Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 17-01-2012

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 17-01-2012 PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Phước   
Thứ Ba, 17 Tháng 1 Năm 2012 14:16

Đối lập Miến Điện chưa tìm ra chiến lược chung

 Lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi tại lễ kỷ niệm phong trào dân chủ 1988.
REUTERS/Soe Zeya Tun

 

Mấy ngày qua, phương Tây không ngừng hoan nghênh quá trình cải cách tại Miến Điện.

Ngoại trưởng Mỹ, Anh và Pháp đã lần lược đến đất nước này để ủng hộ bà Aung San Suu Kyi, người được xem là biểu tượng của phe đối lập.

Thế nhưng, trước chính sách cải tổ của chính phủ, phe đối lập vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Nhật báo Le Monde có bài phân tích : « Đối lập Miến Điện đang trong giai đoạn tìm kiếm sách lược ».

 Le Monde cho rằng, sau một loạt cải cách quan trọng vừa qua ở Miến Điện, thế giới có thể biết nhiều hơn về đất nước này, tức không chỉ dừng lại ở hình ảnh bà Aung San Suu Kyi, mà giờ đây có thể tiếp cận với nhiều nhà chính trị khác. Qua đó, thế giới sẽ hiểu rõ hơn sự phức tạp trong hàng ngũ phe đối lập.
 
Trước những động thái mở cửa của chính phủ, bà Aung San Suu Kyi cho biết, bà rất tin tưởng vào quyết tâm cải cách của ông Thein Sein, tin tưởng rằng ông này sẽ giữ đúng lời hứa là đưa đất nước tiến đến nền dân chủ. Bà cũng cho biết sẵn sàng tham gia chính phủ, sau cuộc bầu cử quốc hội vào đầu tháng 4 tới.
 
Giải thích về những động thái xích lại gần chính phủ của Đảng Liên đoàn quốc gia dân chủ (LND), bà nói, chiến lược đối thoại với chính phủ của đảng bà không phải là chuyện mới đây, mà đã từ lâu, đảng bà luôn có chủ trương đối thoại với chính phủ.

Bà đánh giá cao vai trò của ông Thein Sein trong những tiến triển của quá trình cải cách hiện tại. Nói về lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ và Châu Âu, bà Aung San Suu Kyi và LND cho rằng, vấn đề không nên gấp gáp, cần phải chờ vài năm nữa.
 
Theo Le Monde, bà Aung San Suu Kyi đang ra sức thúc đẩy cho quá trình liên minh giữa đảng bà và chính phủ, và cho chiến lược theo đường lối đối thoại.
 
Trong khi đó, thành phần dân tộc thiểu số và một vài đảng đối lập khác lại cho rằng, cần phải thoát khỏi lệnh trừng phạt này càng nhanh càng tốt.
 
Liên quan đến cuộc bầu cử quốc hội vào ngày 01 tháng 4 tới, Đảng LND và bà San Suu Kyi cho rằng, truyền thông địa phương, các đảng viên LND và những nhà ngoại giao nước ngoài có mặt tại Miến Điện, đã đủ để giám sát bầu cử. Trong khi đó, có đảng đối lập khác lại muốn có quan sát viên quốc tế để đảm bảo cho bầu cử được công bằng.
 
Le Monde còn cho biết, ngay cả trong lòng đảng LND cũng tồn tại những bất đồng. Tờ báo nhắc lại, hồi tháng 5 năm 2010, ông Khin Maung Swe đã rút khỏi đảng LND để phản đối chính sách tẩy chay bầu cử của đảng này. Sau đó, ông đã thành lập đảng Lực lượng dân chủ quốc gia, sau đó đảng này trở thành đảng đối lập chính trong chính phủ Miến Điện.
 
Những người còn lại trong LND chỉ trích ông Muang Swe là « kẻ phản bội ». Ông đã bày tỏ với báo Le Monde : « Chúng tôi đã giữ vai trò đáng kể trong tiến trình cải tổ hiện tại, nhưng LND lại không thừa nhận ». Ông cho biết, thật khó có cơ may đối thoại giữa đảng của ông và đảng LND.
 
Như vậy, đến hiện tại bất đồng luôn tồn tại trong hàng ngũ đối lập, đến mức mà bà Aung San Suu Kyi cũng phải thốt lên : « Bất đồng hiện diện khắp nơi ».
 
Trung Quốc dùng chiêu bài kinh tế để ủng hộ tổng thống Đài Loan
 
Ông Mã Anh Cửu, người được xem là có chính sách thân Bắc Kinh, đã chính thức tái đắc cử tổng thống với hơn 51% số phiếu vào hôm thứ bảy, ngày 14/1/2012.

Nhật báo Le Monde hôm nay quan tâm đến sự kiện này với bài viết mang dòng tựa mỉa mai : « Sự tái đắc cử của ông Mã Anh Cửu làm thỏa lòng Bắc kinh ».
 
Trong nhiệm kỳ đầu, ông Mã Anh Cửu đã có chính sách xích lại gần với Trung Quốc. Quan hệ giữa hai nước không ngừng được cải thiện, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Tờ báo cho biết, thời gian tới hứa hẹn sẽ có nhiều tiến triển trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục theo kiểu đặc khu hành chính Hồng Kong.
 
Đánh giá về chiến thắng của ông Mã, Le Monde đặc biệt chú ý đến sự hậu thuẫn của Bắc Kinh. Tờ báo cho biết, chính tâm lí lo sợ Trung Quốc trả thù kinh tế nếu ông Mã thất cử đã khiến cho ông này chiến thắng. Một cử tri phản đối Mã Anh Cửu cho biết, trong thời gian bầu cử, người ta đã loan tin cho rằng, sẽ có hậu quả xấu nếu như thỏa thuận khung về tự do giao dịch được ký vào năm 2010 bị đặt vấn đề.
 
Một chuyên gia chính trị cũng nhấn mạnh đến tâm lí lo ngại mất ổn định của cử tri trong trường hợp Mã Anh Cửu bị đánh bại. Chuyên gia này cho biết : « Người ta lo ngại Trung Quốc sẽ trở nên ít rộng lượng với Đài Loan hơn nếu ông Mã bị thất cử ». Chuyên gia này cũng dự phóng, dưới sức ép của Trung Quốc, sắp tới có thể tổng thống Mã Anh Cửu sẽ vượt qua những thương thảo chỉ mang màu sắc kinh tế để đề cập đến những chủ đề chính trị.
 
Theo Le Monde, ngay cả tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc cũng không ngần ngại tuyên bố : « Hoa Lục và Đài Loan trước hết có thể sẽ tính đến chuyện ký kết hiệp ước hòa bình. Điều đó có ý nghĩa rất quan trọng đối với Đài Loan …Và ông Mã Anh Cửu phải có can đảm và khôn ngoan để thực hiện bước đi này trong nhiệm kỳ thứ hai ».
 
Cam Bốt : tiến trình xét xử Khe Me Đỏ dài lê thê

Liên quan đến quá trình xét xử ba cựu lãnh đạo Khơ Me Đỏ tại Cam Bốt, nhật báo Công Giáo La Croix có bài : « Ở Phnom Penh, xét xử chậm chạp và rối rấm ».
 
Ba bị cáo là ba nhân vật cộm cán của chế độ Khơ Me Đỏ : Nuon Chea được xem là nhân vật số 2 của chế độ Pol Pot, Khieu Samphan nguyên là cựu chủ tịch nước của chế độ Khơ Me Đỏ, và Ieng Sary nguyên là bộ trưởng bộ ngoại giao.

 Tờ báo cho biết, trước tòa án, ba người này hầu như độc chiếm diễn đàn. Họ tỏ ra giảo hoạt, nghênh ngang. Trong khi đó, quan tòa lại thiếu cứng rắn, mà chỉ chăm chăm « ve vuốt » để cho họ hợp tác.
 
Về phần mình, phía nguyên cáo cũng không tỏ ra quyết liệt, mà có vẻ như biếng nói. Tờ báo cho biết : « Do tuổi cao, do sợ hãi, và do thường bị ngắt lời bởi các câu hỏi được đặt ra trước tòa, rốt cuộc họ đã không đóng góp được gì cho quá trình tranh luận ».
 
Phiên tòa xét xử ba nhân vật này được mở màn từ ngày 21/11 năm ngoái. Trong giai đoạn đầu, phiên tòa chỉ tập trung vào xem xét hồ sơ về sự hình thành chế độ Khơ Me Đỏ và chính sách di dân cưỡng chế của chính quyền Pol Pot. Giai đoạn này có thể mất đến 1 năm rưỡi.

Tờ báo lo ngại : « Không chắc rằng những vấn đề cốt lõi, như các trại tra tấn, chính sách diệt chủng đối với một vài dân tộc thiểu số và sự thanh trừng chính trị trong nội bộ chế độ Pol Pot, sẽ được đề cập. Trong khi đó, thời gian lại cấp bách, bởi ba bị cáo tuổi đều vượt bát tuần.
 
Một lo ngại khác là việc tòa án quốc tế đặc trách này sẽ dám cho tống đạt một vài đối tượng thuộc diện tình nghi. Phía công tố đã yêu cầu cho bắt giam Sou Met, nguyên tư lệnh không quân, và Meas Muth, nguyên tư lệnh hải quân, vì cho rằng hai người này có thể có liên quan đến cái chết của hàng chục ngàn người.
 
Thế nhưng, La Croix cay đắng : « Những kẻ tình nghi có thể cao gối mà ngủ », bởi họ được chính phủ Cam Bốt che chở. Thủ tướng Hunsen đã tuyên bố, sau khi phiên tòa này kết thúc, sẽ không cho phép diễn ra bất cứ một phiên tòa tương tự nào khác.
 
La Croix còn cho biết, chính phủ Cam Bốt đã có động thái cố tình trì hoãn phiên tòa khi gây khó khăn cho một thẩm phán quốc tế đến tham dự phiên tòa. Đại diện của Tổ chức Nhân quyền tại Cam Bốt nhận định : « Cuộc điều tra càng chậm trễ, chính phủ Cam Bốt càng có thời gian để làm cho hồ sơ này bị chìm xuồng ».
 
Chế độ Assad biết lợi dụng sự chia rẽ của phe nổi dậy
 
Đã 10 tháng trôi qua kể từ ngày người dân Syria xuống đường phản đối Assad, chính phủ Assad vẫn đang kiểm soát tình hình.

Vì sao chính phủ này chưa sụp đổ giống như ở Tunisia hay Ai Cập ? Le Figaro đăng bài giải đáp của phóng viên kỳ cựu Georges Malbrunot.
 
Đầu tiên, tác giả cho rằng, ông Assad còn được sự ủng hộ của các tộc người thiểu số thuộc giáo phái Alawi (một nhánh của dòng Shia) - tôn giáo của ông Assad, cộng đồng Công Giáo, và các tộc người thiểu số như người Druze hay người Kurd (người Cuốc). Ước tính lực lượng này chiếm đến 25% dân số.
 
Bên cạnh đó còn có sự ủng hộ của 2,5 triệu đảng viên đảng Baath cầm quyền, và của nhiều đại thương gia ở Damas và Alep (thành phố lớn thứ hai sau Damas).

Như vậy, tổng cộng, có đến trên dưới 50% dân số ủng hộ chế độ Assad. Lực lượng này có thể giúp cho ông Assad thành công trong cuộc trưng cầu dân ý về chính sách cải tổ của ông được tổ chức vào tháng 3 tới.
 
Nói về Liên Đoàn Ả Rập, tác giả nhận định, dù biết các quan sát viên bị phương Tây chỉ trích và sẽ làm việc không hiệu quả, nhưng Liên Đoàn này vẫn cử họ đến Syria để thử vận may, và cốt yếu là để tránh bị mất uy tín. Việc đó vô tình lại phù hợp với tính toán của chính phủ Assad : kéo dài thời gian đến cuối tháng 3, khi ấy « nước đồng minh » Iraq sẽ thay thế « nước kẻ thù Qatar » giữ ghế lãnh đạo luân phiên Liên Đoàn Ả Rập.
 
Dù ông Assad bị nhiều nước chỉ trích, nhưng hiện ông vẫn có Nga luôn sát cánh hỗ trợ.

Thêm vào đó, nhiều nước trong khu vực vẫn còn chưa kiên quyết về các biện pháp trừng phạt Syria. Trong khi đó, nếu bị phương Tây cấm vận dầu hỏa, Syria vẫn còn có thị trường Iran. Hơn nữa, nếu có trừng phạt kinh tế, thì chỉ có người bình dân chịu thiệt, còn giới đại gia thân chế độ thì chẳng hề chi.
 
Một điểm trọng yếu nhất có lợi cho ông Assad mà tác giả nhấn mạnh, đó là việc phe đối lập bị chia rẽ sâu sắc.

Chính người trong phe nổi dậy còn thừa nhận : « Chúng tôi bị chia rẽ sâu sắc ». Sự chia rẽ này gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của họ so với ông Assad đối với người dân Syria, thậm chí cả với thế hệ thanh niên nổi dậy.
 
Chính quyền Assad còn biết lợi dụng việc phe đối lập kêu gọi sự giúp đỡ từ nước ngoài khi cho rằng, phe đối lập phục vụ cho lợi ích của ngoại bang.

 Trong hậu trường, Nga vẫn ra sức vận động hành lang theo hướng cho ông Assad được tại vị đến khi hết nhiệm kì.
 
Cuối cùng tác giả kết luận : Về mặt chính trị, chế độ Assad đã chết đứng, nhưng hiện không ai biết được khi nào nó mới ngã xuống.