PIPA và SOPA nhắm đến các trang mạng nước ngoài vi phạm tác quyền
“Ngày 18 Tháng Giêng là ngày mà thế giới phải sống trong tình trạng thiếu thông tin.” Ðó là lời của ông Peter Svensson, biên tập viên về kỹ thuật của hãng thông tấn AP, khi trang mạng bách khoa từ điển mở, Wikipedia, bắt đầu đóng cửa suốt 24 giờ các đề mục viết bằng tiếng Anh.
Ông Alexis Ohanian, đồng sáng lập trang mạng Reddit, phát biểu trong cuộc tập họp phản đối trước văn phòng TNS Charles Schumer và TNS Kristen Gilliband ở New York. (Hình: AP/Richard Drew)
Wikipedia sát cánh cùng các trang mạng khác, phản đối hai dự luật đang chờ lập pháp Hoa Kỳ biểu quyết, nhằm đóng cửa các trang mạng chia sẻ phim ảnh cũng như các hạng mục khác được cho là vi phạm bản quyền.
Ông Jimmy Wales, nhà sáng lập Wikipedia, nói cuộc đình công này là để phản đối “cái tiền lệ kiểm duyệt Internet ghê sợ” của ngành lập pháp.
Diễn đàn mạng Reddit.com và Boing Boing, đóng dịch vụ của mình, trong khi một số những trang mạng khác chỉ bày tỏ quan điểm chứ không gây ảnh hưởng đến việc tìm kiếm thông tin của cư dân mạng.
Craig's List biến trang nhà ở mỗi địa phương thành một màn đen, hướng dẫn dân mạng đi vào trang phản đối SOPA và PIPA, ngoài ra dân mạng vẫn có thể sinh hoạt mua bán bình thường ở đây.
Theo báo LA Times, 10,000 trang mạng khác cũng dọa sẽ tự bôi đen trang nhà của mình.
Google bôi đen logo của mình trên trang nhà. Nếu nhấp chuột vào đây sẽ được dẫn sang một trang khác, nơi dân mạng có thể điền tên vào thỉnh nguyện thư phản đối dự luật của Quốc Hội.
Giới chủ nhân kỹ nghệ giải trí cho rằng phim ảnh và âm nhạc được trao đổi tùy tiện trên Internet từ các trang mạng ở nước ngoài, khiến họ bị thiệt hại hằng tỉ đô la. Ðược sự ủng hộ của kỹ nghệ bào chế thuốc tây và các nghiệp đoàn lao động, họ tổ chức một liên minh lưỡng đảng ở Quốc Hội.
Các phim trường ở Hollywood cùng những nghiệp đoàn lao động hồi mùa Hè qua cho tung ra một nhóm có tên gọi là “Creative America,” thu thập được 200,000 email gửi lên Quốc Hội.
Hai dự luật được đệ trình ở Quốc Hội, được biết dưới tên Protect IP Act (PIPA), tức đạo luật bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đang nằm ở Thượng Viện chờ biểu quyết, và SOPA, viết tắt của “Stop Online Piracy Act,” có nghĩa là đạo luật ngăn chặn vi phạm bản quyền trên mạng, hiện đang chờ xét ở Hạ Viện. Thượng Viện sẽ bỏ phiếu vào ngày 24 Tháng Giêng.
PIPA và SOPA nhắm đến các trang mạng nước ngoài vi phạm tác quyền bằng cách cấm các công ty ở Mỹ không được quảng cáo, trả tiền hay cung cấp dịch vụ Internet cho họ.
Ðồng thời các cơ sở thanh toán tiền cũng như những công ty quảng cáo phải chấm dứt các dịch vụ với các trang mạng ngoại quốc nào vi phạm tác quyền, nếu không sẽ có thể bị kiện. “Search Engine,” tức trang mạng tìm kiếm thông tin và các công ty Internet bị cấm không được cung cấp phần nối kết với các trang mạng vi phạm tác quyền.
Trang mạng Google nói, hằng triệu người Mỹ chống SOPA và PIPA vì hai dự luật này kiểm duyệt Internet và làm chậm sự tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ.
Wikipedia cho rằng, tuy nỗ lực của hai dự luật là nhằm ngăn chận sự xâm phạm tác quyền của các trang mạng ở ngoại quốc, nhưng thực ra lại vi phạm đến quyền tự do bày tỏ quan điểm, đồng thời gây hại đến sự phong phú của Internet.
Các công ty Internet e ngại hai dự luật, nếu được thông qua, sẽ làm các trang mạng hợp pháp, nơi dân mạng thường lên để chia sẻ các hạng mục, trong đó có phim ảnh, âm nhạc, bị chiếu cố.
Sự chống đối trên mạng bùng phát mạnh đến nỗi Tòa Bạch Ốc phải lên tiếng hồi cuối tuần, kêu gọi các nhà lập pháp hãy rút lại điều khoản gây tranh cãi quá nhiều này. Ðiều khoản này đòi hỏi các “Search Engine,” tức trang mạng tìm kiếm thông tin, kể cả những hệ thống có trả tiền, phải ngăn chận dân mạng không vào được các trang mạng có những hạng mục xâm phạm tác quyền, nếu không sẽ bị rút giấy phép.
Giới chỉ trích cho rằng làm vậy sẽ khiến các trang mạng hợp pháp bị trừng phạt lây, như Craig's List phải chịu trách nhiệm những quảng cáo trên Internet, hoặc Flickr phải chịu trách nhiệm đối với hình ảnh người ta đưa lên để chia sẻ với nhau.
Giới vận động ở Quốc Hội dự trù rút lại điều khoản đóng cửa trang mạng, và tìm cách hòa giải bằng biện pháp chỉ nhắm vào các trang mạng nước ngoài xâm phạm tác quyền.
Thượng Nghị Sĩ Patrick J. Leahy (Dân Chủ-Vermont), chủ tịch Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện, người bảo trợ chính của dự luật, đang làm việc để bổ túc dự luật nhằm đáp lại sự chống đối. Ông nói điều khoản ngăn chặn trang mạng sẽ được xét đến, nhưng chưa chắc ông có chịu rút lại nó hay không.
Trong khi đó, Dân Biểu Lamar Smith (Cộng Hòa-Texas), chủ tịch Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện, phê bình rằng Wikipedia và các trang mạng khác, khi tự bôi đen trang nhà của mình, đã “xúi giục gây sợ hãi thay vì đưa ra sự kiện.” Ông nói ủy ban của ông sẽ xem lại dự luật SOPA vào tháng tới, trong khi tuần rồi ông nhận đã rút lại điều khoản ngăn chặn trang mạng.
Giáo sư môn truyền thông ở trường USC, ông Marty Kaplan nói, hiệp hội phim ảnh Hoa Kỳ “Motion Picture Association of America” phần nào thất thế hơn so với các công ty kỹ thuật vì các công ty này có tiếng nói mạnh hơn đối với quần chúng.
Electronic Frontier Foundation, một nhóm vận động khuyến khích mở rộng và không kiểm soát Internet, nhận định: “Nếu những đạo luật này được thông qua 10 năm trước, thì cả đến YouTube ngày nay cũng không hiện hữu. Thiệt hại do luật lệ như thế này sẽ to lớn vô cùng.”
Liên lạc tác giả:
This e-mail address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it
|