Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 24-01-2012

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 24-01-2012 PDF Print E-mail
Tác Giả: Trọng Thành   
Thứ Ba, 24 Tháng 1 Năm 2012 16:12

Nước hồ lớn nhất tại Trung Quốc chỉ còn 1/10

 
Hồ Bà Dương (Giang Tây), 04/05/2011.
REUTERS/China Daily

 

Báo Le Monde ngày 24/01/2012, quan tâm đến thảm nạn môi trường tại Trung Quốc với bài « Tại Trung Quốc, hồ nước ngọt lớn nhất đã cạn khô ».

Về nguyên nhân của tình trạng này, Bắc Kinh đổ lỗi là do thiếu nước mưa, để che dấu các hậu quả của đập thủy điện khổng lồ Tam Hiệp.

 Bài viết do đặc phái viên Le Monde từ Giang Tây gửi về, cho biết là những ai đến vùng hồ Bà Dương (Po yang) đều chứng kiến một cảnh tượng thê thảm : từ hơn 3.500 km², diện tích hồ nay chỉ còn 200 km². Thay vào mặt nước hồ quen thuộc là một vùng đất bằng khô kiệt.
 
Tân Hoa Xã cho biết, đợt khô hạn nghiêm trọng nhất từ 60 năm nay này là do mưa tại chỗ và trên thượng nguồn rất ít.

 Theo Le Monde, rõ ràng, thời tiết khắc nghiệt năm nay có ảnh hưởng đến tình trạng này, thế nhưng lý do chính đã không được nhắc đến, đó là đập thủy điện Tam Hiệp khổng lồ cách đó 500 km. Mặc dù, vào tháng 5/2011, chính quyền Trung Quốc đã thừa nhận rằng con đập lớn nhất hành tinh này « đã gây ra nhiều tác hại, cần được giải quyết khẩn cấp », thế nhưng mối liên quan giữa đập Tam Hiệp với việc hồ Bà Dương cạn nước, vẫn chưa được công nhận.
 
Các nghiên cứu khoa học được thực hiện tại Đại học Nam Kinh (Trung Quốc) cho thấy, giai đoạn đập Tam Hiệp trữ nước vào mùa lũ để sử dụng vào mùa đông khô cạn, là nguyên nhân trực tiếp khiến hồ Bà Dương khô kiệt.

Đó là trường hợp đã từng xảy ra vào năm 2006. Khi nước đập Tam Hiệp được nâng lên 15 mét vào tháng 10, cũng chính là lúc nước xuống rất thấp tại Hộ Khẩu, một địa điểm trên dòng Dương Tử, cửa ngõ vào hồ Bà Dương.
 
Đầu năm 2012 này, cân bằng sinh thái tại vùng hồ Bà Dương đang « bị tác hại nghiêm trọng » tại thành phố Nam Xương (Nanchang), thủ phủ tỉnh Giang Tây.

 Không đủ nước, cá không có, các đàn chim di cư chọn Bà Dương làm nơi hạ cánh cũng không còn mồi ăn.

 Tàu thuyền cũng không thể di chuyển. Một giảng viên đại học nhận định : « Thu nhập của dân đánh cá cũng tụt xuống như nước hồ ».

Bình thường một gia đình ngư phủ thu nhập khoảng 10 đến 20 nghìn yuan/năm, trong năm hạn hán này, thu nhập chỉ còn 5 nghìn yuan. Có thông báo cho rằng chính quyền địa phương quyết định đền bù cho mỗi ngư dân 1 nghìn yuan.

 Tuy nhiên, một người cho biết, họ mới chỉ nhận được 500 yuan từ chính quyền thị trấn. Một nhà nghiên cứu Trung Quốc cảnh báo : Đất đai Trung Quốc đang khô kiệt, giữ nước cho dòng Dương Tử là vấn đề sống còn. Việc hồ Bà Dương bị khô kiệt là một báo động.
 
Mở đầu năm mới, Bắc Kinh gia tăng đàn áp giới ky khai

Cũng về Trung Quốc, Libération chú ý đến cuộc đàn áp giới ly khai đang gia tăng qua bài viết với tựa đề : « Bắc Kinh hành hạ giới ly khai ».

Bài do đặc phái viên gửi về từ Bắc Kinh.
 
Bài báo mở đầu với việc mô tả những lời kể của một nhân chứng. Đó là ông Dư Kiệt (Yu Jie), 38 tuổi, một cây bút bất đồng chính kiến. Nhà ly khai này là bạn của nhà văn Lưu Hiểu Ba - giải Nobel Hòa bình 2010, và hai ông đã cùng sáng lập nên PEN, trung tâm Văn bút Trung Quốc.
 
Ông Dư Kiệt nổi tiếng với cuốn "Ôn Gia Bảo : Diễn viên xuất sắc nhất Trung Quốc" xuất bản năm 2010 (bị cấm bán tại Trung Hoa lục địa), trong đó ông đã cho thấy, thủ tướng Ôn Gia Bảo, dù là một nhân vật được coi là nhà cải cách và được đánh giá cao, nhưng dứt khoát chống lại mọi cải tổ chính trị và cũng chính là người củng cố quyền lực của cơ quan công an mật vụ Trung Quốc. Vì cuốn sách này, nhà văn Dư Kiệt đã bị chính quyền bắt đi cách đây hơn một năm, vào ngày 20/12/2010.
 
Bị trục xuất sang Mỹ đầu tháng Giêng năm nay 2012, lần đầu tiên nhà ly khai xuất hiện trước công chúng vào tuần trước, và kể lại một cách chi tiết những biến cố xảy ra.
 
Các nhân viên an ninh đột ngột đến nhà trùm lên đầu ông một chiếc mũ chụp đen, rồi đưa ông đi.

 Nhà văn Dư Kiệt đã bị lột hết áo quần, bắt quỳ xuống, rồi bị đánh đập bằng đủ kiểu. Trước khi ngất đi, ông bị những người tra tấn đe dọa, nếu được lệnh, họ sẽ có thể chôn sống ông, với cảnh báo, tại Trung Quốc, chỉ có 200 trí thức có ảnh hưởng, có thái độ đối lập với đảng Cộng sản, nếu chính quyền trung ương cảm thấy quyền lực của họ bị đe dọa, thì tất cả những người này sẽ bị xúc gọn trong một đêm và đưa đi chôn sống.
 
Sau nhiều tháng bị giam giữ, cuối cùng Dư Kiệt phải chấp nhận tỵ nạn sang Hoa Kỳ cùng gia đình. Trước khi đi, người ta đã cảnh cáo sẽ không cho ông trở lại Trung Quốc, nếu ông tiếp tục có những hành vi khiến chính quyền không hài lòng.
 
Libération nhận định, năm Con Rồng vừa bắt đầu với nhiều dấu hiệu xấu đối với giới ly khai. Chỉ trong vòng một tháng cuối năm cũ, Bắc Kinh đã kết án rất nặng ba nhà tranh đấu dân chủ, và đe dọa kết tội một người khác cũng với một án tù rất nặng.

 Thứ Sáu vừa rồi, Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền Navi Pillay nhận định, đàn áp giới ly khai đang gia tăng. Liên Hiệp Quốc cũng cảnh báo, nhiều vụ bắt người bí mật đã diễn ra trong những tháng gần đây. Điều nghiêm trọng nữa là, vào tháng Ba tới, Quốc hội Trung Quốc có thể hợp pháp hóa việc bắt giữ người không qua xét xử, vốn đã rất phổ biến tại nước này.

Theo HRW, có 34 nhà báo Trung Quốc đã bị bỏ tù trong năm 2011, với tội danh « lật đổ chính quyền ».
 
Về việc ứng cử viên tổng thống Pháp Hollande chĩa mùi dùi vào giới tài chính Pháp
 
Về chính sách kinh tế lấy giới tài chính làm mục tiêu chỉ trích của ứng cử viên tổng thống Pháp François Hollande - thuộc đảng Xă hội, tờ Les Echos có bài xã luận : « Tài chính : nguy cơ của một thái độ dễ dãi ».

Bài viết nhận định, coi giới tài chính là đối thủ chính, ông F. Hollande đã chọn trúng điểm.

Sau bốn năm khủng hoảng tài chính, việc lên án giới tài chính là một cú đánh chắc thắng, điều này là càng đúng hơn, trong bối cảnh bất chấp các hứa hẹn cuối năm 2008, cho đến nay, nền tư bản tài chính vẫn chưa đổi mới thật sự. Đối mặt với các quốc gia đang đầm đìa nợ nần, trong những tháng gần đây, nền tư bản tài chính lại đang có xu hướng phục hưng.

Tuy nhiên, theo Les Echos, ông Hollande đã đánh nhầm đích. Chương trình tranh cử của ông chỉ nhắm vào việc nắm lại các nhà băng Pháp, mà đây là một điều sai lầm trên hai phương diện.
 
Thứ nhất các ngân hàng Pháp được xếp hạng tốt trên thế giới, và thứ hai là, nếu như có « một đế chế tài chính » hình thành kể từ năm 2008, thì đây là một vấn đề toàn cầu. Mà để « thuần hóa được » nền tài chính thế giới, thì trước hết phải tấn công vào « cái hộp đen của các thị trường » nằm ngoài vùng kiểm soát, mà lĩnh vực này nhìn chung rất khó khống chế.
 
Les Echos đề nghị, để làm được việc này cần phải thoát ra khỏi cái nhìn đơn giản của một phát biểu mang tính hô hào trong tranh cử, và thực sự quan tâm đến cơ chế vận hành của nền tài chính và tiếp đó là tìm cách hướng các nước có ảnh hưởng tham gia vào vấn đề này. Đây chính là điều mà tổng thống Sarkozy đã không làm được trong năm 2008.
 
Syria : Đối lập cần hành động chuyên nghiệp và quyết liệt hơn

Về thời sự quốc tế, Libération chú ý đến không khí căng thẳng gia tăng liên quan đến cuộc khủng hoảng Syria, với bài phỏng vấn nhà đối lập George Sabra, từng bị bắt nhiều năm.

 Trả lời Libération, nhà đối lập Syria kêu gọi, quốc tế can thiệp khẩn cấp. Cho đến nay, theo thống kê của tổ chức đối lập chủ yếu Hội đồng Dân tộc Syria, từ khi cuộc xung đột bùng nổ, đã có khoảng 50.000 người bị mất tích, bên cạnh 59.000 người bị giam giữ ở khắp nơi, không kể hơn 5.000 người thiệt mạng.
 
Ông George Sabra là đồng sáng lập đảng Dân chủ Syria, hậu thân của đảng Cộng sản. Hiện tại ông Sabra thuộc ban lãnh đạo của Hội đồng Dân tộc Syria.

 Tuy nhiên, nhà hoạt động chính trị kỳ cựu này không hài lòng với hoạt động của Hội đồng Dân tộc Syria cho đến nay. Theo ông George Sabra, người đứng đầu của tổ chức đối lập – giảng viên đại học B. Ghalioun là « một người tốt, nhưng chỉ là một nhà khoa học, chứ không phải một nhà chính trị.

Ông ấy không có thói quen làm việc với nhiều người ». Cũng theo nhà đối lập, Hội đồng Dân tộc Syria cần tăng cường hỗ trợ giới đối lập trong nước hơn nữa, về thuốc men, quần áo và thực phẩm, cũng như những can thiệp mạnh hơn để thay đổi lập trường bên ngoài, đặc biệt là từ phía nước Nga.
 
Phim tài liệu về các nhân chứng 20 năm cuối cùng của Khối Cộng sản
 
Về di sản của chủ nghĩa cộng sản, Libération cho biết kênh truyền hình Arte tối nay, sẽ đưa tới khán giả một bộ phim hoành tráng, kể lại 20 năm sau cùng của khối cộng sản.

Bộ phim mang tên « Vĩnh biệt các đồng chí » dài 52 phút, bắt đầu với chính lời của đạo diễn, và cũng là một nhân chứng của giai đoạn đặc biệt này.
 
Đạo diễn Andrei Nekrasov kể lại thời điểm ngày 25/12/1991, khi ông 33 tuổi, về những gì liên quan đến cảm xúc của ông trước cái chết của lý tưởng cộng sản, cùng với biến cố đầy ý nghĩa, nhưng được đón nhận một cách dửng dưng, của việc tổng thống Liên Xô tuyên bố từ chức, để rồi ngày hôm sau, Liên Xô chính thức giải thể.

Theo nhận xét của Libération, đây không phải là một bộ phim đơn giản hóa với những lời bình của một số chuyên gia, mà là một cuốn phim tài liệu sống động, với sự tham gia của chính đạo diễn, như là một nhân chứng.
 
Trang nhất các báo Pháp

 
Các báo Pháp hôm nay đặc biệt chú ý đến động thái mới của cuộc tranh cử tổng thống Pháp, với việc ứng cử viên đảng Xã hội François Hollande chính thức bắt đầu chương trình tranh cử.

Le Monde ghi nhận trên trang nhất « François Hollande đặt các đề nghị của mình vào trung tâm của cuộc tranh luận tranh cử tổng thống ». Tờ báo cho biết, ứng cử viên đảng Xã hội sẽ công bố chi tiết chính sách kinh tế của mình vào ngày 26/01 tới.
 
Tờ Le Figaro hướng cái nhìn về phía tổng thống Sarkozy, đối thủ của ông François Hollande, với hồ sơ chính : « Đối mặt với Hollande, Sarkozy vẫn điềm tĩnh ». Theo tờ báo, mặc dù các kết quả thăm dò dư luận bất lợi, tổng thống Pháp cho rằng, kết quả cuộc bầu cử vẫn còn chưa ngã ngũ.
 
Liên quan đến chương trình tranh cử tổng thống của ông Hollande, ứng cử viên đảng Xã hội, tờ Libération có bài « Chống lại ‘‘giới tài chính’’, Hollande có phải là người đáng tin cậy ? ».

Tờ báo dành nhiều trang để xem xét một cách kỹ lưỡng các phát biểu của ông François Hollande trong cuộc ra mắt tại Bourget.

Cũng liên quan đến quan điểm của ứng cử viên Hollande, tờ báo kinh tế Les Echos dành sự chú ý đặc biệt cho hồ sơ : « Các ngân hàng Pháp đối mặt với cuộc tấn công của Hollande ». Les Echos cho biết, các nhà ngân hàng Pháp, ngạc nhiên với thái độ tấn công của ứng cử viên đảng Xã hội, đã phản đối một cách âm thầm.
 
Tờ l’Humanité quan tâm đến vụ chìm tàu Costa Concordia (ngoài khơi nước Ý), với một phóng sự điều tra, để cho thấy, đằng sau vụ đắm tàu kể trên, có cả một thế giới ngầm, không hoạt động theo pháp luật, mà ở đó mọi thứ bị hy sinh cho lợi nhuận, ngay cả sinh mạng của các du khách.

Về thời sự nước Pháp, báo La Croix lưu ý bạn đọc đến cuộc cải cách trong các trường học Công giáo tại Pháp, qua phỏng vấn ông Eric de Labarre, Tổng thư ký các trường Công giáo tại Pháp.

Qua báo La Croix, Tổng thư ký khối trường Công giáo Pháp chuyển các đề xuất về cải cách giáo dục của ông đến các ứng cử viên tổng thống.