Home Tin Tức Thời Sự Gần một nửa nông dân Trung Quốc bị trưng thu đất đai một cách bất công

Gần một nửa nông dân Trung Quốc bị trưng thu đất đai một cách bất công PDF Print E-mail
Tác Giả: Anh Vũ   
Thứ Ba, 07 Tháng 2 Năm 2012 14:46

 Việc trưng thu đất đai một cách bừa bãi là nguyên nhân chủ yếu của các vụ xung đột


Dân làng Ô khảm (Quảng Đông) biểu tình chống trưng thu đất đai ngày 21/11/2011.
weibo.com/youyi009

 

Một tờ báo kinh tế tại Trung Quốc vào hôm nay, 07/02/2012, đã công bố một nghiên cứu cho thấy từ năm 1990 đến nay, hơn 43% nông dân Trung Quốc bị chính quyền trưng thu đất đai. Công cụ sản xuất của người nông dân sau đó được đem bán lại với giá trung bình cao gấp 40 lần so với giá đền bù.

 Theo AFP, việc trưng thu đất đai một cách bừa bãi là nguyên nhân chủ yếu của các vụ xung đột giữa nông dân và chính quyền địa phương đang ngày càng phổ biến ở Trung Quốc.

 Vụ nổi dậy của người dân làng Ô Khảm trong tỉnh Quảng Đông mới đây là một minh chứng rõ rệt nhất.
 
Một cuộc điều tra trên 17 tỉnh và khu vực do trường Đại học Nhân dân Bắc Kinh tiến hành, được công bố trên báo 21st Century Business Herald, đã đưa ra những số liệu chi tiết như 12,7% người nông dân bị trưng thu đất mà không được nhận bồi thường, 9,8% khác bị chính quyền quỵt tiền đền bù.

Các số liệu điều tra trên còn cho biết thêm là các trường hợp được đền bù thì cũng theo giá trị thấp hơn so với giá chính quyền bán lại cho các nhà đầu tư tới 40 lần. Cụ thể, một mẫu Trung Quốc (khoảng 667 m2) trung bình được đền bù 2.264 euro, trong khi đó giá bán của chính quyền địa phương lên tới 94.000 euro.
 
Theo nhật báo kinh tế nói trên, để tìm nguồn tài chính chính quyền địa phương ở Trung Quốc trong những năm gần đây đã đẩy mạnh việc trưng thu đất đai.

Tuần qua tại Quảng Đông, thủ tướng Ôn Gia Bảo đã thừa nhận việc trưng thu đất đai bất công là nguyên nhân gây ra các cuộc xung đột giữa người dân và chính quyền ở nông thôn ngày nay. Theo người lãnh đạo chính phủ Trung Quốc thì căn nguyên của vấn đề đó là quyền sở hữu đất đai của người nông dân không được bảo đảm đầy đủ.
 
Về mặt luật pháp, thì nông dân Trung Quốc không có quyền sở hữu đất đai mà họ đang canh tác, nhưng từ khi áp dụng chính sách giải thể hợp tác hóa cách đây 30 năm, các hộ nông dân được quyền sử dụng đất đai canh tác qua các hợp đồng dài hạn với chính quyền.

Nhiều nhà kinh tế Trung Quốc nhận định : Việc không thừa nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai như hiện nay là một cản trở cho quá trình đô thị hóa và hiện đại hóa nông nghiệp Trung Quốc.