Tình trạng suy sụp của ngành lắp ráp xe hơi tại Việt Nam vì chính sách thuế của chính phủ Việtnam
VIỆT NAM (NV) - Thất vọng vì các loại lệ phí liên quan đến xe hơi tăng vọt và nguy cơ thu hẹp thị trường, các công ty lắp ráp xe hơi dọa rút khỏi Việt Nam trong vòng 6 năm tới.
Một chiếc xe Hummer nhập cảng từ Mỹ trên đường phố Sài Gòn. Tâm lý sính ngoại, chỉ dùng hàng nhập cảng của người dân Việt Nam khiến nhiều hãng xe hơi sản xuất ở trong nước nản chí. (Hình: Paula Bronstein /Getty Images)
Trang VTC vừa có một bài phân tích hiện trạng này ở Việt Nam. VTC trích dẫn phúc trình của tổ chức VEF khảo sát về tình hình thị trường xe hơi tại Việt Nam mới đây cho rằng hầu hết các công ty xe hơi tại Việt Nam như General Motor Việt Nam, Honda Việt Nam, Suzuki Việt Nam... xác nhận “không có kế hoạch đầu tư tại Việt Nam trong năm nay.” “VEF cũng dẫn lời của chủ tịch hội đồng điều hành công ty Ford khu vực Châu Á-Thái Bình Dương nói rằng Ford hiện đang xây dựng 7 nhà máy sản xuất ô tô tại Châu Á. Tuy nhiên, ông Chủ Tịch Joe Hinrichs của Ford lại cho rằng họ “không có dự án nào tại Việt Nam cả.” Trong khi đó theo Tổng Giám Ðốc Tachibana của TMV Toyota thì các nhà máy sản xuất xe hơi tại Việt Nam sẽ gặp khó trong năm 2012. Ông Tachibana cũng tiên đoán sản lượng xe hơi Toyota “made in Việt Nam” sẽ sụt ít nhất 20%. Ông Tachibana cũng cho rằng trong vòng sáu năm tới, chỉ còn lại tối đa 3 công ty xe hơi có vốn đầu tư của ngoại quốc “trụ” lại Việt Nam. Nhận định này còn tương đối lạc quan so với tuyên bố của một số chuyên viên ngoại quốc trong lĩnh vực sản xuất ô tô khi cho rằng “có khi chẳng còn một công ty nào còn hiện diện tại Việt Nam vào năm 2018.” Nguyên nhân chính yếu dẫn tới tình trạng suy sụp của ngành lắp ráp xe hơi tại Việt Nam là nguy cơ thu hẹp thị trường vì chính sách thuế gần đây của chính phủ Việt Nam. Theo tổng giám đốc điều hành công ty Ford tại Việt Nam, Laurent Charpentier, việc nhà nước Việt Nam tăng lệ phí trước bạ xe hơi tại Sài Gòn thêm 15% và 20% tại Hà Nội từ ngày 1 Tháng Giêng năm nay là “cú đánh mạnh” vào thị trường.
Thêm vào đó, lệ phí cấp bảng số xe tại Hà Nội được đẩy lên tới mức cao chưa từng có: 20 triệu đồng, tương đương với 1,000 đô la một chiếc xe. Rất nhiều công ty lắp ráp xe hơi có vốn đầu tư của ngoại quốc hoạt động tại Việt Nam lâu nay tỏ ra ngần ngại trước việc đầu tư mới vào Việt Nam vì “cú đánh mạnh” nói trên.
Nhiều người cho rằng chi phí tăng vọt này sẽ làm “teo tóp” nền kỹ nghệ ô tô non trẻ tại Việt Nam, lâu nay chỉ mới lắp ráp chứ chưa sản xuất nguyên chiếc. Hơn thế nữa, thuế nhập cảng xe hơi nguyên chiếc từ 200% hiện nay sẽ giảm còn 50% vào hai năm tới cũng là nguyên nhân làm đình đốn kỹ nghệ lắp ráp ô tô nội địa tại Việt Nam. Ðó là chưa nói đến điều quan trọng hơn: thuế suất này chỉ còn tối đa 5% đối với xe hơi nguyên chiếc nhập cảng vào Việt Nam vào 4 năm sau đó. Các nhà lắp ráp xe hơi tại Việt Nam cho rằng khi đó thì thị trường Việt Nam sẽ tràn ngập xe hơi nhập cảng vì tâm lý “sính ngoại” của người Việt Nam, đặc biệt đối với xe hơi. Chính sách thuế mới của chính phủ Việt Nam không chỉ làm thất vọng giới đầu tư ngoại quốc. Các nghiệp đoàn Việt Nam đang “run” vì nguy cơ phá hỏng ngành kỹ nghệ có khả năng thu hút 1 triệu nhân công để lắp ráp và sản xuất khoảng nửa triệu chiếc xe “made in Việt Nam” mỗi năm. Một số ngành sản xuất liên quan gồm thép, điện tử, hóa chất, nhựa... cũng có nguy cơ chịu ảnh hưởng nặng nề nếu ngành kỹ nghệ ô tô tại Việt Nam bị “chết đứng” như thế. (PL)
|