Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 01-02-2012 |
Tác Giả: Mai Vân |
Thứ Tư, 01 Tháng 2 Năm 2012 13:13 |
Pháp sẽ phải duy trì các nhà máy điện hạt nhân cũ Thời sự Pháp nổi bật trên trang nhất các báo hôm nay với hai chủ đề lớn : Ấn Độ chọn mua chiến đấu cơ Rafale của Pháp. Sự kiện thứ 2 được chú ý là báo cáo không mấy lạc quan của Viện Thẩm kế Pháp về năng lượng hạt nhân, theo đó Pháp sẽ phải duy trì các nhà máy điện hạt nhân cũ, và giá điện hạt nhân không rẻ như thường thông báo. Nếu Les Echos trong hàng tựa trang nhất chú ý đến giá cả : Hoá đơn không ngừng tăng lên, nhắc lại là theo Viện Thẩm kế, giá sản xuất điện hạt nhân lên 49,50 euro megawatt/giờ, thì Le Monde trong hàng tít lớn, nêu bật : Pháp không còn khả năng thay thế nhà máy điện hạt nhân ngày cũ kỹ của mình. Pháp chỉ còn hai khả năng : duy trì hoạt động các nhà máy điện sắp hết hạn hoạt động (40 năm) hoặc là quay sang các năng lượng tái tạo. Le Monde tóm lược báo cáo về giá của điện hạt nhân mà tờ báo cho là chưa từng thấy, được công bố hôm qua, trong đó Viện Thẩm kế đã đánh giá còn nhiều ẩn số tài chính rất quan trọng trong việc tháo gỡ nhà máy điện cũ cũng như trong việc xử lý và tồn trữ chất phế thải phóng xạ, kéo dài hoạt động các nhà máy hiện nay. Theo Viện Thẩm kế, để duy trì mức sản xuất điện hạt nhân hiện nay, (chiếm 74% điện sử dụng) thì phải tăng gấp đôi đầu tư, và như thế tổn phí sản xuất sẽ tăng 10%. Nói chung, Viện Thẩm kế cho là Pháp không còn khả năng thay thế các nhà máy điện của mình, khi ‘‘không có quyết định đầu tư được đưa ra thì điều đó có nghĩa là phải kéo dài hoạt động các nhà máy lâu hơn thời gian 40 năm, hoặc là phải thay đổi chuyển sang những nguồn năng lượng khác và cũng phải đầu tư thêm’’. Trong giả thuyết duy trì hoạt động đến 40 năm, và duy trì sản xuất như bây giờ thì Pháp phải đầu tư rất lớn trong ngắn hạn, điều không thể thực hiện, trong bối cảnh hiện nay. Viện Thẩm kế cho là con số còn biến chuyển chưa thể xác định được, nhưng chi phí bảo quản an toàn sẽ tăng gấp đôi như nói trên, dĩ nhiên ảnh hưởng đến giá điện, đó là chưa kể những khoản đầu tư khác trên các hệ thống và tiền thuế … Trong bối cảnh này, les Echos và Le Figaro nêu câu hỏi điện hạt nhân còn có lợi nữa hay không và so sánh với giá cả các nguồn năng lượng khác. Le Figaro nhìn thấy là hạt nhân vẫn rẻ hơn. Nếu giá trung bình sản xuất điện hạt nhân là 49,50 euro megawatt/giờ như Viện Thẩm kế nêu lên, thì giá sản xuất điện mặt trời là từ 160 đến 300 euro, điện gió rẻ hơn một chút : từ 80 đến 115 euro, nhiệt điện bằng khí đốt là từ 60 đến 90 euro, chỉ có thủy điện là rẻ hơn : từ 20 đến 50 euro. Theo Le Figaro, điện hạt nhân tăng lên nữa hơn 50 euro trong 3 trường hợp chi phí gia tăng : đó là các phí tổn liên quan đến bảo quản, tháo gỡ nhà máy, xử lý chất phế thải. Ấn Độ mua chiến đấu cơ Rafale của Pháp Báo chí Pháp hôm nay cũng hoan nghênh việc New Delhi chọn chiến đấu cơ Rafale của tập đoàn Pháp Dassault để trang bị cho không quân Ấn, loại bỏ các đối thủ của Dassault, từ Boeing, Lockheed Martin của Mỹ, đến Mig của Nga và kể cả tập đoàn Châu Âu EADS. Như nói trên, tờ Les Echos chào mừng sự kiện mà tờ báo gọi là ‘‘cú đột phá lịch sử’’ của Rafale ở Ấn Độ, nhắc lại thành công của Rafale, sắp ký hợp đồng đầu tiên xuất của mình sau một thập niên thất bại. Le Figaro dưới tựa đề trang kinh tế : ‘‘New Delhi chọn Rafale’’, không bàn về giá cả, mà nhắc lại : Ấn Độ là khách hàng truyền thống lâu đời của Dassault. Vào năm 1953, Dassault đã ký với New Delhi hợp đồng xuất khẩu đầu tiên của mình với chiến đấu cơ Ouragan mà Ấn Độ mua 71 chiếc. Từ đó New Delhi, tuy mua thiết bị Nga, nhưng vẫn đặt mua các chiến đấu cơ của tập đoàn Pháp : từ Mystère IV, Jaguar … đến Mirage 2000. Theo Le Figaro, phi công Ấn Độ rất quen thuộc với các chiến đấu cơ Pháp, mà họ đã thử lửa trong cuộc chiến Ấn Độ - Pakistan năm 1965 và gần đây hơn vào năm 1999. Le Figaro cũng giải thích tại sao Ấn Độ lại trang bị máy bay mới cho không quân của mình : đó là vì người láng giềng đáng gờm Trung Quốc đang hiện đại hoá không quân và phát triển đội chiến đấu cơ do chính họ chế tạo, cùng với những máy bay hợp tác với một láng giềng khác và không mấy thân thiện với Ấn Độ là Pakistan. Tác giả bài viết cho là hãy nhớ lại những lần trước đây như vào tháng 9 năm 2009, ai cũng hân hoan khi tổng thống Sarkozy cùng với tổng htống Brazil kỷ thoả thuận hợp tác chiến lược, Brazil dự trù đặt mua 36 chiếc Rafale. Vụ mua bán sau đó không còn được nhắc đến. Còn thương vụ ở Abu Dabi nữa, Dassault đã tin là sẽ bỏ túi hợp đồng 60 chiếc Rafale, nhưng sau 3 năm thương lượng gay go thì các Tiểu Vương Quốc Ả Rập lại yêu cầu tập đoàn Eurofighter, đối thủ của Dassault, đưa ra đề nghị hợp đồng của mình. Libération công nhận là nếu việc mua bán được thực hiện, đây không phải chỉ một luồng dưỡng khí cho Dassault mà là tập đoàn thật sự ‘‘ra khỏi sa mạc’’. Đó cũng là một thông tin đáng phấn khởi cho ngân sách bộ Quốc phòng Pháp, đã phải mua theo kế hoạch 11 chiếc Rafale mỗi năm. Không quân Pháp dự kiến mua 180 chiến đấu cơ từ đây đến năm 2021. Vùng euro : thất nghiệp vẫn cao Nếu Pháp phấn khởi vì có thể thu hoạch cả chục tỷ euro với hợp đồng Ấn Độ, thì các báo hôm cũng chú ý đến một tình hinh khác không mấy lạc quan : đó là ‘‘Thất nghiệp kỷ lục ở khu vực đồng euro trong lúc suy thoái đang ló dạng’’, tựa của Le Figaro ở trang kinh tế. Tờ báo cho là khủng hoảng nợ công vừa êm xuống phần nào, thì thất nghiệp lại nổi cộm lên. Với tỷ lệ 10,4% vào tháng 12 vừa qua, chưa bao giờ thất nghiệp ở vung đồng euro lại cao như thế. Riêng tỷ lệ thất nghiệp trong giới thanh niên dưới 25 tuổi là 21,3%. Thất nghiệp tăng lên mọi nơi chỉ duy nhất có Đức là có phần sụt giảm và xuống ở mức 6,7%. Tình hình này tác động đến mức tiêu thụ nội điạ, động lực chính tăng trưởng ở Châu Âu. Do đó, Le Fiagro nhìn thấy suy thoái đang rình rập Châu Âu : Nó đã ló dạng ở Tây Ban Nha và đang đe doạ nước Ý, nền kinh tế lớn hàng thứ 3 của khu vực đồng euro. Bước vào năm mới, Le Figaro quan sát một cách bi quan là Châu Âu bị chia thành hai nhóm quốc gia, một bên là những nước bị gánh nợ công đè nặng, tăng trưởng yếu ớt, còn một bên gồm các nước Đức, Áo, Hà Lan còn chống chọi được trên phương diện hoạt động kinh tế cũng như công ăn việc làm. Nhưng nhóm nước mạnh có thể chống chọi được lâu hay không, trước tình hình xấu đi hầu như toàn diện ở Châu Âu ? Le Figaro cho rằng có lẽ là không, vì lấy trường hợp của Đức, nước đầu tàu Châu Âu, trao đổi thương mại của Đức, một nửa là với các láng giềng vùng đồng euro, đã hạ thấp tăng trưởng dự kiến và không loại trừ suy thoái vào sáu tháng đầu năm nay. Trong bối cảnh Châu Âu lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng hơn, Le Figaro nhìn thấy kẻ cứu nguy tình thế sẽ là Trung Quốc, cho nên theo tờ báo Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đã kêu gọi và khuyến Bắc Kinh khích đưa ra kế hoạch vực dậy kinh tế như đã làm trước đây, vào những năm 2008 - 2009. Theo IMF, Bắc Kinh có khả năng để làm việc này cho dù nợ điạ phương rất cao, nhưng nợ công của Trung Quốc không có là bao. Không chỉ riêng Trung Quốc, mà IMF nhận thấy một số quốc gia đang vươn lên khác và Châu Á cũng có khả năng làm việc này.
|