Cấm vận dầu hỏa Iran có nguy cơ dẫn đến chiến tranh
Iran đứng hàng thứ tư trên thế giới về lượng sản xuất dầu hoả và đứng hạng nhì trong khối OPEP về mặt xuất khẩu (© Reuters)
Hôm thứ hai, ngày 23/01/2012, Liên Hiệp Châu Âu đã thông qua các biện pháp trừng phạt Iran, cụ thể là cấm vận dầu hỏa và phong tỏa tài khoản Ngân hàng Trung ương của nước này. Libération hôm nay có bài phỏng vấn ông Gary Sick, nguyên cố vấn Nhà Trắng dưới thời hai tổng thống Ford và Carter.
Bài viết chạy tựa : "Iran : cấm vận có thể dẫn đến chiến tranh".
Giải thích cho lời cảnh báo trên, ông Gary Sick cho rằng, nếu Iran bị cấm vận dầu hỏa, tức là nước này sẽ không còn gì để mất, do đó một sự đáp trả mạnh tay, thậm chí là quân sự, là hoàn toàn có thể. Nước này có thể phóng tên lửa đánh phá các bến cảng hoặc các khu lọc dầu ở bờ bên kia Vùng Vịnh, và như vậy sẽ gây khó khăn cho việc xuất khẩu dầu của Ả Rập Xê Út và Koweit. Giá dầu vì thế sẽ tăng cao.
Kinh tế phương Tây vốn đang khó khăn sẽ càng chồng chất khó khăn. Ông Sick nhấn mạnh, người ta có thể gây sức ép đối với Iran, nhưng phải ở mức độ hợp lí. Nếu dồn nước này vào chân tường, tức cắt nguồn thu chính từ việc xuất khẩu dầu hỏa, thì tất sẽ có một sự phản ứng « cứng rắn và gây nhiều tổn thất cho tất cả các bên ». Bàn về việc phương Tây lo ngại Iran phát triển vũ khí hạt nhân, vị cựu cố vấn Nhà Trắng cho rằng, việc đó cần xem xét lại một cách khách quan.
Ông nhắc lại, báo cáo mới nhất của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) cũng không quả quyết việc Iran đang phát triển vũ khí hạt nhân. Nên nhớ rằng, báo cáo này được cho là nghiêm khắc nhất từ trước đến nay về hồ sơ hạt nhân Iran. Cơ quan IAEA và tình báo Hoa Kỳ nói rằng, Iran đã ngừng theo đuổi một cách có hệ thống chương trình vũ khí hạt nhân vào năm 2003, sau khi ông Saddam Hussein bị lật đổ. Iran đã bắt đầu chương trình hạt nhân từ những năm 1990, nhưng đến hiện tại vẫn chưa có một quả bom nguyên tử nào.
Ông nhắc lại, các nước khác muốn phát triển ngầm vũ khí hạt nhân, như Ấn Độ, Pakistan hay Nam Phi, thì cũng đã không mất nhiều hơn 12 năm để làm được điều đó. Trả lời câu hỏi : Liệu phương Tây có thể đàm phán với Iran hay không ?
Ông Gary Sick khẳng định là « hoàn toàn có thể để mọi việc được minh bạch hơn ».
Vào năm 2003, chính phủ Iran đã cho ngừng chương trình hạt nhân quân sự, và đã đồng ý cho thanh tra của IAEA đến thực địa để xác minh hư thực.Thế nhưng, sau đó, các vị thanh tra đã không tìm thấy được gì. Sau đó phương Tây không những không tháo bỏ lệnh trừng phạt cho Iran mà còn đòi hỏi nhiều hơn nữa. Ông Gary Sick nhấn mạnh, vào năm 1995, Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt Iran, khi ấy Iran chưa hề có uranium được làm giàu. Để rồi đến hiện tại, sau hơn 26 năm của lệnh trừng phạt, thì Iran đã có đến 8 000 máy li tâm và nhiều khu sản xuất hạt nhân. Theo ông Gary Sick, khả năng đàm phán là hoàn toàn có thể với điều kiện là mục tiêu đặt phải là : chỉ hạn chế số lượng máy ly tâm dưới sự giám sát chặt chẽ của cộng đồng quốc tế.
Ông nhấn mạnh : « Nếu phương Tây cứ khăng khăng đòi Iran không được có một lò ly tâm nào, không được có một chút urianium được làm giàu nào, thì người ta không thể nào đàm phán được ». Tình hình Tây Tạng ngày càng nóng bỏng Tình hình Tây Tạng bắt đầu bất ổn từ năm 2008 và ngày càng căng thẳng. Mới hôm thứ hai 23/01/2012 này, đã có hai cuộc biểu tình lớn diễn ra và bị đàn áp đẫm máu.
Libération phản ánh sự việc qua bài viết : «Vùng Tây Tạng bốc lửa, Bắc Kinh tăng cường trấn áp ». Hai cuộc biểu tình hôm thứ hai diễn ra ở huyện Lô Hoắc và A Bá tỉnh Tứ Xuyên, hai địa phương có dân cư đa số là người Tây Tạng. Hiện tại, hai địa điểm này đã bị phong tỏa.
Theo Libération, ở Lô Hoắc, công an đã bắn vào đoàn biểu tình bao gồm các nhà sư, người chăn nuôi và những người dân du mục. Trước đó, những người này đã cướp phá cửa hàng của nhiều người Hán, và đã biểu tình trước trụ sở các cơ quan nhà nước. Theo tin từ RFA, có 6 người bị thiệt mạng và khoảng 30 người khác bị thương. Mục tiêu của cuộc biểu tình là yêu cầu chính quyền thả những người Tây Tạng đang bị giam giữ vì tội rãi truyền đơn kêu gọi tự do cho Tây Tạng và khẳng định sẽ tiếp tục tự thiêu phản đối Bắc Kinh.
Ngoài ra, theo RFA, vụ biểu tình cũng là hậu quả của việc chính quyền Trung Quốc muốn ép những người Tây Tạng ăn Tết theo kiểu Trung Quốc. Còn ở A Bá, cảnh sát đã đàn áp một đoàn biểu tình tập hợp mọi người với mục đích làm lễ vinh danh những người đã tự thiêu. Tờ báo nhắc lại, từ tháng ba năm ngoái đến giờ, đã có đến 16 người Tây Tạng tự thiêu để phản đối Bắc Kinh. Như vậy, theo tờ báo, bất ổn không còn chỉ tập trung ở A Bá, mà đã bắt đầu lan đến Lô Hoắc, cách đó tới 300 cây số. Vào ngày 08/01/2011, cũng đã xảy ra một vụ tự thiêu khác ở một địa phương của tỉnh Thanh Hải cách đó đến 750 km. Miến Điện : hy vọng và cảnh giác
Đến với tình hình Miến Điện, báo L’Humanité đăng ý kiến của bà Christiane Marcie, phụ trách quan hệ quốc tế của đảng Cộng sản Pháp.
Bài viết mang dòng tựa : « Miến Điện-hy vọng và cảnh giác ». Bà Marcie tóm lược quá trình cầm quyền hàng mấy chục năm của tập đoàn quân phiệt Miến Điện, từ việc đàn áp Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi vào năm 1990 đến sự kiện đàn áp biểu tình dữ dội vào năm 2007 … Để rồi, từ khi chính thức thành lập chính quyền dân sự vào tháng 3/2011 đến nay, thế giới đã chứng kiến những cải tổ nhanh chóng ở nước này.
Giải thích cho những cải tổ đó, bà Marcie cho rằng, do tình trạng bị cô lập đã cản trở bước đường phát triển của Miến Điện. Bên cạnh muốn thoát cảnh cô lập, Miến Điện còn muốn có nhiều sự ủng hộ hơn trong khối ASEAN, muốn hội nhập quốc tế. Trước những thay đổi đó, lãnh đạo LND Aung San Suu Kyi đã tuyên bố là rất lạc quan và tin tưởng quyết tâm cải cách của tổng thống Thein Sein.
Trong khi đó, người đồng sáng lập LND với và San Suu Kyi là ông Win Tin, từng bị chính quyền giam giữ nhiều năm, thì cho rằng :
« Còn quá sớm để có kết luận. Nên đợi 2 hay 3 năm nữa hẳn hay ». Ông này cũng tỏ ra nghi ngờ ông Thein Sein vì cho rằng, đừng quên rằng, ông Thein Sein một năm trước đây là thủ tướng của chính phủ quân phiệt. Ông Win Tin cũng cánh báo : « Nguy cơ đảo chính quân sự luôn hiện hữu ». Về phần mình, bà Marcie nhận định: « Dù sao thì một tia hy vọng đã lóe lên ». Bà cũng kêu gọi chính quyền mới ở Miến Điện nên thả hết số tù nhân chính trị còn lại, và nên tăng cường đối thoại với các bên liên quan. Bà hy vọng cuộc bầu cử lập pháp vào tháng 4 tới sẽ được tổ chức phù hợp với những qui định của một nhà nước pháp quyền. Nhật Bản : có thể xảy ra động đất lớn trước năm 2016 Liên quan đến Nhật Bản, Le Monde có bài thông tin : « Tokyo trước đe dọa của một trận động đất cường độ cao sẽ xảy đến trước năm 2016 ».
Sau thảm họa Fukushima, các chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu động đất của chính phủ Nhật Bản đã ước đoán rằng, có đến 70% khả năng xảy ra một trận động đất kinh hoàng trong vùng Kanto, tức bao gồm cả thủ đô Tokyo.
Thời gian dự phóng là trong 30 năm nữa. Hôm thứ hai này, Viện nghiên cứu động đất của Đại học Tokyo (ERI) đã rút ngắn khoảng thời gian dự phóng xuống còn …4 năm. ERI cho biết, dự báo đó dựa trên hiện tượng có quá nhiều vụ địa chấn xảy ra sau thảm họa 11 tháng 3. Từ ngày kinh hoàng này đến ngày 31/12/2011 đã có đến 577 trận địa chấn từ 5 độ Richter trở lên, tức một con số cao gấp 4 lần so với mức dư chấn trung bình xảy ra hằng năm tại Nhật Bản từ năm 1995. Ngoài ra, theo dự báo, các hoạt động địa chất ở Nhật Bản sắp tới sẽ tăng cao và có nguy cơ gây ra một trận động đất ở cường độ cao.
Một giáo sư thuộc ERI giải thích, trận động đất hôm 11/3 đã làm biến đổi lòng đất và làm thay đổi lòng đại đương. Áp lực đã tăng cao ở những lòng biển gần đảo Hokkaido ở miền Bắc, và gần khu vực Kanto ở miền nam, tức khu vực bao gồm thủ đô Tokyo. Giáo sư này cho rằng, cũng giống như trường hợp nhiều người nắm tay nhau đứng thành hàng, nếu có một người bị ngã, thì những người khác, nhất là những người kế cận, sẽ có nguy cơ bị ngã theo, vùng Kanto cũng có thể bị hiệu ứng Domino theo kiểu đó. Tuy nhiên, một số nhà khoa học khác lại cho rằng, dự đoán trên là « vô căn cứ ».
Họ chỉ trích sự thông đồng của chính phủ và giới khoa học. Một chuyên gia cho rằng : « Hiểu biết khoa học hiện tại chưa cho phép xác định được mức độ nguy cơ ở từng vùng cụ thể ». Dù có chính xác hay không, Le Monde cho hay, tin tức này đã gây hoang mang trong dân chúng, nhất là đối với người thủ đô. Ai Cập một năm sau khi lật đổ Mubarak Hôm nay, Ai Cập kỷ niệm một năm ngày lật đổ tổng thống Mubarak, trong khi đó, tình hình vẫn đang hết sức căng thẳng, quân đội vẫn đang nắm quyền.
Phản ánh sự việc này, Le Figaro có bài : « Một năm sau cuộc nổi dậy, quá trình chuyển tiếp ở Ai Cập đang bước vào giai đoạn quyết định ». Hôm nay, đúng một năm sau sự ra đi của ông Mubarak, hai « gương mặt » chính của Ai Cập sẽ hội ngộ tại quảng trường Tahrir, thủ đô Cairo, nơi khởi nguồn phong trào nổi dậy hồi năm ngoái. Một bên là tổ chức Huynh đệ Hồi Giáo, sẽ xuất hiện ở thế thượng phong, vì vừa rồi nhiều thành viên đã được bầu vào Quốc hội. Tổ chức này kêu gọi mọi người kỷ niệm ngày lật đổ nhà độc tài và kêu gọi ủng hộ quá trình chuyển tiếp dưới sự kiểm soát của quân đội. Bên còn lại bao gồm nhiều phong trào phản đối. Họ yêu cầu quân đội phải chuyển giao quyền lực ngay lập tức, và lên án tổ chức Hồi giáo này đã « đánh cắp » cuộc cách mạng. Trong bối cảnh căng thẳng đó, Hội đồng Tối cao các lực lượng võ trang Ai Cập (CSFA), hiện đang nắm giữ quyền lực, đã toan hạ nhiệt căng thẳng bằng cách thông báo cho chấm dứt « tình trạng khẩn cấp » được thiết lập từ hơn 30 năm qua.
Tờ báo cho rằng, sau vụ đàn áp biểu tình trước tòa nhà Maspero tại thủ đô Cairo làm hơn 20 người chết hồi tháng 10, và vụ đốt lều người biểu tình tại Cairo hồi tháng 11/2011 làm thiệt mạng gần 40 người, giới quân đội hiện lo ngại những rắc rối mới sẽ làm chệch hướng quá trình chuyển tiếp vốn bước vào giai đoạn quyết định từ mấy tuần nay. Hôm thứ hai, Quốc hội mới của Ai Cập được bầu hồi tháng 12 rồi với sự thắng lợi của các đảng phải Hồi giáo cực đoan, đã tiến hành phiên họp đầu tiên và bầu vào ghế chủ tịch một thành viên của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo.
Sắp tới, Quốc hội này sẽ bầu tiếp những người đứng đầu các tiểu bang soạn thảo Hiến pháp. Tuy nhiên, Le Figaro nhấn mạnh, mọi việc đều diễn ra dưới sự quan sát của quân đội. Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo và quân đội đã tiến hành đàm phán. Người đứng đầu quân đội nước này là ông Mohammed Tantaoui đã cam kết sẽ chuyển giao tất cả quyền lực cho chính phủ dân sự vào tháng 6 tới. Trong bối cảnh đó, nghi ngờ đối với quân đội vẫn còn cao. Có người cho rằng, họ tiếp tục xuống đường vì lo ngại quân đội và Huynh đệ Hồi giáo đàm phán và tự quyết mọi việc.
Họ yêu cầu quân đội phải lập tức giao quyền và những người trong quân đội phạm tội ác phải bị truy tố. Một thành viên của phong trào Ngày 6 tháng 4 bức xúc : « Hội đồng Tối cao các lực lượng vũ trang chẳng qua là một bộ mặt khác của ông Mubarak. Từ ngày 25 tháng 1 năm 2011 đến giờ, chưa có một mục tiêu nào của cuộc cách mạng được đạt đến ». Người này cũng cho biết, tòa án quân sự vẫn tiếp tục hoành hành, quân đội đã gây khó dễ cho các tổ chức phi chính phủ và đã đàn áp đẫm máu nhiều cuộc biểu tình. Theo người này, tham nhũng và nghèo đói một năm qua vẫn không có gì thay đổi đáng kể.
|