Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 22-01-2012

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 22-01-2012 PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Phước   
Chúa Nhật, 22 Tháng 1 Năm 2012 18:35

Tham nhũng buộc nhà giàu Trung Quốc rời khỏi quê hương

 
Khu trung tâm thương mại Bắc Kinh
REUTERS/Bobby Yip

Ngày càng có nhiều nhà giàu Trung Quốc di cư ra nước ngoài, bởi không chịu nổi sức ép của nạn cửa quyền và tham nhũng.

Điều đáng chú ý là thông tin này được phản ảnh không phải bởi báo chí nước ngoài, mà là của tờ Tuần san tin tức Trung Quốc, xuất bản tại Bắc Kinh.

Courrier International trích lại bài viết của tuần san này với hàng tựa khá ấn tượng : « Sau giai đoạn làm giàu là lúc sống cảnh lưu vong của các đồng chí ».

 Tờ báo dùng từ đồng chí không phải ngẫu nhiên, mà có ý muốn phản ảnh một hiện tượng đang diễn ra tại Trung Quốc : Trong số những người chấp nhận rời khỏi quê cha đất tổ để sống đời lưu vong, có cả những người là đảng viên đảng Cộng sản Trung Quốc. Minh chứng cho bài viết, tờ báo dẫn lại lời của một doanh nhân tên Vương Nhất Nam.
 
Vương Nhất Nam là người thuộc thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, một tỉnh nằm bên bờ Hoàng Hải. Ông này đã rời khỏi Trung Quốc đến định cư tại Canada. Ông khẳng định là không hề muốn rời bỏ quê hương, nhưng buộc phải làm thế do không thể tiếp tục chịu được sự nhũng nhiễu của chính quyền địa phương. Điều đáng chú ý, ông là đảng viên đảng Cộng sản Trung Quốc.
 
Theo lời kể của ông Vương, năm 1997, khi ông có việc phải đi Mỹ, thì ở nhà, công an đã bắt sáu nhân viên của ông để tra vấn. Nguyên nhân là do có người nặc danh tố cáo ông trốn thuế và thâm lạm của công. Họ bị công an hành hạ, thậm chí anh trai ông còn bị bắt quỳ trước nhà vệ sinh. Tuy nhiên, sau đó công an cũng chẳng phát hiện được gì.

Năm 2000, công ty ông cũng hân hạnh được sự quan tâm đặc biệt của quan chức ngành thuế. Ông cho biết, có những quan chức ngành thuế trông mong cho doanh nhân vi phạm luật để trục lợi.
 
Giải thích về việc di cư của mình, ông thẳng thắng : « Tôi là đảng viên đảng Cộng sản. Tối thấy chương trình hành động của Đảng có giá trị. Vấn đề ở đây là có một vài quan chức quá xấu xa ».
 
Trung Quốc không phải là nơi để sống, mà là để kiếm tiền

Trong tương lai, ông Vương vẫn có ý định đầu tư làm ăn tại Trung Quốc, bởi theo ông, Trung Quốc là nơi để kiếm tiền chứ không phải để sinh sống.

 Để cung cấp thêm chi tiết cho chủ đề này, Courrier International cho biết, năm 2010, nửa triệu người Trung Quốc có tài sản trên 10 triệu nhân dân tệ (1,18 triệu euro). Trong số đó, 60% có ý đi định cư ở nước ngoài, 27% đã rời khỏi quê hương.
 
Tờ báo nhắc lại, đây là làn sóng di cư ra nước ngoài thứ ba tại Trung Quốc. Lần thứ nhất là vào những năm 1980, gồm những công nhân thiếu tay nghề và những người di cư bất hợp pháp. Lần thứ hai là vào những năm 1990, sau sự kiện Thiên An Môn, gồm dân trí thức. Còn lần này bao gồm những nhà giàu mới nổi, cảm thấy bất an trước nạn nhũng nhiễu của chính quyền.
 
Nhận định về hậu quả của làn sóng di cư thứ ba này, tờ báo cảnh báo : Lượng tài sản theo chân các nhà giàu rời khỏi quê hương sẽ là một nguy cơ sụp đổ của nền kinh tế Trung Quốc.
 
Tây Tạng đang bên bờ nổi dậy

Le Nouvel Observateur nhìn về Tây Tạng với bài nhận định khá súc tích mang tên : « Nổi thất vọng của các nhà sư ».
 
Năm 2011, Tây Tạng có đến 12 nhà sư tự thiêu phản đối Bắc Kinh và đòi độc lập. Làn sóng này bước sang năm mới không hề suy giảm mà còn tiếp tục dâng cao.

Từ đầu năm 2012, đã có thêm bốn nhà sư tự thiêu phản đối chính phủ. Lần này, không chỉ là các nhà sư bình thường, mà có cả nhà sư có vai vế.
 
Sau mỗi lần có tự thiêu, người địa phương lại tập trung tổ chức đám tang trọng thể. Trong trường hợp tự thiêu của một nhà sư có chức sắc vào ngày 12/1 này, lúc đầu công an từ chối giao trả thi thể. Thế là dân chúng phẫn nộ, tấn công đập phá cả trụ sở công an, cuối cùng công an đã phải nhượng bộ.
 
Rồi bốn ngày sau đó, một nhà sư khác lại tự thiêu. Công an toan dập lửa bằng cách đập liên tiếp vào người đang cháy. Đám đông nổi giận tấn công. Công an đã nổ súng vào đám đông làm nhiều người bị thương và một người chết.
 
Tờ báo kết luận : 5 năm sau vụ nổi dậy của người dân tại Lhassa vào năm 2008, biện pháp trấn áp của chính quyền dần dần tỏ ra hạn chế, và Tây Tạng hơn lúc nào hết đang bên bờ nổi dậy.
 
Chính phủ Pakistan có nguy cơ bị đảo chính

Vốn được biết đến là nước mà giới quân sự thường hay tiến hành đảo chính để dựng lên chính quyền theo ý mình, lịch sử Pakistan có nguy cơ ghi thêm một sự kiện đảo chính. Đi vào chi tiết vấn đề này, tuần san L’Express có bài phân tích : «Các quân nhân và những tên trộm ».
 
Tờ báo cho biết, tại thủ đô Islamabad đang rộ lên tin đồn sắp có đảo chính bởi nhiều nguyên nhân : tình trạng quan hệ căng thẳng giữa chính phủ dân sự và giới quân đội, bạo lực lan tràn, kinh tế u ám. Điều đáng quan ngại hơn, Pakistan làm một trong ba nước tại châu Á có vũ khí hạt nhân, cùng với Trung Quốc và Ấn Độ.
 
Tổng thống đương nhiệm là ông Asif Ali Zardari, chồng của cố thủ tướng Benazir Bhutto. Ông lên nắm quyền lực sau khi vợ ông bị ám sát hồi năm 2008. Vừa rồi, ông bị cáo buộc là đã « van xin sự giúp đỡ của Mỹ để đối phó nguy cơ đảo chính ». Do vậy, ông đã mất hết tín nhiệm đối với giới quân đội.
 
Tờ báo giải thích, quân đội Pakistan vẫn còn chưa hết phẫn nộ về việc Hoa Kỳ đã đơn phương cho biệt kích tấn công và hạ sát Ben Laden ở một thành phố gần kề thủ đô Islamabad.

 Mỹ thì giận dữ về vụ tấn công đẫm máu vào đại sứ quán nước này ở Afghanistan. Thủ phạm là người của mạng lưới khủng bố Haqqani, một nhánh của phong trào Taliban có trụ sở tại Pakistan. Đến mức mà Hoa Kỳ đã bắt đầu có ý tránh xa nước mà Hoa Kỳ từng xem là « đồng minh chiến lược » trong chống khủng bố.
 
Một bất lợi nữa cho tổng thống Zardari là tình hình kinh tế nước này quá đỗi u ám. Chính phủ bị chỉ trích điều hành kinh tế không hiệu quả, và đã cử những người bất tài cai quản các công ty lớn.

Kinh tế suy sụp khiến cuộc sống người dân lắm phần khốn khổ. Tình trạng thiếu điện, thiếu nước rất nghiêm trọng. Giao thông thì trì trệ. Khoảng 1/3 người dân sống dưới ngưỡng nghèo. Bên cạnh đó, tệ tham nhũng cũng đang hoành hành dữ dội.

Theo các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, tại Pakistan, 50% người dân than phiền về hậu quả của tham nhũng.
 
Để cứu nền kinh tế, chính phủ Pakistan, hồi tháng rồi, đã bình thường hóa quan hệ với cựu thù của mình là Ấn Độ. Chính phủ cũng đã ra sức « nịnh hót » Trung Quốc.

 Trong nhiều lĩnh vực, từ vũ khí, hạt nhân dân sự đến cơ sở hạ tầng, Trung Quốc ngày càng nặng ký tại Pakistan. Trung Quốc cũng đã ra tay cứu giúp Pakistan khi nước này không thể trả nổi nợ cho IMF, mà kỳ hạn đầu tiên sẽ tới vào tháng hai này.
 
Trong bối cảnh đó, L’Express đặt câu hỏi, liệu Pakistan có dùng Trung Quốc để thay thế cho đồng minh Hoa Kỳ không ?

Theo tờ báo, việc đó là rất có thể. Nên nhớ rằng, Trung Quốc chưa bao giờ cắt đứt quan hệ với Pakistan, nhất là trong lĩnh vực quân sự, do Pakistan có thể giúp Trung Quốc kiềm chế được Ấn Độ.
 
Vấn đề còn lại cần quan sát, theo tờ báo, là liệu quân đội có buộc tổng thống Zardari phải từ chức trước nhiệm kỳ hay không ?

L’Express nhận định, nếu điều đó xảy ra, có thể quân đội sẽ ủng hộ ông Imran Khan. Ông là cựu vận động viên cricket, hiện là lãnh đạo phe đối lập, người được cho là có « lập trường bài Mỹ » giống như quân đội.
 
Chính quyền mới tại Libya không minh bạch đối với tù nhân chiến tranh

Đến với tình hình thời hậu Kadhafi, Courrier International dẫn lại bài của tờ The Guardian với nhận định rằng, chính quyền mới của Libya đang vi phạm nhân quyền.

 Bài viết có dòng tựa là nghi vấn: « Saif, con trai ông Kadhafi, sẽ được xét xử công bằng không ? ».
 
Tờ báo cho biết, Saif Al-Islam Kadhafi đang bị giam lỏng trong một ngôi nhà ở thành phố Zintan, cách thủ đô Tripoli 170 cây số. Nhân vật này bị giám sát 24/24, không được tiếp cận với truyền hình, radio và Internet. Các cuộc thăm viếng của mọi người đều phải qua xét duyệt và bị giám sát chặt chẽ.

Tờ báo nhấn mạnh đến chi tiết nhân vật này tiếp khách điều phải dùng tay trái để bắt tay, do ngón cái và ngón trỏ của bàn tay phải đã bị đứt. Saif cho biết do bị trúng bom của NATO, nhưng theo một vài người Libya, chính những người trong phe nổi dậy khi bắt được Saif đã cắt bỏ hai ngón này để trừng phạt việc trước kia khi xuất hiện trên truyền hình, nhân vật này thường dùng tay phải để chỉ về phía đám đông biểu tình.
 
Saif hiện chưa có luật sư bào chữa cho mình, thậm chí còn chưa rõ tội danh cụ thể nào mà chính quyền mới sẽ cáo buộc mình.

 Hiện tại, sự việc đang bị các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế chỉ trích. Họ cho rằng, chính quyền mới đã không đủ năng lực để thiết lập được một hệ thống tư pháp khách quan và công bằng như đã hứa.
 
Hội đồng Quốc gia Chuyển tiếp Libya đã từ chối giao Saif cho tòa án hình sự quốc tế tại La Haye, và đòi xét xử nhân vật này trên lãnh thổ Libya. Thế nhưng trong tình hình vừa nêu trên, liệu Saif có được xét xử công bằng?

Tòa án La Haye đang chờ đợi chính quyền mới Libya chứng tỏ khả năng đảm bảo công lý ở các tòa án trong bối cảnh rối rắm hiện tại. Tờ báo nhấn mạnh, hiện có hơn 7 000 tù nhân chiến tranh đang bị giam giữ ở các nhà tù dã chiến ở Libya, họ không được bố trí luật sư bào chữa, và cũng chưa được xét xử.
 
Về việc các tổ chức nhân quyền quốc tế lên tiếng bảo vệ Saif, ngoài lý do nhân đạo, tờ báo còn cho biết, bởi lời khai của nhân vật này có thể giúp phơi bày ra ánh sáng nhiều bí mật quan trọng có liên quan đến một vài quan chức hiện còn đang nắm giữ trọng trách trong chính quyền mới, liên quan đến quan hệ giữa người cha Kadahfi và cựu thủ tướng Anh Tony Blair.
 
Không chỉ quốc tế lên tiếng phản đối sự mờ mịt của chính quyền mới, mà ngay cả nhiều người Libya cũng đã chỉ trích sự thiếu minh bạch của chính quyền.

Theo tờ báo, công việc của Hội đồng Quốc gia Chuyển tiếp vẫn luôn được giữ bí mật, các cuộc họp quan trọng luôn là họp kín.
 
Bên cạnh hồ sơ Saif và các tù nhân chiến tranh, tờ báo cũng không quên nhắc lại việc chính quyền mới đến hiện tại dường như đang cố tình quên đi lời hứa cho mở điều tra về việc người nổi dậy đã sát hại ông Kadhafi một cách dã man.
 
Năm Rồng sẽ mang lại may mắn

Cuối cùng, Courrier International cũng không quên ngày lễ trọng đại của một số nước châu Á, đó là ngày Tết nguyên đán.

 Tờ báo nêu rõ, vào ngày 23 tháng 1 dương lịch, tức ngày mùng một tết, nhiều nước châu Á sẽ chính thức bước vào năm Rồng (tức năm Thìn).

Tờ báo nhắc lại, Rồng, theo tín ngưỡng phương Đông, là biểu tượng của sự thịnh vượng và vương quyền. Một đứa bé được sinh vào năm Rồng được cho là sẽ mang lại may mắn cho gia đình.