựng lên giữa quần thể những ngôi đền cổ có từ hàng ngàn năm.

Được biết, chủ của khách sạn này là một người thân của tướng Than Shwe, nhân vật số 1 của tập đoàn quân sự trước đây. Theo người hướng dẫn du lịch thì chỉ có mối quan hệ như thế thì ông chủ này mới được phép làm. Anh ta cũng không dám bình luận gì thêm vì sợ không được cấp phép hành nghề.

Ngải Vị Vị làm nghệ thuật và thách thức chế độ

Một thời sự khác liên quan đến châu Á đã được báo chí Pháp đưa tin từ nhiều ngày qua, đó là cuộc triển lãm ảnh của nghệ sĩ ly khai Trung Quốc Ngải Vị Vị tại Bảo tàng Jeu de Paume, Paris.

Cuộc triển lãm bắt đầu mở cửa từ hôm nay, trưng bày hàng nghìn tấm ảnh do nghệ sĩ Ngải Vị Vị thực hiện từ gần 30 năm qua.

 Nhân sự kiện này, nhật báo Libération coi ông là khách mời đặc biệt của số báo ra hôm nay.

 Tờ báo dành cả trang bìa và 5 trang trong cho các bài viết về nhân vật đa tài nổi tiếng cả trong nghệ thuật cũng như chính trị. Một trong những bài đáng chú y đó là bài phỏng vấn Ngải Vị Vị mà Libération đã thực hiện tại Bắc Kinh hồi cuối tháng Giêng được chính quyền cho phép nhưng với điều kiện đưa duyệt các câu hỏi trước và tuyệt đối không đề cập đến tình hình chính trị Trung Quốc.

 Tuy nhiên Libération đã không tuân thủ hết yêu cầu của chính quyền Trung Quốc trong cuộc phỏng vấn này. Libération chạy tựa cho bài phỏng vấn bằng một câu nói của Ngải Vị Vị « Tôi chỉ là một phương tiện truyền thông chuyển tải một thông điệp ».

Trong nhiều câu hỏi liên quan đến các tác phẩm nhiếp ảnh của ông, phóng viên của Libération đã đề cập đến ý nghĩa biểu tượng của các bức chụp khỏa thân.

Ngải Vị Vị nói, với ông khỏa thân là một việc hết sức tự nhiên. Đi xa hơn trong các bức ảnh đó, Ngải Vị Vị giải thích đấy là cách để ông muốn thách thức chính phủ Trung Quốc rằng : « tôi dám phơi mình trần trụi, vậy còn anh ? Anh có thể minh bạch được không ? »

Sau những sự kiện mà ông chứng kiến ở Trung Quốc, Ngải Vị Vị nhận thấy « Lẽ ra ở trần, một việc rất tự nhiên, thì chính quyền vẫn cứ che đậy bằng hết lớp này đến lớp khác quần áo ».

Khi được hỏi về tình trạng của ông hiện nay, Ngải Vị Vị cho biết đến 22 tháng 6 tới đây ông sẽ hết hạn 1năm thi hành quản thúc, được tự do đi lại.

Nhưng ông cũng không biết liệu thực tế có diễn ra như vậy không. Ngải Vị Vị nói, « không có gì ngăn cản chính quyền lại lấy một cái cớ khác để bắt đầu lại. Điều gì nguy hại hơn khi một chính phủ hành quyền không có giới hạn ? Quyền lực vô biên là điều không tốt ».

 Ngải Vị Vị hy vọng sẽ có những thay đổi ở Trung Quốc nhờ có internet, một phương tiện đang góp phần xây dựng xã hội dân sự ở Trung Quốc.

Người khổng lồ Apple gặp khó khăn trên miền đất hứa Trung Quốc

Bị mất tốc độ trong lĩnh vực sản xuất điện thọai thông minh (Smartphones), các nhà máy làm gia công bị khiếu kiện vì điều kiện làm việc, tranh chấp pháp lý liên miên về quyền sở hữu bản quyền nhãn hiệu iPad, nhà sản xuất khổng lồ các thiết bị tin học Apple đang trải qua giai đoạn khó khăn tại mảnh đất đầu tư màu mỡ Trung Quốc.

Tờ báo nhận định, ngay cả đối với tập đoàn hàng đầu như Apple, Trung Quốc không phải là sân chơi dễ dàng. Thị phần tại Trung Quốc của tập đoàn đang bị giảm sút nghiêm trọng. Trong quý 4 năm 2011, thị phần của Apple tại đây đã giảm từ 10,4% xuống còn 7,5%.

Cùng lúc đó Apple đang gặp rất nhiều khó khăn. Bị khiếu nại, tập đoàn vừa phải cho tiến hành điều tra về điều kiện làm việc tại các nhà máy của Foxconn, công ty Đài Loan chuyên gia công lắp ráp các sản phẩm của Apple tại Trung Quốc và từng được biết đến với hàng loạt vụ công nhân tự tử hồi năm 2010.

Dưới áp lực của các cuộc thanh tra, tuần qua Foxconn phải tiến hành tăng lương đồng loạt cho công nhân của các nhà máy đóng tại Trung Quốc từ 16% đến 25%.

Việc làm này sẽ ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm của Apple. Một rắc rối nữa, đó là trên mặt trận pháp lý. Tại nhiều thành phố ở Trung Quốc, Apple có lẽ đã phải rút các sản phẩm iPad khỏi thị trường sau quyết định của tư pháp công nhân quyền tác giả của sản phầm iPad cho Proview, một công ty đóng tại Thẩm Quyến.

Vì dường như chính Proview Đài Loan đã nhượng mác iPad cho Apple. Cuộc chiến bản quyền này còn chưa kết thúc, nhưng phần thắng chưa chắc đã nghiêng về phía người khổng lồ Mỹ.

Bộ phim đầu tay của đạo diễn Angelina Jolie

Tuần qua, Angelina Jolie, ngôi sao điện ảnh nổi tiếng thế giới đã cho ra mắt tại Sarajevo bộ phim đầu tay của cô trên tư cách đạo diễn.

Bộ phim về cuộc chiến tranh Bosnia đã gây xúc động mạnh cho khán giả ở Bosnia, mà trong đó rất đông là nạn nhân của cuộc chiến khốc liệt nhất kể từ sau Thế chiến thứ 2.

Trang Văn hóa của nhật báo La Croix có bài «Tình Yêu và sự tàn bạo trong thời chiến tranh » để giới thiệu tác phẩm đầu tay của nữ đạo diễn, minh tinh màn bạc quốc tế Angelina Jolie.

Angelina Jolie giải thích, qua bộ phim, tạm dịch là « Ở xứ sở của máu và mật ngọt », cô muốn lên tiếng báo động về nạn bạo lực đổ lên đầu thường dân trong các cuộc chiến tranh, trong đó đặc biệt là tội phạm tình dục nhằm vào phụ nữ.

Cô nói trước là bộ phim dài hơn hai giờ đồng hồ sẽ rất nặng nề, nhưng không thể làm theo cách khác được.

Câu chuyện phim diễn ra tại Bosnia-Herzegovina ở năm 1992, Ajla, một nữ họa sĩ trẻ theo Hồi giáo gặp gỡ Danijel, một cảnh sát người Serbia.

Họ yêu nhau sau cú sét ái tình đầu tiên. Nhưng cuộc sống không diễn ra êm ả. Vài tháng sau, quân đội tràn vào khu nhà của Ajla. Họ giết hết đàn ông rồi đưa phụ nữ vào một trại lính để hãm hiếp. Tại đó cô gặp lại Danijel vẫn luôn say đắm cô. Lúc này anh là một đại úy. Anh phải tìm cách che chở cho cô ... Câu chuyện tiếp tục với những tình tiết éo le và gay cấn.

Bên cạnh hình ảnh của một ngôi sao điện ảnh sinh đẹp nổi tiếng với những bộ phim hành động, từ 10 năm nay Angelina Jolie giữ vai trò Đại sứ cho Cao ủy Liên hiệp quốc về người tỵ nạn.

Cô đã xuôi ngược nhiều nơi để làm sứ mệnh nhân đạo. Angelina nhận thấy không có bộ phim nào nói về tình trạng bạo lực với phụ nữ.

 Angelina giải thích « Tôi chọn Bosnia vì khi xảy ra cuộc chiến đó tôi vẫn còn là trẻ con. Tuy nhiên tôi thấy sợ cuộc xung đột này ».

Nữ nghệ sĩ đã đến Bosnia lấy tư liệu, thị sát thực địa và viết kịch bản. Cuối cùng thành quả của cô là một bộ phim gây xúc động không chỉ cho những người đã trải qua cuộc chiến đó. Một bộ phim được giới phê bình đánh giá là hay cho cả người Mỹ cũng như người châu Âu.

Tuy nhiên bộ phim này cùng đã bắt đầu gây tranh cãi. Cộng đồng người Serbia lên án Angelina Jolie đứng về phía người Bosnia dựng lên một hình ảnh thô thiển đối với người Serbia.

Thậm chí đạo diễn và nhóm làm phim tại địa phương còn nhận được những lời đe dọa giết.

 Trước những chỉ trích của một số người, nữ đạo diễn đã nhiều lần phải đáp lại rằng « chiến tranh không thể cân bằng và bộ phim của tôi cũng vậy »