Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 20-02-2012 |
Tác Giả: Trọng Thành |
Thứ Hai, 20 Tháng 2 Năm 2012 23:52 |
Tổng thống Pháp Sarkozy chính thức vận động tranh cử nhiệm kỳ hai
Cuộc mít tinh lớn đầu tiên của tổng thống sắp mãn nhiệm Nicolas Sarkozy tại Marseille hôm qua 18/02/2012, với tư cách ứng cử viên tổng thống nhiệm kỳ tới, là chủ đề được hầu hết các tờ báo chính ở Pháp quan tâm. Le Figaro chạy hàng tựa trên trang nhất : « Sarkozy : Một ý tưởng về nước Pháp », cùng với bài xã luận « Di sản của tướng de Gaulle ». « Liệu ông Nicolas Sarkozy còn có khả năng thực sự thay đổi hay không ? » là tựa trang nhất Le Monde. Libération có hàng tựa: « Ông Sarkozy ở Marseille. C’est l’élite finale », đây là một cách chơi chữ mà tờ báo dùng để châm biếm bài diễn văn của tổng thống Pháp, chỉ trích giới tinh hoa nhằm động viên dân chúng. Trên trang nhất tờ L’Humanité là hàng tựa « Nicolas Sarkozy lệch hẳn sang hữu » để nhận định về các quan điểm tranh cử của tổng thống Pháp. Trong khi đó, La Croix có bài xã luận nêu bật lo ngại về sự độc chiếm của hai ứng viên hàng đầu, Nicolas Sarkozy và François Hollande, có thể ngăn không cho các quan điểm khác tham gia vào cuộc tranh luận. Cuộc tuần hành của người dân Syria phản đối chế độ al-Assad, với vài chục nghìn người tham gia mới đây ngay tại thủ đô Damas, là chủ đề được nhiều báo Pháp quan tâm. Libération có bài « Khi đến lượt Damas dám vùng lên ». Tờ báo nhận định, thủ đô Syria kể từ khi cuộc nổi dậy bắt đầu cách đây 11 tháng vẫn là thành trì an toàn của chế độ cho đến trước cuộc biểu tình lớn ngày thứ Bảy (18/02/2012) vừa qua. Để tránh đụng độ với các lực lượng an ninh, những người tham gia biểu tình không hô các khẩu hiệu kêu gọi thay đổi chế độ. Tuy nhiên, cuộc tuần hành lớn ngày thứ Bảy là một bước ngoặt quan trọng trong phong trào dân chủ Syria. Đây là điều mà chế độ al-Assad lo ngại nhất, bởi từ trước đến nay, vẻ bên ngoài bình yên tại thủ đô Syria đã được chính quyền Damas sử dụng như một trong các lý do chủ yếu để thuyết phục dân chúng Syria và cộng đồng quốc tế rằng : Phong trào phản kháng không đến mức quan trọng lắm. Hiện tại, các ban điều phối địa phương của phong trào đối lập kêu gọi Damas và Alep - hai thành trì của chế độ -, tiến hành tổng bãi công và « bất tuân dân sự » nhằm thể hiện tình liên đới với những khu vực bị đàn áp. Trong khi đó, các cơ quan đầu não của chế độ al-Assad tập trung toàn lực cho việc ngăn chặn phong trào. Theo nhận định của ông Fabrice Balanche, giám đốc Nhóm nghiên cứu về Địa Trung Hải và Trung Đông tại Lyon, các đơn vị thiện chiến của chế độ sẽ chiến đấu tới cùng. Về thái độ của Hoa Kỳ đối với tình hình Syria, Libération có bài « Hoa Kỳ ở tư thế phòng thủ ». Bài báo cho biết, cho đến nay, sau khi không thuyết phục được Nga và Trung Quốc thông qua nghị quyết trừng phạt Syria tại Hội đồng Bảo an, Hoa Kỳ ưu tiên cho giải pháp ngoại giao, hơn là quân sự, đặc biệt với việc tổ chức cuộc họp của nhóm Những người bạn của Syria vào ngày thứ Sáu tới tại Tunis, nhằm gia tăng sức ép ngoại giao lên chính quyền Damas. Thái độ của Hoa Kỳ trong việc này là thận trọng, vì lo ngại ảnh hưởng của al-Qaida và các lực lượng Hồi giáo cực đoan gia tăng trong bối cảnh xung đột bùng nổ dữ dội hơn. Giám đốc Cơ quan tình báo Quốc gia Hoa Kỳ cho biết có dấu hiệu các mạng lưới khủng bố quốc tế tham gia vào các vụ tấn công khủng bố tại Alep và Damas. Tuy nhiên nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa đã lên tiếng kêu gọi chính quyền Obama hành động tích cực hơn để ngăn chặn các đàn áp. Nhìn về Trung Quốc, le Monde chú ý đến việc các công chức một huyện thuộc tỉnh An Huy phản đối dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh láng giềng Giang Tây, với việc công bố trên mạng đầu tháng Hai này, kiến nghị của họ. Dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân trị giá hơn 7 tỷ euro tại Giang Tây bị phản đối vì đã không tuân thủ các tiêu chuẩn về môi trường, đặc biệt là quy định không được xây dựng nhà máy hạt nhân cách một khu dân cư đông hơn 100.000 người trong vòng bán kính 10 km. Bên cạnh đó, những người phản đối lo ngại rằng nơi dự kiến xây dựng nhà máy điện có thể xảy ra động đất nặng. Các tổ chức bảo vệ môi trường đã hoan nghênh việc Bắc Kinh hoãn phê chuẩn các dự án mới, sau tai nạn Fukushima. Vẫn về Trung Quốc, Le Monde cho hay tập đoàn tin học Apple vừa bị một công ty rất ít biết tới tại Trung Quốc kiện vì việc bán các máy tính với nhãn hiệu iPad tại Trung Quốc. Trên thực tế, vụ kiện này đã kéo dài từ vài năm nay. Các cơ quan xét xử đã đưa ra những phán quyết mâu thuẫn. Vào tuần trước, công ty Proview đã thuyết phục được chính quyền địa phương ở miền Đông Bắc Trung Quốc tịch thu các máy iPad đang bán trên thị trường Công ty này còn tìm cách yêu cầu các cơ quan hải quan không cho phép xuất khẩu iPad. Tuy nhiên trong hiện tại, hải quan Trung Quốc vẫn đợi lệnh từ Bắc Kinh. Nhìn sang Châu Mỹ Latin, Le Monde đặc biệt chú ý đến vũ hội hóa trang Bata-Bola (thành phố Rio-Brazil) (tên ngày hội theo tiếng Bồ đào Nha có nghĩa là « đập đạn »). Trong những ngày này, dân chúng của các khu phố ngoại ô của Rio tổ chức những buổi diễu hành giả trang rầm rộ, với sự tham gia của đủ loại văn hóa từ các miền và các thời đại lịch sử khác nhau, từ những nhóm hề, những búp bê măng-ga khổng lồ, các đoàn chiến binh châu Phi cho đến các chiến binh thời Trung cổ. Khoảng từ 300 đến 400 nhóm như vậy diễn hành trên các đường phố Rio, mỗi nhóm có tới hàng trăm người tham gia. Gốc gác của tên gọi này bắt nguồn từ trang phục của những người tham gia vũ hội. Vào lúc khởi đầu, các trang phục này thường được gắn với với một trái bong bóng lớn, làm từ ruột lợn (một trò chơi bắt nguồn từ thời Trung cổ ở Châu Âu). Khi diễu hành, bóng được giật dây và phát ra một tiếng nổ lớn như trái pháo. Les Echos cho biết đoàn diễn môn nghệ thuật đặc sắc này sẽ tiếp tục đi vòng quanh nước Pháp trong tháng Ba và sẽ trở lại Grenoble vào đầu tháng Bảy.
|