Home Tin Tức Thời Sự Trung Quốc sẽ là thị trường lớn nhất của EU năm 2012

Trung Quốc sẽ là thị trường lớn nhất của EU năm 2012 PDF Print E-mail
Tác Giả: V.Giang   
Thứ Tư, 08 Tháng 2 Năm 2012 15:06

Đóng góp quỹ cứu nợ, và sự ổn định của Âu Châu là điều quan trọng đối với Bắc Kinh

BẮC KINH (AFP) - Ðại sứ khối Liên Âu (EU) tại Trung Quốc hôm Thứ Hai cho hay quốc gia này có thể trở thành thị trường xuất cảng lớn nhất của Âu Châu trong năm nay, vượt qua mặt Mỹ, khi Bắc Kinh gia tăng nhu cầu tiêu thụ nội địa.

 
Một bà lão Trung Quốc đi mua sắm ở Bắc Kinh. Ðại sứ khối Liên Âu cho rằng Trung Quốc có thể trở thành thị trường xuất cảng lớn nhất của Âu Châu trong năm nay, vượt qua mặt Mỹ. (Hình: Mark Ralston/AFP/Getty Images)
 

Lời phát biểu này được đưa ra sau khi Thủ Tướng Ôn Gia Bảo (Wen Jiabao) nói rằng Trung Quốc đang nghĩ đến việc trợ giúp khối sử dụng đồng euro (eurozone) bằng cách đóng góp vào quỹ cứu nợ, và sự ổn định của Âu Châu là điều quan trọng đối với Bắc Kinh.
 
“Có các chỉ dấu cho thấy trong năm 2012, Trung Quốc có thể trở thành thị trường xuất cảng lớn nhất của Âu Châu,” theo lời ông Markus Ederer tuyên bố với báo chí ở Bắc Kinh.
 
“Xuất cảng của Âu Châu đang gia tăng ở mức cao hơn là nhập cảng của Âu Châu từ Trung Quốc,” ông cho hay, nói thêm là dự đoán này dựa trên chiều hướng thương mại hiện nay.
 
Liên Âu từ lâu nay vẫn là thị trường lớn nhất cho hàng hóa Trung Quốc, và mức trao đổi thương mại giữa hai bên tiếp tục tăng mỗi năm, lên đến mức $567 tỉ vào năm 2011.
 
Tuy nhiên trong khi trị giá hàng xuất cảng từ Trung Quốc sang Liên Âu tăng 14.5% hồi năm ngoái so với năm 2010, nhập cảng của quốc gia này từ Liên Âu tăng ở mức 25.6% trong năm 2011, theo dữ kiện của chính quyền Trung Quốc.
 
Bắc Kinh nay ngày càng tìm cách giảm bớt sự lệ thuộc vào thị trường xuất cảng mà chú trọng hơn vào thị trường nội địa.
 
Tuy nhiên, nền kinh tế Trung Quốc, vốn tăng ở mức 9.2% năm ngoái so với con số 10.4% năm 2010, vẫn nặng về xuất cảng và Bắc Kinh lo ngại khi thấy cuộc khủng hoảng nợ nần ở Âu Châu tiếp tục trầm trọng hơn, ảnh hưởng tới sự phát triển của họ.
 
Sau cuộc họp với Thủ Tướng Ðức Angela Merkel, người đến Bắc Kinh để trấn an thành phần lãnh đạo nơi đây về tình hình Âu Châu, ông Ôn Gia Bảo nói rằng Trung Quốc đang “xem xét và nhận định các phương cách” để có thể can dự nhiều hơn vào việc giải quyết vấn đề nợ nần của Âu Châu.