Home Tin Tức Thời Sự Ngành tư pháp Việt Nam yêu cầu xét xử lại vụ Tiên Lãng

Ngành tư pháp Việt Nam yêu cầu xét xử lại vụ Tiên Lãng PDF Print E-mail
Tác Giả: Thanh Phương   
Thứ Sáu, 17 Tháng 2 Năm 2012 17:51

Hậu quả của nạn tham nhũng và lạm quyền tại các địa phương

 Những gì còn lại của ngôi nhà ông Đoàn Văn Vươn sau khi bị chính quyền huyện Tiên Lãng đập phá. Ảnh chụp ngày 10/01/2012.
REUTERS/Stringer

 

Theo tin từ báo chí trong nước hôm nay 17/02/2012, Tòa án Nhân dân tối cao của Việt Nam ngày 15/2 vừa qua đã đề nghị Hội đồng xét xử quyết định hủy các bản án để xét xử sơ thẩm lại vụ ông Đoàn Văn Vươn kiện Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Lãng.

Cụ thể, Tòa án Nhân dân tối cao hủy Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm ngày 22/04/2010 của Tòa án Nhân dân Hải Phòng và Bản án hành chính sơ thẩm ngày 27/01/2010 của Tòa án Nhân dân huyện Tiên Lãng.

Nói chung, theo Tòa án Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân của thành phố Hải Phòng cũng như của huyện Tiên Lãng đều đã không làm đúng theo thủ tục pháp luật tố tụng và Luật Đất đai.

Gia đình ông Đoàn Văn Vươn đã làm đơn kiện chính quyền địa phương vào năm 2009 vì không chấp nhận quyết định thu hồi đất.

Nhưng ngày 5/1 vừa qua, Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Lãng đã huy động một lực lượng hùng hậu công an và quân đội để thi hành lệnh cưỡng chế. Ông Vươn và những người khác trong gia đình đã chống trả bằng mìn tự tạo và súng bắn đạn hoa cải, làm bị thương 4 công an và hai bộ đội.

Vụ việc gây phản ứng mạnh trong dư luận đến mức Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng buộc phải can thiệp. Vào tuần trước, ông Dũng đã phải nhìn nhận rằng vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng là « sai pháp luật » và hứa trừng trị những quan chức tham nhũng ở địa phương, đồng thời yêu cầu ngành tư pháp xem xét những tình tiết giảm nhẹ đối với các bị can, trong đó có ông Vươn, hiện đang bị tạm giam với tội danh « giết người » và « chống người thi hành công vụ ».

Theo bình luận của hãng tin AFP hôm nay, đây là bằng chứng cho thấy chính quyền Hà Nội rất lo ngại trước tính chất gây bùng nổ của vụ những vụ như ở Tiên Lãng, cũng như đã và đang xảy ra ở nhiều nơi khác ở Việt Nam, hậu quả của nạn tham nhũng và lạm quyền tại các địa phương.

Như nhận định của ông David Brown, nhà ngoại giao về hưu và là một chuyên gia về khu vực Đông Nam Á, vụ Tiên Lãng là biểu hiện của tất cả những bất cập trong hệ thống đất đai Việt Nam.

Hơn 70% các vụ khiếu kiện các chính quyền địa phương đều liên quan đến đất đai và tình hình này sẽ trầm trọng hơn vào năm 2013, khi hàng triệu hợp đồng thuê đất nông nghiệp hết hạn. Theo ông David Brown, về cơ bản, đây là vấn đề « có tính chất sống còn » đối với chế độ.

Vấn đề là theo chuyên gia Carl Thayer, thuộc đại học New South Wales của Úc, trong ngắn hạn, Việt Nam sẽ chưa cải tổ Hiến pháp để công nhận quyền tư hữu đất đai, và cũng sẽ chưa cải tổ sâu rộng Luật đất đai.

Ông Carl Thayer nhắc lại vụ Thái Bình năm 2007, khi hàng chục ngàn người đã biểu tình ở tỉnh này, tấn công vào trụ sở công an, đốt cháy nhiều công thự. Trong những năm gần đây, nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra ở các thành phố lớn ở Việt Nam cũng do khiếu kiện về đất đai.

Theo hãng tin AFP, trong vụ Tiên Lãng, hai quan chức địa phương đã bị đình chỉ chức vụ, nhưng dân làng vẫn bất mãn.

Như lời một phụ nữ 50, xin được miễn nêu tên, « chính quyền làm sai, nhưng gia đình ông Vươn lại bị kết tội ».

Một người hàng xóm của bà thì hy vọng là tòa sẽ biết rõ ra khoan dung. Ông nói : « Ông Vươn không có gì để mất. Mà thật ra tất cả chúng tôi đều trong cùng hoàn cảnh. Vì sao họ lại đối xử với ông ta như vậy ? ».