Trung Quốc muốn bảo tồn nguồn cung cấp năng lượng từ vùng Vịnh
Thủ tướng Ôn Gia Bảo tại thượng đỉnh Năng lượng 2012 REUTERS/Jumana El Heloueh
Hồ sơ Iran vẫn là đề tài thời sự nóng bỏng trên các trang báo Pháp từ nhiều ngày nay.
Tuy nhiên, báo Le Monde số ra hôm nay đặc biệt quan tâm đến vai trò và các động thái của Trung Quốc qua bài viết đề tựa « Trung Quốc muốn bảo vệ nguồn cung ứng năng lượng quan trọng từ vùng Vịnh ».
Thái độ cứng rắn của phương Tây trên hồ sơ Iran và việc Teheran dọa đóng eo biển Ormuz hồi đầu tháng 1/2012 này đã khiến cho chuyến công du 6 nước vùng Vịnh Ba Tư vừa qua của thủ tướng Ôn Gia Bảo mang một ý nghĩa rất đặc biệt.
Trong lúc đó, Mỹ đề nghị các khách hàng châu Á của Iran, bao gồm cả Trung Quốc, nên đa dạng hóa nguồn cung ứng nhiên liệu nhằm gây áp lực lên chính quyền Ahmadinejad. Theo Tân Hoa Xã, tại Doha, thủ đô của Qatar, và cũng là điểm dừng chân cuối cùng của chuyến công du 6 ngày tại các nước vùng Vịnh, thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã bày tỏ mong muốn rằng cửa ngỏ eo biển « vẫn được thông thương ».
Bắc Kinh phản đối bất kỳ hành động cực đoan dọc theo tuyến đường hàng hải chiến lược và luôn nhắc đi nhắc lại tầm quan trọng của việc giải quyết vấn đề Iran trong ôn hòa. Thêm vào đó, Bắc Kinh tuyên bố họ sẽ duy trì các hoạt động thương mại « bình thường » và « đúng đắn » với Iran và rằng các hoạt động này phải được bảo vệ.
Le Monde cho biết, Iran là nhà cung cấp dầu lớn thứ ba cho Trung Quốc, sau hai nước Angola và Ả Rập Xê Út. Trên thực tế, hồ sơ Iran đã đưa ra bàn thảo tại Bắc Kinh ngay trước khi chuyến công du của ông Ôn Gia Bảo.
Le Monde nhắc lại vào ngày 11 tháng giêng vừa qua, thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã tiếp ông Timothy Geithner, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ. Ông Geithner đã kêu gọi Trung Quốc hợp tác trừng phạt Teheran, nhưng Bắc Kinh đã phản đối đề nghị này. Theo Le Monde, nếu như chuyến công du 6 ngày vừa qua của ông Ôn Gia Bảo dường như đáp trả ý muốn của Hoa Kỳ gián tiếp gây lực lên Iran, thì động thái này cũng cho thấy chiến lược của Trung Quốc còn đi xa hơn cả việc đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng, tức là nhằm mục đích tìm kiếm cho mình thị trường mới. Le Monde cho rằng, đối với Bắc Kinh, các đối tác kinh tế đầy hứa hẹn nhất có vẻ như còn quan trọng hơn cả những thiệt hại tài sản có thể bị xảy ra từ những mối quan hệ với các đồng minh của mình là Iran và Bắc Triều Tiên, Trung Quốc sẽ không bao giờ hy sinh những quyền lợi của mình.
Theo nhận xét của một nhà ngoại giao phương Tây tại Bắc Kinh thì Trung Quốc không muốn liên kết với Hoa Kỳ trên hồ sơ Iran. Hơn nữa, cũng nên hiểu rằng Bắc Kinh rất ghét bất kỳ sự xáo trộn và bất ổn nào. Còn theo nhận định của một vị chuyên gia thuộc trường Đại học nhân dân Trung Hoa tại Bắc Kinh thì « tình hình tại Iran còn quá mù mịt. Trung Quốc phản đối việc sử dụng vũ lực, nhưng do họ có quá ít ảnh hưởng, do vậy cuối cùng, lợi ích của họ là trên hết, nên họ cần phải đảm bảo nguồn cung cấp ». Định mệnh vùng Vịnh ba Tư nằm trong tay Trung Quốc
Cũng liên quan đến tình hình vùng Vịnh Ba Tư, Le Monde có bài xã luận cho rằng « Định mệnh của vùng Vịnh nằm trong tay Trung Quốc ». Mở đầu bài viết, Le Monde nhận định « quốc gia nắm giữ một trong những chìa khóa khủng hoảng hạt nhân Iran : chính là Trung Quốc ».
Nếu họ phải sử dụng chiếc chìa khóa này đúng mục đích, họ sẽ chiếm được vị trí cường quốc có trách nhiệm trong Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc sẽ chứng tỏ rằng họ nghiêm túc chống lại tăng cường hạt nhân. Tuy nhiên, bài xã luận cho rằng chưa chắc gì Bắc Kinh sẽ từ bỏ chính sách chờ thời ích kỷ mà cho đến giờ phút này họ vẫn còn thể hiện rõ.
Chuyến công du 6 ngày các nước thuộc vùng vịnh Ba Tư cho thấy rõ lập truờng của Bắc Kinh : không can thiệp vào hồ sơ Iran. Một điều nghịch lý, Trung Quốc tự cao và tự hào về những thành công trong kinh tế nhưng lại không thích phiêu lưu trong việc quản lý khủng hoảng quốc tế.
Việc này cũng dễ hiểu bởi lẽ đối với Bắc Kinh, vùng Cận Đông mang dáng dấp của những bãi mìn. Bài xã luận cho rằng né tránh vấn đề cũng chẳng giải quyết được gì : Teheran vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân. Nó chứa đựng khả năng bất ổn tiềm tàng rất lớn trong khu vực. Vì vậy, nếu có một cường quốc nào thực hiện một áp lực quả quyết lên Iran thì đó chính là Trung Quốc. Để cho lệnh cấm vận dầu hỏa của Mỹ và Châu Âu có hiệu quả hơn, dứt khoát phải có sự tham gia của Bắc Kinh. Bởi lẽ Trung Quốc là khách hàng hàng đầu của Iran, lượng dầu nhập khẩu vào Trung Quốc còn nhiều hơn cả khối Liên hiệp châu Âu. Nếu như trong vòng chuyến công 6 ngày, ông Ôn Gia Bảo luôn lặp đi lặp lại phản đối cấm vận Iran, thì chuyến đi này cũng tạo cho giới quan sát cảm giác rằng Bắc Kinh đang giữ khoảng cách với Iran, do họ nghi ngại sự bất ổn như những gì họ đã chứng kiến tại ba nước khác vùng Cận Đông là Yémen, Libya và Syria. Trong giả thuyết là cấm vận có hiệu lực, Trung Quốc sẽ trở thành khách hàng lớn của Iran. Như vậy, họ có thể áp giá dầu thô và một cách gián tiếp tạo thành một kiểu áp lực lên nền kinh tế Teheran.
Cuối cùng, bài xã luận kết luận Trung Quốc lệ thuộc nhiều nguồn dầu Cận Đông. Họ cần sự ổn định.
Nếu Iran không bị chặn lại, vùng Cận Đông sẽ lao vào cuộc đua vũ khí hạt nhân – cơn ác mộng chiến lược. Vì vậy, trong hồ sơ Iran, Trung Quốc buộc phải chọn đứng về phía bên nào. Tượng Marx và Engels lại gây chia rẽ Berlin Về thời sự châu Âu, Le Figaro cho biết một bộ trưởng liên bang Đức có ý định cho di dời bức tượng hai nhà triết học Karl Marx và Friedrich Engels ra nghĩa trang. Một sự việc gây nhiều tranh cãi tại thành phố Berlin. Le Figaro viết, Karl Marx và Friedrich Engels vô hình chung đã khơi dậy cuộc chiến tranh lạnh nhỏ tại Berlin.
Chính quyền liên bang dường như thích thấy hai nhà triết học Đức này đứng nhìn sự sụp đổ của chủ nghĩa tư bản ở ngoài nghĩa trang thuộc phía Đông Berlin.
Ông Peter Ramsauer, Bộ trưởng Giao thông, Xây dựng và Phát triển đô thị liên bang đề nghị cho tháo gỡ và di dời bức tượng đồng của hai ông này ra khỏi trung tâm thủ đô Đức. Thế nhưng, đề nghị này gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ tòa đô chính thành phố Berlin, lên án ông Ramsauer muốn xóa sạch quá khứ của thành phố. Ông Ramsauer, nhân một chuyến viếng thăm công trình xây dựng lại tòa lâu đài dòng họ Hohenzollern tại Berlin, cho rằng hai bức tượng đồng này gây cản trở cho việc xây dựng lại lâu đài.
Ông cho rằng « Tốt hơn hết, là bức tượng của hai ông nên đặt trong nghĩa trang Friedrichfelde. Một kiểu trung tâm cho những gì còn lại của chủ nghĩa xã hội ». Le Figaro cho biết, vào thời chủ nghĩa cộng sản, nghĩa trang này là nơi để chôn cất các quan chức và nhân sĩ thời Đông Đức. Đây cũng được xem là đài tưởng niệm cho những người theo chủ nghĩa xã hội. Trước lời đề nghị này, chính quyền thành phố Berlin cho rằng, lâu đài và đài tuởng niệm có thể đồng tồn tại. Bởi lẽ, Berlin là một thành phố rất cởi mở. Di dời tượng hai ông vào nghĩa trang chẳng khác nào là làm quên đi lịch sử của chính mình. Hơn nữa, chính bản thân việc xây dựng lại tòa lâu đài cũng đã gây ra nhiều tranh cãi.
Le Figaro nhắc lại rằng, vào thời Đệ nhị thế chiến, tòa lâu đài đã bị bom tàn phá. Sau đó, chế độ cộng sản đã cho phá sạch vì không muốn để lại tàn tích của chế độ quân chủ Phổ tại phía Đông thủ đô Berlin. Thay vào đó, chế độ Đông Đức cũ đã cho xây dựng cung Cộng hòa, tác phẩm kiến trúc theo kiểu Staline.
Bị tàn phá bởi chất amiăng, tòa nhà này đã bị đóng cửa ngay sau ngày hợp nhất hai vùng Đông-Tây Đức. Giờ đây, chính quyền liên bang cho phá hủy hoàn toàn và xây dựng lại với phần mặt tiền theo trường phái baroc. Nhiều người dân thời đông Berlin cũ phàn nàn chẳng tìm lại được dấu tích của 50 lịch sử dưới thời chế độ Đông Đức cũ. Họ lên án chính quyền muốn xóa bỏ một cách hệ thống toàn bộ quá khứ cộng sản của thành phố. Pháp mất ba chữ AAA, giới đầu tư vẫn dửng dưng
Về thời sự nước Pháp, phụ trang kinh tế của báo Le Figaro trở lại với sự kiện các thị trường tài chính phản ứng chừng mực sau khi nước Pháp bị hạ điểm tín nhiệm, mất ba chữ A hoa. Tác giả bài viết khẳng định « giới đầu tư dửng dưng » trước cảnh báo của các công ty thẩm định tài chính. Dù bị mất ba chữ A hoa nhưng nước Pháp đã không gặp khó khăn khi cần vay thêm 9 tỷ rưỡi euro. Hôm qua, Paris đã dễ dàng thuyết phục được các chủ nợ và đáng nói hơn cả là Pháp lại còn được vay với lãi suất rẻ hơn, đồng thời khoảng cách lãi suất –spread- so với Đức đã được thu hẹp lại.
Một nghịch lý khác nữa là kể từ khi bị Standard & Poor's hạ điểm tín nhiệm hôm 13/01/2011, chỉ số chứng khoán CAC 40 của Paris chẳng những đã không bị sụt điểm mà còn tăng thêm 3 % trong vòng một tuần. Pháp không phải là một ngoại lệ. Nhiều thành viên khác trong khối euro như Ý, Tây Ban Nha cũng được các chủ nợ tin cậy. Theo Le Figaro đây là « gáo nước lạnh các nhà đầu tư dành để tặng cho các cơ quan thẩm định tài chính » và có hai yếu tố giải thích cho điều này : một là các nhà đầu tư từ lâu đã tiên đoán trước về khả năng khối euro bị hạ điểm tín nhiệm và hai là do Ngân hàng Trung ương châu Âu từ tháng 12/2011 đã cho các ngân hàng trong khu vực đồng euro mượn tiền với giá rẻ (1 %) để tránh tình trạng khan hiếm tiền mặt. Tại Pháp : tiếng Hoa ngày càng được phổ biến trong trường học Cũng liên quan đến nước Pháp, Le Figaro chú ý đến thành công của việc phổ biến tiếng Hoa trong các trường học tại Pháp.
Theo bài viết « Tiếng Hoa ngày càng được phổ biến rộng rãi trong trường học », việc chọn học tiếng Hoa không phải là theo mốt nữa, mà là vì tiếng Hoa đã đạt dược một vị thế quốc tế không thể nào phủ nhận được. Kể từ năm 2005, tiếng Hoa đã trở thành ngoại ngữ thứ tư được giảng dạy tại Pháp và mức độ thành công ngày càng lớn.
Năm nay, tổng cộng có gần 30 ngàn học sinh chọn học tiếng Hoa trong các trường trung học cấp II và trung học phổ thông, so với con số 9000 vào năm 2004. Theo lời giải thích của Hội Pháp – Hoa, nếu như cách đây 10 năm, học sinh chọn học tiếng Hoa vì sở thích ngoại lai hay vì lý do văn hóa, thì ngày nay là vì kinh tế.
Trung Quốc bây giờ là cuờng quốc kinh tế thứ hai trên thế giới, và là điểm đến đầu tiên cho những người châu Âu, đứng trước cả Mỹ và Anh Quốc. Trong khi đó, cách đây 10 năm Trung Quốc chỉ đứng hàng thứ sáu trên thế giới. Không những thế, đây cũng là một trong những điểm đến chính của các thực tập sinh Pháp xuất thân từ các trường đào tạo kỹ sư và thương mại. Nếu tính theo tỷ lệ, tiếng Hoa chỉ đứng sau các sinh ngữ Anh, Tây Ban Nha hay Đức, nhưng vượt qua mặt cả tiếng Ả Rập và Nga. Một tín hiệu thành công khác nữa là hiện nay hơn 90% học sinh chọn tiếng Hoa là ngoại ngữ thứ ba từ rất sớm, ngay từ đầu cấp II. Le Figaro nhấn mạnh rằng, tiếng Hoa không chỉ dành cho tầng lớp ưu tú, mà người ta có thể tìm thấy ở mọi khu phố bình dân. Các con số thống kê đưa ra cho thấy số học sinh chọn học tiếng Hoa không xuất thân từ những người nhập cư Trung Quốc, mà từ những người có tiếng mẹ đẻ là tiếng Pháp. Về mặt phương pháp, các chuyên gia nhận định tiếng Hoa rất dễ học, do không có chia động từ, số nhiều hay giống, như là trong văn phạm tiếng Pháp. Học sinh chỉ gặp chút khó khăn về chữ viết, đòi hỏi phải học thuộc lòng nhiều. Le Figaro cho biết việc phổ cập tiếng Hoa không chỉ gặt hái thành công trên các trường học mà còn trên cả các trường đại học lớn (Đại học Bách khoa, trường Hành chính Quốc gia, Trường đại học Thương mại….).
Theo Le Figaro, số sinh viên chọn học tiếng Hoa đều hiểu rõ tiện ích của việc sử dụng ngôn ngữ này trong chuyên môn. Ông Laure Von, làm việc tại tập đoàn khai thác điện hạt nhân Areva Pháp giải thích với Le Figaro rằng : « Việc nói được tiếng Hoa rất quan trọng vì có nhiều nhà lãnh đạo Trung Quốc không biết tiếng Anh. Do đó, chúng ta buộc phải thông qua một thông dịch viên, dẫn đến việc thất thoát thông tin. Vì vậy, để hiểu một nền văn hóa phức tạp, tạo điều kiện cho một vụ thương thảo hay thoát ra được một sự bế tắc, thì việc nói được tiếng nói của người đối thoại sẽ tạo thuận lợi cho rất nhiều việc ». Lợi ích cuối cùng theo Le Figaro cũng không kém phần quan trọng đó là ở cùng mức độ chuyên môn, trong CV (lý lịch xin việc), chỉ cần ghi dòng chữ « biết tiếng Hoa » là đủ vượt trội các ứng viên khác khi xin vào làm ở các doanh nghiệp Pháp có cơ sở tại Trung Quốc.
|