Home Tin Tức Thời Sự Liên Hiệp Quốc lên án chiến dịch đàn áp tại Syria

Liên Hiệp Quốc lên án chiến dịch đàn áp tại Syria PDF Print E-mail
Tác Giả: Mai Vân   
Thứ Sáu, 17 Tháng 2 Năm 2012 21:06

Đồng thời chỉ trích Trung Quốc và Nga "vẫn tiếp tục bảo vệ một chế độ phạm tội ác"

 

Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo (thứ ba từ trái sang) tại Hội nghị thượng đỉnh Châu Âu - Trung Quốc ở Bắc Kinh ngày 14/02/2012.
Reuters / How Hwee Young

 

 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào hôm qua, 16/02/2012, đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết về Syria, với đa số phiếu áp đảo : 137 phiếu thuận, 12 chống ( trong đó có Nga, Trung Quốc, Cuba, Venezuela..) và 17 nước không bỏ phiếu.

 Nghị quyết thông qua hôm qua không khác gì văn kiện từng bị Nga và Trung Quốc phủ quyết ở Hội đồng Bảo an, đòi chính quyền Syria chấm dứt đàn áp và giết hại thường dân. Damas còn phải hỗ trợ công việc của Liên đoàn Ả Rập, thực hiện tiến trình chuyển tiếp dân chủ.

Nghị quyết còn đề nghị cử ra một đặc sứ Liên Hiệp Quốc chuyên trách Syria.
 
Tuy nghị quyết thông qua chỉ mang tính chất tượng trưng, thể hiện một cử chỉ chính trị mạnh nhưng không có tính cách cưỡng chế, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon đã hoan nghênh một "thông điệp được chờ đợi từ lâu".

Tổ chức bảo vệ nhân quyền Ân xá Quốc tế xem đây là một thông điệp rõ ràng gởi đến chính quyền Damas, nhưng đồng thời chỉ trích Trung Quốc và Nga "vẫn tiếp tục bảo vệ một chế độ phạm tội ác". Ngoại trưởng Anh hôm qua cho đấy là một lời "cảnh cáo rất rõ ràng".
 
Bắc Kinh đã lập tức phản ứng qua bình luận của Tân Hoa Xã, cho rằng Trung Quốc rất hiểu là một số quốc gia muốn chấm dứt tình trạng bạo động ở Syria, nhưng đánh giá là không hợp lý khi chỉ gây sức ép lên một phía mà thôi.
 
Từ Bắc Kinh, Thông tín viên Stéphane Lagarde nêu bật phản ứng của báo chí Trung Quốc :
 
" Bắc Kinh là người hoàn toàn bị hiểu sai trong hồ sơ Syria. Đây là điều mà báo chí Trung Quốc vẫn lặp đi lặp lại.
 
Nghị quyết đã được thông qua ở Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào lúc mà Trung Quốc vừa mới tỉnh giấc ngủ, điều đó cho thấy rõ ràng là báo giới đã chuẩn bị trước lập luận của mình. Đối với họ thì tiếng nói của Trung Quốc không đủ mạnh trên sấn khấu thế giới cho nên dễ bị chỉ trích.
 
Tỏ thái độ thờ ơ là phản ứng tốt nhất trong trường hợp này, tuy nhiên Bắc Kinh đã cho thấy là họ không thờ ơ chút nào.

Từ khi phủ quyết ở Hội đồng Bảo an, Bắc Kinh đã cố tỏ sự khác biệt với Matxcơva : Thủ tướng Ôn Gia Bảo thứ Ba vừa qua đã nhấn mạnh là Trung Quốc sẵn sàng làm việc về vấn đề bạo lực ở Syria trong khuôn khổ Liên Hiệp Quốc. Nhưng sáng nay Bộ Ngoại giao Trung Quốc không cho biết chi tiết về nội dung, lịch trình làm việc tại Damas của vị Thứ trưởng nước này.

Có lẽ Trung Quốc muốn cho thấy một lần nữa nỗ lực làm trung gian hòa giải của họ. Tương tự như trong trường hợp Libya, Bắc Kinh cho thấy là họ cởi mở với phe đối lập. Bằng chứng là một phái đoàn đối lập Syria đã được đón tiếp tại Bắc Kinh tuần qua. "
 
Tại chỗ, thành phố Homs bị pháo kích dữ dội chưa từng thấy vào hôm nay. Một người trong phe đối lập, Hadi Abdallah tường thuật tình hình cho AFP, ghi nhận là chưa bao giờ Homs bị pháo kích như thế từ khi cuộc tấn công tăng cường độ từ 14 ngày nay.
 
Theo nhân vật này thì cứ mỗi một phút là có 4 quả pháo rơi xuống thành phố, trong lúc mà máy bay quân sự và phi cơ thám thính quần thảo bên trên. Hàng người dân thành phố bị hoàn toàn cô lập, nhiều nơi bị thiếu lương thực.
 
Số nạn nhân hôm nay chưa rõ. Hôm qua thì các cuộc pháo kích, tấn công vào Homs và Hama đã làm 41 người chết.