Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) là đại công ty quốc doanh độc quyền kinh doanh điện ở Việt Nam
HÀ NỘI (NV) - Ông Ðào Văn Hưng, chủ tịch Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam, vừa bị cách chức hôm 4 tháng 2 vì “điều hành yếu kém,” theo một quyết định từ Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng
Chủ Tịch EVN Ðào Văn Hưng. (Hình: Vnexpress)
Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) là đại công ty quốc doanh độc quyền kinh doanh điện ở Việt Nam vốn gây nhiều bê bối trong thời gian qua. Vnexpress cho hay: “Ông Ðào Văn Hưng nguyên là tổng giám đốc Tổng công ty Ðiện lực Việt Nam, được bổ nhiệm giữ chức chủ tịch HÐQT Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam vào tháng 10, 2007. Tháng 2, 2011, sau khi EVN chuyển đổi mô hình hoạt động thành công ty TNHH, một thành viên Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam, ông Hưng tiếp tục được thủ tướng phê chuẩn giữ chức chủ tịch Hội đồng Thành viên EVN.” EVN trực thuộc Bộ Công Thương và bộ trưởng của bộ này, ông Vũ Ðức Ðam nêu rõ: “Thời gian ông Ðào Văn Hưng giữ chức vụ tại tập đoàn, hoạt động của EVN trong nhiều lĩnh vực chưa thực sự hiệu quả. Một trong những ví dụ là những yếu kém trong việc kinh doanh, sản xuất của EVN Telecom.” Vnexpress trích dẫn tài liệu từ kiểm toán nhà nước cho biết: “Tính đến ngày 31 tháng 12, 2010, các khoản đầu tư tài chính dài hạn của công ty mẹ Tập đoàn Ðiện lực (EVN) lên tới gần 50,000 tỷ đồng, trong đó chiếm gần 90% là vào những công ty con. Tuy nhiên, tổng lợi nhuận thu về khoảng 540 tỷ đồng, đạt tỷ lệ lợi nhuận trên vốn đầu tư chỉ hơn 1%.” Tài liệu cho biết thêm, “EVN đã đầu tư trên 2,100 tỷ đồng vào 4 lĩnh vực nhạy cảm và ngoài ngành kinh doanh chính như bất động sản, bảo hiểm, ngân hàng, tài chính chiếm 3.27% vốn chủ sở hữu. Bên cạnh đó, tập đoàn này đầu tư 100% vốn vào công ty Thông tin Viễn thông Ðiện lực (EVN Telcom), với số vốn đầu tư tính đến 31 tháng 12, 2010 lên tới 2 tỉ 442 triệu đồng nhưng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2010 đã giảm tới 42% so với năm 2009.” Vẫn theo Vnexpress, “Kết quả kinh doanh trong 3 năm gần nhất của EVN Telecom đi xuống rất nhanh. Nếu như năm 2008 lợi nhuận đạt được 93.8 tỷ đồng thì 2009 giảm còn 8.3 tỷ đồng và chuyển thành lỗ trên 1,050 tỷ đồng năm 2010. Năm 2011, Thủ tướng đã quyết định chuyển giao toàn bộ EVN Telecom cho Viettel. Năm 2011, EVN cho biết lỗ 3,500 tỷ đồng.” (KN)
|