Mối lo về đất đai, chỗ ở thì chiếm 100% dân số
Ðầu năm, chuyện chọn người xông đất là một nếp văn hóa mà chủ nhân muốn người xông đất mang đến sự an bình tốt đẹp. Nhưng cũng có những trường hợp không mấy vui nếu như người xông đất lại là công an.
Một khi công trình nhà nước luôn là mối đe dọa chỗ ở của người dân, thì rất có thể, sự bùng nổ đấu tranh của con người bắt đầu từ chỗ này. (Hình:Phi Khanh/Người Việt)
Năm nay, dù muốn hay không, kẻ xông đất nhà anh Ðoàn Văn Vươn là công an. Họ không những xông đất mà còn giẫm đạp lên nhiều thứ mà anh Vươn và gia đình đã dày công xây dựng, trồng trọt. Xa hơn một chút, chuyện đất đai, có lẽ, hiện tại, không có người dân nước nào có nhiều nỗi lo hơn người dân nước Việt. Vì sao? Vì nói cho cùng, người dân nước Việt hiện tại, xét về mặt quyền lợi trên mảnh đất của mình, chỉ tương đương với thời phong kiến. Thời phong kiến, đất đai là của vua chúa, người dân canh tác và đóng sưu thuế. Thời cộng sản, đất đai trên danh nghĩa của toàn dân, nhưng do nhà nước quản lý, và nhà nước có toàn quyền định đoạt, chiếm hữu. Quyền duy nhất của người dân có được trên mảnh đất nhiều đời, mồ hôi xương máu của mình chỉ là quyền sử dụng. Giấy chứng nhận sử dụng đất, theo tinh thần Khoán 10 (năm 1995) cho đến nay vẫn chỉ dành quyền sử dụng tạm thời và quyền sử dụng lâu dài cho người dân. Hoàn toàn không có quyền sở hữu. Vì quyền sở hữu có ba thuộc tính căn bản: Chiếm hữu; Sử dụng; Ðịnh đoạt. Vì người dân Việt cho đến nay vẫn chỉ có duy nhất một phần ba quyền sở hữu đất, đó là quyền sử dụng, nên mọi chuyện rắc rối bắt đầu từ chỗ này. Vì con người, một khi không có quyền chiếm hữu và định đoạt, thì mọi hoạt động chỉ mang tính chất tạm bợ, không đảm bảo lâu bền, và mọi mối nguy mất trắng của người dân cũng bắt đầu từ chỗ này nếu như chính quyền có ý đồ chiếm đoạt đất đai của người dân. Và điều này đã diễn ra từ Nam chí Bắc. Chuyện chính quyền chèn ép dân, đẩy dân vào đường cùng để chiếm đoạt đất đai là “chuyện thường ngày ở huyện”, đến mức con người trở nên quen thuộc và mất sức đề kháng. Vì sao mất sức đề kháng? Ðây là câu hỏi có quá nhiều câu trả lời. Nhưng có hai vấn đề chính khiến cho con người không còn suy tư về thân phận, quyền lợi của mình: Sự ngu dân hóa lâu ngày và chiêu bài trụy lạc. Sự ngu dân hóa được phân bổ một cách nhịp nhàng, lan tỏa trên nhiều lĩnh vực, trong đó, đáng kể nhất vẫn là giáo dục, báo chí và văn hóa. Giáo dục một chiều, giáo điều và nén con người vào một cỗ máy quay cuồng bài học nhưng thiếu tính ứng dụng và phiến diện, điều này ai cũng hiểu (nhưng chỉ có một nhóm người không hiểu!). Báo chí cũng một chiều nốt, là công cụ tuyên truyền và khoe mẽ thành tích của đảng cộng sản, nó có mục tiêu cho con người thấy sự “ưu việt” của chế độ cộng sản xã hội chủ nghĩa. Nhưng hoàn toàn không đứng về kẻ yếu và càng không nói lên được nhân tâm, công lý. Văn hóa thì miễn bàn, một loại gió văn hóa cộng sản đã thổi suốt ba mươi mấy năm ở miền Nam và thổi suốt tám mươi mấy năm ở miền Bắc, nó mang theo cả xú uế và tử khí của nhiều xác chết quốc tế cộng sản với hèm rượu Trung Quốc khiến cho con người vừa sợ hãi cái chết, vừa u mê trong cơn say thực tại theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Và một khi, sự sợ hãi, đặc biệt là sợ bị mất đất bất kì giờ nào, lỡ nói bạo miệng, sẽ bị mất nồi gạo, sẽ bị tịch thu đất vì một “lý do bất kỳ” nào đó thì nguy cơ con người trở nên hèn nhát và yếu đuối là có thật. Bên cạnh, sự bùng phát sự trụy lạc trên mọi khía cạnh không phải ngẫu nhiên mà có. Nơi nào sắp có dự án, sắp có những vấn đề nhạy cảm đất đai, đền bù, dấu hiệu đầu tiên là các ổ mại dâm và quán nhậu xuất hiện ở đó. Một khi các tế bào gia đình bị phá vỡ bởi mại dâm, rượu chè, con người rơi vào trụy lạc và thì ý nghĩa nhân quyền, dân chủ đã hoàn toàn bị triệt tiêu. Con người, lúc này phải đối diện với những cuộc chơi sa đà, nợ nần, gia đình rối loạn. Và món tiền đền bù ít ỏi, bị cắt xén, vô hình trung trở thành quà cứu rỗi của “thượng đế chính quyền”. Khả năng duy nhất có được của những gia đình lâm vào nợ nần và trụy lạc sẽ là van xin, cầu cạnh và thụ động đón nhận.
Nỗi ưu tư của con người còn mắc kẹt trong nơi ăn chốn ở, thì mọi suy tư khác khó mà có được. (Hình:Phi Khanh/Người Việt)
Và, cũng chính vì con người đã bị ngu dân hóa quá lâu, cộng thêm những cạm bẫy trụy lạc rình rập... khiến cho mọi suy tư về quyền con người càng lúc càng phai mờ, khả năng đấu tranh của cá nhân bị bào mòn, thậm chí tiêu tan. Nguy hiểm hơn nữa là sau sự xuất hiện của ăn nhậu, mại dâm, sẽ là ma túy. Và đây là cú đấm cuối cùng vào trí tuệ con người mà không phải ngẫu nhiên, mọi vùng đất đai có vấn đề đều kéo theo sự lan tràn của nó. Trở lại vấn đề xông đất đầu năm, có lẽ, sống trên mảnh đất mà con người không có quyền làm chủ, không có quyền định đoạt thì có cả ngàn người hợp tuổi, cả triệu người tốt mạng, tốt số đến xông đất cũng vậy thôi. Vì nguy cơ mất đất vô tội vạ là có thật. Hãy để một điều luật đến xông đất Nói nghe hơi tếu, nhưng chỉ cần sửa đổi một điều luật căn bản về đất đai, con người có quyền sở hữu phần đất của mình, thì may ra, con người mới tiến bộ và đi xa hơn được trong tiến trình nhân loại. Chỉ cần một điều luật duy nhất, qui định về ‘quyền sở hữu đầy đủ của con người trên mảnh đất của mình’. Ðó là “thần tài” xông đất tốt nhất để con người an cư lạc nghiệp. Sẽ không bao giờ có một sự nghiệp nào bình an nếu con người chưa được an cư. Nói rộng ra qui mô đất nước, thì sẽ không có một nền dân chủ nào ghé đến nếu người dân trong đất nước đó còn khốn đốn về chỗ ở và đất đai của mình. Và, có thể có nhiều người chưa bao giờ chịu suy tư về nhân quyền, dân chủ. Nhưng mối lo về đất đai, chỗ ở thì chiếm 100% dân số. Có thể còn lâu lắm Việt Nam mới có những cuộc biểu tình yêu cầu thay đổi nền dân chủ, thay đổi cơ cấu hạ tầng cũng như kiến trúc thượng tầng.
Nhưng đấu tranh cho chỗ ở, đất đai để an cư lạc nghiệp là chuyện rất tự nhiên và bùng nổ bất kì lúc nào.
|