Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 12-02-2012

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 12-02-2012 PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Phước   
Chúa Nhật, 12 Tháng 2 Năm 2012 17:43

Trung Quốc : Vi Bác, công cụ định hướng dư luận của Nhà nước

Ảnh minh họa (DR)

Tại Trung Quốc, trang mạng xã hội Vi Bác của tập đoàn Sina đã có hơn 400 triệu người sử dụng. Những tưởng từ đó, quyền tự do ngôn luận đã được mở rộng ở nước này.

 Nhưng không, Vi Bác ngày càng trở nên khắt khe với người sử dụng.

Một nữ nhà báo tên là Gia Gia đã đăng bài phàn nàn của cô trên một trang mạng tại Thẩm Quyến về tình hình kiểm duyệt của Vi Bác.

 Bài viết được Courrier International dẫn lại với hàng tựa mỉa mai : « Vi Bác bị ngành kiểm duyệt bào mòn ».

 Ngày 30/3/2010, cha của một đứa bé uống phải sửa nhiễm mélamine đã bị đem ra xét xử sơ thẩm và bị kết án tù về tội gây rối.

Nhà báo Gia Gia đã cho đăng lên trang Vi Bác của cô những bức ảnh chụp tại phiên tòa. Sau đó, lập tức ban điều hành trang mạng này đã liên lạc và yêu cầu cô dừng việc đăng ảnh.

Nữ nhà báo còn cho biết, ban điều hành Vi Bác đã liên lạc bằng điện thoại để cảnh báo những người sử dụng tránh động chạm đến vụ việc trên.
 
Chiến lược phát triển của Vi Bác là ưu tiên cho các ngôi sao và người nổi tiếng. Vì thế, những cuộc trao đổi, tranh luận giữa những người sử dụng không thuộc loại trên thu hút rất ít sự chú ý và rất ít được công chúng biết đến.
 
Nói về trang mạng Sina, tức trang chủ Vi Bác, Gia Gia cho rằng, trang mạng này không hề quan tâm gì đến quyền tự do ngôn luận, mà chỉ khư khư muốn áp đặt sự kiểm soát để định hướng dư luận.

Nó có thể kiểm duyệt lời nói, đóng tài khoản người vi phạm…tức có thể làm tất cả « để đạt được mục tiêu là trở thành diễn đàn tranh luận chính tại Trung Quốc nhằm định hướng dư luận ».
 
Gia Gia nhấn mạnh, tất cả những cuộc trao đổi thông qua Vi Bác mà mọi người tham gia đông đảo đều nói về những đề tài mà Sina cho phép, còn những đề tài nóng bỏng thật sự thì đã bị kiểm duyệt, những thông tin mọi người chú ý đã bị xóa.
 
Cũng có đôi khi cuộc tranh luận trên Vi Bác rộng lớn đến mức vượt tầm kiểm soát, khi ấy mới thật sự có những cuộc tranh luận nóng. Cụ thể là, tình hình trở nên không thể kiểm soát được khi mà ý chí người dân đạt đến điểm « sôi sục ».Thế nhưng, việc đó rất hiếm.
 
Gia Gia cho biết, với tư cách là một nhà báo, cô hiểu rõ đâu là ranh giới của quyền tự do ngôn luận tại Trung Quốc. Thế nhưng, cô cũng biết rằng, khi xuất hiện một vấn đề xã hội nghiêm trọng, thu hút sự quan tâm của nhiều người, thì sự kiểm duyệt phải chấp nhận một vài nhượng bộ.

 Nói cách khác, kiểm duyệt phải lùi một bước khi công luận tiến lên một bước. Thế nhưng, theo Gia Gia, Sina đã và sẽ không hiểu được nguyên tắcđó, tại vì Sina « đã quyết định hoạt động với tư cách là người tiền phong bảo vệ chính quyền ».
 
Cũng liên quan đến chủ đề này, trong chuyên mục « Từ chọn trong tuần », Courrier International phân tích từ « Dư luận » tại Trung Quốc.
 
Tác giả cho biết, hiện tại với khoảng 400 triệu người sử dụng, Vi Bác hoàn toàn đủ khả năng trở thành một diễn đàn đại diện cho « dư luận » tại Trung Quốc. Thế nhưng, nên nhớ rằng, Internet ở nước này hoàn toàn không tự do, bàn tay của Đảng cầm quyền luôn chi phối các trang mạng, kiểm duyệt được tiến hành ở mọi ngành mọi cấp.
 
Đầu năm 1980, Trần Vân, một quan chức chóp bu của đảng cộng sản Trung Quốc lúc bấy giờ, đã sử dụng hình ảnh chiếc lồng và con chim để chỉ mối quan hệ giữa Đảng và kinh tế, và ông kêu gọi nới rộng chiếc lồng cho nền kinh tế.

 Thế mà, 30 năm sau, chiếc lồng dù có nới rộng, nhưng vẫn chưa bị tháo đi, Đảng cầm quyền vẫn luôn kiểm soát nền kinh tế, cũng như kiểm soát Internet.
 
Đức đơn thương độc mã dẫn dắt châu Âu ?
 
Chuyến thăm Trung Quốc vào đầu tháng này của thủ tướng Đức Angela Merkel mang đến nhiều điều suy ngẫm, không phải về quan hệ song phương Đức- Trung, mà về vai trò của Đức tại châu Âu.
 
Tạp chí L’Express phân tích sự kiện này qua bài viết : « Vì đâu mà một miếng bánh mì rơi xuống đất đã khiến bà Merkel trở nên nổi tiếng ở Trung Quốc ».
 
Nước Pháp đã mất điểm tín nhiệm tuyệt đối AAA. Thế là từ đây, Đức một mình « làm lãnh tụ » của châu Âu. Vấn đề được chứng minh qua hai việc.
 
Thứ nhất là việc tổng thống Mỹ Barack Obama bắt đầu trao đổi với bà Merkel nhiều hơn là với ông Nicolas Sarkozy, bởi sứ mệnh cứu khu vực đồng euro dường như chỉ còn trông cậy vào bà.
 
Thứ hai đó là chuyến thăm của thủ tướng Merkel tới nền kinh tế thứ hai thế giới, Trung Quốc, từ ngày 2 đến ngày 4 tháng này.

 Bà đến để thuyết phục nước có nguồn dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới dành ra một phần để cứu châu Âu. Theo L’Express, nhìn từ Đức, báo chí Đức không ngần ngại đăng ảnh châm biếm vẽ bà Merkel trong tư thế một người ăn xin cầm một đồng euro trên tay.

 Trong khi đó, nhìn từ Pháp và Ý, bà được cho là đã chịu thua thiệt vì quyền lợi chung của châu Âu.
 
Từ lâu, Washington và Bắc Kinh luôn cho rằng, Liên Hiệp Châu Âu đang thiếu một đại diện để làm người đối thoại duy nhất, đồng thời lãnh đạo các nước thành viên của khối chỉ là « những nguyên thủ chia rẽ và thích cãi vã ». Thế là lần này, bà Merkel trong thế « đơn thương độc mã » như vậy, đã trở thành người đại diện duy nhất đó.
 
Đối với nước Pháp, tổng thống Sarkozy còn không ngừng ca ngợi kinh tế Đức.

 L’Express nhận định, Pháp đã không còn đủ phương tiện để cạnh tranh với Đức, bởi uy tín của Pháp đã sụt giảm sau khi nước này bị hạ điểm tín nhiệm tài chính, đồng thời cũng vì ông Sarkozy đã sắp mãn nhiệm nhiệm kỳ tổng thống, nên tiếng nói của ông của giảm phần nào trọng lượng.
 
Tại Trung Quốc, bà Merkel được nhiều người yêu thích hơn là ông Sarkozy. Trong chuyến thăm hồi đầu tháng của bà Merkel, đài truyền hình quốc gia Trung Quốc còn phát đi những hình ảnh có chọn lọc rất ưu ái cho bà. Ngược lại, hồi tháng 10/2010, khi tổng thống Sarkozy đến tham dự khai mạc triển lãm quốc tế Thượng Hải, hình ảnh ông ngáp dài lại được xuất hiện trên truyền hình.
 
Liên quan đến mẩu bánh mì trong dòng tựa, tờ báo cho biết : Khi đang dùng bữa, bà Merkel vô tình để rơi một mẩu bánh mì ; các nhân viên phục vụ toan chạy đến giúp, nhưng bà đã từ chối và đã tự nhặt lên, để vào dĩa và ăn. Câu chuyện ấy đã được loan tải rộng khắp Trung Quốc.
 
Cuối cùng tờ báo kết luận : Dù muốn dù không, thì kể từ nay, Berlin bắt đầu nói chuyện với tư cách đại diện cho cả châu Âu.
 
Cam Bốt : Hồ sơ Khmer Đỏ còn nhiều điểm mờ mịt
 
Ngày 3 tháng 2 này, tòa án quốc tế xét xử tội ác diệt chủng của Khmer Đỏ đã xử phúc thẩm và tuyên án tù chung thân đối với bị cáo Duch, chủ trại giam S21 khét tiếng tại thủ đô Phnom Penh thời bấy giờ.

Tạp chí Le Nouvel Observateur quan tâm đến vụ việc qua bài viết của một người được chứng kiến phiên tòa, nhà báo kiêm nhà văn Pháp, ông Jean-Claude Guillebaud. Bài viết chạy tựa : « Người phẫn nộ từ Phnom Penh ».
 
Tác giả nhấn mạnh, phiên toàn kết thúc, bản án đã tuyên, công lý đã được thực thi, tên đao phủ đã bị kết án chung thân, tội ác diệt chủng của Khmer Đỏ đã bị ngành tư pháp chính thức lên án. Thế nhưng, sự việc vẫn chưa kết thúc, bởi còn nhiều việc khá mù mờ.
 
Nhân vật mà tác giả nhắc đến đó là ông François Ponchaud, người mà vào năm 1976, tức một năm sau khi Khmer Đỏ lên cầm quyền, đã cảnh báo thế giới về tội ác diệt chủng của chính quyền Polpot.
 
Thế nhưng, khi ấy, nhiều trí thức và nhà bình luận phương Tây « đã mù quáng » hoan nghênh Khmer Đỏ. Họ cho rằng, việc Khmer Đỏ lên nắm quyền là thắng lợi của nhân dân Cam Bốt trước chủ nghĩa đế quốc.
 
Theo Ponchaud, cựu ngoại trưởng Henry Kissinger và cựu tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon cũng có trách nhiệm trong hồ sơ này và họ cần phải bị xếp vào trong hàng ngũ bị cáo. Năm 1973, B52 của Hoa Kỳ đã đánh phá Cam Bốt, gây ra nhiều tang thương chết chốc, và đã khiến cho Khmer Đỏ trở nên cực đoan hơn.
 
Nói về Liên Hiệp Quốc, thì trước kia, tổ chức lớn nhất hành tinh này cũng đã nhiều năm ủng hộ Khmer Đỏ, để rồi hiện tại, họ lại dựng lên phiên tòa xét xử Khmer Đỏ.
 
Như vậy, tác giả kết luận : Vào năm 2012, phương Tây xét xử những người mà họ từng ủng hộ không mệt mỏi hàng chục năm trời.
 
Phương Tây có trách nhiệm đối với cuộc khủng hoảng Syria
 
Cũng bàn về trách nhiệm, Courrier International hướng về tình hình tại Syria qua bài xã luận : « Syria, trách nhiệm của các nước phương Tây ».
 
Tìm hiểu về nguyên nhân của tình cảnh bi thảm hiện tại ở Syria, tờ báo cho rằng, có những nguyên nhân chính trị, những lợi ích trong khu vực và, hơn hết là « sự kéo co » giữa các cường quốc.

Ngày 4 tháng này, Trung quốc và Nga đã không ngại mếch lòng các đại gia phương Tây để phủ quyết dự thảo nghị quyết trừng phạt chính quyền Assad. Nga giải thích rằng, phủ quyết là vì lo ngại trong quân nổi dậy có những người thuộc thành phần hồi giáo cực đoan, giống như ở Ai Cập, họ muốn củng cố ảnh hưởng trong khu vực.

 Dù khó tin, nhưng theo tờ báo, giải thuyết này được không ít người tán đồng.
 
Còn đối với các nước phương Tây, họ từng rốt ráo và nhanh chóng can thiệp mạnh tay vào Libya. Chính điều đó đã làm lóe lên tia hy vọng cho người Syria. Thế nhưng, đến hiện tại, phương Tây vẫn chỉ đánh võ mồm.

Trong khi đó, các đảng phái Hồi giáo cực đoan lại giành thắng lợi ở một số nước. Tất cả khiến cho điều lo ngại của Nga và cái cớ bám trụ quyền lực của chính quyền Damas càng trở nên chắc chắn.
 
Như vậy, trên bình diện tinh thần, rõ ràng các nước phương Tây có trách nhiệm đối với tình hình máu lửa ở Syria.
 
 Sáu lý do Nga phủ quyết dự thảo nghị quyết lên án Assad

 
Courrier International dẫn lại bài của tờ Kommercant tại Maxcova với dòng tựa nghi vấn : « Tại sao Matxcơva vẫn còn ủng hộ Damas? ».
 
Theo tờ báo, có thể có sáu nguyên nhân:
 
- Syria là một trong những đồng minh chính của Nga trong thế giới Ả Rập. Nếu giữa lúc sóng gió này mà Nga quay lưng với Syria, thì sẽ mất uy tín với các đồng minh khác.
 
- Syria có vai rò thương mại quan trọng đối với Nga. Hợp đồng vũ khí giữa hai bên trong thời gian qua đã lên đến 4 tỷ đô la Mỹ.

 Chỉ trong năm 2010, Nga đã bán cho Syria 700 triệu đô la vũ khí. Mới đây, Nga đã ký hợp đồng bán cho Syria 36 máy bay tiêm kích, trinh sát và huấn luyện Yak-130 trị giá 550 triệu đô la. Tổng giá trị đầu tư của Nga vào kinh tế Syria lên đến 20 tỷ đô la. Nếu phe đối lập lên nắm quyền, Nga chắc chắn sẽ bị thiệt hại trầm trọng.
 
- Hiện tại, Nga đang có căn cứ hải quân tại cảng Tartus (bắc Syria). Đây là căn cứ quân sự duy nhất của Nga hiện diện ở một nước ngoài khu vực Liên Xô cũ.
 
- Những người cầm đầu phe đối lập có lập trường thân phương Tây, thân Thổ Nhĩ Kỳ và với các vương quốc vùng Vịnh, trong khi lại không thích Nga.
 
- Nga lo ngại Mỹ và châu Âu sẽ làm giống như trường hợp của Libya là dụ cho các nước thông qua một nghị quyết rồi lại làm xiếc trên ngôn từ để làm chệch hướng nghị quyết ấy. Một sự việc mà Nga và Trung Quốc đã một lần bị ê mặt.
 
- Trước thềm bầu cử tổng thống tại Nga, chính phủ của ông Putin phải tỏ ra cương quyết nhằm tránh cho cử tri và phe đối lập nói rằng, do chịu sức ép của phương Tây, Nga cam tâm bỏ mặc một đồng minh lâu năm như Syria.