Home Tin Tức Thời Sự Nhiều tổ chức nhân quyền kêu gọi Cam Bốt ngưng các vụ trưng thu đất đai hàng loạt

Nhiều tổ chức nhân quyền kêu gọi Cam Bốt ngưng các vụ trưng thu đất đai hàng loạt PDF Print E-mail
Tác Giả: Thanh Phương   
Thứ Ba, 24 Tháng 1 Năm 2012 15:59

Khi nhà của họ bị phá hủy, người dân khu phố Borei Keila đã ném đá và chai lọ vào cảnh sát

Biểu tình chống cưỡng bức giải tỏa tại Phnom Penh, ngày 24/01/2012
Reuters

 

Trong một bức thư ngỏ gởi thủ tướng Hun Sen hôm nay, 24/01/2012, năm tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế, trong đó có Human Rights Watch và Ân xá Quốc tế, đã kêu gọi chính quyền Phnom Penh chấm dứt các vụ trưng thu đất đai hàng loạt ở Cam Bốt.

 Bức thư ngỏ viết : « Với tư cách chủ tịch ASEAN trong năm 2012, Cam Bốt phải thực hiện các nghĩa vụ tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do căn bản và phải chấm dứt các vụ cưỡng bức giải toả, nhằm bảo vệ uy tín của Cam Bốt trên trường quốc tế ».
 
Theo AFP, trong bức thư này, các tổ chức nhân quyền cũng yêu cầu chính quyền Cam Bốt trả tự do cho 7 người bị bắt đầu tháng Giêng khi chống lại vụ giải tỏa khoảng 300 gia đình ở thủ đô Phnom Penh. Khi nhà của họ bị phá hủy, người dân khu phố Borei Keila đã ném đá và chai lọ vào cảnh sát và cảnh sát đã bắn trả bằng súng hơi cay và đạn cao su.
 
Các tổ chức nhân quyền cũng cho biết « rất quan ngại » về tình trạng của 22 phụ nữ và 6 trẻ em bị đưa vào một trại « phục hồi nhân phẩm », chuyên tiếp nhận người nghiện ma túy và hành nghề mãi dâm.

 Họ bị đưa vào trại này sau khi tham gia một cuộc biểu tình khác phản đối các vụ cưỡng bức giải tỏa. Bốn người trong số họ đã được thả ra, còn những người khác đã trèo tường trốn ra vào tuần trước.
 
Ông Phil Robertson, phó giám đốc đặc trách châu Á của Human Rights Watch tố cáo: “ Ở Cam Bốt ngày nay, một trong những nơi nguy hiểm nhất rõ ràng là mảnh đất mà một người giàu có, quyền thế muốn chiếm đoạt ».
 
Cam Bốt thường xuyên bị quốc tế chỉ trích về những vụ cưỡng bức giải tỏa đã khiến hàng ngàn người bị đuổi đi nơi khác trong những năm gần đây.
 
Trong thời gian từ 1975 đến 1979, chế độ Khmer Đỏ đã xóa bỏ tư hữu, nhiều giấy chủ quyền đã bị mất trong thời kỳ đó cũng như trong thời kỳ nội chiến tiếp theo sau, khiến cho vấn đề này càng thêm phức tạp.