Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 04-02-2012

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 04-02-2012 PDF Print E-mail
Tác Giả: Minh Anh   
Thứ Bảy, 04 Tháng 2 Năm 2012 10:53

Sông Liễu Châu nhiễm độc : dân Trung Quốc thêm khổ

Ngư dân Liễu Châu vớt cá chết nổi trên dòng sông (Reuters)

 

Le Monde hôm nay có bài phóng sự về sự kiện dòng sông Long Giang bị nhiễm chất cadmium.

Với bài viết "Trung Quốc chiến đấu chống lại dòng sông bị nhiễm độc", tờ báo cho biết người dân thành phố Liễu Châu một mặt phải  ngăn chặn sự ô nhiễm, mặt khác, họ cũng tỏ ra bất bình về sự tắc trách của chính quyền địa phương trong công tác quản lý môi trường.

 Báo Le Monde mô tả, lực lượng quân đội Trung Quốc, trong trang phục y như trong các bộ phim khoa học viễn tưởng, đang nỗ lực hoá giải chất độc cadmium trong nước sông. Bên cạnh đó, có treo một băng-rôn ghi dòng chữ « Quân đội và nhân dân cùng nhau bảo vệ môi trường ».
 
Sự việc bắt đầu từ vụ người dân phát hiện hàng loạt cá chết nổi trên Long Giang, một nhánh của dòng sông lứon Liễu Giang, vào ngày 15/01/2012 vừa qua, mà nguyên nhân chính là do hai xí nghiệp công nghiệp đã thải ra tổng cộng hai mươi tấn chất cadmium, một loại kim loại nặng gây ung thư.
 
Ông Trương Tiểu Kiến, chuyên gia xử lý nước thuộc trường Đại học Thanh Hoa tại Bắc Kinh cho Le Monde biết : « Chất cadmium một khi chìm xuống đáy sông sẽ không bị tiêu hủy. Sớm hay muộn, nó sẽ tan ra hay bị phân tán theo từng cụm trong suốt mùa mưa ».
 
Về mặt pháp lý, chính quyền Trung Quốc đã cho bắt giữ tám trong số các nhà lãnh đạo của hai công ty, một là doanh nghiệp khai khoáng Kim Hòa và một doanh nghiệp khác chuyên sản xuất sơn trắng Hà Trì, nguồn gốc của sự ô nhiễm. Tuy nhiên, dư luận quần chúng tỏ ra bất bình.
 
Người dân phàn nàn rằng chính quyền ngày càng dễ dãi trong công tác kiểm soát môi trường. Làm thế nào mà một lượng lớn chất thải độc hại : 20 tấn lại có thể đổ ra sông. Có thể nói, đây là vụ ô nhiễm nước trầm trọng nhất kể từ sau vụ đổ chất benzen xuống sông Song vùng Cáp Nhĩ Tân năm 2005.
 
Một số tờ báo trong nước còn chỉ trích chính quyền đã phản ứng trễ nãi trong việc xử lý, như trong vụ tràn dầu ngoài khơi Bột Hải của Conoco Phillips.

 Le Monde cho biết, sự việc bắt đầu từ ngày 15 tháng giêng vừa qua, nhưng mãi đến 23 tháng giêng mới có một phái đoàn chuyên gia cấp tỉnh đến, và đến tận ngày 26 tháng giêng, chính quyền Bắc Kinh mới gởi các chuyên gia đến can thiệp.
 
Nhìn các quân nhân làm việc cật lực, một quan chức thuộc Bộ xây dựng và Nhà ở nhận định, « công tác xử lý sẽ là một sự nỗ lực dài hơi, trong dài hạn cần phải tìm ra các biện pháp ». Thế nhưng, khi phóng viên Le Monde hỏi liệu có sự thiếu sót trong dây chuyền kiểm soát thải chất độc hại thì không một vị nào trả lời câu hỏi này.
 
Ngoài việc bị chỉ trích là tắc trách trong khâu quản lý, người dân Liễu Châu còn tỏ ra không hài lòng do không được thông tin đầy đủ và chậm trễ.

Trả lời câu hỏi với phóng viên báo Le Monde, một giáo sư đại học tại Liễu Châu cho rằng: ''việc có ít thông tin dường như là chuyện khá bình thường tại Trung Quốc ''
 
Thương mại : Trung Quốc qua mặt Châu Âu
 
Cũng liên quan đến Trung Quốc, nhưng báo cánh tả Liberation lại chú ý đến khía cạnh kinh tế. « Thương mại : làm thế nào Trung Quốc qua mặt Châu Âu » là tựa bài viết. Bài báo cho biết, trong khi bà Angela Merkel đang  thăm Trung Quốc, nhiều tập đoàn châu Âu tố cáo nhiều quy định đang cấm cửa họ tham gia vào thị trường đầy tiềm năng này.
 
Vào tháng 8 năm 2010, tập đoàn sản xuất xe ô tô Geely của Trung Quốc đã mua lại cổ phần của tập đoàn Volvo Thụy Điển. Sự việc khiến nhiều nhà sản xuất châu Âu khác phải giật mình nhìn nhận rằng Trung Hoa đã trở thành một đối thủ nặng ký trong ngành công nghiệp xe ô tô.
 
Trên thực tế, để thâm nhập vào thị trường Trung Quốc, các nhà đầu tư nước ngoài buộc phải liên kết với các đối tác trong nước, mà thường họ là những người ra quyết định cuối cùng trong các liên doanh. Quy định này áp dụng cho hầu hết các lãnh vực mũi nhọn như công nghiệp sản xuất xe ôtô, ngân hàng, hóa học, viễn thông.

 Trong khi đó, châu Âu lại mở rộng cửa thị trường trong các lãnh vực này cho Trung Quốc, như trường hợp tập đoàn Covec Trung Quốc trúng thầu xây dựng đoạn xa lộ dài 50 cây số nối liền thủ đô Vacxava (Ba Lan) đến tận biên giới Đức.
 
Ông Dirk Moens, tổng thư ký Phòng thương mại châu Âu tại Trung Quốc giải thích với Liberation rằng, « về mặt pháp lý, Bắc Kinh có đủ quyền để thực hiện các biện pháp này, bởi vì mở cửa thị trường công không hề được ký kết trong bản hiệp ước để gia nhập Tổ chức Thương mại Thê giới (WTO) năm 2001.

Giờ đây, sau 10 năm gia nhập vào tổ chức này, Trung Quốc có đủ khả năng để chinh phục thị trường thế giới, như lãnh vực viễn thông chẳng hạn ». Ông Moens cho rằng tình thế trở nên không thể nào chấp nhận được bởi vì cùng lúc đó, Bắc Kinh còn biết tận dụng cơ hội để thâm nhập vào thị trường châu Âu.
 
Như vậy, nguyên tắc « có qua có lại » rất xa vời với thực tế. Do đó, trong chuyến đi thăm Trung Quốc lần này, bà Angela Merkel đã đề nghị rằng quy định « đôi bên cùng có lợi » phải trở thành một tiêu chuẩn. Không những thế, để phản công lại, châu Âu cũng đang nghiên cứu một dự thảo luật, có thể cấm cửa các doanh nghiệp Trung Quốc vào các thị trường công béo bở tại châu Âu.
 
Vừa qua, Tổ chức Thương mại Thế giới WTO cũng lên án những quy định do Bắc Kinh áp đặt lên việc xuất khẩu 9 loại nguyên liệu được sử dụng rộng rãi trong nhiều lãnh vực từ trang thiết bị y tế cho đến sản xuất đĩa CD, qua đến lãnh vực sản xuất ôtô, tủ lạnh, luyện kim và bình ắc-quy cho xe hơi.
 
Phe đối lập Nga lại biểu tình chống Putin
 
Nhìn sang châu Âu, Le Monde và Le Figaro cùng quan tâm đến thời sự chính trị tại Nga. Một đợt biểu tình mới dự kiến sẽ diễn ra trong ngày hôm nay, bất chấp thời tiết giá lạnh. Tuy nhiên, cả hai tờ báo cùng nhận định đợt xuống đường lần này sẽ ít đông hơn lần trước.
 
« Tại Nga : Putin một lần nữa phải đối mặt với làn sóng phản đối » là tựa bài viết trên báo Le Figaro. Sau đợt xuống đường thành công vào ngày 24/12 vừa qua quy tụ gần 100 ngàn người, lần này con số tham gia có thể sẽ chỉ còn một nửa.

Le Figaro cho rằng thời tiết giá rét (-18°C) và các tín hiệu mở cửa do điện Kremlin đưa ra từ vài tuần nay có lẽ đã làm nhụt khí người dân Matx-cơ-va xuống đường.
 
Theo công bố chính thức, ngoại trừ nhà tài phiệt Mikhail Prokhorov ra, thì ba ứng viên tranh cử tổng thống còn lại có lẽ không nên tham gia vào đợt xuống đường lần này. Khẩu hiệu chính lần này tập trung vào ba chữ : tổ chức lại bầu cử thượng viện, tự do hóa hệ thống dân chủ và kêu gọi bỏ phiếu chống Putin.
 
Trong khi đó, để đối phó lại làn sóng phản đối, Putin cũng kêu gọi một đợt biểu tình phản công bên ngoài trung tâm thành phố với các khẩu hiệu : « Chúng ta đừng để cho đất nước bị tàn phá » hay « Cách mạng màu cam sẽ không diễn ra ».

 Từ hôm thứ tư rồi, nhiều nhân chứng cho biết họ bị ép buộc phải tham gia hay được mời tham gia có trả tiền (khoảng 25€ thông qua văn phòng môi giới). Nhiều giáo viên hay nhân viên trong các doanh nghiệp nhà nước than phiền đã bị cấp trên quấy rầy.
 
Còn theo nhật báo Le Monde thì « Phe đối lập tạm gác những bất đồng trước đợt biểu tình chống Putin».

 Le Monde cho rằng làn sóng phản đối quá lủng củng, thiếu phối hợp tổ chức . Bởi lẽ, nó quy tụ đủ nhiều trào lưu quá khác biệt giữa đảng này với đảng khác.

Duy có một điểm chung duy nhất là họ đã chán ngấy kiểu hệ thống « dân chủ có điều khiển» do Putin thiết lập kể từ 12 năm nay.
 
Theo họ, đảng nước Nga thống nhất, thật sự là một chiếc xe lu đang nghiền nát các đảng phái khác. Trong hệ thống chính trị này, một số đảng đối lập hiện diện Nghị viện như Đảng Cộng sản, đảng nước Xã hội – Dân chủ thuộc nước Nga công bằng, đảng Tự do dân chủ Nga chỉ là những tấm bình phong. Trên thực tế, các đảng này được phép tồn tại nhưng dưới quyền kiểm soát chặt chẽ của điện Kremlin. Còn những đảng phái nào « không nằm trong Nghị viện » vẫn luôn bị gạt ra ngoài.
 
Nước Anh mừng 60 năm trị vì của Nữ hoàng Elizabeth đệ nhị
 
Còn hai ngày nữa, tức là vào ngày 06/02/2012, Nữ hoàng Anh quốc Elizabeth đệ nhị chính thức bước vào năm thứ 60 cai trị vương quốc.

 Vào thời điểm bước lên ngai vàng, công chúa Elizabeth lúc ấy chỉ mới có 27 tuổi. Nhắc lại sự kiện long trọng này, báo Le Figaro có bài viết khá xúc động đề tựa « Ngày mà Elizabeth trở thành Nữ hoàng ».
 
 Cách đây 60 năm, ngày 6/02/1952, Hoàng đế George VI của Anh quốc đã trút hơi thở cuối cùng do mắc căn bệnh chứng huyết khối.

Cũng vào thời điểm này, công chúa Elizabeth còn đang ẩn mình trên một cây sung khổng lồ để có thể quan sát rõ các bầy voi tại Kenya.
 
Không ai ngờ rằng trước đó vài ngày hoàng đế George VI ra sân bay để tiễn chân cô con gái đầu lòng của mình khi ấy là công chúa Elizabeth cùng hoàng tử Philip lên đường đi du ngoạn tại Kenya là lần gặp mặt cuối cùng của hai cha con.
 
Điều bất hạnh là tin đức vua băng hà đến với Bà rất muộn vì nhiều lý do hy hữu khác nhau.

Ngay khi đức vua băng hà, vị thư ký riêng của ông là Ngài Edward Ford đã lập tức gửi đi một bức điện tín, nhưng trớ trêu thay, ông lại nhầm mật khẩu « Hyde Park Corner » với địa chỉ gởi đến. Thêm vào đó, số thư từ gửi đến viên toàn quyền Philip Mitchell thì nằm chồng chất trên bàn do việc ông này đang trên đường đi đến Mombasa để chào đôi vợ chồng trẻ hoàng gia trước khi họ lên đường.
 
Ai cũng nhớ lại giây phút đầy cảm động, thời điểm hoàng tử Philip tuyên bố công chúa Elizabeth chính thức trở thành Nữ hoàng vương quốc Anh, bà đã run rẩy, nhưng Bà đã cố gắng kềm chế giữ vững sự điềm tĩnh khi đứng trước mọi người.

Gương mặt tái nhợt, đôi môi mím chặt, nét mặt căng thẳng nhưng không ai có thể nhìn thấy Bà rơi một giọt nước mắt nào một cách công khai. Sự điềm tĩnh còn thể hiện ở điểm khi được hỏi Bà muốn đặt tên gì, Bà đã khẳng khái trả lời rằng : « Dĩ nhiên là tên của ta. Tại sao ta phải dùng một tên khác ? »
 
Sự cố bất ngờ này buộc Bà phải hủy các điểm dừng chân kế tiếp là New Zealand và Úc, và lập tức quay trở lại Luân Đôn. Ngài Martin Charteris, thư ký riêng của bà nhớ lại : trong suốt chuyến bay, nhiều lần Bà đã đứng dậy đi ra một góc riêng và khi quay lại đôi mắt Bà đỏ hoe.
 
Còn theo Ngài Anthony Eden, giây phút đau lòng nhất là lúc hình dáng một người phụ nữ trẻ trong trang phục màu đen xuất hiện trước cửa máy bay. Bà dừng lại một giây lát rồi mới tiếp tục bước xuống…
 
Ngày 8/2/1952, Nữ hoàng đã có lời tuyên bố đầu tiên : « Trước sự ra đi đột ngột của người cha đáng kính, Ta có trách nhiệm phải làm tròn bổn phận và trách nhiệm của vương triều … Ta cầu xin chúa Trời giúp Ta hoàn thành sứ mạng mà cha ta đã giao lại quá sớm trong cuộc đời ta ».
 
Quả thật, từ 60 năm nay, chưa bao giờ Nữ hoàng bỏ lỡ hay không làm tròn bổn phận. Điều đó cũng lý giải một phần lòng nhiệt tâm trong công tác chuẩn bị lễ mừng 60 năm trị vì, mà các lễ hội chính thức sẽ diễn ra vào ngày 06/02/2012 sắp đến.