Home Tin Tức Thời Sự Cuộc chạy đua bao vây Iran

Cuộc chạy đua bao vây Iran PDF Print E-mail
Tác Giả: BBC   
Thứ Năm, 12 Tháng 1 Năm 2012 09:53

Lãnh đạo Cuba hoàn toàn ủng hộ Iran phát triển chương trình nguyên tử

Tiễn Tổng thống Iran ông Mahmoud Ahmadinejad ra sân bay rời Cuba để bay sang Ecuador hôm 12/1, Chủ tịch Raul Castro nói chuyến thăm của người bạn Iran là rất tốt và hiệu quả.

Ông Admadinejad chia tay vị lãnh đạo Cuba trong tâm trạng phấn chấn, không kém gì lúc ông được gặp anh của ông Raul là Fidel Castro, năm nay 85 tuổi.

  
Cuba hoàn toàn ủng hộ chương trình nguyên tử “vì mục tiêu dân sự và hòa bình của Iran”, theo các hãng thông tấn trích lời lãnh đạo Cuba.

 

Cuba, nước bị cấm vận của Hoa Kỳ từ nửa thế kỷ qua, cũng chia sẻ cảm thông với Iran, nước đang bị Mỹ bao vây cô lập vì có tham vọng hạt nhân bị coi là không rõ ràng.

Nhưng không rõ Cuba có giúp được gì cho Iran về kinh nghiệm đối phó với bao vây kinh tế hay không.

Và dù được Tổng thống Hugo Chavez của Venezuela ủng hộ, điều mà nhà lãnh đạo Iran đang phải đối mặt chính là khó khăn trong việc bán dầu và thu tiền về với các bạn hàng lớn ở châu Á.

Vận động Đông Tây

Chuyến thăm Tây Bán Cầu của lãnh đạo Iran diễn ra cùng thời gian Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ, Timothy Geither đến Đông Bắc Á để nói chuyện cũng về Iran.

Thăm Trung Quốc và Nhật Bản, Hoa Kỳ tiếp tục chính sách của Tổng thống Obama là vận động một liên minh rộng tối đa để đi đến chỗ thắt chặt gọng kìm trừng phạt Tehran.

Châu Âu, lại do Tổng thống Pháp, Nicolas Sarkozy chủ trì, đang ráo riết nhắm vào cuộc bỏ phiếu, dự kiến vào cuối tháng đầu tiên của năm mới, để tăng các biện pháp cấm vận Iran.

Cuộc đọ sức Tehran và Washington cuối cùng cũng phải đến một đoạn so găng công khai.

 "Vị thế cơ bản của Hàn Quốc là hợp tác với Hoa Kỳ"  Bộ trưởng kinh tế Hàn Quốc

Nhưng cả hai đều cố gắng tìm kiếm sự hỗ trợ dù nhiều hay ít từ các nước khác.

Hoa Kỳ hiển nhiên không trông đ̣ợi Trung Quốc, nước đang nhập 1/3 sản lượng 2,2 triệu thùng dầu mỗi ngày từ Iran, dễ dàng ‘bật đèn xanh’ cho mọi hành động bủa vây hoặc tấn công Iran.

Nhưng Nhật Bản đã đồng ý đứng về phía Hoa Kỳ và giảm dần khoản dầu mua từ Iran.

Quan chức Nhật đã và đang nói chuyện với Ả Rập Saudi và Oman để chuyển nguồn cung ứng dầu.

Theo sau quyết định ngăn chặn chuyển khoản quốc tế với Iran do Tổng thống Obama ký, Tehran kẹt ngay 5 tỷ đôla ở các ngân hàng Nam Hàn.

Quan chức Nam Hàn cũng nói chuyện với các quốc gia bán dầu khác ở Trung Đông để rút dần khỏi nguồn dầu Iran kể từ tháng 7 này.

 Các nhà máy lọc dầu của Iran vẫn hoạt động tốt nhưng chỉ khó bán

Tuần tới, Thủ tướng Trung Quốc, ông Ôn Gia Bảo và Thủ tướng Hàn Quốc Kim Hwang-sik sẽ đến dự diễn đàn Năng lượng Tương lai tại Dubai và tiếp xúc với các quốc gia bán dầu trong vùng.

Dù không nói thẳng ra là Seoul ủng hộ Mỹ trừng phạt Iran, Bộ trưởng kinh tế Hàn Quốc, ông Hong Suk-woo được trích lời nói "vị thế cơ bản của Hàn Quốc là hợp tác với Hoa Kỳ".

Ấn Độ thì cử một đoàn đến Tehran từ 16 đến 21 tháng này nhằm nghiên cứu khả năng thanh toán cho Iran bằng cách nào đó mà không vi phạm lệnh cấm vận.

Vì dù các chính phủ có muốn phản đối hành động của Mỹ, quyết định của Hoa Kỳ và lệnh trừng phạt sắp tới của châu Âu sẽ làm cho các công ty nước ngoài gần như phải ngưng giao thương với Iran.

Hoặc nếu họ muốn tiếp tục làm thì phải tìm ra các cách khác, chắc chắn sẽ tốn kém hơn và nhiều rủi ro hơn để vận chuyển dầu và trả tiền cho Iran.

Trên thực tế, Trung Quốc đã giảm dần lượng dầu thô mua từ Iran vì một cuộc tranh tụng liên quan đến hợp đồng và cũng đang tìm nguồn cung ứng mới.

Ấn Độ, nước mua dầu nhiều thứ nhì từ Iran sau Trung Quốc, đang nhắm tới Iraq, Ả Rập Saudi và Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UEA) để chuyển hướng mua bán.

Dự kiến EU sẽ đồng ý về các biện pháp mới nhằm bao vây, trừng phạt Iran vào ngày 23/1.

Với đà này, giới quan sát thị trường dầu thô vùng Vịnh cho rằng Ả Rập Saudi có thể phải tăng sản lượng lên để đáp ứng nhu cầu từ các khách hàng mới.

Ngay bây giờ, điều có thể làm Iran có thể vui là một số nước châu Âu như Tây Ban Nha, Ý và Hy Lạp gấp rút đặt hàng mua dầu thô của Iran trước khi lệnh cấm vận mới có hiệu lực, dự kiến vào nửa sau của năm 2012.

Nhưng đây cũng là dấu hiệu đợt cấm vật này sẽ là một đòn mạnh, thậm chí mạnh nhất từ trước tới nay mà Phương Tây đánh vào Tehran, trước mắt là về kinh tế.