Bắc Triều Tiên: Học giả Mỹ dự báo chế độ họ Kim tiếp tục trụ vững
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đang theo dõi một chuyến bay huấn luyện của Không quân. Ảnh do KCNA cung cấp ngày 31/01/2012. REUTERS
Sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong Il từ trần, có nhiều quan điểm cho rằng chế độ nhà họ Kim sẽ gặp nguy bởi người kế vị Kim Jong Un chỉ là một thanh niên chưa đầy 30 tuổi, rất thiếu kinh nghiệm chính trường.
Thế nhưng, giáo sư Bruce Cumings, trưởng khoa Lịch sử thuộc trường đại học Chicago, lại có quan điểm khác khi nhấn mạnh, nếu hiểu rõ về lịch sử chính trị và văn hóa của nước này, thì chế độ sẽ tiếp tục trụ vững.
Nguyệt san Le Monde Diplomatique giới thiệu góc nhìn của nhà sử học này qua bài viết : « Triều đại nhà họ Kim và hai thể xác của một vì vua ».
Tác giả nhắc lại, sau khi ông Kim Jong Il mất, một cố vấn của cựu Tổng thống Bush khẳng định, chế độ Bình Nhưỡng sẽ bị chia rẽ bởi người kế vị Kim Jong Un còn quá trẻ, thiếu kinh nghiệm, không thể đương đầu với các tướng lĩnh quân đội lão làng.
Nhiều nhà quan sát dự đoán sẽ có đảo chính quân sự. Cũng có người cho rằng Kim Jong Un sẽ nắm quyền thật sự và được quân đội phục tùng. Có người lại vẽ nên một kịch bản, theo đó chế độ Bình Nhưỡng sẽ sụp đổ, buộc quân đội Mỹ đóng trên đảo Okinawa của Nhật Bản sẽ can thiệp để thu giữ vũ khí hạt nhân.
Từ năm 2008, khi ông Kim Jong Il bị tai biến, lo ngại lớn nhất của Washington nhiều lần được thể hiện thông qua Ngoại trưởng Hillary Clinton. Đó là khi ông này chết, chế độ Bình Nhưỡng sẽ có cuộc thanh trừng trên chóp bu, kiểu cũng gần giống như Liên Xô thời hậu Stalin và Trung Quốc sau khi ông Mao Trạch Đông qua đời. Thế nhưng tác giả nhấn mạnh, hình như mọi người cố tình quên rằng, sau cái chết của nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành (Kim Il Sung), chế độ nhà họ Kim vẫn tiếp tục tồn tại.
Tác giả nhắc lại, trong lần đến Bình Nhưỡng hồi năm 1981, ông đã được trò chuyện với một nhân viên tình báo Nga. Người này phản bác dự báo tiêu cực về sự kế vị của ông Kim Jong Il khi cho rằng :
«Người Mỹ các bạn thường hay đánh giá bằng cách chỉ dựa vào một con người. Nên nhớ rằng, sau lưng ông ta còn có cả một khối những nhân vật quan trọng có lợi ích gắn liền với chế độ, họ biết họ phải làm gì ».
Theo tác giả, người Bắc Triều Tiên đã có lịch sử ngàn năm quân chủ, ngót một thế kỷ sống dưới chế độ độc tài, trong đó có 70 năm dưới sự cai trị của nhà họ Kim. Kim Nhật Thành, người sáng lập chế độ, đã trở thành vị lãnh tụ bất tử chống ngoại xâm.
Để biện minh cho sự « danh chánh ngôn thuận » của Kim Jong Un, ngày sinh nhật trong tháng rồi của anh này, truyền thông quốc gia đã phát một bộ phim tài liệu ca ngợi tài năng và đức độ của Kim Jong Un, bên cạnh bộ phim làm nổi bật sự giống Kim Nhật Thành của anh này, từ tính tình lẫn hình dáng.
Văn hóa người Triều Tiên vốn tôn trọng truyền thống, nhất là trong chuyện kế vị. Tác giả nhắc lại, trong lịch sử nước này, cũng đã có nhiều vị vua kế vị ngai vàng ở tuổi đời còn trẻ hơn Kim Jong Un, nhưng vẫn làm nên chuyện lớn.
Bàn về văn hóa tôn sùng lãnh tụ, tác giả cho rằng, trong mắt người Bắc Triều Tiên, thể diện của lãnh tụ thể hiện uy tín của cả dân tộc, vì thế họ tôn sùng và luôn bảo vệ thể diện này. Tác giả nhấn mạnh, tâm lý đó hiện vẫn còn rất mạnh ở Bắc Triều Tiên.
Liên quan đến chính sách tự cô lập của Bắc Triều Tiên, tác giả nhắc lại, nhiếp chính vương Deawongun (cha của vua Kojong, lên ngôi khi 11 tuổi vào năm 1864), đã củng cố tư tưởng Nho giáo hiện đại, và đã theo đuổi chính sách tự cô lập trước những tham vọng xâm lăng của nhiều đế quốc lúc bấy giờ. Đó chính là giai đoạn ảnh hưởng mạnh mẽ nhất cho tư tưởng « Kukche », tư tưởng « tự lực tự cường » của Kim Nhật Thành.
Tại bảo tàng cách mạng ở Bình Nhưỡng, trước sân là tượng đài cao 18m của Kim Nhật Thành, trong bảo tàng, người ta tổ chức các buổi nói chuyện ca tụng Deawongun, hay kể chuyện chống Pháp, Mỹ.
Khi Kim Nhật Thành mất hồi năm 1994, nhiều người cho rằng chế độ sẽ sụp đổ. Tờ Newsweek của Mỹ đã chạy tựa lớn : «Con vật không đầu ».
Tư lệnh quân đội Mỹ tại Hàn Quốc khi ấy còn dự đoán chế độ miền Bắc sẽ tan rã. Thế mà, 20 năm sau, chế độ nhà họ Kim vẫn còn đó, dù đại siêu cường Liên Xô đã sụp đổ từ lâu. Ít lâu trước cái chết của ông Kim Jong Il, một giáo sư Hoa Kỳ còn tổ chức hội thảo để nhấn mạnh quan điểm cho rằng, sau khi ông này chết, người dân sẽ nổi lên lật đổ chế độ. Thế nhưng, lời tiên tri đã sai lầm, đám đông đã xuống đường khóc thương lãnh tụ của mình.
Khi Kim Nhật Thành mất vào năm 1994, Kim Jong Il chưa xuất hiện ngay để điều hành đất nước. Ông tạm rút lui và đã tạo ra lời đồn có sự thanh trừng trên chóp bu đất nước.
Thế nhưng, tác giả cho rằng, cũng giống như các vị thái tử trước kia, sau khi vua cha mất, đều phải thọ tang đúng ba năm. Thế là, vào năm 1998, trong buổi lễ kỷ niệm 50 ngày thành lập chế độ, Kim Jong Il đã đường hoàng xuất hiện với tư cách người nắm quyền lực tối cao. Và để đánh dấu cho sự kiện trọng đại đó, Bắc Triều Tiên còn cho phóng thử tên lửa tầm xa lần đầu tiên.
Lần này, đối với Kim Jong Un, tác giả cho rằng, anh sẽ lập tức nắm giữ quyền lực. Bằng chứng là anh đã liên tiếp xuất hiện trước công chúng, đã đi thăm quân đội…
Tại Mỹ, năm nay sẽ diễn ra cuộc bầu cử tổng thống. Tại Trung Quốc, ông Hồ Cẩm Đào cũng chẳng còn bao lâu nữa sẽ chuyển giao quyền lực. Còn ở Nga, thì ông Putin cũng sẽ gặp nhiều khó khăn để có thể trở lại điện Kremlin. Trong bối cảnh đó, chính quyền mới Bắc Triều Tiên sẽ tranh thủ thời gian để xây dựng hình ảnh, để tạo ra một chế độ có vẻ dễ chịu hơn so với thời Kim Jong Il trong mắt người dân.
Tóm lại, tác giả kết luận, trong một nền văn hóa theo kiểu cha truyền con nối lâu đời như vậy, thì muốn đánh giá đúng tình hình, người ta không thể chỉ nhìn nhận chế độ từ bên ngoài. Bằng chứng cho sự ổn định của chế độ là trong lễ tang của Kim Jong Il, đã xuất hiện ba nhà lãnh đạo theo kiểu tam đại đồng đường : đi sau Kim Jong Un là người dượng rể Jang Song Teak, 55 tuổi, điều hành từ lâu ngành tình báo của nước này ; phía sau ông ta là ông Kim Ki nam, 80 tuổi, một người thân cận của Kim Nhật Thành.
Quan hệ Đài-Trung : Kinh tế thuận lợi, chính trị bế tắc
Quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan trở thành đề tài nóng bỏng trong kỳ bầu cử tại Đài Loan vừa qua với sự tái đắc cử của Tổng thống Mã Anh Cửu, người có chính sách thân Bắc Kinh.
Tạp chí Le Monde Diplomatique cho biết, tâm lý thân Trung Quốc không phải chỉ riêng của một mình Mã Anh Cửu, mà còn của nhiều người Đài Loan.
Bài viết chạy tựa : « Tại Đài Loan : đình chiến về ngoại giao, sôi động về kinh tế ».
Nhìn vào bàn cờ chính trị của Đài Loan hiện tại, tờ báo cho rằng, chi phối bàn cờ này chính là tầng lớp trung lưu. Trong tầng lớp trung lưu đó, ta có thể phân biệt hai thế hệ. Thế hệ thứ nhất vươn lên trong những năm 1970-1980, bao gồm các doanh nhân và thợ thủ công, chính thệ hệ này đã đưa Đài Loan lên vị thế « con rồng Châu Á ». Thứ hai là thế hệ được đào tạo trong những năm 1990, bao gồm cán bộ, kỹ sư, doanh nhân, hiện nhiều hơn gấp ba lần so với thế hệ trước.
Giữa hai thế hệ này không hề có sự đứt gãy, mà thế hệ sau kế thừa thế hệ trước, và đang tìm cơ hội đầu tư, trong đó Trung Quốc đại lục là một nơi đầu tư hứa hẹn.
Trong kỳ tranh cử vừa rồi, giới doanh nhân đã có những ủng hộ to lớn đối với ông Mã Anh Cửu, một sự ủng hộ mà tờ báo cho rằng đối thủ của ông là bà Thái Anh Văn không làm sao có được. Và cuối cùng, ông Mã đã chiến thắng. Ông không chỉ được giới trung lưu ủng hộ, mà công nhân lương thấp và nông dân cũng bỏ phiếu cho ông. Như vậy, vấn đề kinh tế đã chi phối cuộc bầu cử, lời chỉ trích « Ông Mã Anh Cửu bán Đài Loan cho Trung Quốc » đã không có tác dụng.
Để hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan, tờ báo cho rằng nên tìm hiểu một chút về lịch sử.
Hồi cuối thế kỷ 19, Nhật Bản đã đánh chiếm Trung Quốc và hòn đảo này. Tại Đài Loan, quân Nhật đã thiết lập kỷ luật sắt, người bản địa bị xem là công dân hạng hai. Rồi năm 1945, quân đội Trung Quốc đến đánh đuổi người Nhật. Dân Đài Loan tiếp đón người Trung Quốc một cách nồng nhiệt.
Năm 1947, Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch nắm quyền tại Trung Quốc lục địa lúc bấy giờ, tiến hành khủng bố trắng, tàn sát nhiều người Đài Loan, đến mức mà người bản địa trở nên căm thù người Trung Quốc đại lục.
Năm 1949, họ Tưởng bị chính quyền Cộng sản của Mao Trạch Đông đánh đuổi đến Đài Loan. Tại đây, đến tận năm 1986, chính quyền Quốc Dân Đảng đã thiết lập kỷ luật sắt, bắt giam hoặc buộc lưu vong những người đối lập.
Thế là, sau thảm họa quân phiệt Nhật Bản, Đài Loan đã bị văn hóa Trung Quốc xâm thực, đến mức mà trong hiện tại nhiều người bản địa còn mang lòng oán hận, cuộc đấu tranh cho dân chủ đã bị đồng nhất với việc chống lại những người Trung Quốc thuộc Quốc Dân Đảng.
Quốc Dân Đảng từng có ý xây dựng Đài Loan trở thành một đại diện chính thức của Trung Hoa.
Thế nhưng, vào năm 1971, Trung Quốc lục địa đã chính thức nắm ghế thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Đài Loan bị mất vị thế trên trường quốc tế. « Con rồng Trung Quốc » đã không ngừng « giương nanh múa vuốt ».
Trong cuộc bầu cử tổng thống theo kiểu phổ thông đầu tiên tại Đài Loan vào năm 1996, Trung Quốc đại lục đã cho bắn dọa tên lửa đạn đạo. Rồi trong giai đoạn 2000-2008, giai đoạn cầm quyền của Tổng thống Trần Thủy Biển, người theo chủ nghĩa ly khai đối với Trung Quốc, quan hệ hai bên luôn căng thẳng.
Thời đại đó đã lùi xa, một thế hệ lãnh đạo mới đã bước lên vũ đài. Những người cộng sản Trung Quốc đã hiểu rằng, tham vọng nuốt trọn Đài Loan bằng vũ lực sẽ không thể thành hiện thực. Còn đối với những người theo chủ nghĩa dân tộc thuộc Quốc Dân Đảng, họ cũng nhận ra rằng, mong muốn « hạ sát ván » chính quyền Bắc Kinh là không thể.
Thế là, những người theo chủ nghĩa dân tộc chống cộng sản trước kia đã chọn cách trở thành đồng minh tốt của Đảng Cộng sản Trung Quốc để được đảng này hỗ trợ.
Tuy Trung Quốc không hề từ bỏ lập trường « một Trung Quốc », nhưng hiểu rằng đây không phải là vấn đề một sớm một chiều, còn Đài Loan đang theo đuổi việc ký hiệp ước hòa bình với Trung Quốc.
Bắc Kinh thì theo đuổi lập trường : « Một Trung Quốc, hai chế độ », còn Đài Bắc thì mong muốn « Một Trung Quốc, hai cách thể hiện ». Như vậy, trong tình thế hiện tại, cả hai đều giữ được thể diện của mình.
Thái Lan : Cả xã hội tôn sùng hoàng tộc
Tại Thái Lan, việc xúc phạm hoàng gia không chỉ bị ngành tư pháp sờ gáy, mà còn bị xã hội lên án. Đó là trường hợp của một thiếu nữ vì lỡ xúc phạm hoàng tộc đã bị đến ba trường đại học từ chối.
Tờ Bangkok Post có bài viết phản ảnh số phận cô gái này, được Courrier International dẫn lại với hàng tựa khá mỉa mai : « Chó giữ nhà của nhà vua vẫn còn cắn người ».
Cách đây ba năm, khi diễn ra cuộc biểu tình của những người Áo Đỏ, cô gái này từng đăng đàn ủng hộ ông Thaksin, và kêu gọi thanh niên trong nước xuống đường. Thế nhưng, đó không phải là căn nguyên của những giông tố mà cô sẽ gặp phải.
Sự việc bắt đầu cũng cách đây ba năm, khi ấy cô còn là học sinh cấp ba. Trên trang Facebook của mình, cô đã có những lời lẽ xúc phạm hoàng gia. Dù tư pháp chưa vào cuộc để chính thức xét xử, nhưng ngành truyền thông ủng hộ Hoàng gia đã lập tức lên án cô. Búa rìu dư luận bắt đầu giáng xuống đầu cô, những người thuộc phe Áo Vàng (phe bảo hoàng) không ngừng gây khó dễ.
Trường học của cô lập tức đuổi học cô gái này. Cô phải đến học ở một trường khác, tại một tỉnh khác. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, cô thi đậu vào khoa Truyền thông và Nghệ thuật của một trường đại học tại thủ đô Bangkok. Mọi người trong trường lên tiếng gây sức ép buộc lãnh đạo nhà trường không nhận cô vào học, vì có lập trường phản đối chế độ quân chủ. Thế là cuối cùng cô không được nhập học dù đủ điểm vào.
Không bỏ cuộc, cô tiếp tục thi và đậu vào một trường đại học khác ở thủ đô. Thế nhưng, sau đó, cô không được cho vào học cũng chỉ vì chuyện từng xúc phạm Hoàng gia.
Câu chuyện căng thẳng hơn khi cô gái đăng ký thi vào trường đại học thứ ba cũng tại Bangkok. Trong ngày phỏng vấn, một đám đông đã tập hợp trước cửa trường để phản đối cô. Cùng lúc đó, cũng có một đám đông khác thuộc phe Áo Đỏ đến ủng hộ. Lo sợ cho sự an toàn, cuối cùng cô đã không dám đến nơi phỏng vấn.
Vắng bóng một thời gian, mọi người tưởng rằng cô gái trẻ này đã bị sức ép xã hội buộc phải rời khỏi Thái Lan. Nhưng không, cô hiện theo học ở trường đại học Thammasat cũng tại Bangkok. Giải thích cho việc nhận cô vào học, lãnh đạo nhà trường khẳng định, cô ta đã thi đậu, và không có lý do gì để cấm cô vào học.
Sự việc tưởng chừng đã yên ổn, thế nhưng tại ngôi trường mới này, cô cũng bị mọi người thường xuyên chỉ trích. Cảnh sát cũng đã triệu tập cô đến để thẩm vấn.
Trước sự việc này, Bangkok Post bức xúc : Chẳng lẽ xã hội Thái đã đi đến mức đó rồi chăng ?
Cô gái này chưa từng bị kết án chính thức về tội khi quân,cô ta có quyền có lập trường chính trị riêng. Không ai biết chính xác cô đã nói gì trên Facebook hồi năm đó, thế mà cô bị cả xã hội và bị truyền thông thân Hoàng gia tấn công. Cô còn quá trẻ, việc học của cô đã bị ảnh hưởng, và hiện tại cô lại bị cảnh sát triệu tập.
Tờ báo cho biết, ngày 11 tháng này, cô có thể bị xét xử và sẽ bị chính thức buộc tội Khi quân.
Tổng thống Pháp đi công tác tỉnh: Chi phí an ninh 450.000 euro
Đến với nước Pháp, tạp chí Le Nouvel Oberservateur đăng bài phỏng vấn đại biểu quốc hội René Dosière về chi tiêu của Tổng thống và quan chức chính phủ.
Bài viết chạy dòng tựa ấn tượng : « Cái giá của Tổng thống ».
Từ 10 năm nay, vị đại biểu Quốc hội này đã không mệt mỏi tìm hiểu về chi tiêu của chính phủ và Tổng thống thông qua nhiều cách khác nhau. Và đây là kết quả mà ông đạt được :
- Chỉ riêng chi phí an ninh dành cho mỗi chuyến công tác của Tổng thống Sarkozy về tỉnh lẻ đã lên đến 450.000 euro.
- Tiêu tốn ngân sách quốc gia cho mỗi Bộ trưởng là 17 triệu euro, bao gồm cả tiền lương nhân sự và tiền vận hành các cơ sở làm việc. Nếu đi vào chi tiết, thì 1/3 số tiền này được dùng cho lĩnh vực truyền thông chính trị của riêng Bộ trưởng.
Nói về số liệu mà phía hành pháp cung cấp, vị đại biểu Quốc hội này nhận định rằng, có đôi khi số liệu không chính xác. Bằng chứng là khi trước Bộ Quốc phòng cho biết giá chiếc máy bay mới của Tổng thống Sarkozy (được mệnh danh Air Sarko One) chỉ có giá là 176 triệu euro, như trên thực tế hóa đơn thanh toán lại ghi đến 259 triệu euro.
Trong thời buổi kinh tế khó khăn, nhất là trong giai đoạn tranh cử tổng thống, những con số này ắt hẳn sẽ có ảnh hưởng đáng kể. |