Home Tin Tức Thời Sự Syria loan báo một Hiến pháp « dân chủ », đa đảng

Syria loan báo một Hiến pháp « dân chủ », đa đảng PDF Print E-mail
Tác Giả: Mai Vân   
Thứ Tư, 15 Tháng 2 Năm 2012 15:49

Việc thông báo Hiến pháp mới dân chủ này là một nỗ lực làm dịu tình hình

Tổng thống Syria Bachar Al Assad (trái) nhận bản sao dự thảo Hiến pháp mới
REUTERS

 

Chính quyền Damas hôm nay 15/02/2012 thông báo là Hiến pháp mới sắp được đưa ra trưng cầu dân ý sẽ bãi bỏ thế thống trị của đảng Baas đương quyền.

Trên nền tảng đó, một « Nhà nước dân chủ » sẽ được thành lập dựa trên hoạt động đa đảng.

 Theo trích đoạn văn kiện được hãng thông tấn Sana và đài truyền hình Nhà nước Syria loan tải : « Hệ thống chính trị dựa trên cơ sở đa nguyên và quyền lực mang tính dân chủ qua các cuộc bầu cử ».

Hiến pháp mới quy định rõ : « Tổng thống sẽ được dân bầu trực tiếp trong hai nhiệm kỳ liên tiếp » và « tôn giáo của tổng thống là đạo Hồi ».
 
Tổng thống Syria al Assad đã thông báo ấn định cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 26/02.
 
Hiến pháp hiện tại đã được Quốc hội Syria thông qua vào 31/01/1973, trong đó có điều khoản 8, ghi rõ là « Đảng Baas (cầm quyền từ năm 1963) lãnh đạo Nhà nước và Xã hội ». Điều khoản này không còn trong Hiến pháp mới.
 
Theo giới quan sát, việc thông báo Hiến pháp mới dân chủ này là một nỗ lực làm dịu tình hình, xoa dịu cộng đồng quốc tế đang rất phẫn nộ trước các cuộc trấn áp đẫm máu.
 
Thông báo về Hiến pháp mới đươc đưa ra vào lúc Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc chuẩn bị cho ý kiến vào ngày mai, 16/02, về một dự thảo nghị quyết, kêu gọi Syria chấm dứt giết hại thường dân và hỗ trợ cho công việc của Liên đoàn Ả Rập để đảm bảo quá trình chuyển tiếp dân chủ.
 
Đầu tháng Hai, một văn kiện tương tự đã bị Nga và Trung Quốc chặn lại ở Hội Đồng Bảo An.
 
Giới phân tích cho rằng văn kiện đưa ra ngày mai có nhiều khả năng được Đại hội đồng thông qua, nhưng nó chỉ có giá trị tượng trưng mà thôi.

Cộng đồng quốc tế chưa biết là sẽ xử lý như thế nào. Ngoại trừ phe đối lập Syria - và một vài nước Ả Rập như Qatar - không ai muốn can thiệp vũ trang vào Syria.
 
Anh Quốc đã bác bỏ ý kiến đưa quân đội phương Tây đến Syria và Pháp đã cảnh cáo về mọi sự can thiệp quân sự vào quốc gia này.
 
Mục tiêu của chế độ Damas khi đưa ra Hiến pháp mới là để thuyết phục cộng đồng quốc tế về thiện chí cải tổ dân chủ của mình.

Thế nhưng, điều này có lẽ không đạt hiệu quả vì các chiến dịch trấn áp vẫn tiếp diễn.

Theo các tổ chức bảo vệ nhân quyền, có ít nhất 20 người chết vào hôm nay, và đặc biệt là thành phố Homs vẫn bị pháo kích, trong khi thành phố Hama lại bị tấn công.