Home Tin Tức Thời Sự Vụ Tiên Lãng, Hải Phòng : Thời cơ để lấy lại lòng tin của người dân

Vụ Tiên Lãng, Hải Phòng : Thời cơ để lấy lại lòng tin của người dân PDF Print E-mail
Tác Giả: Thụy My   
Thứ Tư, 08 Tháng 2 Năm 2012 12:47

Ông Đoàn Văn Vươn đang phải ngồi tù hơn một tháng nay

 

Người dân xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng ở gần khu đầm bị cưỡng chế của ông Đoàn Văn Vươn. Ảnh chụp ngày 10/01/2012.
REUTERS/Stringer


Dư luận cho rằng người nông dân cần cù Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng đã đi vào lịch sử một cách bất đắc dĩ, khi qua sự kiện này có thể chính phủ Việt Nam sẽ phải cân nhắc lại toàn bộ chính sách đất đai.

 Theo ông Lê Hiếu Đằng, nếu chính quyền Việt Nam xử lý một cách công minh, thì đây sẽ là thời cơ để lấy lại lòng tin của người dân.

Ông cũng cho rằng Đảng sẽ phải chịu trách nhiệm trước lịch sử, trước dân tộc nếu không giải quyết được tình trạng cán bộ thối nát.

 Như RFI đã đưa tin, hôm qua 07/02/2012 Thành ủy Hải Phòng đã họp báo cho biết kết luận bước đầu của vụ cưỡng chế gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, tỉnh Hải Phòng.

 Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thành đã thông báo việc kỷ luật hàng loạt lãnh đạo của huyện và xã. Cụ thể là chủ tịch và phó chủ tịch huyện bị đình chỉ công tác, trưởng công an huyện, bí thư đảng ủy và chủ tịch xã bị kiểm điểm.
 
Về việc có nên huy động quân đội vào việc cưỡng chế đất đai của người dân hay không, ông Nguyễn Văn Thành cho biết Đoàn thanh tra của chính phủ đang xem xét đúng sai. Còn việc giao đất của huyện Tiên Lãng có đúng theo Luật đất đai hay không, thì Bộ Tài nguyên Môi trường cũng đang kiểm tra.
 
Cuộc họp báo có đến 50 báo đài của Việt Nam tham dự, chứng tỏ sự chú ý của công luận về vụ này. Tuy nhiên do cuộc họp báo này chỉ kéo dài một tiếng đồng hồ, nên nhiều câu hỏi của các phóng viên chưa được trả lời thỏa đáng.
 
Trên internet hôm nay, khi gõ từ khóa « Tiên Lãng, Hải Phòng » vào Google chúng tôi đã có được ba triệu rưỡi kết quả chỉ trong vòng 0,17 giây.

Báo chí trong nước cho biết hôm nay công an thành phố Hải Phòng đã tổ chức khám nghiệm hiện trường nơi ngôi nhà ông Vươn đã bị san bằng, và khởi tố vụ án cố ý hủy hoại tài sản của gia đình ông. Cơ quan công tố cũng đang xem xét lại bản án sơ thẩm đối với quyết định thu hồi đất của Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Lãng.
 
Dư luận tuy tạm hài lòng nhưng vẫn tiếp tục lên tiếng vì cho rằng vẫn còn nhiều viên chức địa phương có những việc làm hay phát biểu sai trái trong vụ này vẫn chưa bị xử lý.

Trả lời phỏng vấn của chúng tôi ở phần trên, ông Nguyễn Đăng Quang, nguyên là đại tá công an cũng cho biết lý do khiến ông đã kiến nghị Bộ Công an trực tiếp điều tra vụ ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, vì giám đốc công an Hải Phòng tỏ ra không khách quan và thiếu trách nhiệm nên không thể giao cho địa phương.
 
Đối với luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, thì trước sức ép của dư luận Hải Phòng đã buộc lòng phải xoa dịu, chứ chưa thực sự nghiêm túc trong vấn đề này.
 
Ngày 10/2, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng sẽ họp báo về vụ Tiên Lãng.

Hàng triệu người dân cả nước, kể cả dư luận ngoài nước đang nóng lòng chờ đợi cách giải quyết vụ này như thế nào.

Trong số vô số các ý kiến của người dân được báo chí trong nước đăng tải, có người đã đặt câu hỏi : « Thành ủy Hải Phòng rút kinh nghiệm, thế thì ông Vươn liệu có được cơ hội « rút kinh nghiệm » một cách đơn giản như thế không ? ».
 
Ông Đoàn Văn Vươn đang phải ngồi tù hơn một tháng nay, không hề được tiếp xúc với bất cứ ai, từ thân nhân cho đến luật sư, cho dù ông bị khởi tố vì tội « giết người », một tội danh có khung hình phạt có thể lên đến tử hình, mà theo luật Tố tụng hình sự cần có luật sư tham gia hỗ trợ.

Ông không hề biết được dư luận cả nước đã phản ứng mạnh mẽ như thế nào trước vụ án chưa từng xảy ra tại Việt Nam.
 
Người nông dân và là kỹ sư đã đổ bao nhiêu mồ hôi, công sức và tiền bạc để lấn biển, để tạo lập khu đầm thủy sản, đã bị đẩy vào đường cùng, buộc ông phải phản kháng.

 Hành động dũng cảm của ông có thể sẽ khiến chính phủ Việt Nam cân nhắc lại toàn bộ chính sách đất đai.

Cái tên Đoàn Văn Vươn từ nay đã đi vào lịch sử một cách bất đắc dĩ, dù ông không hề muốn, như trong câu đối của Ngô Thời Nhiệm « gặp thời thế, thế thời phải thế ».