Home Tin Tức Thời Sự Anh em ông Ðoàn Văn Vươn bị đánh trong tù

Anh em ông Ðoàn Văn Vươn bị đánh trong tù PDF Print E-mail
Tác Giả: Người Việt   
Thứ Sáu, 27 Tháng 1 Năm 2012 12:30

Cá trong đầm bị cướp sạch, vợ con không còn chỗ ở

HẢI PHÒNG (NV) - Anh em ông Ðoàn Văn Vươn bị giam giữ và bị đánh trong tù sau vụ chống cưỡng chế trái luật gây sôi nổi dư luận trong ngoài nước.

Trong khi đó, vợ con ông dựng lều bạt ở tạm trong thời tiết lạnh buốt thì những người lạ mặt đã tới vơ vét hết cua cá dưới đầm, trái cây trên vườn trong khu đất của gia đình.

  
Gia đình ông Ðoàn Văn Vươn, Ðoàn Văn Quý dựng lều tạm để ở trên nền căn nhà bị nhà cầm quyền san bằng. (Hình: Blog Nguyễn Quang Vinh)
 

Theo một thông tin trên blog của nhà văn Nguyễn Quang Vinh ngày 26 tháng 1, 2012 thuật lời bà Phạm Thị Báu (tức Hiền) cho biết ông Ðoàn Văn Vươn và Ðoàn Văn Quý bị đánh trong tù.
 
Các ông này cùng người anh lớn và người cháu bị tống giam ngày 6 tháng 1, 2012 sau vụ cưỡng chế đất đầm của họ ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng diễn ra một ngày trước đó.

Ðoàn cưỡng chế với đầy đủ súng đạn hàng trăm người đã bị cản đường bằng mìn và súng hoa cải. Bốn công an và 2 bộ đội đã bị thương.
 
Ngôi nhà gạch 2 tầng đã bị san bằng và căn nhà lợp bổi bị đốt cháy dù các tài sản này không nằm trong phạm vi đất bị cưỡng chế.
 
“Hôm qua chúng em đến gặp một anh từng bị giam cùng phòng với anh Vươn, anh Quý. Anh ấy kể chuyện trong phòng giam cho chúng em nghe. Không biết thực hư thế nào, nhưng mà khi mới vào trại giam chồng của chúng em bị đánh anh ạ. Ăn uống thì anh ấy nói đồ ăn như cho chó ăn, chúng em xót lắm.” Bà Nguyễn Thị Thương kể trên Blog của nhà văn Nguyễn Quang Vinh.
 
Bản tin của tờ Thanh Niên hôm Thứ Năm, 26 tháng 1, 2012 cho hay bà Phạm Thị Báu tự Hiền, vợ ông Ðoàn Văn Quý, em ông Ðoàn Văn Vươn đi Hà Nội để kêu cứu cho chồng. Bà kể cho nhà báo hay là ngay sau khi lực lượng cưỡng chế đã rút đi, ngày 29 Tết tức 21 tháng 1, 2012, Gia đình hai bà Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) và gia đình bà Phạm Thị Báu (tự Hiền) đã được một số người dân cho ít tấm nylon nên đã dựng một cái lều để ở tạm.
 
“Mãi hôm 29 Tết, những người của xã rút đi, đến sáng mùng 1, chúng em xuống lại khu đầm để dựng tạm căn lều bạt, em và chị Thương ở đó từ mùng 1 Tết.” Bà Phạm Thị Hiền nói với báo Thanh Niên.
 
Dịp này bà kể cho biết tài sản của nhà bà đã bị vét sạch.
 
Bà Hiền được báo Thanh Niên kể lại thì “toàn bộ 5,000 con cá vược loại 1-1.5 kg/con; 7,000 con cá trắm, trọng lượng 2-3 kg/con; 3,000 con cua giống đã bị đánh bắt hết. Tính tổng trị giá cá nuôi đã lên tới hơn 1.5 tỉ đồng, chưa kể cua, tôm tự nhiên và hàng ngàn buồng chuối.”
 
“Khi em về thì người ta đã đánh bắt gần hết, trong đầm bây giờ em không thấy tăm cá, cua nào ngoi lên. Chính những người từng mua cua, cá nhà em những năm trước đã đến đây mua của họ,” bà Hiền nói.
 
Ký giả báo Thanh Niên hỏi “họ” là ai, bà Hiền cho biết, đó là người nhà gia đình T.K, một chủ đầm gần đó. “Chính nhà này đã cho người xuống tiếp quản đầm nhà em ngay sau khi anh Vươn bị bắt,” bà Hiền nói.
 
Trong khi đó, ông H., một chủ đầm ngay cạnh đầm nhà ông Ðoàn Văn Vươn cũng xác nhận với nhà báo là: “Sáng hôm 6 tháng 1 (vụ cưỡng chế xảy ra sáng 5 tháng 1), tôi tỉnh dậy thì thấy đầm nhà anh Vươn đã bị tháo nước, hôm sau thì thấy nhiều người bắt cá, tôm. Có hôm tôi thấy 3 người dùng kích điện để bắt cá ở khu đầm này.”
 
Ông Ðoàn Văn Vươn đã khiếu kiện suốt nhiều năm về chuyện cưỡng chế khu đầm nuôi cá và vườn cây trái mà gia đình ông đã dầy công xây dựng từ một bãi bồi hoang vu. Những gì được ông viết trên các đơn thư khiếu nại cho thấy nhà cầm quyền huyện Tiên Lãng đã thỏa thuận rồi lật lọng dẫn đến cưỡng chế.
 
Ðứng trước tương lai mờ mịt vì bị cướp đoạt hết tài sản, công lao mồ hôi nước mắt gần hai chục năm trời đổ ra, anh em ông đã chống lại.
 
Nhiều bài viết, nhiều ý kiến trên các báo ở trong nước đã chứng minh nhà cầm quyền huyện Tiên Lãng đã hoàn toàn sai trái nên đã dẫn tới vụ nổ súng.

Tuy nhiên, cho tới nay, chỉ có anh em ông Vươn bị tống giam trong khi những kẻ đầu mối gây ra vụ việc thì chưa thấy nhà cầm quyền ở cấp cao hơn đụng chạm đến. (TN)