Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 7-02-2012

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 7-02-2012 PDF Print E-mail
Tác Giả: Mai Vân   
Thứ Ba, 07 Tháng 2 Năm 2012 15:24

Nga đang chuẩn bị cho tiến trình chuyển tiếp chính trị tại Syria ?

 
Tổng thống Syria Bashar al-Assad (T) bắt tay Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tại Damas ngày 07/02/2012. Đứng cạnh Ngoại trưởng Nga là Mikhail Fradkov, lãnh đạo tình báo Nga.
REUTERS

 

Tình hình Syria vẫn gây lo ngại. Báo giới Pháp đều tiếp tục lên án các vụ trấn áp đẫm máu ở vùng thành phố Homs trong mấy ngày qua, và chỉ trích Trung Quốc và Nga đã phủ quyết nghị quyết của Hội đồng Bảo an về Syria.

 Riêng Le Figaro đã phân tích lý do vì sao Nga là nước có nhiều khả năng nhất để gây ra một cuộc đảo chính trong giới tướng lãnh Syria, qua đó tạo ra một tiến trình chuyển tiếp chính trị.

 Le Monde đăng ảnh tang lễ hôm Thứ bảy trên trang nhất, và tố cáo : « Thảm sát tiếp diễn ở Homs ».

 Libération dành một tựa trang nhất và 2 trang trong, trích lời người dân Homs kể lại cảnh địa ngục mà họ đã kinh qua trong các trận pháo kích. Họ cho là đã bị tất cả mọi người bỏ rơi và không chờ đợi gì nữa nơi cộng đồng quốc tế.
 
Le Figaro, ở trang nhất, nêu kết quả một cuộc thăm dò ở Pháp xem có bao nhiêu người tin tưởng về khả năng Liên Hiệp Quốc tìm ra một giải pháp cho Syria : trên 21.561 người trả lời câu hỏi, thì chỉ có 14,4% tin tưởng, trong lúc cớ tới 85,60% không hy vọng gì nơi Liên Hiệp Quốc.
 
Ở trang trong, Le Figaro chú ý đến sự hiện diện Nga ở Syria, mà theo tờ báo « giới quân sự Nga có mặt mọi nơi », tựa bài báo trang quốc tế.

Theo Le Figaro, trong hậu trường, đồng minh của Syria đang tìm cách hướng dẫn một tiến trình chuyển tiếp chính trị và không hẳn là phải có ông al Assad.
 
Về sự hiện diện quân sự của Nga, tờ báo trích một chuyên gia quân sự Pháp ở Trung Đông cho biết là trong những tháng qua, Hải quân Nga đã cho biệt phái nhiều người sang Syria. Đấy là những cố vấn quân sự, nhân viên tình báo, họ rải ra trong quân đội Syria, trong lực lượng an ninh, và trong một số bộ ở thủ đô Damas. Mục tiêu là để có thể tác động trên tình hình hiện nay.
 
Le Figaro còn trích dẫn một doanh nhân Pháp thân cận với giới an ninh ở Damas, cho biết là tại hiện trường, trong việc đối phó với phong trào nổi dậy, tổng thống Syria không mạnh bạo tiến tới nếu không có sự đồng ý của Nga.
 
Tuy nhiên theo doanh nhân này thì Nga cũng đã ra một giới hạn là không để tái diễn cuộc đàn áp đẫm máu như đã xẩy ra ở thành phố Hama, vào năm 1982, khi có hơn 15.000 nguời hồi giáo bị giết chết trong cuộc nổi dậy chống ông Hafez al Assad, cha của đương kim tổng thống Syria.
 
Theo Le Figaro, những nhà phân tích lạc quan nhất đang cho là Nga có thể tìm cách ‘giải thể một cách có kiểm soát’ chế độ Assad, ‘chuyển một cách trật tự sang một chế độ mới không có Assad, nhưng với những người trung thành với triều đại Assad’.
 
Tờ báo còn nêu chi tiết là từ mấy tuần qua, chuyên gia Nga đang hướng dẫn việc tổ chức lại đảng Baas đang cầm quyền tại Syria.

Những thay đổi mới sẽ được Đại Hội đảng này thông qua vào tháng tới, hầu đặt đảng Baas này trong thế mạnh khi tổng thống Assad thông báo việc mở ra chế độ đa đảng vào tháng 3.
 
Trong phần kết luận Le Figaro trích dẫn một quan sát viên người Liban, cho là ‘Nga đã đào tạo giới tướng lãnh Syria, và với kinh nghiệm từ một chế độ chuyên chế - Liên Xô cũ - chuyển sang một chế độ đa đảng giả hiệu, Matxcơva nghĩ là họ trong tư thế tốt nhất để lèo lái tiến trình chuyển tiếp ở Syria, bất kể là tiến trình này có hay không có ông Assad.
 
Đối với Le Figaro, Nga là nước có nhiều khả năng nhất để gây ra một cuộc đảo chính trong giới tướng lãnh Syria.
 
Thủ tướng Đức Merkel ủng hộ Tổng thống Pháp Sarkozy tái tranh cử
 
Cuộc họp các bộ trưởng Pháp - Đức tại Paris hôm qua, 06/02/2012, là đề tài số một của báo giới Pháp hôm nay.

Các báo từ tả qua hữu đều chú ý đến thái độ của Thủ tướng Đức Angela Merkel, đã ủng hộ ông Nicolas Sarkozy ‘‘trên mọi mặt’’, trong khi lại thận trọng đối với ứng viên đảng Xã hội François Hollande.
 
Le Figaro, thiên hữu, chạy trong hàng tít lớn : « Sarkozy - Merkel : ‘hiệp ước chống Hollande’ », bên trên bức ảnh nhỏ chụp cảnh họp báo tại điện Elysée. Le Monde, độc lập, cũng trong hàng tít trang nhất, đã tìm hiểu « Vì sao bà Merkel lại đi vận động cho ông Sarkozy ».

Nhật báo cộng sản L’Humanité trên trang nhất, bên dưới bức ảnh chụp thủ tướng Đức trao đổi với tổng thống Pháp ở Điện Elysée, đã chạy hàng tựa có vẻ mỉa mai : ‘‘Sarkozy ứng viên của thủ tướng Đức’’.
 
Tờ Libération, thiên tả, thì nêu sự kiện ở trang trong, cũng chạy một hàng tựa rất hóm hỉnh, nhưng ngược lại, lại gọi thủ tướng Đức Merkel là ‘tùy viên báo chí của ông Sarkozy’, với hàng giải thích bên dưới : Thủ tướng Đức xác nhận là bà sẽ ủng hộ tổng thống mãn nhiệm trong cuộc vận động tranh cử sắp tới.
 
Theo Libération, như vậy là Thủ tướng Đức đã chính thức hóa cuộc tái tranh cử của ông Sarkozy. Và hôm qua, phát biểu trên đài truyền hình France 2 bà đã quên đi sự thận trọng thông thường.

Tờ báo nhắc lại câu trả lời của thủ tướng Đức khi được hỏi tại sao bà ủng hộ ông Sarkozy : « Ông ấy đã ủng hộ tôi thì bây giờ việc tôi ủng hộ ông ấy trong cuộc vận động tranh cử là chuyện đương nhiên ».
 
Đây là một câu trả lời rõ rệt trong lúc mà ông Sarkozy chưa thông báo chính thức việc tái tranh cử.

 Libération hóm hỉnh cho là nếu các chiến lược gia của tổng thống Pháp muốn mọi người phải ngạc nhiên khi ông tuyên bộ quyết định tranh cử thì quả là họ thất bại !
 
Châu Âu không che giấu bực tức đối với Hy Lạp
 
Tờ báo kinh tế Les Echos hôm nay cũng đưa ảnh lớn trang nhất của hai lãnh đạo Pháp Đức họp báo tại điện Elysée, nhưng bên trên lại chạy hàng tít : « Hy Lạp : Châu Âu mất kiên nhẫn ».
 
Tờ báo nhận thấy là lãnh đạo Châu Âu đã không còn che giấu thái độ bực bội đối với chính phủ Hy Lạp, mà họ cho là quá chậm chạp trong việc đưa ra những biện pháp mới nhằm cắt xén chi tiêu, cũng như những cải cách cơ cấu cần thiết.
 
Bà Merkel và ông Sarkozy đã ra tối hậu thư đối với chính khách Hy Lạp là nếu họ không chấp nhận những điều kiện đưa ra, thì châu Âu sẽ không tháo khóan tiền và Hy Lạp sẽ bị phá sản nhanh chóng.

 Theo Les Echos, hầu như cả Châu Âu đều ủng hộ và đứng phiá sau đầu tàu Pháp - Đức.
 
Hy Lạp, theo tờ báo, đang đợi tháo khoán 14 tỷ euro vào tháng 3 tới đây.

 Đối với Châu Âu, Hy Lạp càng chần chừ, kéo dài thời gian, thì đất nước này càng lún sâu thêm vào khủng hoảng. Và vấn đề không chỉ là cắt giảm chi tiêu mà còn phải thực hiện cải cách.

Les Echos trích dẫn một chuyên gia cho là mục tiêu của kế hoạch thương lương với Athens là nhằm đưa Hy Lạp trở lại con đường tăng trưởng, chủ yếu qua việc giảm nợ công xuống mức khả dĩ.
 
Nhưng vấn đề là không thể thúc đẩy hoạt động kinh tế, thu hút đầu tư, khi mà lương nhân công quá cao, khu vực công quá nặng nề, trong lúc lãnh vực tư nhân lại yếu kém hơn nhiều. Les Echos còn nhắc lại là trong những yêu cầu cải cách hiện nay, có đề nghị giảm mức lương tối thiểu, một đề nghị làm các công đoàn Hy Lạp phẫn nộ.
 
Còn đối với Le Figaro, khó khăn của chính phủ Hy Lạp và các đảng phái ở Quốc hội là họ không thể đi nhanh.

Các đảng không thể ký văn bản cam kết thực hiện các đề nghị của Châu Âu vì đó là những đòi hỏi về nhiều biện pháp khắc khổ hơn nữa, đòi giảm lương.

Đó là những yêu cầu đang làm xã hội Hy Lạp sôi sục trong khi mà cuộc bầu quốc hội mới được dự kiến vào tháng tư tới đây.
 
Libération chú ý đến ngưòi dân Hy Lạp, vốn không còn có thể chịu đựng được cảnh thắt lưng buộc bụng, và đình công, xuống đường hôm nay theo lời kêu gọi của các công đoàn trong khu vực công cũng như tư. Họ xem những đòi hỏi của Châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế là quá đáng, là một hình thức bắt bí cả một dân tộc.
 
Libération liệt kê một số đòi hỏi và biện pháp mới mà chính quyền dự kiến và đang gây phẫn nộ như giảm lương, giảm đến 20%, giảm một số quỹ hưu bổng... sa thải bớt nhân viên trong khu vực công, sa thải ngay 15.000 người, giảm hơn 1 tỷ euro chi phí về y tế.

Các biện pháp này nằm trong thoả thuận giữa chính phủ Hy Lạp của thủ tướng Papademos với bộ ba Liên Hiệp Châu Âu, Ngân hàng Trung Ương Châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
 
Không chỉ có đường phố phẫn nộ, mà Libération còn thấy là giới lãnh đạo Hy Lạp rất bối rối không biết xử lý ra sao.

 Tờ báo trích lời bộ trưởng tài chính Evangelos Vinizelos công nhận : « Người Hy Lạp đã nghèo đi và đang sống một thảm kịch ».

Theo Libération toàn bộ giới chính khách đều có cảm nhận như trên, ngay cả những nguời ủng hộ chính phủ. Họ có cảm giác là họ thảo luận trong tư thế bị dồn vào chân tường, bị một khẩu súng kê sát màng tang, để cứu vãn những gì có thể cứu vãn được.
 
Tương lai đầy âu lo cho các phụ nữ trong Mùa xuân Ả Rập
 
Về các phong trào nổi dậy trong thế giới Ả Rập, nhật báo Le Figaro hôm nay đã phân tích thân phận các phụ nữ trong một bài viết dài chiếm trọn trang 2 với tựa đề « Mùa Xuân Ả Rập : Phụ nữ đi về đâu ? ».
 
Delphine Minoui, thông tín viên của Le Figaro tại vùng Trung Đông, ghi nhận trước tiên một thực tế : « Từ Tunis đến Cairo, từ Tripoli (ở Libya) cho đến Sanaa (ở Yémen), các phụ nữ đều xuống đường để tố cáo các chế độ độc đoán và tình trạng thiếu tự do ».

Thế nhưng, khi các chế độ này lần lượt sụp đổ, số phận của các phụ nữ này đa phần vẫn rất bấp bênh, vô định, vào lúc mà các tác nhân chính trị mới có nhiều dấu hiệu muốn đi theo xu hướng hồi giáo triệt để.
 
Trong các phong trào đấu tranh vừa qua, các phụ nữ có vai trò không nhỏ. Thông tín viên Le Figaro ghi nhận : « Tại Sidi Bouzid, cái nôi của mùa xuân Ả Rập Tunisia, họ hiên ngang chống chọi với dùi cui cảnh sát của chế độ Ben Ali, chẳng khác chi nam giới. Trên quảng trường Tahrir ở Cairo Ai Cập, ngay từ những giờ phút đầu tiên, họ cũng công khai thách thức truyền thống gia trưởng trọng nam, để sát cánh bên các ông chồng, hô vang những khẩu hiệu chống Mubarak.

Còn tại Benghazi ở Libya, chính phụ nữ là ngòi pháo phát động cuộc nổi dậy chống Kadhafi khi họ dũng cảm đứng lên phản đối việc chính quyền bắt giữ luật sư biện hộ cho những người chồng của họ bị mất tích ».
 
Theo Delphine Minoui, ở đâu cũng thế, những người vợ, những người mẹ, những người chị hay người em gái đều đã xuống đường hô to khẩu hiệu « Erhal » - tức là ‘cút đi’ – hướng về phía các nhà độc tài.
 
Có điều là sau mùa xuân vừa qua, mùa đông đang diễn ra dự báo nhiều điều rất khắc nghiệt đối với các phụ nữ tại các nước kể trên.

Bà Olfa Belhassing, nhà báo tại Tunisia nhận xét : « Ngày nay, với việc các thành phần hồi giáo triệt để lên cầm quyền, các cao vọng của chúng tôi đã giảm xuống một bực. Đối với chúng tôi, duy trì được các quyền sẵn có là may mắn lắm rồi ».