Sự việc càng trở nên khó khăn hơn khi Taliban chỉ muốn thương lượng với Hoa Kỳ
Sự có mặt của quân đội Hoa Kỳ vào cuộc chiến Afghanistan đã từ lâu được so sánh với tham dự của nước này vào cuộc chiến Việt Nam.
Khi cuộc chiến Afghanistan kéo dài đến năm thứ 10, sự ủng hộ của dân Hoa Kỳ ngày càng sút giảm. (Hình: AP)
Trong giai đoạn cuối của cuộc chiến, khi quân đội Hoa Kỳ ngày càng rút nhanh ra khỏi Afghanistan, khởi đầu cho một cuộc thương thảo tìm hòa bình, những so sánh về sự tương tự giữa hai cuộc chiến tiếp tục được nêu lên. Bài bình luận có tên “Negotiating peace in Afghanistan without repeating Vietnam” của ông James Dobbins, một nhà ngoại giao kỳ cựu Hoa Kỳ, từng tháp tùng phái đoàn đến Afghanistan, và Việt Nam trước đây, đăng trên tờ Washington Post hôm Thứ Năm vừa qua đã được giới phân tích quan tâm. Lập luận rằng thương lượng để đạt được một nền hòa bình cho Afghanistan là nguyện vọng mà cả hai chính phủ Afghanistan và Hoa Kỳ, cũng như các nước láng giềng của Afghanistan đã ấp ủ từ lâu, một nguyện ước ngay cả tổ chức Hiệp Ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) cũng ủng hộ, nhà ngoại giao kỳ cựu Dobbins đánh giá rằng việc có một thỏa thuận về trình tự, thời điểm, và thứ tự ưu tiên của điều kiện để có hòa bình xem ra sẽ rất khó khăn. Sự việc càng trở nên khó khăn hơn khi Taliban chỉ muốn thương lượng với Hoa Kỳ, mà không muốn Afghanistan trực tiếp tham gia vào cuộc đàm phán, y như việc Hà Nội chỉ muốn nói chuyện với Hoa Kỳ, mà muốn gạt chính phủ miền Nam Việt Nam ra khỏi bàn hội nghị cách đây gần 40 năm. Mở đầu bài bình luận, hay đúng hơn một thông điệp vừa trấn an vừa nhắn nhủ giới hữu trách rằng “không lập lại Việt Nam!”, Dobbins giới thiệu kinh nghiệm của mình: “Năm 1968, tôi bắt đầu cuộc đời một nhà ngoại giao trong vai trò trợ lý cho hai ông Averell Harriman và Cyrus Vance, những người đứng đầu việc đàm phán hòa bình với Bắc Việt tại Paris. Ba mươi bốn năm sau, tôi kết thúc sự nghiệp ngoại giao của mình như một đặc phái viên, được bổ nhiệm vài tuần sau biến cố 9/11, 2001, tháp tùng chính quyền George W. Bush trong chuyến đi đến Afghanistan lần đầu tiên.” Nói về nỗi kinh ngạc của mình trước sự giống nhau của hai cuộc chiến, Dobbins viết: “Giống như Richard Holbrook, người cùng thời với tôi trong phái đoàn đến Paris trước kia, và nối nghiệp tôi trong phái đoàn đến Afghanistan sau này, tôi cảm thấy kinh ngạc trước sự quá tương tự giữa hai cuộc chiến, và hai giải pháp tìm kiếm hòa bình, trong đó cuộc chiến đầu tiên kết cục đã chấm dứt trong thất bại, và cuộc chiến thứ hai mà kết cuộc vẫn đang diễn tiến.” Nhắc đến một bài bình luận khác có tên “Talking with the Taliban” (Ðàm phán với Taliban), cũng của tờ Washington Post, đăng ngày 5 Tháng Giêng, ông Dobbins cho rằng bài viết rất chính đáng khi lưu ý rằng “Taliban chỉ muốn nói chuyện với Washington chứ không muốn ngồi vào bàn hội nghị với Kabul, tương tự việc Bắc Việt chỉ muốn đàn phán với Hoa Kỳ hơn là với chính phủ Sài Gòn.” Với kinh nghiệm của cả hai cuộc chiến, Dobbins khẳng định: “Ai cũng thấy kết quả của đàm phán đó như thế nào: Ðó là việc Hoa Kỳ hoàn toàn rút khỏi Việt Nam, cuộc xâm lược của Bắc Việt, sự sụp đổ của quân đội miền Nam Việt Nam, và thể chế của Nam Việt Nam biến mất. Tổng Thống Richard Nixon và Bộ Trưởng Henry Kissinger bị cáo buộc là trong nỗ lực đàm phán, chỉ vỏn vẹn có mục đích tìm một ‘khoảng thời gian coi được’ (decent interval) giữa thời điểm Mỹ rút quân và sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam.” Cũng theo nhận xét của Dobbins, tờ Washington Post, qua bài bình luận trên, bầy tỏ sự lo lắng rằng chính quyền Obama có thể có một mục tiêu tương tự. Dobbins cho rằng “lo sợ này không hẳn là vô căn cứ” nhưng cũng nêu ra điểm khác biệt giữa hai cuộc chiến: “Năm 1973 các thỏa ước để chính thức kết thúc cuộc chiến Việt Nam đã không được cả Bắc Việt và Hoa Kỳ tôn trọng. Bắc Việt đã bội ước bằng cách xâm lược miền Nam, còn Hoa Kỳ thì bội ước bằng cách cắt đứt viện trợ quân sự và kinh tế đã cam kết với miền Nam để thuyết phục Sài Gòn ký vào hợp ước, kể cả cam kết sẽ tiếp tục giội bom vào miền Bắc nếu Bắc Việt không thực thi những gì họ đã mặc cả. Ngược lại, chính quyền Obama đã khẳng định rõ ràng rằng lực lượng Hoa Kỳ sẽ lưu lại Afghanistan không hạn định, sau khi lực lượng Afghanistan gánh vác trách nhiệm cho các trận chiến lớn trong năm 2014. Tổng Thống Hamid Karzai cũng khẳng định như thế. Giới chức Hoa Kỳ và Afghanistan hiện đang đàm phán để đưa đến một thỏa thuận chính thức.” Nhận định về hòa đàm Afghanistan, Dobbins cho rằng có người “có thể xem đàm phán như là một lối thoát dễ dàng hay nhanh chóng ra khỏi Afghanistan,” nhưng cuộc chiến Việt Nam cho ta rút ra kinh nghiệm là thực tế “không đơn giản như vậy”. Ông phân tích rằng hòa đàm Ba Lê kéo dài hơn năm năm, trong khi quá trình đàm phán với Afghanistan vẫn chưa bắt đầu, hơn nữa: “Trong suốt thời gian đàm phán, so với cuộc chiến Afghanistan, sự tham gia của Hoa Kỳ tại Việt Nam đã ngày càng lớn hơn và tốn kém hơn về cả tiền bạc lẫn xương máu. Trong suốt những năm đó, sự phản đối chiến tranh của người dân mãnh liệt hơn trong thập kỷ trước rất nhiều. Tuy thế, cuộc đàm phán đã được dùng như một lý do để gia tăng thay vì giảm thiểu sự tham chiến. Người ta không thể chứng minh một giả định, nhưng tôi hy vọng hầu hết các nhà sử học đồng ý rằng, nếu không có cuộc đàm phán hòa bình Paris, Mỹ đã rút quân khỏi Việt Nam sớm hơn.” Cũng vẫn theo Dobbins, còn một điểm khác biệt nữa giữa hai đàm phán hòa bình khiến người ta có thể hy vọng, hy vọng thôi, là một sự kiện Việt Nam nữa sẽ không bị lập lại. Sự khác biệt này nằm ở chỗ hòa đàm cho Việt Nam “phát sinh từ sáng kiến của Mỹ, để phản ứng với sức ép chính trị trong nước”, trong khi đó, quá trình hòa đàm Afghanistan hiện còn đang phôi thai “bắt nguồn từ xã hội đó, chứ không phải từ xã hội Hoa Kỳ”. Ông cũng vạch rõ thêm là nhiều cuộc trưng cầu dân ý tại Afghanistan cho thấy việc thương thuyết tìm hòa bình với Taliban được ủng hộ mạnh mẽ. Ðáp ứng ước vọng hòa bình, Karzai đã cổ động cho khái niệm hòa đàm từ nhiều năm nay, và đã cố gắng từng bước khắc phục sự hoài nghi của chính quyền Bush và Obama. Vậy thì theo Dobbins, bí quyết để không lập lại một Việt Nam nằm ở đâu? Dobbins khẳng định rằng chắc chắn Karzai muốn được ở trong quỹ đạo thay vì ở vòng ngoài của tiến trình đàm phán theo ý của Taliban, và cũng chắc chắn là “nếu Washington không sớm vượt qua trở ngại Taliban” muốn ngăn cản không cho chính phủ Afghanistan ngồi vào bàn hội nghị, thì đàm phán có lẽ không đi đến đâu. Nhắc đến biến cố 1975, Dobbins viết: “Vào năm 1975, thất bại của Hoa Kỳ trong việc bắt buộc Bắc Việt phải tuân thủ hiệp ước hòa bình mà họ đã ký kết, phần lớn bắt nguồn từ những tác động chính trị trong nước của vụ Watergate, đưa đến việc Tổng Thống Nixon từ chức, và kết quả là, sự sụp đổ, dù rất ngắn ngủi quyền hạn của tổng thống.” Và ông kết luận: “Chắc chắn Hoa Kỳ cần phải chuẩn bị để bắt mọi bên tuân thủ các thỏa thuận đạt được trong cuộc đàm phán.” Tuy nhiên việc Hoa Kỳ có sẵn lòng làm vậy hay không, không tùy thuộc vào việc có một hòa ước, mà vào sự cam kết của Hoa Kỳ trong việc đạt được hòa bình. ____ Liên lạc tác giả:
This e-mail address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it
|