Thương vụ của Gucci bán sang Trung Quốc trong nửa đầu năm 2011 tăng 39%
BẮC KINH - Trung Quốc đang trở thành khách hàng sộp đầy hứa hẹn đối với các thương hiệu sang trọng trên thế giới, trong khi quá nhiều nước nay đang phải sống cần kiệm, theo điều tra của báo LA Times.
Thành viên “Beijing Super Sport Car Club” đậu 50 chiếc xe thể thao hiệu Ferrari, Porsche, Lamborghini, Aston Martin bên ngoài tòa nhà tổ chức Beijing Auto Show hồi Tháng Tư, 2010. Dân Trung Quốc ngày càng xài sang hơn so với trước đây. (Hình: Feng Li/Getty Images) Năm 2011, Trung Quốc mua nhiều xe hơi đắt tiền như Lamborghini và Rolls Royce hơn bất kỳ nước nào trên thế giới. Ðặc biệt cho Tết năm nay, Rolls Royce cho trình làng kiểu xe “Năm Con Rồng,” với hình rồng thêu tay trên gối kê đầu bọc bằng da. Giá mỗi xe kiểu này bắt đầu từ $1.6 triệu. Chỉ mới một thập niên trước, dân Bắc Kinh đi xe đạp trên các con hẻm chạy dọc trước sân những căn nhà không có nhà vệ sinh. Nay những con hẻm này được thay thế bằng những đại lý bán xe Lamborghini, Ferrari, Bugatti và Rolls Royce. Thương vụ của Gucci bán sang Trung Quốc trong nửa đầu năm 2011 tăng 39%, trong khi các hãng sản xuất ví đắt tiền của phụ nữ như Bottega Veneta tăng 80%, và Prada dự trù mở 50 tiệm trong ba năm tới. Một cái ví đầm hiệu Bottega Veneta làm bằng da cá sấu Phi Châu giá có thể đến $51,000 và một điện thoại di động có gắn nữ trang trị giá $132,000. Tại một hội nghị về thương mại ở đảo Hải Nam hồi Tháng Mười Một năm ngoái, người ta cho trình làng một bồn cầu mạ vàng với giá hơn $200,000. Một tiệm bánh sang trọng mới khai trương ở Bắc Kinh, tên Black Swan Luxury Bakery, cho trưng trước tiệm một cái bánh cưới nhiều tầng, giá ghi bên cạnh là $314,000. Tại Trùng Khánh, một thành phố một thời sôi sục tinh thần cách mạng, một tiệm bán bóp đầm Louis Vuitton mới khai trương hồi Tháng Chín, 2011, nằm đối diện Ðài Tưởng Niệm Giải Phóng. Cũng tại đây, con trai một đại gia kinh doanh về xe hơi đưa lên trang mạng tương tự YouTube của Trung Quốc, đoạn video cho thấy anh ngồi trong một chiếc xe thể thao Bugatti Veyron, trị giá $4.5 triệu, chạy qua các đường phố. Trên thực tế, số thương vụ này vẫn chưa nói lên được mức chi tiêu chính thức của người dân Trung Quốc, vì người giàu ở đây phần lớn chỉ xài tiền ở ngoại quốc để tránh bị trả thuế cao trên các đồ xa xỉ và điện tử. Trung Quốc hiện vẫn tiếp tục duy trì mức thuế cao nhất thế giới đánh vào đồ xa xỉ, khiến giá thành của món đồ đắt thêm 60%. Ðây là lý do vì sao giới giàu có ở Trung Quốc trở thành dân mua sắm sộp nhất khi đi ra nước ngoài. Phụ nữ thời thượng Trung Quốc đang thay thế dần phụ nữ Nhật qua các món hàng xa xỉ nhất thế giới như khăn quàng cổ hiệu Burberry. Công ty tư vấn McKinsey & Co. dự trù đến năm 2015, Trung Quốc sẽ qua mặt Nhật trong việc tiêu thụ hàng hóa đắt tiền. Theo Viện Nghiên Cứu Hurun có trụ sở đặt tại Thượng Hải, giới mua sắm hàng đắt tiền ở Trung Quốc thường là người tuổi tương đối còn trẻ, tương ứng với giới triệu phú trẻ tuổi đang nổi lên ở Trung Quốc (trẻ hơn 15 tuổi so với Tây phương). Ông Wilson Ho, chủ đại lý xe Lamborghini Sparkle Rolls ở Hồng Kông, nói: “Khách của chúng tôi là những đại phú gia, những người trẻ thuộc thế hệ thứ hai được thừa hưởng gia tài, hoặc được cha mẹ bỏ tiền mua xe cho con. Cha mẹ Trung Quốc thường cưng chiều con cái, họ mua những gì con cái họ thích.” Một số người mới giàu nhờ sản xuất hàng loạt đồ rẻ tiền và bán ra ngoại quốc. Tuy nhiên, họ lại muốn mua cho mình đồ “xịn” nhất mà thôi. Liu Lijuan, một bà mẹ trẻ, móc tiền từ chiếc bóp Salvatore Ferragamo từ trong một cái giỏ của Louis Vuitton để trả tiền cho chiếc bánh sinh nhật của đứa con gái 2 tuổi ở tiệm bánh Black Swan, nói: “Không phải chỉ đơn thuần là người ta muốn khoe khoang mà chính vì chất lượng của sản phẩm.” Thăm dò của McKinsey công bố hồi Tháng Ba, 2011, cho thấy số phần trăm người Trung Quốc mua nữ trang giả giảm từ 31% trong năm 2008 xuống còn 12%. Theo một nghiên cứu thị trường, khác với bên Tây phương, nơi người ta sắm đồ đắt tiền cho chính bản thân, trong khi ở Trung Quốc, người ta sắm để vừa làm quà vừa cho chính họ. Cô Liang Chunfeng, 26 tuổi, người đang mang chiếc ví hiệu Chanel màu đỏ, mà theo cô là món quà người ta tặng cô. Cô nói: “Tôi thích hàng hiệu đắt tiền. Khi mua tặng ai một món đồ gì, cái giá trị của nó nói lên cái lòng của mình đối với người ta.” Người Trung Quốc có khi dùng quà cáp đắt tiền như bút mực Montblanc hay đồng hồ đắt tiền, hoặc một gói thuốc lá với giá $100, như là một hình thức cho mọi sự được trơn tru khi làm một việc kinh doanh. Ðối tác thông thường là các quan chức chính quyền. Hồi Tháng Chín năm ngoái, một nhà hoạt động dân chủ cho công bố một báo cáo về những chiếc đồng hồ mà các viên chức chính quyền đang mang, dựa theo tấm hình chính thức của truyền thông nhà nước, đem phóng lớn và phân tích. Nổi bật nhất là Bộ Trưởng Hỏa Xa Sheng Guangzu, người được cho là sở hữu đến bốn chiếc đồng hồ đắt tiền, gồm cả một cái Rolex, trị giá tổng cộng lên đến $62,000. Nhà hoạt động Daniel Wu nói: “Tôi không thể nói liệu có sự liên hệ nào giữa đồng hồ đắt tiền với tham nhũng hay không, nhưng quí vị cần tự hỏi do đâu mà họ có được những thứ ấy vì chúng vượt xa đồng lương bình thường của họ.” Một phụ nữ 20 tuổi trở thành “Kẻ Thù Số Một của Công Chúng” hồi Tháng Sáu, 2011, khi cô đưa lên mạng tấm hình của chính cô bên cạnh những ví xách sang trọng, nữ trang, hai chiếc xe hơi sang trọng, Maserati và Lamborghini.
Trên một trang blog, người phụ nữ viết dưới tên Guo Meimei tự xưng mình là một quản trị viên của Hội Hồng Thập Tự Trung Quốc. Hóa ra cô này không phải là người của hội mà chỉ có quan hệ với một người đàn ông làm việc cho hội này. Chính quyền Trung Quốc ra lệnh điều tra và công chúng phẫn nộ khi biết số lượng máu người ta hiến tặng không cánh mà bay rất nhiều và đến nay vẫn chưa thu hồi lại được. Ðồng thời, người phụ nữ xuất hiện trên một đài truyền hình ăn khách ở Hồng Kông, vừa khóc vừa xin lỗi rằng những gì cô viết trên trang blog là phóng đại.
Sự thật, cô chỉ làm chủ chiếc Maserati, một món quà cô được tặng nhân dịp sinh nhật 20 tuổi, còn chiếc thứ nhì không phải là chiếc Lamborghini mà chỉ là một chiếc Mini Cooper. Ở Trung Quốc hiện còn 150 triệu người dân đang sống với mức lương dưới $1/ngày. (T.P.)
Triệu Phong/Người Việt (chuyển ngữ) |