Các doanh nhân của Mỹ cũng không bỏ lỡ cơ hội đến thăm dò thị trường này
Hạ tầng cơ sở của Miến Điện đang chờ đợi các nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: một tuyến đường giao thông dẫn tới Thái Lan. REUTERS
Các cải cách chính trị diễn ra một cách nhanh chóng và ngoạn mục tại Miến Điện, nước có nhiều tiềm năng kinh tế chưa được khai thác, đã tạo sức hấp đối với giới đầu tư ngoại quốc. Cùng với việc chính phủ « dân sự » Miến Điện liên tiếp tiến hành các cải cách chính trị và phương Tây từng bước bãi bỏ các trừng phạt về kinh tế, Miến Điện, một đất nước với 60 triệu dân, đang trên con đường mở cửa, xây dựng nền kinh tế thị trường. Miến Điện giàu tài nguyên thiên nhiên, với nguồn dự trữ lớn về dầu khí, gỗ, quặng mỏ, khí hậu thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Quốc gia này cũng có tiềm năng lớn về du lịch và trong tương lai, sẽ cần đến rất nhiều đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng. Từ giữa năm 2011 đến nay, song song với các chuyến công du liên tiếp của giới chính trị gia phương Tây, các nhà đầu tư ngoại quốc cũng ồ ạt tới thăm dò thị trường Miến Điện.
Một doanh nhân ngoại quốc, hoạt động lĩnh vực du lịch và bất động sản, cho AFP biết là số khách tăng vọt, các khách sạn hết chỗ vào mùa cao điểm. Vừa qua, bộ trưởng Thương mại của Nhật Bản dẫn đầu một phái đoàn các chủ doanh nghiệp sang Miến Điện. Các doanh nhân của Mỹ cũng không bỏ lỡ cơ hội đến thăm dò thị trường này. Chính quyền Miến Điện đã cung cấp cho giới doanh nhân đang có mặt ở Rangoon một danh sách các bất động sản mà họ muốn bán và bầu không khí có thể cảm nhận được là chính phủ muốn nới lỏng các luật lệ, khuyến khích đầu tư.
Trước đây, muốn xin giấp phép kinh doanh phải mất nhiều tuần lễ, nay chỉ trong vòng một ngày. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo là môi trường đầu tư tại Miến Điện trong giai đoạn hiện nay khá phức tạp, cơ sở hạ tầng cực kỳ thiếu thốn, sau nhiều thập niên dưới sự lãnh đạo của giới tướng lãnh quân đội và lại bị phương Tây cấm vận. Có thể nói, Miến Điện phải xây dựng tất cả từ đầu. Miến Điện chưa có luật đầu tư. Văn bản này hiện còn chờ Quốc hội thông qua. Tòa án không độc lập, thiếu năng lực chuyên môn. Hệ thống ngân hàng đang trong quá trình phục hồi sau cuộc khủng hoảng năm 2003. Tỷ giá hối đoái trên thị trường chợ đen cao hơn gần 100 lần so với tỷ giá chính thức của Nhà nước. Kinh tế ngầm phát triển, đặc biệt là buôn bán tại khu vực biên giới. Ông Toe Naing Mann, con trai chủ tịch Hạ viện Miến Điện giải thích rằng do luật lệ lạc hậu, lỗi thời, người dân tự xoay xở. Họ không muốn rơi vào tình trạng bất hợp pháp, nhưng họ không có lựa chọn nào khác. Theo chuyên gia Winston Set Aung, đồng sáng lập viên Viện Nghiên cứu Pháp triển châu Á tại Rangoon, « tân chính phủ cố gắng mở cửa và giảm bớt những hạn chế, kiểm soát, chi phí giao dịch nhằm tạo môi trường thuận lợi » cho kinh doanh và đầu tư.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư ngoại quốc có thể muốn tìm hiểu xem nền kinh tế không chính thức hoạt động ra sao. Trong tình trạng kinh tế và luật pháp hiện nay tại Miến Điện, các tập đoàn lớn cần phải chờ thêm một thời gian nữa.
Trước khi rời bỏ quyền lực, vào tháng Ba năm 2011, giới tướng lãnh cầm quyền đã đưa ra một chương trình tư nhân hóa rộng rãi, trong đó có cả cảng Rangoon và các trạm bán xăng dầu. Tuy nhiên, do hạ tầng cơ sở còn yếu kém, chưa thể phát triển được mạng lưới phân phối nhiên liệu trên toàn quốc. Theo giới quan sát, có lẽ cũng giống như Việt Nam trong những năm 1990, khi Mỹ bãi bỏ cấm vận, thì các văn phòng luật và tư vấn sẽ có mặt đông đảo tại Miến Điện.
Ông Aekapol Chongvilaivan, thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, có trụ sở tại Singapore, dự báo là khai thác dầu khí, quặng mở, khoáng sản, gỗ, ngân hàng, du lịch sẽ là những lĩnh vực có nhiều đơn xin giấy phép đầu tư nhất ở Miến Điện. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cảnh báo những khó khăn mà giới đầu tư ngoại quốc sẽ phải đối mặt tại Miến Điện, đó là nạn tham nhũng, khả năng quản lý yếu kém và nguy cơ mất cân đối về kinh tế vĩ mô.
|