Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 19-01-2012

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 19-01-2012 PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Phước   
Thứ Năm, 19 Tháng 1 Năm 2012 15:42

Trung Quốc tăng cường trấn áp giới ly khai trong năm 2012


Công an Trung Quốc bắt người trong một cuộc tụ tập ở Quảng Châu, hồi tháng 08/2010
REUTERS/Stringer

Trung Quốc đang trước thềm ngày lễ lớn nhất trong năm, tức ngày Tết nguyên đán, thế nhưng, năm Thìn đối với giới ly khai lại có vẻ rất u ám.

Đó là nhận định của báo Le Monde về tình hình trấn áp đối lập tại Trung Quốc với bài viết chạy tựa : « Bắc Kinh siết chặt kiểm soát giới ly khai và tăng cường các biện phép đe dọa ».

 Tờ báo cho rằng, năm 2012 sẽ là năm mà chính phủ Bắc Kinh tăng cường siết chặt vòng vây đối với giới ly khai, bởi đây là một năm rất nhạy cảm với nhà cầm quyền Trung Quốc : Đại hội 18 của đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ diễn ra vào mùa thu tới, khi ấy ông Hồ Cẩm Đào sẽ chính thức chuyển giao quyền lực lại cho ông Tập Cận Bình. Từ nhiều tuần nay, cảnh sát tăng cường triệu tập, bắt bớ, đe dọa những người dám thách thức Đảng cầm quyền.
 
Nhân vật đầu tiên mà tờ báo đề cập là ông Dư Kiệt, bạn của ông Lưu Hiểu Ba.

Ông vừa cùng vợ và con trai rời Trung Quốc đến Hoa Kỳ cách đây vài ngày. Hôm qua, ông đã tổ chức họp báo kể về những điều ông phải gánh chịu ở Trung Quốc. Năm 2010, Dư Kiệt đã cho xuất bản tại Hồng Kong quyển sách chỉ trích thủ tướng Ôn Gia Bảo mang tên « Nam nghệ sỹ tài ba nhất Trung Quốc », dù bị chính quyền gây rất nhiều khó dễ.
 
Ngày hôm trước lễ trao giải Nobel Hòa bình cho ông Lưu Hiểu Ba, Dư Kiệt bị cảnh sát mật bắt đưa đến ngoại ô Bắc Kinh, bị tra tấn về thể xác và tinh thần, đến mức chết đi sống lại. Năm 2011, do lo ngại Trung Quốc bị cuốn vào làn sóng của Mùa Xuân Ả Rập, Bắc Kinh đã tăng cường mọi biện pháp thắt chặt an ninh.

 Thế là, trong năm 2011, Dư Kiệt phải sống trong cảnh mất tự do khoảng chừng 6 tháng, tức ông bị đưa khỏi Bắc Kinh, bị quản thúc tại gia. Vợ và con trai ông cũng bị chính quyền hăm dọa. Công ty của vợ ông dưới sức ép của nhà cầm quyền đã cho sa thải bà. Bước đường cùng, ông quyết định đưa vợ con rời bỏ quê hương.
 
Đến với trường hợp của ông Hồ Gia, từ ngày 11/01 này, ông bị đe dọa bắt trở lại nhà tù, và buộc phải im lặng. Trước đây, ông đã thông qua các trang mạng xã hội kêu gọi mọi người đòi chính quyền trả tự do cho luật sư Cao Trí Thịnh, cho luật sư mù Trần Quang Thành, và cho cả Lưu Hiểu Ba.
 
Nghệ sĩ Ngải Vị Vị cũng vừa bị cảnh sát tra vấn 5 tiếng đồng hồ vì bị nghi ngờ đã ném đá vào một máy caméra theo dõi của chính quyền đặt gần nhà ông. Năm 2011, ông bị giam cầm đến 81 ngày.
 
Còn trường hợp của ông Châu Ngu Phu thì khá hài hước : Ông bị bắt giam vào đầu năm 2011 vì chính quyền cho rằng một bài thơ của ông có ý đồ kích động quần chúng.
 
Nói về tình hình trấn áp đối lập tại Trung Quốc, đại sứ Hòa Kỳ ở nước này cho biết : « Trấn áp nghiêm trọng » và « tình hình ngày càng tồi tệ ».
 
Le Monde dẫn lời của một chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc cho rằng, chính quyền Trung Quốc đang bị chứng « tâm thần phân liệt », chính quyền đang ở trong vòng luẩn quẩn của bạo lực.

Theo chuyên gia này, ông Hồ Cẩm Đào đã ghi dấu ấn trong nhiệm kỳ của mình qua thành công của Olympic Bắc Kinh 2008, và Triển lãm Quốc tế tại Thượng Hải năm 2010, nhưng ông đã không chinh phục được lòng dân.
 
Ấn Độ muốn kiểm soát Internet theo kiểu Trung Quốc

 
Tư pháp Ấn Độ vừa cảnh báo các trang mạng Internet hoạt động tại nước này phải tăng cường kiểm soát nội dung trước khi cho đăng tải, nếu không sẽ bị cấm cửa. Hai đại gia Google và Facebook đã lập tức phản ứng vào ngày 16 vừa qua.

Nhật Báo Le Monde có bài ghi nhận sự kiện này với dòng tít báo động : « Tại Ấn Độ, các đại gia Internet bị đe dọa kiểm duyệt ».
 
Quyết định trên của bà chánh án tòa thượng thẩm Delhi nhắm đến 21 trang mạng Internet. Năm rồi, một nhà nhà báo Ấn Độ đã đệ đơn thưa 21 trang mạng này đã cho đăng tải hình ảnh và bài viết có nội dung lăng mạ tôn giáo.
 
Luật sư của Facebook và Google hôm 16 rồi đã giải thích với bà thẩm phán rằng không thể cho lọc tất cả những nội dung trước khi đăng tải, ngoại trừ là cho khóa một số lượng lớn từ khóa, và nếu làm như vậy thì sẽ xâm phạm đến quyền tự do ngôn luận, một trong những quyền cơ bản nhất của con người.
 
Theo một đạo luật của Ấn Độ được thông qua hồi năm 2008, 36 giờ sau khi được cảnh báo, các hãng Internet phải có quyết định, hoặc là cho rút nội dung đã đăng tải, hoặc là giữ lại nếu cho rằng nội dung đó không vi phạm pháp luật. Trong trường hợp tư pháp vào cuộc xem xét và có quyết định ngược lại, thì hãng Internet có liên quan sẽ bị phạt nặng. Đạo luật khuyến khích tự kiểm duyệt này như vậy đã bị bà thẩm phán đặt vấn đề khi có quyết định vội vã như vừa nêu trên.
 
Tờ báo địa phương Indian Express đã có phản ứng mạnh khi cho đăng bài xã luận mang tên « Ấn Độ không phải là Trung Quốc », và nhận định : « Thật đáng lo ngại khi các tòa án của chúng ta, vốn tự do, dân chủ, lại toan tìm cảm hứng thi đua trong mô hình của Trung Quốc ».
 
Theo Le Monde, luật pháp Ấn Độ vốn nghiêm khắc, nhất là đối với các nội dung xâm phạm đến tinh thần thống nhất quốc gia và đến tín ngưỡng tôn giáo. Thế nhưng, tờ báo đặt câu hỏi, liệu nước này có thể kiểm soát được sự tiếp cận thông tin mạng trong khi mỗi ngày trên thế giới có tới 250 triệu bức ảnh được tải lên Facebook, và cứ mỗi phút thế giới lại có thêm 48 giờ video được đưa lên Facebook ?

Nên nhớ rằng, với 120 triệu người sử dụng Internet, Ấn Độ chỉ xếp sau Mỹ và Trung Quốc.
 
Con trai trưởng của Kim Jong-il có thể nằm trong phương án B của Bắc Kinh ?
 
Ngày mai, 20/01, Kim Jong-nam, trưởng nam của nhà lãnh đạo Kim Jong-il, sẽ cho xuất bản tại Nhật quyển sách mang tên « Cha Kim Jong-il và tôi », trong đó ông chỉ trích mạnh mẻ chính sách cha truyền con nối và nghi ngại năng lực lãnh đạo của em trai mình.

 La Croix phản ánh sự kiện này qua bài viết : « Một người kế vị khác của Bắc Triều Tiên ».
 
Kim Jong-nam là con của người vợ đầu của ông Kim Jong-il, một cuộc hôn nhân mà người sáng lập chế độ Bắc Triều Tiên Kim Nhật Thành chưa bao giờ chấp nhận.

Dù bị sống cô cảnh quạnh hiu từ nhỏ bên cạnh mẹ mình, nhưng Kim Jong-nam cũng được cha yêu thương. Năm 10 tuổi, Kim đã lên đường đi du học ở Thụy Sỹ và Nga.
 
Khi ấy, Kim Jong-nam hiển nhiên được xem là người kế vị cha, do là con trai trưởng, theo văn hóa Nho giáo. Vì thế, sau đó, Kim đã được đưa đến làm việc ở bộ phận an ninh và gián điệp của chế độ, sau đó nắm quyền điều hành Trung tâm tin học Triều Tiên tại Bình Nhưỡng. Thế nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, Kim Jong-nam đã bị gạt khỏi chiếc ngai vàng để đến định cư ở Ma Cao.
 
Nhận định về chế độ Bình Nhưỡng, Kim Jong-nam không ngần ngại cho rằng : « Bắc Triều Tiên rất bất ổn. Nếu không cải cách, kinh tế sẽ sụp đổ, và nếu quá trình chuyển giao quyền lực thất bại, thì quân đội sẽ nắm quyền ».
 
Nói về em trai mình, Kim Jong-nam nghi vấn : « Một người kế vị trẻ tuổi, chỉ mới trải qua hai năm đào tạo cho việc nắm giữ quyền lực, làm sao đủ khả năng nắm được quyền lực một cách tuyệt đối ? Rất có thể giới lãnh đạo nước này kế thừa cha tôi và chỉ giữ người kế vị trẻ này làm biểu tượng ».
 
La Croix cũng nhắc lại nghi ngờ cho rằng, việc Kim Jong-nam đến sống ở Ma Cao có thể là có nguyên nhân.

Nên nhớ rằng, Ma Cao từng được cho là một cơ sở tài chính của Bắc Triều Tiên, nơi cung cấp tiền để Bình Nhưỡng có thể theo đuổi các nghiên cứu quân sự và hạt nhân. Từ đó, một nhà báo Trung Quốc tại Ma Cao cho La Croix biết, rất có thể Kim Jong-nam sẽ giữ một vai trò quyết định trong chóp bu Bắc Triều Tiên.
 
Dù Kim Jong-nam nhiều lần tuyên bố không thích quyền lực, nhưng La Croix nhận định, do những kinh nghiệm có được trong quá khứ, rất có thể, nhân vật này sẽ trở thành « một con bài » của Bắc Kinh trong trường hợp chế độ Bình Nhưỡng sụp đổ.
 
Tiêu thụ dầu hỏa thế giới sẽ giảm trong năm 2012
 
Đến với thị trưởng dầu hỏa thế giới, nhật báo kinh tế Les Echos có bài thông tin : « Nhu cầu dầu hỏa giảm lần đầu tiên kể từ năm 2009 ».
 
Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), vào quý tư năm 2011, lượng tiêu thụ dầu hỏa trên địa cầu đã giảm đi 300 000 thùng mỗi ngày, tức xuống còn 89,5 triệu thùng/ngày. Đây là lần sụt giảm đầu tiên kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng tín dụng từ quý 3 năm 2009.
 
Theo IEA, sự sụt giảm này là do giá dầu thô tăng cao, và do tình hình khủng hoảng nợ công tại châu Âu ngày càng nghiêm trọng. Vào quý tư năm 2011, lượng tiêu thụ dầu hỏa ở lục địa già cỗi này đã giảm đi 500 000 thùng/ngày, tức giảm 3,2%.

Còn ở châu Mỹ, mức giảm lên đến 600 000 thùng/ngày, tức giảm 1,9%. Tại Pháp, mức giảm tính trong tháng 11/2011 lên đến 6%.
 
Trong tình hình đó, IEA đã hạ mức dự phóng cho năm 2012 lần thứ năm liên tiếp. Cơ quan này cho rằng, mức cầu dầu hỏa ở châu Âu trong năm 2012 sẽ tăng thêm 1,2%, tức lên mức 90 triệu thùng/ngày.
 
Như vậy, thị trường dầu hỏa thế giới đang vận hành cùng một lúc hai vận tốc. Lượng cầu ở các nước mới trỗi dậy trong năm 2012 sẽ là 3,2%, sẽ bù lại phần thiếu của các nước châu Âu.
 
Nhìn xa hơn, trong thập niên tới, tiêu thụ dầu hỏa sẽ gia tăng chủ yếu ở các nước ngoài châu Âu. Theo dự báo, tiêu thụ dầu hỏa của Trung Quốc sẽ tăng chậm lại sau năm 2020, trong khi đó, Ấn Độ có thể sẽ tăng gấp đôi từ đây đến năm 2030.

Như vậy, trong những năm 2030, khối OPEC sẽ giữ một vai trò then chốt với lượng cung chiếm đến 46% lượng cung của thế giới.
 
Hồi cuối năm 2011 vừa qua, khối này đã đạt kỷ lục khai thác dầu hỏa, với 30,89 triệu thùng/ngày.

 Hồi tháng 12/2011, trong bối cảnh nguồn cung từ Libya giảm do nội chiến, OPEC đã tăng thêm 240 000 thùng/ngày.

 Trong năm 2012, các nước thành viên OPEC đã thống nhất chỉ số khai thác trần của khối là 30 triệu thùng/ngày.