Home Tin Tức Thời Sự Công nghiệp ô tô Trung Quốc tìm cách thâm nhập châu Âu

Công nghiệp ô tô Trung Quốc tìm cách thâm nhập châu Âu PDF Print E-mail
Tác Giả: Trọng Nghĩa   
Thứ Hai, 20 Tháng 2 Năm 2012 16:24

Các hãng sản xuất xe hơi Trung Quốc đang năng động trở lại, mua rất nhiều nhãn hiệu hay cơ sở tại Châu Âu

Gian hàng triển lãm hiệu Great Wall motor tại Hội chợ Thượng Hải - Reuters

Khủng hoảng tài chánh tại châu Âu phải chăng là cơ may giúp ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc đột nhập vào pháo đài hết sức kiên cố của các đại gia trong lãnh vực này như Renault, BMW, Fiat… ?

Chưa thể trả lời dứt khoát cho câu hỏi này, nhưng thực tế cho thấy là sau một mưu toan bất thành cách nay vài năm, các hãng sản xuất xe hơi Trung Quốc đang năng động trở lại, bỏ tiền ra mua rất nhiều nhãn hiệu hay cơ sở tại Châu Âu.

 Sự kiện mới nhất phản ánh xu thế kế trên là việc tập đoàn Trung Quốc Trường Thành - tên tiếng Anh là Great Wall Motor – vào ngày mai, 21/02/2012 sẽ khánh thành một nhà máy lắp ráp xe hơi của họ tại làng Bahovista, miền Bắc Bulgari, với công suất ban đầu là 4000 chiếc xe mỗi năm, nhưng có khả năng vượt mức 70.000 chiếc nếu có nhu cầu.
 
Nhà sản xuất Trung Quốc này đã liên doanh với hãng Litex Motors của Bulgari để nhập linh kiện phụ tùng xe hơi của họ từ Trung Quốc, mang vào lắp ráp tại Bulgari, một thành viên Liên Hiệp Châu Âu, từ đó bán thẳng ra thị trường Châu Âu mà không bị thuế nhập khẩu.

Trả lời phỏng vấn của AFP, đại diện hãng Litex xác định rằng Bahovista là nhà máy đầu tiên của tập đoàn xe hơi Trung Quốc trên lãnh thổ châu Âu.
 
Bí quyết cạnh tranh của tập đoàn xe hơi Trường Thành chẳng khác gì mô hình chung của sản phẩm Trung Quốc : Giá hạ hơn so với các sản phẩm cùng loại của các công ty Âu Mỹ. Trước mắt, liên doanh này tung ra thị trường hai kiểu xe Voleex C10, một loại xe du lịch giá từ 8.200 đến 12.800 euro, và Steed 5, loại pick-up, giá từ 10.700 đến 16.700 euro.
 
Tuy nhiên, mục tiêu lâu dài của tập đoàn Trung Quốc là mở rộng hoạt động của họ ra toàn thể châu Âu, và xuất xưởng từ 8 đến 10 kiểu xe vào khoảng năm 2016. Trước mắt, ngay trong năm nay, họ sẽ cho ráp thêm 3 kiểu xe khác tại Bulgari.
 
Trường Thành không phải là tập đoàn ô tô Trung Quốc duy nhất muốn thâm nhập thị trường châu Âu.

Tại Ý, tập đoàn Trung Quốc Kỳ Thụy - Chery Automobile - đã bắt tay với hãng DR Motor, vốn đã mua lại một nhà máy ở Imerese trên đảo Sicilia của tập đoàn Fiat vào cuối năm 2011.
 
Kỳ Thụy cũng không xa lạ gì với thị trường Ý, vì đối tác DR Motor từ nhiều năm qua, đã bắt đầu lắp ráp xe của tập đoàn Trung Quốc tại Ý.

 Tham vọng của tập đoàn này cũng không giới hạn. Kỳ Thụy đã hợp tác với một tập đoàn xe hơi Israel để thiết kế một loại xe cụ thể cho thị trường châu Âu, đặt tên là Qoros, mà kiểu đầu tiên dự kiến ​​cho xuất xưởng vào năm tới.
 
Tại Anh, đồng hương của Kỳ Thụy là Cát Lợi - Geely Motors – cũng đã có kế hoạch tung ra thị trường một dòng xe sedan (berline) hạng trung vào cuối năm nay với mức giá chỉ khoảng 12.000 euro mà thôi. Cách nay 2 năm, tên tuổi tập đoàn Cát Lợi đã nổi bật trong ngành công nghiệp xe hơi khi họ mua lại hãng xe hơi nổi tiếng Volvo của Thụy Điển với giá 1,5 tỷ đô la.
 
Trong thời gian gần đây, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc thường xuyên được nhắc đến trong tư cách là cứu tinh cho các thương hiệu xe hơi châu Âu đang trong tình trạng khó khăn.

Năm 2009 chẳng hạn, tập đoàn xe hơi Bắc Kinh BAIC đã muốn mua lại hãng xe Opel của Đức, nhưng đã bị sở hữu chủ của hãng này là tập đoàn Mỹ General Motors từ khước.
 
Phải nói là các đại gia trong ngành công nghiệp ô tô của Trung Quốc có thể lợi dụng được tình hình khủng hoảng tại Châu Âu để tung tiền mua lại các hãng xe gặp khó khăn, dùng đó làm đầu cầu để thâm nhập thị trường có rất đông người có khả năng mua xe cộ.

Tuy nhiên, họ thường bị cản trở khi chủ nhân các thương hiệu đó là các công ty Mỹ.
 
Gần đây, General Motors cũng đã ngăn chặn một thỏa thuận với hai tập đoàn Trung Quốc, hãng chế tạo xe hơi Thanh Niên (Youngman) và nhà phân phối ô tô Bàng Đại (Pang Da), vốn ngấp nghé hãng Saab của Thụy Điển.

 Tuy nhiên Saab hiện đã bị phá sản, và theo báo chí Thụy Điển, tập đoàn Trung Quốc Thanh Niên có thể tái lập đề nghị mua lại của mình.