Home Tin Tức Thời Sự Truyền thống bất khuất của người Tây Tạng vùng Kham Tứ Xuyên Trung Quốc

Truyền thống bất khuất của người Tây Tạng vùng Kham Tứ Xuyên Trung Quốc PDF Print E-mail
Tác Giả: Đức Tâm   
Thứ Năm, 26 Tháng 1 Năm 2012 13:46

Vùng Khang Ba trước đây bao gồm cả phía đông hiện nay của khu tự trị Tây Tạng

Công an Trung Quốc tuần tra tại huyện Khang Định thuộc châu tự trị Cam Tư, Tứ Xuyên.
Reuters

 

Người Tây Tạng thuộc vùng tự trị Cam Tư và A Bá, phía tây nam tỉnh Tứ Xuyên, nơi mà lực lượng an ninh Trung Quốc đang phong tỏa sau khi đàn áp các cuộc biểu tình, không chỉ là những Phật tử sùng đạo mà còn nổi tiếng là những chiến binh có truyền thống bất khuất, quyết bảo vệ bản sắc vùng đất lịch sử của mình - vùng Khang Ba (còn gọi là Kham).

 Theo giới chuyên gia lịch sử và quân sự, trong nhiều thế kỷ qua, vùng Khang Ba bị cộng đồng Tây Tạng ở Lhassa lãnh đạo.

Đến năm 1965, chính quyền cộng sản Trung Quốc đã lập khu tự trị Khang Ba, thế nhưng, người Tây Tạng ở đây đã thường xuyên thể hiện ý chí độc lập đối với Bắc Kinh và cả Lhassa.
 
Bà Stéphanie Brigden, giám đốc tổ chức Londres Free Tibet, giải thích với AFP là “Về mặt lịch sử, đó là một vùng nổi loạn. Những khu vực này luôn tỏ ra tự hào về bản sắc Tây Tạng của mình”.
 
Từ đầu tuần này đến nay, vào dịp năm mới tính theo âm lịch, tại vùng Khang Ba, cảnh sát Trung Quốc đã dùng lựu đạn cay và thậm chí bắn đạn thật để giải tán các cuộc biểu tình của người Tây Tạng. Theo chính quyền Bắc Kinh, hai người đã thiệt mạng. Các tổ chức phi chính phủ cho biết có ít nhất ba người chết.
 
Trong vòng chưa đầy một năm qua, đã có ít nhất 16 vụ nhà sư Tây Tạng tự thiêu hoặc có ý làm việc này, nhằm phàn đối chính sách của Bắc Kinh trấn áp tự do tín ngưỡng.
 
Theo ông Barry Sautman, chuyên gia về Tây Tạng, giảng dạy tại đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông thì người Tây Tạng vùng Khang Ba nổi tiếng là “Có quyết tâm chiến đấu mạnh mẽ hơn những cộng đồng Tây Tạng khác...

Đó là những vùng giáp ranh giữa các khu vực chỉ có người Tây Tạng sinh sống, trong khu tự trị Tây Tạng và các khu vực hầu như chỉ có người Hán, sát với cao nguyên Tây Tạng”. Ông Sautman cho rằng hoàn cảnh địa lý – xã hội này dẫn đến việc người dân ở Khang Ba luôn luôn có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa mạnh mẽ.
 
Khoảng 1,5 triệu người Tây Tạng sống ở A Bá và Cam Tư, chiếm ba phần tư dân số hai khu vực tự trị này, trên diện tích 230 000 km vuông, lớn bằng nước Anh.
 
Về mặt lịch sử, vùng Khang Ba trước đây bao gồm cả phía đông hiện nay của khu tự trị Tây Tạng, cũng như các khu vực sinh sống của người Tây Tạng ở tỉnh Tứ Xuyên và các tỉnh lân cận khác như Thanh Hải, Cam Túc, Vân Nam.
 
Bà Kate Saunders, phát ngôn viên tổ chức International Campaign for Tibet – ICT, có trụ sở ở Hoa Kỳ, nhận định là người Tây Tạng ở Cam Tư năng động về chính trị hơn các cộng đồng Tây Tạng khác.

Trong những năm gần đây, họ tổ chức “các cuộc biểu tình, cầu nguyện hoặc phản đối một cách đơn lẻ nhằm thể hiện sự trung thành với Đức Đà Lai Lạt Ma và sự tức giận”. Mặt khác, việc có rất nhiều tu viện ở Khang Ba cũng góp phần làm cho làn sóng biểu tình, bất bình lan rộng và nhanh.
 
Chuyên gia về Tây Tạng, ông Robert Barnett, thuộc đại học Columbia, New York nhận định, đợt biểu tình lần này là sự tiếp nối của làn sóng nổi dậy năm 2008 và đã bị trấn áp thẳng tay.

Vào thời kỳ đó, Bắc Kinh chỉ thừa nhận có 21 người chết, trong lúc cộng đồng Tây Tạng lưu vong nói đến con số 200 nạn nhân.

Theo giải thích của ông Barnett, chính quyền Trung Quốc không thèm đến xỉa đến những đòi hỏi của người dân Tây Tạng, được nêu ra trong khoảng 150 cuộc biểu tình.

 Đối với Bắc Kinh, đó là những vụ manh động được tổ chức từ bên ngoài hoặc do các phần tử bất hảo cầm đầu.
 
Chuyên gia này nhấn mạnh, Bắc Kinh đã từ chối lắng nghe những lo ngại của người dân về chính sách của Trung Quốc.