Trung Quốc muốn kiểm soát một nửa Thái Bình Dương
TOKYO (NV) - Trong việc huấn luyện gấp rút nhân sự để bắt đầu sử dụng đội tàu ngầm được Nga chuyển giao từ năm 2014, Việt Nam nhờ cả Nhật Bản. Trong một bài viết về tranh chấp biển Ðông, báo Yomiuri Shimbun ở Nhật tiết lộ là Bộ Trưởng Quốc Phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh đã từng xuống thăm tàu ngầm tối tân của Nhật cũng như đề nghị Nhật giúp luấn luyện nhân sự về sử dụng và tác chiến tàu ngầm.
Tàu ngầm tối tân Oyashio của Nhật đến Trân Châu Cảng tham dự một cuộc tập trận chung với Hải Quân Mỹ. Tàu Oyashio cùng một hạng với tàu ngầm Makishio mà bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam xuống quan sát hồi tháng 10, 2011. (Hình: Wikipedia)
Ông Phùng Quang Thanh dẫn một phái đoàn quân sự cao cấp của Việt Nam đến nước Nhật thăm viếng từ 23 đến 28 tháng 10, 2011 sau khi đã tháp tùng phái đoàn Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đến Bắc Kinh. Theo báo Yomiuri, ông Phùng Quang Thanh đã đề nghị chính phủ Nhật cho phép ông xuống quan sát bên trong một tàu ngầm. Sau đó ông Thanh đã được đưa xuống tầu ngầm Makishio tại một căn cứ thuộc tỉnh Kure, quận Hiroshima. Ðây là chiếc tàu ngầm tối tân của Nhật, trọng tải 2,750 tấn, dài 82 mét. Nó di chuyển rất êm bên dưới mặt nước và có khả năng “tàng hình.” Theo nguồn tin, bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam “rất chú ý đến bên trong của tàu ngầm Makishio.
Lực Lượng Phòng Vệ Nhật Bản rất hiếm hoi cho lãnh đạo của các nước không phải là đồng minh quân sự quan sát phía bên trong của chiếc tàu vốn đầy những bí mật.” Sau chuyến thăm của ông Phùng Quang Thanh, Tư Lệnh Hải Quân Việt Nam Vũ Văn Hiến cũng đến nước Nhật vào tháng 12 sau đó. Những người đứng đầu quân sự cấp cao của Việt Nam liên tiếp đến Nhật vì Việt Nam đang xây dựng lực lượng tàu ngầm. Việt Nam ký hợp đồng mua của Nga 6 tầu ngầm hạng Kilo dự trù nhận chiếc đầu tiên năm 2014 và những năm sau mỗi năm một chiếc. Tàu ngầm hạng Kilo chạy điện-Diesel được coi là loại tầm ngầm chạy khá êm lặng dưới mặt nước, là một võ khí chiến lược. Nó có thể là võ khí tấn công, tiêu diệt tàu chiến của địch cũng như cản trở vận chuyển hàng hóa trên biển. Nó còn có vai trò tình báo, cản trở sự hoạt động của hải quân địch. * Sắm tàu ngầm để đối phó với Trung Quốc Giới chuyên gia quân sự tin rằng Việt Nam dùng hạm đội tàu ngầm để đối phó trong vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc.
Nước Nga bán tàu ngầm cho Việt Nam thì chắc chắn giúp Việt Nam huấn luyện nhân sự sử dụng, nhưng Việt Nam vẫn còn nhờ cả Ấn Ðộ và Nhật giúp huấn luyện.
Việt Nam và Nhật cũng đã ký bản ghi nhớ về hợp tác chiến lược. Tháng 10 năm ngoái, tin tức cho hay chính phủ Nhật có ý định nới lỏng quy định cấm xuất cảng võ khí của nước này có từ năm 1967 dưới thời Thủ Tướng Eisaku Sato, gồm 3 điểm chính yếu:
1. Không xuất cảng võ khí tới các nước cộng sản
2. Không xuất cảng tới các nước đang hay có thể dính vào các tranh chấp quốc tế
3. Không bán cho các nước bị Liên Hiệp Quốc cấm vận. Bán các loại võ khí sát thương, đặc biệt là tàu ngầm, cho Việt Nam còn là chuyện xa vời, nhưng mối quan hệ chiến lược giữa hai nước có vẻ phát triển nhanh chóng.
Cả hai nước cùng có một mối quan tâm chung: sự trỗi dậy và chủ trương bá quyền nước lớn của Trung Quốc. Tranh chấp chủ quyền biển đảo khu vực Senkaku (Trung Quốc gọi là Ðiếu Ngư Ðài) làm nhức đầu chính phủ Tokyo không ít. Việt Nam và Trung Quốc tranh chấp các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tồi tệ hơn, Bắc Kinh còn tuyên bố đến 80% Biển Ðông là của Trung Quốc. Tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam, ngay trên vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam cũng bị tàu Trung Quốc ngăn cản hồi giữa năm ngoái.
Nhiều tàu đánh cá của Việt Nam hoặc bị đâm chìm, hoặc bị kéo về đảo Phú Lâm (trong quần đảo Hoàng Sa) đòi tiền chuộc.
Năm nay, mới đây, Trung Quốc loan báo sẽ cấm đánh cá trên biển Ðông từ giữa tháng 6 đến ngày 1 tháng 8, 2012. Trong sự hợp tác đối phó với sự gia tăng bành trướng của Trung Quốc, Việt Nam và Nhật đã ký bản ghi nhớ cổ võ các trao đổi về quốc phòng an ninh.
Có một hạm đội tàu ngầm sẽ giúp cho Việt Nam đối phó với chiến lược mà Trung Quốc sử dụng để ngăn cản Hải Quân Mỹ tiếp cận và can thiệp ở vùng biển sát với Trung Quốc. * Trung Quốc muốn kiểm soát một nửa Thái Bình Dương? Hiện nay, Hải Quân Trung Quốc có một hạm đội tàu ngầm lên hơn 70 chiếc trong đó có cả một số tàu ngầm nguyên tử lớp Tấn (Jin-class) trang bị hỏa tiễn tầm xa tới 8,000km. Những tàu ngầm này được nghe nói đóng ở căn cứ Tam Á trên đảo Hải Nam, căn cứ tàu ngầm lớn nhất của Trung Quốc. Báo chí Hongkong từng tiết lộ Bắc Kinh có tham vọng đóng thêm 30 tàu ngầm tối tân nữa từ nay đến năm 2020.
Ðiều này cho người ta cảm tưởng Bắc Kinh, nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, rất nghiêm chỉnh với ý đồ muốn chia đôi Thái Bình Dương với Mỹ để bá chủ. Một nửa do Mỹ kiểm soát lấy Hawaii làm giới hạn và nửa kia do Bắc Kinh làm trùm. Một viên chức hải quân cao cấp của Bắc Kinh đưa đề nghị này cho tư lệnh Mỹ ở Thái Bình Dương hồi năm 2007 như một “đề nghị riêng.” Nếu như vậy, đó là một thử thách nghiêm trọng đối với Hoa Kỳ và đi ngược lại chủ trương tự do hải hành ở mọi nơi trên các vùng biển quốc tế. Bản tường trình về an ninh quốc phòng của chính phủ Obama phổ biến ngày 5 tháng 1, 2012 viết rằng “Sự xuất hiện của Trung Quốc như một cường quốc ở khu vực có tiềm năng ảnh hưởng đến nền kinh tế và an ninh Mỹ trên nhiều mặt.” Bản phúc trình nói Hoa Kỳ sẽ từ bỏ chiến lược quy ước để chuẩn bị cho hai cuộc chiến lớn cùng một lúc ở hai khu vực, theo đó “sẽ tái cân bằng lực lượng về phía Á Châu-Thái Bình Dương.” Ðội lực lượng tàu ngầm của Mỹ, mạnh nhất thế giới, hướng về phía Tây Thái Bình Dương. Hoa Thịnh Ðốn dự trù đồn trú 60% lực lượng hàng không mẫu hạm và tàu ngầm tại khu vực Á Châu-Thái Bình Dương. Tàu ngầm tấn công sẽ được dùng để săn địch cũng như bảo vệ các hàng không mẫu hạm chống lại các cuộc tấn công bất ngờ của tàu ngầm Trung Quốc. Theo một bản phúc trình của Cục Nghiên Cứu của Quốc Hội Hoa Kỳ, Hải Quân Mỹ đã đồn trú 3 tàu ngầm nguyên tử ở khu vực gần đảo Guam. Bản phúc trình cũng nói 3 tàu ngầm cùng loại và và 2 tàu ngầm trang bị hỏa tiễn tầm xa cũng đóng tại các vùng biển phía Tây nước Mỹ. Có dấu hiệu như một “trò chơi vĩ đại” trong thế kỷ 21 đã bắt đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ở phía Tây Thái Bình Dương. Với Việt Nam làm mắt xích trong mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và các nước đồng minh của họ, tuy lỏng lẻo nhưng bao quát đang hình thành chống lại Trung Quốc.
Ở phía Bắc Thái Bình Dương, trong khi đó, các tàu ngầm nguyên tử của Nga cũng đang ngó chừng xem Mỹ và Trung Quốc đang làm gì. Khi đến Hà Nội thăm viếng từ 21 đến 23 tháng 12, 2011, Phó Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người dự trù sẽ lên ghế chủ tịch từ cuối năm nay, từng đưa ra lời cảnh cáo với các lãnh tụ đảng và nhà nước CSVN là đừng có dựa vào Mỹ để tranh chấp biển Ðông, theo sự tiết lộ của hãng tin Nhật Kyodo news ngày 21 tháng 1, 2012. (NP)
|