Home Tin Tức Thời Sự Quốc tế phản ứng trước việc Nga - Trung phủ quyết nghị quyết về Syria

Quốc tế phản ứng trước việc Nga - Trung phủ quyết nghị quyết về Syria PDF Print E-mail
Tác Giả: Thụy My   
Chúa Nhật, 05 Tháng 2 Năm 2012 18:22

'' Matxcơva và Bắc Kinh đã sử dụng quyền phủ quyết một cách vô trách nhiệm”

 

 
Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thảo luận dự thảo về Syria, ngày 04/02/2012
REUTERS

Hôm qua 04/02/2012 Nga và Trung Quốc đã sử dụng quyền phủ quyết tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, để bác bỏ dự thảo nghị quyết do phương Tây và các nước Ả Rập đề nghị, nhằm lên án việc Syria đàn áp đẫm máu phong trào phản kháng.


Nhiều quốc gia đã có phản ứng gay gắt vì đây là lần thứ hai Matxcơva và Bắc Kinh, những đồng minh cuối cùng của ông Bachar Al Assad, ngăn trở những nỗ lực của cộng đồng quốc tế hầu chấm dứt bạo lực tại Syria.

Dự thảo nghị quyết trên « hoàn toàn ủng hộ » kế hoạch của Liên đoàn Ả Rập nhằm đạt đến một sự chuyển đổi dân chủ tại Syria, và lên án việc chế độ Damas « vi phạm trắng trợn và phổ biến » về nhân quyền.

Cả 13 nước còn lại trong Hội Đồng Bảo An đã bỏ phiếu ủng hộ, trong đó có Ấn Độ và Nam Phi trước đây vắng mặt trong lần bỏ phiếu hồi tháng 10/2011.

Từ New York, thông tín viên RFI Karim Lebourg tường trình:

“Việc Nga và Trung Quốc phủ quyết đã gây ngạc nhiên cho các nhà ngoại giao Liên Hiệp Quốc.

Sau tám ngày thương lượng, đại sứ Pháp Gérard Araud đã nghĩ rằng lần này có thể đạt được một thỏa thuận.

Ông nói: Việc cả hai nước này cùng phủ quyết ngay trước mũi mọi người thật là khó hiểu…vì nghị quyết này là một văn bản giản đơn: Chúng ta ủng hộ sáng kiến của Liên đoàn Ả Rập, chúng ta đã cố gắng rất nhiều, đã bỏ đi nhiều chi tiết mà người Nga không thích.

Matxcơva, qua phát biểu của đại sứ Nga Vitaly Churkin, cho rằng kế hoạch của Liên đoàn Ả Rập đòi hỏi quân đội Syria phải triệt thoái, là chưa đủ cứng rắn đối với các nhóm vũ trang có liên quan với phe đối lập:

“Khi quân đội chính phủ rút lui, thì các nhóm vũ trang sẽ thay chân. Và không có gì bắt buộc được Hội Đồng Bảo An thông qua những gì mà một tổ chức khu vực đã quyết định, vì đó không phải là kinh Coran hay là Thánh Kinh”.

Nhiều vị đại sứ lo ngại việc phủ quyết này sẽ được xem là bật đèn xanh cho ông Bachar Al Assad để tăng cường trấn áp.

Cộng đồng quốc tế càng quan ngại hơn khi chỉ vài giờ trước khi bỏ phiếu tại Hội Đồng Bảo An, “thủ đô phản kháng” là thành phố Homs đã bị dội bom, làm cho 237 người chết, trong đó có 99 phụ nữ và trẻ em, theo tổ chức Quan sát Nhân quyền tại Syria (ODSH).

Còn theo phe đối lập thì có 260 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Khoảng 200 người chết đã được chôn cất tại công viên Tự Do, và các bệnh viện tràn ngập những người bị thương.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon tuyên bố, việc phủ quyết của Nga và Trung Quốc “làm giảm vai trò” của tổ chức quốc tế này. Ông nói: “Đây là một thất vọng lớn cho dân tộc Syria và đối với tất cả những người đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền”.

Amnesty International nhấn mạnh: “Quyết định của Nga và Trung Quốc là một sự phản bội bất nhân và gây sốc đối với người dân Syria. Matxcơva và Bắc Kinh đã sử dụng quyền phủ quyết một cách vô trách nhiệm”.

Đại sứ Hoa Kỳ Susan Rice không còn sử dụng ngôn từ ngoại giao, tuyên bố rằng việc phủ quyết là “ghê tởm”.

Bà cho là “những người chống lại nghị quyết đã từ chối cơ hội cuối cùng để chấm dứt bạo lực của chế độ Assad bằng phương pháp hòa bình”.

Đại sứ Pháp Gérard Araud nói đây là “một ngày buồn thảm cho Hội Đồng, cho người Syria và tất cả những người yêu chuộng dân chủ”.

Đại sứ Maroc, quốc gia Ả Rập duy nhất trong Hội Đồng Bảo An bày tỏ “sự tiếc nuối và thất vọng lớn lao”.

Ngoại trưởng Anh William Hague tuyên bố Nga và Trung Quốc đã “bỏ rơi dân tộc Syria”, “khuyến khích chế độ bạo tàn của ông Assad”, còn người đồng nhiệm Pháp Alain Juppé cho rằng Matxcơva và Bắc Kinh đã “nhận lấy một trách nhiệm khủng khiếp”.

Ngoại trưởng Canada John Baird nhận định, việc phủ quyết này đã “dành trọn quyền” cho chế độ Syria, và cho rằng “lịch sử sẽ phán xét những ai phá rối, chỉ làm kéo dài tình trạng bạo lực phi lý này”. Theo thủ tướng Qatar Hamed Ben Jassem Al Thani, Matxcơva và Bắc Kinh đã “trao quyền giết người” cho ông Assad.

Tuyên bố bên lề một hội nghị thường niên về an ninh tại Munich, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton cho biết lấy làm tiếc vì đã không thể làm việc với Nga bằng thái độ xây dựng.

Bà Clinton nói rằng, Hoa Kỳ sẽ nỗ lực để tăng cường các biện pháp trừng phạt, để làm cạn nguồn tài chính và vũ khí đang giúp chế độ Damas duy trì bộ máy chiến tranh. Tương tự, Ngoại trưởng Pháp Alain Juppé tuyên bố châu Âu cũng sẽ tăng cường trừng phạt, gia tăng áp lực quốc tế để cô lập chính quyền Syria.

Về phía Nga, chính quyền Matxcơva hôm nay loan báo Ngoại trưởng Sergueï Lavrov sẽ đến Damas vào thứ Ba tới, “làm mọi việc có thể làm được để nhanh chóng đạt được ổn định”.

Trong khi đó Tunisia loan báo sẽ trục xuất đại sứ Syria, và thủ tướng Tunisia, Hamadi Jebali kêu gọi tất cả các nước khác hãy hành động tương tự.

Đại sứ quán Syria tại Canberra, Úc bị nhiều người biểu tình tấn công tối qua và phá hoại một phần, còn tại Athens, Berlin, Cairo, Koweit và Luân Đôn, sứ quán Syria cũng bị những người chống đối chế độ Damas tấn công ngay tối qua.

Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo tại Jordani thì kêu gọi tẩy chay các sản phẩm của Nga và Trung Quốc.