Phá thế độc quyền của Trung Quốc
KUALA LUMPUR (AFP) - Trung Quốc sắp mất ưu thế khống chế nguồn cung cấp đất hiếm, loại nguyên liệu quan trọng cho việc sản xuất nhiều sản phẩm từ iPod đến hỏa tiễn, sau khi một nhà máy ở Malaysia đi vào hoạt động. Công ty hầm mỏ Úc Lynas hôm Thứ Tư vừa được cấp giấy phép biến chế quặng đất hiếm nhập cảng từ Úc tại nhà máy sắp xây xong. Tuy nhiên, giới bảo vệ môi trường, lo ngại về phóng xạ rò rỉ ra từ nhà máy này, đang lên tiếng phản đối.
Một phái đoàn 12 người từ Malaysia qua Úc biểu tình trước trụ sở Lynas Corporation phản đối nhà máy làm đất hiếm, sắp xây xong ở Kuantan, Malaysia, vì lo ngại ảnh hưởng tới sinh mạng người dân sống quanh đó. (Hình: Greg Wood/AFP/Getty Images)
Nhà máy Lynas Advanced Materials Plant (LAMP) ở tỉnh Pahang nằm về phía Ðông Malaysia sẽ đi bước đầu trong nỗ lực của cả thế giới nhằm gia tăng mức sản xuất đất hiếm và phá vỡ thế độc quyền của Trung Quốc trong mấy năm gần đây, theo các nhà phân tích. Nhà máy này trong giai đoạn đầu sẽ có khả năng biến chế khoảng 11,000 tấn đất hiếm mỗi năm, tức khoảng 1/3 nhu cầu hiện nay của thế giới nhưng không kể tới Trung Quốc, với mức sản xuất tối đa là 22,000 tấn mỗi năm theo công ty Lynas. Nhà máy này, cùng với các nhà máy mới ở những nơi khác và việc gia tăng sản xuất từ các nhà máy hiện có, sẽ đưa tới việc gia tăng gấp 10 lần mức sản xuất đất hiếm bên ngoài Trung Quốc, nâng tổng số sản xuất lên 60,000 tấn vào năm 2016. Trung Quốc, với trữ lượng dồi dào và không phải đối phó với sự chống đối của dân chúng địa phương về vấn đề môi sinh, đang khống chế cả thị trường thế giới trong lãnh vực đất hiếm, cung cấp khoảng 95% nhu cầu toàn thế giới. Tuy nhiên, các biện pháp kiểm soát mức xuất cảng đất hiếm của Bắc Kinh cho cả mục tiêu chính trị và thương mại đã khiến giá đất hiếm tăng vọt và buộc thế giới phải đi tìm các nguồn cung cấp khác. Các nhà tranh đấu bảo vệ môi sinh cho hay họ lo ngại rằng khi mức sản xuất tăng vọt, dẫn đến việc giá cả sụt xuống và khiến cho các nhà máy phải đóng cửa như từng xảy ra trước đây, thì dân chúng địa phương sẽ phải lãnh hậu quả kinh tế và ô nhiễm môi sinh. |