Mỹ muốn hiện diện nhiều hơn ở Philippines
|
|
|
|
Tác Giả: Người Việt
|
Thứ Năm, 26 Tháng 1 Năm 2012 22:24 |
Căn cứ hải quân Subic Bay ở Philippines từng là một trong những căn cứ lớn nhất của Mỹ
MANILA, Philippines (MSNBC) - Giới chức Philippines đang có các cuộc thảo luận với chính quyền Obama về việc gia tăng sự hiện diện của quân đội Mỹ tại các quần đảo ngoài khơi đảo quốc này như là một phần của chiến lược chống Trung Quốc tại Thái Bình Dương.
Ngoại Trưởng Hillary Clinton rời chiến hạm USS Fitzgerald cập cảng Manila Bay hồi Tháng Mười Một, 2011. Nhật báo The Washington Post cho biết Mỹ đang thảo luận với Philippines để gia tăng sự hiện diện quân đội Hoa Kỳ. (Hình: Noel Celis/AFP/Getty Images)
Báo cáo về các thảo luận này xuất hiện lần đầu trên trang mạng của nhật báo The Washington Post hôm Thứ Tư, cho biết vẫn còn quá sớm, nhưng cả hai chính phủ “muốn đi đến một thỏa thuận” sau này. Thảo luận sắp tới sẽ được tổ chức trong hai ngày Thứ Năm và Thứ Sáu tại Washington, DC, nhật báo The Washington Post cho biết, và sẽ có một số cuộc họp cấp cao hơn vào Tháng Ba. “Chúng tôi có thể nói có các quốc gia khác nữa như Úc, Nhật và Singapore,” một giới chức cao cấp Philippines có liên quan đến các cuộc thảo luận không muốn nêu danh tánh nói với nhật báo The Washington Post. “Chúng tôi không chỉ thảo luận. Chúng tôi muốn thấy một khu vực ổn định và hòa bình. Không ai muốn đối mặt hoặc đối đầu với Trung Quốc.” Mới đây, Washington ký thỏa thuận với Canberra đưa một số lính Thủy Quân Lục Chiến đến Úc, cũng như đưa một số tàu hải quân đến Singapore. Bộ Quốc Phòng Trung Quốc hồi đầu tháng này cảnh cáo Mỹ nên “cẩn thận trong lời nói và hành động” trong chiến lược phòng thủ ở Châu Á đối với sự lớn mạnh của Trung Quốc. Trung Quốc cũng phát triển sức mạnh hải quân ở Thái Bình Dương, đưa thêm một số tàu ngầm và tung ra một hàng không mẫu hạm. Bắc Kinh cũng gia tăng khả năng hỏa tiễn và do thám của mình. Căn cứ hải quân Subic Bay ở Philippines từng là một trong những căn cứ lớn nhất của Mỹ trong vùng Thái Bình Dương trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, và bị đóng cửa năm 1991. (Ð.D.)
|