Home Tin Tức Thời Sự Việt Nam tận dụng ‘địa lợi’ trong đối sách chống Trung Quốc tại Biển Đông

Việt Nam tận dụng ‘địa lợi’ trong đối sách chống Trung Quốc tại Biển Đông PDF Print E-mail
Tác Giả: Trọng Nghĩa   
Thứ Hai, 13 Tháng 2 Năm 2012 09:31

Việt Nam đã theo đuổi một chiến lược trang bị vũ khí theo hướng tranh thủ ‘địa lợi’

Lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam.
Airbus Military

 

Trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông có thể là ngòi nổ tiềm tàng cho một cuộc xung đột Việt-Trung, cả hai bên đều nỗ lực tăng cường võ trang.

 Tính về tương quan lực lượng quân sự, Hà Nội không bì kịp Bắc Kinh. Tuy nhiên, Việt Nam đang áp dụng một chiến lược trang bị vũ khí theo hướng khai thác nhân tố ‘địa lợi’, được cho là có khả năng ‘răn đe’ đối với một lực lượng như của Trung Quốc hiện nay, vẫn chưa đủ năng lực bảo đảm một chiến dịch lâu dài xa hậu cứ.

 Vào trung tuần tháng 01/2012, Việt Nam loan báo việc đưa một chiến hạm mới do chính mình chế tạo vào hoạt động.

 Vài tuần lễ sau, báo chí Trung Quốc tiết lộ cuộc tham gia diễn tập đầu tiên của chiếc ‘mẫu hạm’ đổ bộ khổng lồ Tỉnh Cương Sơn thuộc Hạm đội Nam Hải.

Các nỗ lực tăng cường võ trang trên đây không có gì lạ, trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền trên vùng Biển Đông được coi là ngòi nổ tiềm tàng cho một cuộc xung đột Việt Trung.
 
Tính về tương quan lực lượng quân sự, Hà Nội không bì kịp Bắc Kinh. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia phân tích, trong thời gian gần đây, Việt Nam đã theo đuổi một chiến lược trang bị vũ khí theo hướng tranh thủ ‘địa lợi’, nhờ vị trí địa dư sát cạnh khu vực bị Trung Quốc tranh chấp, để sẵn sàng làm tiêu hao một đội quân đến từ xa.

 Chiến lược này được cho là có khả năng ‘răn đe’ đối với một lực lượng như của Trung Quốc hiện nay, vẫn chưa đủ năng lực bảo đảm một chiến dịch lâu dài xa hậu cứ.
 
Khai thác vị trí địa dư để chiếm thế thượng phong
 
Trong bài phân tích được mạng chuyên trách các thông tin về quân sự quốc phòng Defense News tại Hoa Kỳ công bố hôm 05/02/2012, ông Gary Li, trưởng nhóm Dự báo chiến lược Không quân và Hải quân, thuộc Trung tâm Exclusive Analysis, trụ sở tại Luân Đôn, đã nêu bật tính chất “phi đối xứng” trong chiến lược quốc phòng của Việt Nam, khai thác nhân tố địa dư để giành thế thượng phong so với Trung Quốc.
 
Bài phân tích - tựa đề “Vietnam’s Asymmetrical Strategy: Location Offers Advantages Over China” - đã nêu bật các nỗ lực hiện đại hóa quân đội của Việt Nam trong thời gian gần đây, với mối quan tâm ngày càng tăng đối với lực lượng Hải quân.

 Giải thích về trọng tâm này, tác giả đã nhấn mạnh đến việc chủ quyền trên Biển Đông của Việt Nam bị Trung Quốc tranh chấp, vào lúc Hà Nội đang cần phải thúc đẩy việc khai thác dầu khí ngoài khơi để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của mình :
 
“Một số mỏ dầu lớn của Việt Nam như mỏ Bạch Hổ, dự kiến sẽ cạn kiệt vào năm 2020, đặt ra nhu cầu là phải cấp tốc tìm kiếm và khai thác. Tuy nhiên, Trung Quốc đã chứng tỏ rằng họ có quyết tâm và năng lực phối hợp hành động giữa lực lượng hải quân và hải giám. Để làm gián đoạn các hoạt động của Việt Nam,Trung Quốc đang trên đường hoàn tất việc xây dựng lực lượng hải quân hoạt động được ngoài biển khơi từ nay đến năm 2050, với chiếc tàu sân bay đầu tiên của họ đã bắt đầu chạy thử”.
 
Trong tình hình đó, chuyên gia Gary Li ghi nhận ba hướng chính trong chiến lược quốc phòng của Việt Nam.

Đầu tiên hết là một loạt những cố gắng phát triển của Hải quân Việt Nam, mà bước ngặt quan trọng nhất là hợp đồng đặt mua 6 tàu ngầm Kilo của Nga vào năm 2009, với trị giá lên đến 3,2 tỷ đô la, tiếp theo sau là việc tiếp nhận hai hộ tống hạm hiện đại Gepard-3.9, với 2 chiếc khác đã được đặt mua thêm.
 
Đối với chuyên gia này, Việt Nam không chỉ củng cố lực lượng Hải quân mà cũng quan tâm đến ngành cảnh sát biển, khi đặt mua nhiều tàu tuần tra từ Tập đoàn Damen của Hà Lan, trong đó có một chiếc có trọng tải hơn 1.000 tấn có thể mang theo trực thăng.
 
Chiếc tàu tuần tra kể trên sẽ thuộc loại lớn nhất của cảnh sát biển Việt Nam, mang lại cho đơn vị này một sức mạnh đáng kể trước đội tàu tuần tra trên 1000 tấn ngày càng đông đảo của lực lượng Hải giám Trung Quốc.
 
Việt Nam khéo phát huy lợi thế mua vũ khí từ phương Tây

Điểm đáng ghi nhận, theo chuyên gia Gary Li, là khi đặt mua phương tiện của phương Tây, Việt Nam đã tận dụng một lợi thế mà Trung Quốc không có được trong thời điểm hiện nay : Được chuyển giao công nghệ chế tạo vũ khí.
 
“(Việc mua tàu tuần tra từ Hà Lan) không đơn thuần theo kiểu ‘chìa khóa trao tay’.

 Kèm theo các hợp đồng mua tàu là giấy phép sản xuất các tàu tuần tra nói trên ngay tại Việt Nam, cùng với việc xây dựng các cơ sở bảo trì chuyên trách. Điều này cho phép Việt Nam hình thành một ngành nghiên cứu hải quân và phát triển cơ sở hạ tầng cho công nghiệp đóng tàu quân sự trong nước.

Thời điểm hiện nay đang giúp Việt Nam có lợi thế hơn Trung Quốc, vì lẽ Bắc Kinh không thể nhập khẩu vũ khí từ các nước Phương Tây (một phần vì lệnh cấm vận vũ khí, một phần vì các nước sợ rằng các công nghệ tiên tiến của họ bị Trung Quốc sao chép như đã từng làm với Nga)”.
 
Thành tố thứ ba được ghi nhận là nỗ lực tăng cường hệ thống phòng thủ bờ biển. Gary Li ghi nhận sự kiện Ấn Độ, mà theo ông, đã đồng ý bán tên lửa siêu thanh Brahmos cho Việt Nam :
 
“Trong tháng 9/2011, Ấn Độ cho biết sẽ bán tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh BrahMos cho Việt Nam, để nước này tăng cường năng lực răn đe từ bờ biển của mình, vốn đã được trang bị hệ thống tên lửa Bastion của Nga.

Quyết định của Ấn Độ không phải là ngẫu nhiên vì cùng lúc công ty dầu khí nhà nước Ấn Độ ONGC đã công bố kế hoạch hợp tác với Việt Nam tìm kiếm và thăm dò dầu khí trên biển Đông, tại khu vực Hà Nội cho là thuộc chủ quyền của mình. Ấn Độ cũng cam kết giúp đỡ Việt Nam huấn luyện thủy thủ đoàn cho đội tàu ngầm Kilo sẽ được giao từ năm 2014”.
 
Các nỗ lực tăng cường tiềm năng quốc phòng và đặc biệt là hải quân của Việt Nam cũng được nhiều chuyên gia khác ghi nhận. Tất cả đều thấy là các cố gắng này không thấm vào đâu so với Trung Quốc.
 
Trung Quốc dùng Hải Nam làm bệ phóng xuống vùng Biển Đông

Trong bài "An ninh hàng hải tại Biển Đông, và tranh chấp về quyền trên biển", được Trung tâm nghiên cứu Center for a New American Security công bố tháng 01/2012, nhà nghiên cứu Mỹ Taylor Fravel đã lược qua tiến trình tăng cường tiềm lực hải quân của Trung Quốc nhằm vươn xuống Biển Đông :
 
"Cho dù Trung Quốc và Việt Nam đều hiện đại hóa lực lượng hải quân của họ trong thập niên qua, thế nhưng nỗ lực của Trung Quốc đã hơn hẳn Việt Nam.
 
Hạm đội Nam Hải của Hải quân Trung Quốc, đặt căn cứ tại Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông, tập trung một số chiến hạm thuộc loại mạnh nhất trên biển hiện nay của Trung Quốc, trong đó có đến 5 trong số 7 khu trục hạm hiện đại mà Trung Quốc đã tự phát triển trong vòng 10 năm qua.

Hạm đội này còn bao gồm tàu đổ bộ Côn Luân Sơn, mẫu hạm đổ bộ đầu tiên của Trung Quốc, có lực rẽ nước 20.000 tấn, và có thể chở theo nguyên một tiểu đoàn thủy quân lục chiến.

Nam Hải là hạm đội mạnh nhất trong số ba hạm đội hiện nay của Hải quân Trung Quốc. Từ năm 2008 đến nay, sáu tàu chiến Trung Quốc đã tham gia vào ít nhất là một chiến dịch hộ tống chống hải tặc ở vùng Vịnh Aden. Đấy là lần đầu tiên mà Hải quân Trung Quốc đi xa như thế, và Hạm đội Nam Hải là đơn vị đã tổ chức một nửa trong số 8 đội tàu đi đến Vịnh Ade.

Hạ tầng cơ sở của Hạm đội Nam Hải cũng đã được nâng cấp gần đây, trong đó có việc phát triển căn cứ Du Lâm, một căn cứ hải quân quan trọng ở Tam Á, phía nam đảo Hải Nam.

Căn cứ này đã được mở rộng để thích nghi với đội tàu ngầm hiện đại đang ngày càng phát triển của Trung Quốc (bao gồm loại tàu ngầm lớp Tấn (Jin) đời mới được phát triển vào cuối thập niên 2000, được trang bị hỏa tiễn đạn đạo bắn đi từ tàu ngầm). Căn cứ này cũng có thêm những bến mới dùng cho tàu nổi.

 Theo nhiều nhà quan sát trong khu vực, việc mở rộng căn cứ Du Lâm là biểu tượng cho thấy sự phát triển của Hải quân Trung Quốc, và trọng tâm của họ trên khả năng tỏa được sức mạnh hải quân tung ra khắp vùng Biển Đông.

Phải thấy rằng lý do chính đằng sau việc phát triển căn cứ Du Lâm là nhu cầu tăng cường sức mạnh răn đe hạt nhân của Trung Quốc (khi dùng nơi này làm căn cứ cho tàu ngầm nguyên tử trang bị tên lửa hạt nhân) và thiết lập một căn cứ cho đội tàu ngầm hùng hậu (sẽ đóng một vai trò then chốt trong trường hợp xẩy ra một cuộc chiến với Đài loan).

 Tuy nhiên do vị trí của căn cứ nằm tại Hải Nam, một tỉnh nằm ở cực nam Trung Quốc chắn ngang vùng phiá bắc Biển Đông, việc phát triển Du Lâm cũng cho thấy những phương tiện mới mà Trung Quốc có thể sử dụng trong cuộc tranh chấp ở Biển Đông, cũng như khả năng triển khai nhiều lực lượng hơn nữa trong khu vực trong tương lai."
 
Đối với ông Taylor Fravel, đà hiện đại hóa của hải quân Việt Nam khiêm tốn hơn rất nhiều, với bước chuyển quan trọng là quyết định trang bị tàu ngầm.
 
"Trên một quy mô nhỏ hơn, Việt Nam cũng hiện đại hóa ngành không quân và hải quân của mình, chủ yếu băng cách mua vũ khí nước ngoài. Do nỗ lực hiện đại hóa quân đội, chi phí quốc phòng của Việt Nam tăng từ mức 1,9% GDP trong năm 2005 lên thành 2,5% GDP trong năm 2009.

Bước chuyển quan trọng nhất là quyết định của Việt Nam đặt mua 6 chiếc tàu ngầm lớp Kilo của Nga vào tháng 12 năm 2009. Khi các chiếc tàu đặt mua được bàn giao vào năm 2014, thì Việt Nam sẽ có một đội tàu ngầm nhỏ nhưng tiên tiến.

Việt Nam cũng đã đặt mua 2 tàu khu trục loại Gepard vào năm 2006 và đã được giao vào năm 2011, cùng với 37 chiến đấu cơ trong giai đoạn 2004 - 2010, trong đó có 24 chiếc Su-30MK hiện đại.

Nhìn chung, những phương tiện mà Việt Nam tìm cách trang bị cho mình cho thấy là Việt Nam đang phát triển những phương tiện hầu ngăn chặn Trung Quốc sử dụng hải quân trong tranh chấp ở Biển Đông."
 
Yếu tố địa lợi thiên hoàn toàn về phía Việt Nam
 
Đối với chuyên gia Gary Li, người ta có thể đặt nghi vấn về hiệu quả các nỗ lực nói trên của Việt Nam trước tiềm lực quân sự to lớn của Trung Quốc. Tuy nhiên, theo chuyên gia này, về mặt chiến lược, Việt Nam hiện có một số lợi thế so với Trung Quốc :
 
“Khác xa hình ảnh nước yếu hơn mà họ từng cho thế giới thấy, Việt Nam hiện nắm giữ một số đảo lớn và đa số bãi đá ngầm tại quần đảo Trường Sa, trong khi Trung Quốc chỉ có không đầy một chục hòn đảo.

Lực lượng hải quân của Trung Quốc có vẻ lớn và hiện đại hơn, nhưng họ sẽ phải di chuyển xa hậu cứ để đến nơi có tranh chấp.

Ngược lại, Việt Nam đòi hỏi các vùng ngay trước cửa nhà. Đội tàu tấn công cao tốc trang bị tên lửa và tàu ngầm có thể tùy nghi tiến hành tấn công và rút lui an toàn về các cảng dọc theo bờ biển, trong lúc hạm đội tấn công của Trung Quốc sẽ ít nhiều bị tổn thất."
 
Tóm lại, theo ông Gary Libya, Việt Nam không cần phải đấu với Trung Quốc về số lượng tàu chiến, mà chỉ cần áp dụng lý thuyết về chiến tranh du kích của mình trên đại dương.

 Một chiến lược phi đối xứng, phối hợp với việc tạo thế liên minh với các đối thủ của Trung Quốc, sẽ mang lại ưu  thế cho Việt Nam trong trường hợp xảy ra xung đột.