Home Tin Tức Thời Sự Đểm Báo Pháp Quốc Ngày 13-01-2012

Đểm Báo Pháp Quốc Ngày 13-01-2012 PDF Print E-mail
Tác Giả: Trọng Thành   
Thứ Sáu, 13 Tháng 1 Năm 2012 14:26

Miến Điện từng bước chuyển sang dân chủ

 

 

Cuộc hội đàm tại Hpa-An : tướng Mutu Saipo (giữa), đại diện cho Liên minh Quốc gia sắc tộc Karen, ông Aung Min (thứ hai, trái), Bộ trưởng Đường sắt, ông Soe Thein (thứ hai phải), Bộ trưởng Công nghiệp và ông Khin Yee (phải), Bộ trưởng di trú.
AFP/Than Win

« Ngọn gió cải cách tại Miến Điện » là chủ đề trang nhất tờ Công giáo La Croix.

 Bài xã luận của La Croix nhận xét : Miến Điện đang trải qua một giai đoạn vô cùng hấp dẫn. Từ một đất nước liên tục nằm dưới chế độ độc tài quân sự, kể từ khi giành được độc lập vào năm 1948 đến nay, Miến Điện rất có thể sẽ bước qua nền dân chủ trong những năm tới đây.

 Ngày hôm qua 12/1/2012, chính quyền Miến Điện vừa ký thỏa thuận ngừng bắn với quân nổi dậy thuộc sắc tộc Karen.

La Croix điểm lại một số mốc chuyển biến chính.

Thứ nhất là việc chính quyền bãi bỏ lệnh quản chế đối với lãnh đạo đối lập Aung San Suu Qi, tiếp đó, đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ được hợp pháp hóa, kiểm duyệt đối với truyền thông được nới lỏng, các chùa chiền, tu viện cũng ít bị khống chế hơn, nhiều tù nhân đã được trả tự do và đặc biệt mới đây là chính phủ tiến hành các đàm phán với những lực lượng nổi dậy thuộc các sắc tộc thiểu số.

Ngày thứ Tư tuần này, lãnh đạo đối lập Aung San Suu Qi đưa ra một đánh giá thận trọng về các chuyển biến đang diễn ra, với lời khẳng định « Miến Điện đang đến gần một bước chuyển quyết định sang nền dân chủ ».

Khả năng bãi bỏ cấm vận của phương Tây đối với chế độ độc tài đã được đưa ra. Thứ Bảy tuần trước, ngoại trưởng Anh William Hague cho rằng, còn quá sớm để làm việc này, trước khi chính quyền Miến Điện trả tự do cho tất cả các tù chính trị, tổ chức các bầu cử tự do và công bằng, mở cửa cho trợ giúp nhân đạo tại các khu vực khủng hoảng và khuyến khích quá trình hòa giải dân tộc.

Cuối tuần này, ngoại trưởng Pháp Alain Juppé sẽ có mặt tại Rangoon để tìm hiểu tình hình tại chỗ.

Theo La Croix, có nhiều lý do để giải thích sự chuyển biến mau lẹ này. Đó là một thế hệ lãnh đạo mới đã nổi lên nắm quyền vào năm ngoái.

Thế hệ này có khả năng tạo lập một thể chế đa nguyên chính trị hạn chế, mà không ảnh hưởng đến vai trò hàng đầu của quân đội. Bên cạnh đó, sự phụ thuộc vào Trung Quốc gia tăng khiến tầng lớp lãnh đạo lo ngại. Mà để cân bằng với Trung Quốc, Miến Điện cần phải dựa vào Ấn Độ và Phương Tây.

Để làm được điều này, Miến Điện cần phải cải thiện việc tôn trọng nhân quyền và hướng đến nền kinh tế thị trường.

Bài « Miến Điện từng bước hướng đến nền dân chủ » trên La Croix nhấn mạnh đến sự táo bạo của tân tổng thống Thein Sein trong các cải cách, đặc biệt với thỏa thuận ngừng bắn vừa được ký với Liên Minh Quốc Gia Karen (KNU), tại thành phố chính của tiểu bang Karen, miền đông nam nước này.

Theo nhiều nhà quan sát, đây là một bước tiến quan trọng của Miến Điện trong việc giải quyết các xung đột lâu dài và phức tạp. Bởi, sắc tộc Karen là một trong các sắc tộc lớn, ở một đất nước mà 153 sắc tộc thiểu số chiếm tới 40% dân cư.

Kể từ khi Miến Điện độc lập đến nay, không có chính quyền nào thành công trong việc đoàn kết được tất cả các sắc tộc. Chống lại xu thế giành quyền tự trị của một số sắc tộc, như người Karen, chính là một trong các lý do mà tập đoàn quân sự đưa ra để duy trì quyền lực của họ trong hơn nửa thế kỷ qua.

Bên cạnh việc hòa đàm với người Karen, chính quyền Miến Điện cũng đã tiến hành đàm phán với người Shan, và một thỏa thuận ngừng bắn đã được ký vào tháng 12/2011. Riêng với người Kachin, dù có lệnh từ phía chính quyền trung ương không cho phép tấn công, nhưng lệnh này không hẳn đã được tôn trọng.

Theo ông Renaud Egreteau, chuyên gia người Pháp về Miến Điện và giảng viên tại Đại học Hồng Kông, các bên xung đột còn phải nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy đàm phán và nhìn chung không nên quá hào hứng với những diễn biến nhìn chung có vẻ thuận lợi.

Pakistan : Mâu thuẫn giữa quân đội với chính phủ trở nên hết sức căng thẳng

Cũng liên quan đến Châu Á, nhiều báo Pháp chú ý đến tình hình tại Pakistan, với các diễn biến ngày càng căng thẳng giữa quân đội với chính phủ. « Pakistan : đấu khẩu gia tăng giữa quân đội với chính quyền » là hàng tựa trên Le Monde. Còn Le Figaro chạy tít : « Pakistan : quân đội tăng sức ép lên chính quyền ».

Le Figaro nhắc đến các chuyến đi của tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari ra nước ngoài vì lý do cá nhân trong thời gian gần đây, trở thành một chủ đề được công luận nước này quan tâm, trong bối cảnh quân đội Pakistan có thể có những hành động bất ngờ, hoặc Tòa án Tối cao Pakistan sẽ rút quyền miễn tố của tổng thống và mở lại các hồ sơ về tham nhũng, liên quan đến ông Zardari trong những năm 1990.

Ngày hôm qua tướng Ashfaq Kayani, tư lệnh quân đội Pakistan họp bộ Tổng tham mưu.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, rất khó có khả năng quân đội tiến hành đảo chính. Theo xã luận tờ nhật báo Pakistan « Dawn », "việc quân đội can thiệp vi hiến và trực tiếp ngày càng khó xảy ra". Về phần mình, chính quyền dân sự cũng không có ý định cách chức tư lệnh quân đội và giám đốc cơ quan tình báo.

Nguồn gốc trực tiếp của căng thẳng gia tăng giữa hai bên là phát biểu của thủ tướng Pakistan, trả lời phỏng vấn tờ Nhân dân Nhật báo Trung Quốc, xuất bản vào Chủ nhật trước, lên án việc Tư lệnh quân đội và Giám đốc cơ quan tình báo Pakistan ra trình báo trước Tòa án Tối cao nước này về vụ « Memogate ».

Hành động này của hai người lãnh đạo quân đội và tình báo bị thủ tướng Pakistan nhận xét là « bất hợp pháp » và « vi hiến ». Lời phát biểu nghiêm trọng kể trên đã được đưa ra tại Trung Quốc, đúng vào lúc tư lệnh quân đội Pakistan công du Trung Quốc, quốc gia được coi là bạn đồng minh thân cận nhất của Islamabad.

Vụ Memogate chính là nguồn gốc xa hơn của các căng thẳng giữa quân đội và chính quyền nước này. Theo Le Figaro, vụ việc này bùng ra vào ngày 10/10/2011, khi một doanh nhân Mỹ gốc Pakistan, tiết lộ với báo Financial Times, rằng tổng thống Zardari kêu gọi Hoa Kỳ hỗ trợ trong trường hợp quân đội muốn lật đổ chính phủ.

 Vụ Memogate này, theo Le Monde, lại bắt đầu từ cuộc đột nhập bất ngờ của lực lượng đặc biệt Mỹ, tiêu diệt Ben Laden ngày 2/5/2011, mà không báo trước với chính quyền Pakistan. Vụ tấn công này đã gây ra khủng hoảng nghiêm trọng trong quan hệ giữa Mỹ và Pakistan.

 Vẫn theo tiết lộ của doanh nhân Mỹ gốc Pakistan trên tờ Financial Times, đại sứ Pakistan tại Mỹ có thể đã chuyển cho tổng tham mưu trưởng liên quân Hoa Kỳ một thông điệp yêu cầu Mỹ hỗ trợ, nếu có đảo chính, và để đổi lại Islamabad sẽ điều chỉnh chính sách phù hợp với Washington, đặc biệt trong cuộc chiến chống khủng bố.

Theo Le Figaro, tổng thống Pakistan sợ Tòa án Tối cao còn hơn cả ngại quân đội, vì Chánh án Tòa án Tối cao đã hủy bỏ sắc lệnh hòa giải quốc gia (NRO), được áp dụng vào năm 2007. NRO là cơ sở bảo đảm cho tổng thống Zardari quyền được miễn tố.

Tòa án Tối cao cũng đe dọa hủy bỏ luôn cả quyền miễn tố của tổng thống Pakistan. Chánh án Tòa án Tối cao Chauhdry cũng là người từng bị tổng thống tiền nhiệm phế truất, và bị đương kim tổng thống ngăn cản không cho trở lại vị trí này.

Thế giới Ả Rập, một năm sau Ben Ali

Về các chuyển biến dân chủ tại các nước Ả Rập, nhiều báo Pháp hôm nay quan tâm đến dịp tròn một năm ngày Tunisia lật đổ nhà độc tài Ben Ali. Le Figaro có hồ sơ « Thế giới Ả Rập, một năm sau Ben Ali ».

Thực tế hiện nay, theo tổng kết của Le Figaro là, sau khi các chế độc độc đoán sụp đổ, các lực lượng chính trị Hồi giáo nổi lên khắp nơi và thắng thế trong việc nắm lấy quyền bính, qua các cuộc bầu cử tự do đầu tiên. Theo Le Figaro, trong « trận sóng thần tsunami Hồi giáo » đang diễn ra, có thể nhận thấy ba xu thế chính yếu.

Thứ nhất là, khó lòng ra đời một sự thống nhất của thế giới Ả Rập, dưới màu cờ Hồi giáo, bởi mỗi chính quyền dân cử phải đối mặt với nhiều thách thức riêng biệt ở mỗi nước. Xu hướng thứ hai là ảnh hưởng của Hoa Kỳ sụt giảm mạnh. Và xu hướng thứ ba là, tại nhiều khu vực, các cộng đồng thuộc hai hệ phái Hồi giáo chính, Shia và Sunni ngày càng có nhiều xung đột trực tiếp.

Hiện xung đột lên mức cao trào tại Syria, một mắt xích yếu của nhóm các nước theo hệ phái Shia ở Trung - Cận Đông (gồm Iran, Irak, Syria và Hezbolah), đứng đầu là Iran. Can thiệp quân sự của Ả Rập Xê Út và các Tiểu vương quốc Ả Rập tại Bahrain, nước chủ yếu dân cư theo hệ phái Shia, dưới sự điều hành của thiểu số Sunni, trong thời gian gần đây, cho thấy, các vương quốc Sunni vùng Vịnh đang đi dần đến chỗ đối đầu trực tiếp với Iran.

 Theo Le Figaro, trong tương quan lực lượng khu vực, sự sụp đổ của chính quyền al-Assad thuộc nhóm Hồi giáo Alawi, tức một chi phái của hệ phái Shia (trong một quốc gia có 60% dân cư theo hệ phái Sunni), sẽ là một điều có lợi cho nhóm các nước Sunni vùng Vịnh.

Cũng về chủ đề 1 năm sau Ben Ali, tờ L’Humanité tổ chức một « hội thảo bàn tròn », với chủ đề « Một năm sau khi Ben Ali sụp đổ, Tunisia đi về đâu ? », với sự tham gia của một đại diện Hiệp hội Phụ nữ Dân chủ Tunisia, một nhà hoạt động nghiệp đoàn và một luật sư thuộc Liên đoàn Nhân quyền Tunisia.

 Bà Sanaa Benachour (Hiệp hội Phụ nữ Dân chủ Tunisia) nhận xét : « Cả một núi công việc đồ sộ. Tất cả phải xây dựng lại. Nhưng điều vui sướng nhất, đó là tình cảm tự do. » Còn ông Massaoud Romdhani, nhà nghiệp đoàn, người điều hành Ủy ban ủng hộ cư dân Gafsa năm 2008, thì cho biết ông hết sức lo ngại vì sự nở rộ của các nhóm tôn giáo cực đoan, đang đưa đất nước này vào một cuộc phiêu lưu vô định. Nữ luật sư Mokhtar Trifi (Liên đoàn Nhân quyền Tunisia) thì nhấn mạnh đến các hoạt động để chống lại nạn thất nghiệp và bất bình đẳng ở khắp nơi.

Tranh cử tổng thống Pháp : có đến 4 ứng cử viên có khả năng lọt vào vòng hai

Còn ba tháng nữa các cử tri Pháp sẽ đi bỏ phiếu tổng thống, tờ Les Echos có bài « Cuộc đọ sức giữa bốn đối thủ, định hình 100 ngày trước cuộc bầu cử ».

Les Echos nhận định rằng, đây là lần đầu thế trận đối đầu 4 bên này trở lại, sau 30 năm vắng bóng, kể từ cuộc bầu cử năm 1981, với thắng lợi thuộc về lãnh tụ đảng Xã hội François Mitterand.

Trong cuộc bầu cử lần này, có đến 4 ứng viên có khả năng lọt vào vòng 2. Đó là các ông Nicolas Sarkozy, lãnh đạo đảng cánh hữu UMP cầm quyền, đương kim tổng thống, với khả năng nhận được 25% phiếu, theo kết quả điều tra của Opinion Way-Finducial cho đài Radio Classique và chính tờ Les Echos, tiếp theo đó người có khả năng đoạt nhiều phiếu nhất là ông François Holland, ứng cử viên của đảng cánh tả Xã hội, có khả năng được 27% phiếu.

Người nhiều phiếu thứ ba, theo dự đoán sẽ là lãnh đạo đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia Marine Le Pen, với khả năng 17% và cuối cùng là lãnh đạo đảng cánh trung Modem, François Bayrou, với số phiếu xấp xỉ là 15%.

Les Echos lưu ý, hiện tại có đến 28% người được hỏi chưa cho biết ý kiến. Giám đốc chuyên môn của cơ quan điều tra dư luận kể trên nhận xét, cuộc chơi vẫn đang mở, các cử tri còn có thời gian cân nhắc.

Le Figaro lý giải 10 vấn đề để giúp độc giả hiểu rõ hơn về cuộc bầu cử. Một nửa các vấn đề liên quan đến các ứng cử viên hàng đầu như đã nói ở trên.

Theo Le Figaro, mới chỉ có 5 trên tổng số khoảng 20 người định ứng cử là hội đủ 500 chữ ký của các đại biểu dân cử cần thiết, để chính thức trở thành ứng cử viên tổng thống. Chỉ 5 tuần ngay sau kỳ bầu cử tổng thống là kỳ bầu cử Quốc hội Pháp, theo Le Figaro, với sự thay đổi độ dài của nhiệm kỳ tổng thống từ 7 nămi thành 5 năm cho khớp với nhiệm kỳ Quốc hội 5 năm, khả năng chức vụ Tổng thống thuộc về một cánh và đa số Quốc hội thuộc về cánh kia, như trong những năm 1980 hay 1990, sẽ rất khó xảy ra tại Pháp. Bên thắng cử Tổng thống gần như sẽ nắm chắc phần chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội.

Cũng liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống Pháp, Libération đặc biệt chú ý đến việc tổng thống Nicolas Sarkozy có khả năng đưa việc công nhân hôn nhân đồng tính vào chương trình tranh cử, theo một số nguồn tin riêng.

 Theo đánh giá của người sáng lập Hiệp hội Act Up, nhiều người có quan hệ đồng tính ngả theo cánh hữu, đây là kết quả của một thế hệ ngày càng coi trọng các lựa chọn mang tính cá nhân và ít tham gia vào các hoạt động tranh đấu.

Về chủ đề tranh cử tổng thống tại Pháp, Le Monde, chú ý đến việc gần 1/3 cử tri ủng hộ các ý tưởng của Mặt trận Quốc gia. Theo tờ Les Echos, ngày hôm qua, lãnh đạo đảng này, bà Marine Le Pen, đã đưa ra các số liệu cụ thể cho chương trình tranh cử, theo đó, nếu nước Pháp ra khỏi khu vực euro, thì sẽ được hưởng lợi 161 tỷ euro trong vòng năm năm. Bên cạnh đó, việc chống nhập cư cũng sẽ đem lại cho Pháp hơn 40 tỷ euro … Tuy nhiên, theo đánh giá của Viện Montaigne, việc ra khỏi euro và hạ giá đồng tiền, ngược lại, có thể làm Pháp thiệt hại hơn trăm tỷ euro và dẫn đến việc phải hoạch định lại hoàn toàn các định hướng xã hội.

Trên trang nhất các nhật báo Pháp

Hầu hết các nhật báo lớn tại Pháp đều nói đến cuộc bầu cử tổng thống đang bước vào giai đoạn cuối. « J-100, ngày thứ 100 trước cuộc bầu cử. 10 câu hỏi liên quan » là tựa đề trên trang nhất Le Figaro.

Le Monde thì chú ý đến việc « Gần một phần ba người Pháp ủng hộ các quan điểm của đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia », theo điều tra dư luận của TNS Sofres. « 100 ngày để tạo sự khác biệt » là hàng tựa trang nhất tờ l’Humanité.

 Libération tập trung vào một diễn biến có thể xảy ra trong hồ sơ « Kết hôn của những người đồng tính. (Tổng thống) Sarkozy có xu hướng ủng hộ ». Một số nguồn tin của tờ báo cho biết Tổng thống Pháp trong những ngày tới sẽ đưa chủ trương ủng hộ hôn nhân đồng tính vào chương trình tranh cử. Trong khi đó, theo Les Echos, tranh cử tổng thống Pháp sẽ là cuộc đọ sức giữa 4 đối thủ chính.

Cũng trên trang nhất tờ báo kinh tế Les Echos là hàng tựa « Khủng hoảng đồng euro, mặt trận nợ công có các dấu hiệu chùng xuống », với các thông tin về việc Tây Ban Nha và Ý có thể bán được trái phiếu với lãi suất thấp hơn. Bên cạnh đó, quá trình giải cứu Hy Lạp cũng đang đi đúng đường.