Home Tin Tức Thời Sự Gọng kềm tài chánh : vũ khí lợi hại của phương Tây đối với Iran

Gọng kềm tài chánh : vũ khí lợi hại của phương Tây đối với Iran PDF Print E-mail
Tác Giả: Trọng Nghĩa   
Thứ Tư, 25 Tháng 1 Năm 2012 13:00

Tình trạng thiếu thốn ngoại tệ bắt đầu có ảnh hưởng rõ nét trên nên kinh tế Iran

Biện pháp phong tỏa các ngân hàng Iran có thể làm cạn kiệt nguồn ngoại tệ của nước này (REUTERS)

 

Hôm thứ hai 23/01/2012 vừa qua, Liên Hiệp Châu Âu đã quyết định một số biện pháp trừng phạt ngoạn mục nhắm vào Iran để buộc nước này từ bỏ chương trình hạt nhân.

 Hai biện pháp chủ chốt của được đề ra là cấm vận dầu hỏa song song với cấm vận tài chánh, nhắm vào ngân hàng trung ương Iran.

 Theo các chuyên gia phân tích được AFP trích dẫn, nếu cấm vận dầu hỏa có thể sẽ chỉ tác động hạn chế, thì cấm vận tài chánh sẽ phát sinh hiệu quả mạnh hơn.

Trong lãnh vực dầu hỏa, ngay sau khi Bruxelles loan báo quyết định dần dần ngưng nhập dầu hỏa của Iran, chính quyền Teheran đã lập tức tuyên bố rằng lệnh cấm vận này sẽ không ảnh hưởng đến ngành xuất khẩu dầu thô của Iran.

Theo nhiều quan chức Iran cao cấp, trong bối cảnh nhu cầu dầu hỏa vẫn mạnh, họ có thể « bán dầu cho bất kỳ nước nào trên thế giới ».
 
Trước mắt, nhận định trên cũng có lý, vì lẽ Hoa Kỳ hầu như không nhập dầu của Iran, trong lúc lượng dầu bán qua Liên Hiệp Châu Âu chỉ khoảng 20% mà thôi. Phần còn lại được bán cho các nước khác, trong đó có những khách hàng cỡ lớn là Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản, cho đến giờ này, đã bắn tin cho biết là họ không có ý định tham gia cấm vận của phương Tây bất chấp áp lực từ Washington.

Theo một chuyên gia dầu khí phương Tây được hãng tin Pháp AFP trích dẫn, thực tế kể trên có nguy cơ « giới hạn tác động của quyết định của châu Âu ».
 
Tương tự như vậy, lệnh cấm vận của châu Âu trên tất cả các sản phẩm dầu mỏ khác cũng không tác hại nhiều đến Iran vì nước này hiện đã tự chủ được trong hầu như mọi lĩnh vực, kể cả xăng dầu. Thậm chí Iran giờ đây đã biến thành một nhà xuất khẩu sản phẩm hóa dầu.
 
Cho dù vậy, quyết định của Châu Âu và Hoa Kỳ cũng khiến Teheran xao xuyến.

Chính quyền Iran đã cảnh cáo Ả Rập Xê Út, nước sản xuất dầu lớn nhất của khối OPEC, là không nên gia tăng sản xuất để bù đắp vào phần dầu mà Iran bán cho châu Âu. Đối với một nhà ngoại giao châu Âu, điều đó « là dấu hiệu của một tâm trạng căng thẳng nào đó của Iran trên vấn đề này ».
 
Nếu về dầu hỏa là như trên, thì lệnh trừng phạt của phương Tây trong lãnh vực tài chính được cho là sẽ phát huy tác dụng nhiều hơn.

 Việc tăng cường các biện pháp phong tỏa các ngân hàng Iran – áp dụng từ năm 2010 – có thể làm cạn kiệt nguồn ngoại tệ của Iran, gây xáo trộn cho nền kinh tế nước này.
 
Cho đến gần đây, theo một số nhà ngoại giao và các nhà phân tích kinh tế ở Teheran, trừng phạt tài chánh của phương Tây đối với Iran không chỉ gây trở ngại cho nước này trong việc nhập khẩu hàng hóa cần thiết, đội giá hàng nhập, mà còn khiến cho Iran gặp khó khăn trong việc hồi hương 100 tỷ đô la thu được nhờ xuất khẩu dầu hỏa trong năm 2011.
 
Tình trạng thiếu thốn ngoại tệ bắt đầu có ảnh hưởng rõ nét trên nên kinh tế Iran.

 Ngân hàng Trung ương nước này, vào tuần qua chẳng hạn, đã phải đóng cửa thị trường ngoại tệ tự do, và quy định hai hối suất chính thức, một dành cho các doanh nghiệp, và một dành cho các cá nhân. Quyết định này lập tức tạo ra một thị trường chợ đen quan trọng.
 
Nhà nước Iran cũng bị buộc phải hạn chế đáng kể khối ngoại tệ mà các cá nhân được đổi, xuống còn vỏn vẹn 1000 đô la một năm cho mỗi người, và với điều kiện là người đó đi du lịch ra nước ngoài. Đối với các công ty nhập khẩu cũng vậy. Họ ngày càng phải đối mặt với nhiều loại hạn chế mới.
 
Đại diện một tập đoàn lớn của châu Âu, có chi nhánh tại Iran, đã tiết lộ rằng : « Ngân hàng trung ương không có ngoại tệ để cung cấp cho chúng tôi nữa, làm tiến trình nhập hàng của chúng tôi bị rối loạn.

Một kinh tế gia Iran muốn giấu tên thì không tránh khỏi bi quan :

« Các biện pháp trừng phạt mới của phương Tây nhắm vào Ngân hàng Trung ương Iran…sẽ chủ yếu xiết chặt gọng kềm tài chánh trên Iran…

Điều đó sẽ làm tăng nguy cơ nền kinh tế bị rối loạn, và hạn chế khả năng đầu tư của Iran vào việc phát triển nguồn tài nguyên dầu khí, vốn đã bị hao tổn nhiều trong thời gian qua ».