Nguyễn Văn Hùng, 50 tuổi đã chết vào ngày mùng 4 Tết Nhâm Thìn
BẮC GIANG (NV) - Một nông dân ở tỉnh Bắc Giang chống lại lệnh cưỡng chế đất đã bị công an đánh thương tích trầm trọng rồi chết mấy ngày sau đó. Theo BBC và RFA, nông dân Nguyễn Văn Hùng, 50 tuổi, ở thôn Quyết Tiến, xã Tiền Phong huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang đã chết vào ngày mùng 4 Tết Nhâm Thìn, tức ngày Thứ Năm, 26 tháng 1, 2012 dương lịch. Ðây là hậu quả của trận đòn mà công an hành hung khi ông chống lệnh cưỡng chế.
Ðoàn người dân xã Tiền Phong biểu tình chống cưỡng chế đất ở xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng, Bắc Giang. Hình chụp từ phía đầu cầu sông Thương, của ngõ vào thành phố. (Hình: TTXVA)
Gia đình ông Hùng là một trong khoảng hơn 500 gia đình nông dân của xã Tiền Phong đã bị nhà cầm quyền cưỡng chế đất ruộng, giao cho tập đoàn Thạch Bàn làm nhà máy sản xuất gạch. Tập đoàn Thạch Bàn là một công ty quốc doanh trực thuộc Bộ Xây Dựng Việt Nam. Trong lời kể của bà Thân Thị Bình, vợ nạn nhân Nguyễn Văn Hùng, ông Hùng đã bị đánh khi cùng với các nông dân ngăn cản cưỡng chế đất ngày 10 tháng 1, 2012 vừa qua. Ông đã bị đám người cưỡng chế đánh bằng dùi cui, ăn không được, chỉ ho ra máu và đi tiểu cũng ra máu. Tuy thương tích trầm trọng, bà Bình không dám đưa chồng đi bệnh viện chữa trị vì nhà nghèo, chỉ còn ít tạ thóc để ăn. Bán đi lấy tiền đi chữa thương tích cho ông thì gia đình không còn gì để ăn. Bởi vậy, gia đình chỉ mua cao về dán cho ông nên đã không qua khỏi.
Nông dân xót xa nhìn đất dự án Vinashin đang bỏ hoang. (Hình: Dân Việt)
Theo nguồn tin, ngoài ông Nguyễn Văn Hùng bị đánh thương tích trầm trọng đến chết, còn có 3 người khác cũng bị đánh nặng trong vụ cưỡng chế ngày 10 tháng 1, 2012. Trước đó, công an và nhà cầm quyền địa phương cũng đã tổ chức cưỡng chế ngày 23 tháng 12, 2011. Vụ cưỡng chế lấy đất cho công ty sản xuất gạch đẩy tất cả các gia đình nông dân vào đường cùng. Ðất ruộng của họ trồng hai vụ lúa và một vụ hoa màu ngắn hạn. Nếu bị lấy mất hết đất sản xuất, họ sẽ hết đường sinh sống. Trước khi có vụ cưỡng chế lấy 25 ha đất cho tập đoàn Thạch Bàn, dân ở địa phương này cũng đã bị nhà nước cưỡng chế 3 đợt vào các năm 2003, 2005 và 2007, tổng cộng 60 ha đất cho các dự án của các công ty Vinashin và công ty kinh doanh nhà Hoàng Hải.
Những khu đất này, suốt nhiều năm qua vẫn bị bỏ hoang trong khi nông dân mất đất sản xuất. * Người nông dân tuyệt vọng Trong bản tin ngày 17 tháng 1, 2012 báo Dân Việt dẫn lời người nông dân tuyệt vọng vì chính sách cưỡng chế đất đai, triệt đường sống của người dân. Ðưa ký giả báo Dân Việt đi thăm cánh đồng đang trồng khoai tây vụ Ðông sắp trở thành khu công nghiệp, ông Nguyễn Văn Biếm ở thôn Quyết Tiến, xã Tiền Phong (Yên Dũng) xót xa cho biết:
“Từ 2003 đến nay đã có 3 dự án, lấy mất 4 sào ruộng nhà tôi, nếu tính cả dự án xây dựng nhà máy gạch của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thạch Bàn sẽ lấy tiếp 2 sào ruộng nữa thì gia đình chẳng còn đất canh tác. Giờ chúng tôi đã ngoài 50 tuổi rồi, chỉ biết làm ruộng nên nếu không còn đất cũng chẳng biết làm gì để sống.” Lý do tại sao lại lấy đất sản xuất nông nghiệp của nông dân làm dự án sản xuất gạch trong khi 60 ha đất ruộng của nông dân đã cưỡng chế hiện vẫn đang bỏ hoang, Nguyễn Thế Cường - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thạch Bàn cho biết: “Chúng tôi là doanh nghiệp nên cần tính toán tới lợi nhuận kinh tế, khi vào đầu tư, Thạch Bàn cũng có đàm phán với Vinashin và Hoàng Hải, nhưng họ đòi giá cao quá nên mới đề xuất lấy đất chưa giải phóng mặt bằng để giá thành rẻ hơn. Chúng tôi đề xuất và tỉnh đồng ý thì chúng tôi làm.” Theo nhận định của báo Dân Việt, “Nghị quyết về việc giữ 3.8 triệu ha đất lúa của Quốc Hội bị UBND tỉnh Bắc Giang bỏ qua chỉ vì quá ‘chiều’ doanh nghiệp! Hơn 500 hộ dân tại xã Tiền Phong đang lâm vào cảnh mất đất canh tác bên những mảnh đất bị bỏ hoang.” Bí thư tỉnh ủy tỉnh Bắc Giang hiện nay là Nông Quốc Tuấn, con trai nguyên Tổng bí thư đảng CSVN Nông Ðức Mạnh. Khi Nông Quốc Tuấn vừa được “cơ cấu” làm bí thư tỉnh ủy chưa được bao lâu thì xảy ra vụ công an huyện Tân Yên đánh chết một người dân. Nguyễn Văn Khương, 21 tuổi, chạy xe máy không đội mũ “bảo hiểm” thì bị bắt về cơ quan giam giữ ngày 23 tháng 7, 2010 rồi chết ở đó với rất nhiều thương tích trên thân thể. Gia đình đã đưa xác nạn nhân tới trụ sở “Ủy Ban Nhân Dân” tỉnh bắt vạ với hàng ngàn người biểu tình hậu thuẫn. Trong năm 2011, công an đã đánh chết 9 người không kể nhiều người khác bị đánh thương tích trầm trọng. (TN)
|